Viêm Hang Vị Dạ Dày

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm hang vị dạ dày là một bệnh lý phổ biến trong đường tiêu hóa, với những triệu chứng như đau nhói dạ dày, đầy bụng khó tiêu và buồn nôn. Nguyên nhân của bệnh có thể bao gồm nhiều yếu tố khác nhau. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, cách nhận biết triệu chứng và phương pháp điều trị hiệu quả.

Định nghĩa

Hang vị là phần nằm ngang cuối cùng của dạ dày, vị trí được xác định là từ góc bờ cong đến lỗ môn vị, bên trong hang vị được lót bởi một lớp niêm mạc dày. Có thể nói hang vị là đáy của dạ dày, chức năng của cơ quan này là chứa đựng đồ ăn và nước uống do cơ thể nạp vào. Chính vì thế mà hang vị có nguy cơ bị viêm là rất cao.

Viêm hang vị dạ dày là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại niêm mạc lót trong hang vị gây đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội. Ở những trường hợp bệnh diễn ra với mức độ nặng còn gây chảy máu dạ dày. Viêm hang vị có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào nhưng thường gặp nhất là người trung niên và người cao tuổi. Dựa vào biểu hiện mà y khoa phân loại bệnh viêm hang vị dạ dày thành các dạng cơ bản sau đây:

Viêm xung huyết hang vị dạ dày: Ở dạng bệnh này, vùng hang vị sẽ xuất hiện các vết viêm loét, sưng huyết và chảy máu. Khi nội soi bạn sẽ thấy các triệu chứng này rất rõ ràng kèm theo sự xuất hiện của các đốm đỏ trên bề mặt thành dạ dày. Viêm xung huyết hang vị dạ dày thường tiến triển với hai cấp độ là nhẹ và trung bình.

Viêm trợt hang vị: Hay còn được gọi với cái tên khác là viêm xước hang vị. Quan sát qua hình ảnh nội soi bạn sẽ thấy bề mặt thành dạ dày có sự xuất hiện của các vết xước nhỏ và lăn tăng, nếu không tiến hành điều trị thì số lượng vết xước sẽ nhiều hơn. Viêm trợt hang vị là dấu hiệu cho thấy bệnh viêm hang vị dạ dày đang trở nặng và có nguy cơ ăn sâu vào bên trọng lớp niêm mạc. Nguyên nhân gây viêm trợt hang vị thường gặp nhất là do sự tấn công gây hại của vi khuẩn Hp.

Viêm hang vị dạng nốt: Viêm hang vị dạng nốt sẽ hình thành nên các vết trầy xước trên thành dạ dày ở thời gian đầu, sau đó chúng dần xung huyết và hình thành nên các ổ viêm nhỏ. Các ổ viêm này đã tạo nên các nốt sần dày đặc trên thành dạ dày trông như mụn.

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, viêm hang vị là bệnh lý rất khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát trở lại với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn. Bệnh gây ra các cơn đau quằn quại với tần suất liên tục khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể.

Hình ảnh

Triệu chứng

Các triệu chứng của bệnh viêm hang vị cũng tương tự như các bệnh lý về dạ dày khác. Vì thế, bạn cần thăm khám chuyên khoa giúp xác định bệnh lý bản thân đang mắc phải, để từ đó có thể ra phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Tránh tự ý điều trị tại nhà hoặc điều trị sai cách sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Dưới đây một số triệu chứng điển hình của bệnh viêm hang vị dạ dày bạn cần phải lưu ý:

