Ung Thư Đại Tràng Giai Đoạn 2
Ung thư đại tràng giai đoạn 2 là giai đoạn ung thư bắt đầu ảnh hưởng đến lớp ngoài của trực tràng và các cơ quan lân cận. Trong giai đoạn này người bệnh cần có kế hoạch điều trị và phòng ngừa phù hợp để ngăn ngừa ung thư phát triển và kéo dài thời gian sống.
Định nghĩa
Ung thư đại tràng được phân thành 5 cấp độ khác nhau, từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4. Giai đoạn ung thư đề cập đến mức độ lan rộng của ung thư. Xác định giai đoạn ung thư là điều cần thiết để xác định các phương pháp điều trị thích hợp.
Ung thư đại tràng giai đoạn 2 là tình trạng bệnh tiến triển hơn so với giai đoạn 0 và giai đoạn 1. Các tế bào ung thư đã phát triển ra bên ngoài lớp niêm mạc và dưới lớp niêm mạc đại tràng, nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết. Nếu không được xử lý phù hợp, ung thư có thể di căn và lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư đại tràng giai đoạn 2 được phân thành 3 giai đoạn nhỏ, bao gồm:
- Giai đoạn 2A: Trong giai đoạn này ung thư di chuyển đến các lớp bên ngoài của ruột kết nhưng chưa xâm lấn hoàn toàn ra bên ngoài thành ruột. Tế bào ung thư cũng không lan đến các hạch bạch huyết và các mô lân cận.
- Giai đoạn 2B: Trong giai đoạn này, tế bào ung thư không lan đến các hạch bạch huyết nhưng phát triển qua lớp ngoài của đại tràng và gây ảnh hưởng đến phúc mạc. Phúc mạc là lớp màng giữ và bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng.
- Giai đoạn 2C: Ung thư lan đến lớp ngoài cùng của đại tràng, phát triển và gây ảnh hưởng đến các cấu trúc hoặc cơ quan lân cận. Tuy nhiên, ung thư cũng không gây ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết.
Ung thư đại tràng giai đoạn 2 có thể điều trị được nếu có kế hoạch xử lý kịp thời. Các biện pháp điều trị thường bao gồm phẫu thuật loại bỏ khối u và các hạch bạch huyết liên quan, hóa trị sau phẫu thuật hoặc xạ trị nếu khối u lớn và đã lan sang các mô lân cận.
Nếu không được điều trị, ung thư có thể chuyển sang giai đoạn 3. Điều này có thể gây khó khăn cho công tác điều trị và gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Hình ảnh
Triệu chứng
Ung thư đại tràng thường không có dấu hiệu nhận biết đặc trưng. Do đó, người bệnh cần thường xuyên kiểm tra (khám) đại trực tràng để phát hiện các vấn đề. Độ tuổi phù hợp thực hiện các xét nghiệm sàng lọc ung thư phụ thuộc vào yếu tố nguy cơ, đặc biệt là người có tiền sử gia đình ung thư đại tràng tràng.
Ngay cả khi người bệnh không có tiền sử gia đình bị ung thư hoặc polyp đại tràng, người bệnh nên lưu ý về các thay đổi của cơ thể. Ở giai đoạn 2, ung thư đại tràng có một số biểu hiện như:
- Có máu trên phân: Một trong những dấu hiệu phổ biến của ung thư đại tràng giai đoạn 2 là đi ngoài ra máu hoặc có máu trong phân. Mặc dù tình trạng này có thể là dấu hiệu bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm loét đại tràng hoặc các vấn đề tiêu hóa khác, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể là dấu hiệu ung thư. Do đó, nếu đi ngoài ra máu, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
- Thay đổi thói quen đi đại tiện: Người bệnh có vấn đề về đại tràng có thể bị táo bón, tiêu chảy, phân hẹp mỏng dài có hình dạng như bút chì. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp tình trạng đại tiện không tự chủ hoặc đại tiện không hoàn toàn (ruột không được làm sạch sau khi đi đại tiện).
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân: Thiếu máu xảy ra khi thiếu hụt các tế bào hồng cầu (các tế bào vận chuyển máu đi khắp cơ thể). Khi bị thiếu máu, người bệnh có thể mệt mỏi, khó thở, uể oải và thiếu tập trung. Bên cạnh đó, mệt mỏi liên quan đến thiếu máu thường không được cải thiện khi người bệnh ngủ hoặc nghỉ ngơi.
