Viêm Điểm Bám Gân
Viêm điểm bám gân có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể. Khi bệnh khởi phát, bạn phải đối mặt với triệu chứng đau nhức rất khó chịu, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Viêm điểm bám gân là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở vị trí gân, bao gân và dây chằng bám vào xương. Bệnh lý này có thể khởi phát ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là những người ngoài 35 tuổi. Khi bị viêm, người bệnh phải đối mặt với các triệu chứng sau đây:
- Đau nhức ở vị trí bị viêm, cơn đau thường diễn ra liên tục và tăng lên khi vận động. Cơn đau có thể xảy ra khu trú tại một chỗ hoặc lan rộng ra vùng cơ bị ảnh hưởng gây hạn chế vận động.
- Quanh khu vực đau nhức sẽ có thêm triệu chứng sưng tấy hoặc nóng đỏ. Khi dùng tay sờ vào sẽ thấy có cục u nhỏ nổi dọc trên gân.
- Nếu bị viêm điểm bám gân ở chi, triệu chứng đau nhức sẽ xuất hiện nhiều hơn mỗi khi người bệnh vận động. Đồng thời, lực cơ cũng bị suy giảm đáng kể so với bên chi không bị ảnh hưởng.
- Nếu bị viêm điểm bám gân do nhiễm khuẩn hoặc do bệnh lý, bạn sẽ có thêm các triệu chứng của bệnh lý đó.
Viêm điểm bám gân là bệnh lý không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh lại khiến khả năng vận động bị suy giảm đáng kể. Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày và công việc của người bệnh. Ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu chủ quan trong việc điều trị, tình trạng bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn và phát sinh biến chứng. Lúc này, việc điều trị và phục hồi sẽ khó khăn hơn nhiều.
Hình ảnh
Nguyên Nhân
Khi nắm rõ nguyên nhân gây ra tình trạng viêm điểm bám gân, bạn có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa sao cho phù hợp. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh mà chúng tôi tổng hợp được, bạn có thể tham khảo:
- Thói quen sinh hoạt: Vận động quá sức khi làm việc hoặc chơi thể thao, lặp lại một động tác trong thời gian dài do ảnh hưởng từ tính chất công việc,... là những thói quen xấu rất dễ kích thích khởi phát bệnh.
- Bệnh lý: Viêm điểm bám gân cũng có thể khởi phát khi bạn mắc phải một số bệnh lý về cơ xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp,...
- Nguyên nhân khác: Ngoài hai nguyên nhân thường gặp ở trên, bệnh lý này cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số dị tật bẩm sinh gây lệch trục của chi hoặc do nhiễm khuẩn.
Biện pháp điều trị
Khi có các dấu hiệu của bệnh viêm điểm bám gân, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám chuyên khoa. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng lâm sàng mà bạn đang mắc phải, thăm hỏi về tiền sử bệnh lý trước đó cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày. Nhưng để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết khác như siêu âm, xét nghiệm hình ảnh,...
Sau khi đã có chẩn đoán xác định và biết được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Dưới đây là các phương pháp điều trị viêm điểm bám gân được áp dụng phổ biến trong y khoa bạn có thể tham khảo:
Điều trị không dùng thuốc
Với những trường hợp nhẹ, người bệnh chỉ cần nẹp cố định vùng gân bị viêm mà không cần điều trị chuyên khoa. Nếu xuất hiện triệu chứng đau nhức, bạn có thể tiến hành chườm lạnh hoặc xoa bóp để cải thiện. Đồng thời, hạn chế vận động vùng gân bị viêm để quá trình phục hồi diễn ra tốt hơn.
Dùng thuốc
Nếu triệu chứng đau nhức xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc để cải thiện, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn và có thể thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Dựa vào mức độ đau nhức mà bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc điều trị sao cho phù hợp. Thường dùng là thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ. Thông thường, các loại thuốc này sẽ được sử dụng bằng đường uống hoặc thoa ngoài. Còn thuốc tiêm chỉ được dùng khi tình trạng đau nhức xảy ra ở mức độ nặng.
Vật lý trị liệu
Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cũng nên kết hợp điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu giúp tình trạng bệnh nhanh chóng chuyển biến tốt. Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất là bất động bằng nẹp và vận động trị liệu. Với những trường hợp viêm mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng sóng ngắn hoặc sóng ngoài để điều trị.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Trong suốt quá trình điều trị viêm điểm bám gân, người bệnh cần tránh xa các tác nhân gây đau nhức và căng cơ, tránh để cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho phù hợp. Chế độ ăn uống hàng ngày cần xây dựng theo một thực đơn khoa học giúp quá trình phục hồi tổn thương có thể diễn ra một cách tốt nhất.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm điểm bám gân bạn có thể tham khảo. Hy vọng, chúng sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức cần thiết để chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. Ngay khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh ảnh hưởng đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống hàng ngày.
- Chuyên gia
- Cơ sở