  • Đau nhói: Viêm hang vị gây ra các cơn đau nhói ở vùng dạ dày. Cơn đau nhức thường xuất hiện vào ban đêm hoặc khi sử dụng các loại thực phẩm dễ gây kích ứng đến dạ dày. Khi bệnh diễn ra với mức độ nhẹ, cơn đau chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất. Nhưng nếu bệnh đã chuyển biến nặng, cơn đau sẽ diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn và tần suất xuất hiện cũng tăng lên. Khi cơn đau nhức khởi phát, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sẽ bị gián đoạn và làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày.
  • Đầy bụng khó tiêu: Viêm hang vị khiến chức năng tiêu hóa thức ăn của dạ dày bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng đầy bụng khó tiêu sau khi ăn.
  • Ợ chua, ợ hơi: Đây là triệu chứng thường gặp ở những người đang gặp các vấn đề về dạ dày. Khi thức ăn nạp vào dạ dày không được tiêu hóa hết chúng sẽ dồn nén lại, sinh khí và gây ra tình trạng đầy hơi. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng ợ hơi, ợ chua và trào ngược dạ dày.
  • Buồn nôn, nôn: Tình trạng buồn nôn và nôn thường xảy ra sau khi ăn. Đây là dấu hiệu cho thấy bệnh đã chuyển biến nặng cần được điều trị càng sớm càng tốt.
  • Màu phân thay đổi: Màu sắc phân thay đổi cũng có thể là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm hang vị dạ dày. Thông thường, phân sẽ chuyển sang màu đen hoặc các màu tối khác. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hiện tượng xuất huyết bên trong đường tiêu hóa.
  • Triệu chứng khác: Khi bị viêm hang vị dạ dày người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng toàn thân khác như mệt mỏi, xanh xao, gầy sút cân không rõ nguyên do, mất ngủ, mất vị giác, biến chứng sang u ác tính,...

Nguyên Nhân

Viêm hang vị dạ dày có thể khởi phát do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh sẽ giúp việc điều trị diễn ra thuận lợi hơn. Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây ra bệnh viêm hang vị dạ dày thường gặp bạn có thể tham khảo:

  • Vi khuẩn Hp: Đây là một loại xoắn khuẩn có khả năng sinh sôi và phát triển tại môi trường dạ dày. Thống kê y khoa cho thấy, hầu hết các trường hợp bị viêm hang vị dạ dày nhẹ đều do vi khuẩn Hp gây ra. Loại vi khuẩn này vẫn có trong dạ dày giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Nhưng nếu chúng phát triển với số lượng lớn sẽ sản sinh ra độc tố bào mòn niêm mạc gây sưng viêm.
  • Thói quen ăn uống: Thói quen ăn uống thiếu khoa học cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm hang vị dạ dày. Bệnh lý này thường khởi phát ở những người có thói quen sử dụng thực phẩm cay nóng, nhịn ăn sáng, ăn uống thất thường hay bỏ bữa, ăn thiếu dưỡng chất,... Các thói quen ăn uống này đã khiến dạ dày tăng tiết acid, tấn công vào dạ dày gây viêm.
  • Tác dụng phụ của Tây y: Lạm dụng thuốc Tây y hoặc dùng thuốc trị bệnh trong thời gian dài sẽ gây tổn thương đến dạ dày và kích thích bệnh viêm hang vị khởi phát. Đặc biệt là thuốc giảm đau và thuốc chống viêm. Trong các loại thuốc này chứa một số hoạt chất có khả năng bào mòn thành dạ dày rất cao. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng các loại thuốc này khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tác động tiêu cực từ tâm lý: Căng thẳng, stress, trầm cảm,... gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh nói chung và hoạt động của dạ dày nói chung. Khi bị căng thẳng, dạ dày sẽ tăng tiết dịch vị tiêu hóa thức ăn. Điều này đã khiến cho nồng độ acid trong dạ dày bị dư thừa, chúng sẽ ăn mòn niêm mạc hang vị và gây viêm.
  • Rối loạn tự miễn: Viêm hang vị dạ dày cũng có thể xảy ra khi hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn. Lúc này, các kháng thể do hệ miễn dịch tạo ra sẽ tấn công ngược vào tế bào dạ dày khỏe mạnh gây viêm sưng và lở loét.
  • Bệnh lý nền: Viêm hang vị cũng rất dễ khởi phát ở những người mắc các bệnh lý nền như nhiễm ký sinh trùng, HIV-AIDS, tiểu đường,... Các bệnh lý này đã khiến sức đề kháng của cơ thể bị suy yếu, tạo cơ hội cho tác nhân có hại xâm nhập vào gây bệnh.