Ngoài ra, ung thư đại tràng giai đoạn 2 có thể dẫn đến một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như:
- Đau bụng, chướng bụng hoặc đau vùng chậu;
- Chán ăn, giảm cân không rõ lý do;
- Nôn mửa.
Ung thư đại tràng giai đoạn 2 thường không có triệu chứng rõ rệt. Do đó, thường xuyên tầm soát ung thư đại trực tràng là điều cần thiết để tránh gây ảnh hưởng đến tính mạng. Theo khuyến cáo, những người trên 45 tuổi nên tầm soát ung thư đại tràng định kỳ và sớm hơn đối với người bệnh có nguy cơ cao, chẳng hạn như có tiền sử gia đình ung thư.
Yếu tố nguy cơ
Ung thư đại tràng là tình trạng gây đe dọa đến tính mạng nếu không có kế hoạch xử lý kịp thời. Ở giai đoạn 2, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Thiếu máu do thiếu sắt: Ung thư đại tràng di căn có thể gây chảy máu, điều này dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Thiếu máu có thể dẫn đến chóng mặt, mệt mỏi bất thường, đánh trống ngực, khó thở và được chẩn đoán thông qua xét nghiệm công thức máu toàn bộ.
- Tắc ruột: Khối u có thể gây tắc nghẽn đại tràng và ruột. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tắc nghẽn, các chất rắn, chất lỏng, thậm chí là khí, có thể bị tắc ở đại tràng. Điều này có thể dẫn đến đau bụng, đầy hơi, táo bón, co thắt cơ bụng, buồn nôn và nôn.
Nếu không được điều trị, ung thư có thể phát triển thành giai đoạn 3 hoặc 4 và gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ung thư đại tràng giai đoạn 2 có thể điều trị bằng cách phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị. Điều quan trọng là điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ chuyên môn.
Phòng ngừa
Cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư đại tràng tái phát và nghiêm trọng hơn sau khi điều trị theo dõi định kỳ. Người bệnh nên tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, điều này có thể giúp phát hiện và xử lý các rủi ro kịp thời.
Bên cạnh đó, thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống hàng ngày cũng có thể hạn chế các nguy cơ tái phát ung thư. Cụ thể, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Bổ sung trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt để tăng cường vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa cần thiết.
- Hạn chế lượng rượu tiêu thụ hoặc tránh uống rượu để phòng ngừa ung thư và tăng cường sức khỏe.
- Không hút thuốc lá và tránh khói tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần để tăng cường sức khỏe cũng như hệ thống miễn dịch.
- Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý bằng cách thay đổi chế độ ăn uống phù hợp, vận động thường xuyên cũng như nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tăng cường sức khỏe tinh thần bằng các bài tập yoga, thiền hoặc thực hiện các kỹ thuật thư giãn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Biện pháp chẩn đoán
Có một số xét nghiệm được sử dụng để xác định ung thư đại tràng. Mặc dù nội soi thường được xem là phương pháp chính xác nhất, tuy nhiên đôi khi bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm như:
- Xét nghiệm hóa miễn dịch trong phân (FIT): Xét nghiệm này xác định lượng máu trong phân mà người bệnh không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Phân sẽ được thu thập tại nhà hoặc phòng khám và được kiểm tra tại phòng thí nghiệm để xác định máu trong phân.
- Nội soi đại tràng sigma linh hoạt: Thủ thuật này sử dụng một thiết bị được gọi là ống nội soi đại tràng sigma để xem bên trong trực tràng và đại tràng. Ống nội soi sẽ được đưa qua hậu môn, đi lên trực tràng và đại tràng sigma (phần đại tràng có hình chữ S). Đây là một thủ thuật nhanh chóng, tuy nhiên ruột cần được làm sạch trước khi nội soi. Do đó, người bệnh thường được đề nghị sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc xổ.
- Chụp CT đại tràng: Trong quá trình này, bác sĩ sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh vùng bụng và khung chậu của người bệnh. Trước khi chụp CT, người bệnh sẽ được uống được cản quang, bơm chất cản quang và không khí trực tràng để hình ảnh rõ nét hơn.
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ: Xét nghiệm này có thể phát hiện những bất thường trong máu của người bệnh khi có khối u ung thư.