Biến chứng

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, viêm hang vị dạ dày là bệnh lý không quá nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhưng nếu bạn chủ quan trong việc điều trị, để tình trạng bệnh diễn ra kéo dài sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan lân cận. Dưới đây là một số biến chứng có thể gặp khi bệnh viêm hang vị dạ dày chuyển biến nặng bạn có thể tham khảo:

- Viêm loét dạ dày: Đây là biến chứng thường gặp nhất của bệnh viêm hang vị dạ dày. Viêm loét dạ dày xảy ra khi acid dịch vị tấn công vào lớp niêm mạc dạ dày gây tổn thương và hình thành nên các vết viêm loét. Lúc này, cơn đau sẽ diễn ra với mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Xuất huyết dạ dày: Khi bị viêm loét dạ dày, nếu người bệnh không tiến hành điều trị đúng cách sẽ khiến vết loét phát triển lan rộng và ăn sâu vào trong thành dạ dày. Điều này đã gây tổn thương đến mạch máu và gây chảy máu dạ dày. Đây là biến chứng nguy hiểm, nếu không tiến hành cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hẹp môn vị dạ dày: Môn vị là cơ quan nối liền giữa dạ dày với hành tá tràng. Viêm hang vị nếu không tiến hành điều trị đúng cách sẽ hình thành nên mô sẹo chèn ép lên môn vị. Điều này đã khiến cho không gian của môn vị dạ dày bị thu hẹp đáng kể, gây cản trở quá trình đưa dinh dưỡng và thức ăn đi xuống cơ quan này. Triệu chứng đặc trưng của biến chứng này là đau nhức nghiêm trọng, nôn mửa có mùi hôi khó chịu và lẫn máu.

Ung thư dạ dày: Đây là biến chứng ít gặp nhưng có độ nguy hiểm rất cao. Biến chứng này thường xảy ra ở những trường hợp viêm hang vị do khuẩn Hp. Ung thư dạ dày là sự hình thành của các khối u ác tính bên trong lòng dạ dày. Đây là biến chứng không thể điều trị khỏi hoàn toàn, mục đích điều trị hiện nay là giảm nhẹ triệu chứng của bệnh và kéo dài sự sống.

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Viêm hang vị là bệnh lý có thể phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách ngay từ sớm. Vì thế, bạn cần đặc biệt chú ý đến tình trạng sức khỏe của bản thân, ngay khi thấy có các dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín thăm khám. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh thông qua việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác như xét nghiệm khuẩn HP, nội soi dạ dày, chụp x-quang, sinh thiết mô tế bào, xét nghiệm máu,...

Sau khi đã có kết quả chẩn đoán chính xác về bệnh lý, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Ở mỗi mức độ tổn thương khác nhau thì phương pháp điều trị cũng sẽ có sự khác nhau. Dưới đây là các cách điều trị viêm hang vị dạ dày bạn có thể tham khảo:

Chữa bệnh bằng Tây y

Dùng thuốc Tây y trị bệnh giúp giải quyết nhanh chóng các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra, từ đó chất lượng cuộc sống hàng ngày cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Phương pháp trị bệnh này có ưu điểm là hiệu quả nhanh và tiện lợi khi sử dụng. Tuy nhiên, thuốc Tây y có thành phần dược tính khá cao, rất dễ phát sinh tác dụng phụ nếu không được sử dụng đúng cách.

Vì thế, người bệnh nên thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ kê đơn điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng tại nhà gây kháng thuốc và phát sinh tác dụng phụ có hại đến sức khỏe. Dưới đây là một số loại thuốc Tây thường được kê đơn để điều trị bệnh viêm hang vị bạn có thể tham khảo:

  • Kháng sinh (Amoxicillin, Metronidazol, Penicillin,...) Được kê đơn điều trị đối với những trường hợp viêm hang vị dạ dày do vi khuẩn Hp. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của loại vi khuẩn này và dần lợi bỏ chúng.
  • Thuốc trung hòa acid (Omeprazol,…): Thuốc có tác dụng trung hòa lượng acid dư thừa và cân bằng lại môi trường dạ dày.
  • Thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Lansoprazol,…) Công dụng chính của nhóm thuốc này là hạn chế dạ dày tiếp tục sản sinh ra dịch vị acid tiêu hóa thức ăn.
  • Thuốc ức chế thụ thể ( Famotidine, Cimetidine,…): Thuốc có tác dụng giảm đau nhức nhanh chóng bằng cách tác động lên hệ thần kinh trung ương.

Ở những trường hợp không đáp ứng điều trị tốt với thuốc Tây, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện can thiệp ngoại khoa để cải thiện tình trạng bệnh. Đây là phương pháp rất ít được áp dụng, chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết do tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Hiện nay, y khoa có rất nhiều phương pháp can thiệp ngoại khoa điều trị bệnh viêm hang vị dạ dày, dựa vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh trạng mà bác sĩ sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp nhất.

Chữa bệnh bằng Đông y

Điều trị bệnh viêm hang vị theo Đông y là sử dụng các bài thuốc được điều chế từ thảo dược tự nhiên để cải thiện triệu chứng của bệnh. Đây là phương pháp trị bệnh có độ an toàn cao, giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể nếu dùng trong thời gian dài nên được ưu tiên áp dụng hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bệnh này cũng có tồn tại nhược điểm là mang lại hiệu quả chậm và tốn rất nhiều thời gian để sắc thuốc. Dưới đây là các bài thuốc Đông y chữa viêm hang vị dạ dày được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:

Bài thuốc số 1:

  • Chuẩn bị: Bạch thược, chỉ xác, hương phụ, sài hồ, bạch linh, xuyên luyện tử, diên hồ, cam thảo, tô ngạnh
  • Cách dùng: Đem dược liệu đi rửa sạch rồi cho vào ám sắc cùng với 4 bát nước trên lửa nhỏ. Khi nước cạn còn 1 bát thì tắt bếp, chắt lấy nước dùng để uống ngay khi còn ấm. Sử dụng bài thuốc này liên tục từ 3 - 6 tháng để mang lại hiệu quả trị bệnh.

Bài thuốc số 2:

  • Chuẩn bị: Xuyên luyện tử, thanh bì, mạch môn, bạch thược, chi tử, đơn bì, trần bì, ngọc trúc, sa sâm, thạch hộc, diên hồ sách
  • Cách dùng: Cho các vị thuốc trên vào ấm sắc cùng với 4 bát nước, sắc trên lửa nhỏ cho đến khi cạn còn 1 bát là được. Chắt lấy lượng nước sắc thu được rồi dùng để uống ngay khi còn ấm. Một thang thuốc nên sắc 3 lần để sử dụng, mỗi ngày sử dụng 1 thang là được.

Chữa bệnh bằng mẹo dân gian

Dùng mẹo dân gian chữa viêm hang vị dạ dày rất thích hợp áp dụng đối với những trường hợp bệnh mới khởi phát, triệu chứng của bệnh mới chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ. Đây là phương pháp trị bệnh có độ an toàn cao, dễ thực hiện và ít tốn kém chi phí. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện người bệnh có thể tham khảo:

Dùng nghệ tươi

  • Chuẩn bị từ 5 - 7 củ nghệ tươi đem rửa sạch sẽ qua nhiều lần nước, gọt bỏ vỏ rồi cho vào cối giã nát (nên ưu tiên sử dụng nghệ đỏ để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất).
  • Cho 50ml nước ấm vào nghệ đã giã nát, khuấy đều lên rồi dùng rây lọc lấy nước.
  • Chia lượng nước thu được thành 2 - 3 lần sử dụng để uống trong ngày. Thời điểm sử dụng tốt nhất là vào buổi sáng trước khi ăn.
  • Trường hợp không có quá nhiều thời gian chuẩn bị, bạn cũng có thể dùng bộ nghệ pha với mật ong để uống hàng ngày.