Các xét nghiệm có thể không xác định chính xác giai đoạn của ung thư cho đến khi phẫu thuật đại tràng được thực hiện. Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ kiểm tra khối u và các hạch bạch huyết đã được loại bỏ. Điều này giúp bác sĩ xác định chính xác ung thư đại tràng giai đoạn 2 và chỉ định kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Biện pháp điều trị
Các phương pháp điều trị được khuyến khích cho ung thư đại tràng giai đoạn 2 phụ thuộc vào mức độ xâm lấn của ung thư. Cụ thể, các phương pháp điều trị bao gồm:
1. Phẫu thuật
Ở giai đoạn 2, khối u thường có kích thước nhỏ và không xâm lấn đến các hạch bạch huyết, do đó bác sĩ thường đề nghị các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu. Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ được phẫu thuật (cắt bỏ một phần) của đại tràng tại vị trí chứa khối u, một số mô xung quanh và các hạch bạch huyết lân cận. Cụ thể, các loại phẫu thuật phổ biến bao gồm:
- Cắt bỏ niêm mạc thông qua nội soi: Các khối u có thể được cắt bỏ bằng công cụ đặc biệt thông qua nội soi. Trong phẫu thuật này, một lượng nhỏ niêm mạc bên trong đại tràng cũng có thể được loại bỏ để ngăn ngừa ung thư tái phát.
- Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu: Trong thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ ở thành bụng, đưa dụng cụ phẫu thuật có camera và đèn để tiến hành loại bỏ các khối u.
- Cắt bỏ một phần: Bác sĩ cắt bỏ phần ruột kết chứa tế bào ung thư cùng với các mô lần cận và một số hạch bạch huyết xung quanh. Sau đó, hai đầu khỏe mạnh của đại tràng sẽ được nối lại với nhau để đảm bảo chức năng ruột của người bệnh.
- Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết: Các hạch bạch huyết gần khối u ung thư cũng được loại bỏ để ngăn ngừa các nguy cơ ung thư lây lan. Ngoài ra các hạch bạch huyết có thể được kiểm tra ở phòng thí nghiệm để đánh giá giai đoạn và khả năng di căn của ung thư.
2. Hóa trị hoặc xạ trị
Trong một số trường hợp, không thể loại bỏ ung thư bằng phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị bắt đầu liệu pháp toàn thân (hóa trị hoặc xạ trị) với mục tiêu giúp loại bỏ ung thư.
Đối với bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn 2 có nguy có thấp, bác sĩ có thể theo dõi phản ứng của cơ thể sau điều trị. Đối với bệnh nhân có nguy cơ cao, bác sĩ thường đề nghị hóa trị ung thư đại tràng để giảm nguy cơ tái phát.
Một số yếu tố nguy cơ cần chú ý bao gồm:
- Ung thư đại tràng đặc trưng bởi khối u cấp cao (các tế bào bất thường khi kiểm tra dưới kính hiển vi);
- Ung thư xâm lấn vào máu hoặc các hạch bạch huyết gần đó;
- Bác sĩ đã loại bỏ ít hơn 12 hạch bạch huyết;
- Phần rìa của khối u không sạch và có chứa các tế bào ung thư;
- Ung thư không thể được loại bỏ hoàn toàn;
- Khối u gây tắc nghẽn ruột kết hoặc đại tràng.
Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u hoặc sau phẫu thuật để loại bỏ tất cả tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị cũng có thể làm giảm các triệu chứng ung thư và giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Xạ trị sử dụng các nguồn năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và protein, để tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp này được sử dụng để thu nhỏ khối u có kích thước lớn để quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn.
Tế bào ung thư đại tràng giai đoạn 2 đã đi qua thành đại tràng và có thể lan đến nhiều cơ quan lân cận, chẳng hạn như bàng quang, tử cung hoặc tuyến tiền liệt. Mặc dù ung thư không đến các cơ quan và hạch bạch huyết ở xa, tuy nhiên người bệnh cần có kế hoạch phòng ngừa phù hợp để tránh ung thư tái phát.
Ung thư đại tràng giai đoạn có thể điều trị được nếu tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh tuân thủ kế hoạch điều trị thường có thể sống sót trên 5 năm kể từ ngày được chẩn đoán ung thư.
- Chuyên gia
- Cơ sở