Dùng mật ong và trà xanh

  • Lá trà tươi sau khi mua về đem đi rửa sạch rồi để ráo nước. Cho lá trà vào ấm, chế nước sôi vào rồi đậy kín nắp lại.
  • Hãm lá trà trong khoảng 10 phút để thành phần dược tính trong lá trà hòa tan vào nước. Khi nước trà đã chuyển sang màu vàng tươi thì vớt bỏ lá trà.
  • Cho 2 - 3 thìa mật ong nguyên chất vào trong nước trà, dùng thìa khuấy tan rồi sử dụng để uống ngay khi còn ấm.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Viêm hang vị là bệnh lý dễ chuyển biến nặng và phát sinh biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Khi bị viêm hang vị, bạn cần chủ động đưa ra các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục bệnh. Đồng thời, đây còn là biện pháp phòng ngừa bệnh tái phát trở lại khá hiệu quả. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Điều chỉnh lại thói quen ăn uống hàng ngày sao cho phù hợp với tình trạng bệnh của bản thân. Nên chia 3 bữa chính thành 6 - 7 bữa nhỏ để sử dụng trong ngày giúp việc tiêu hóa diễn ra dễ dàng hơn, tránh gây áp lực lên dạ dày.
  • Người bệnh cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm dễ gây áp lực tiếp hóa lên dạ dày như đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhiều chất béo, thực phẩm cay nóng, đồ ăn có vị chua, trái cây chứa nhiều acid.
  • Uống nhiều nước mỗi ngày giúp trung hòa dịch vị acid tiêu hóa trong dạ dày. Nên nói không với các loại đồ uống có cồn, chất kích thích, cà phê, nước chè đặc,...
  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe vào trong thực đơn ăn uống như rau củ, thịt đỏ, sữa chua, trái cây tươi,... Ưu tiên chế biến món ăn dưới dạng mềm lỏng dễ tiêu hóa.
  • Tuyệt đối không vận động mạnh, làm việc hoặc nằm ngủ ngay sau khi ăn no. Chú ý không vừa nằm vừa ăn, không vừa ăn vừa nói hoặc bỏ bữa.
  • Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường thể lực, nâng cao sức đề kháng và cải thiện chức năng của cơ quan tiêu hóa. Nên ưu tiên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội,... tuyệt đối không tập luyện ngay sau khi ăn để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hóa của dạ dày.
  • Luôn giữ cho tinh thần ổn định, thoải mái, vui vẻ và lạc quan. Tránh rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc stress khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
  • Sử dụng thuốc Tây y trị bệnh theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tránh dùng thuốc quá liều phát sinh tác dụng phụ gây hại đến dạ dày. Tiến hành thăm khám chuyên khoa ngay khi có các dấu hiệu của bệnh để được hướng dẫn điều trị đúng cách ngay từ sớm.

Trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh viêm hang vị dạ dày bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn trong việc sớm phát hiện ra bệnh, có các biện pháp xử lý đúng cách để nhanh chóng kiểm soát tình trạng bệnh. Tuyệt đối không chủ quan trong việc điều trị, nếu không bệnh sẽ chuyển biến nặng và phát sinh ra các biến chứng nghiêm trọng.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Để trị viêm hang vị dạ dày, bạn có thể sử dụng các loại thuốc như

  • Thuốc trung hòa acid
  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thuốc kháng histamin H2
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Xem chi tiết

Để hỗ trợ trị khỏi bệnh nhanh chóng, an toàn, người bệnh nên chủ động bổ sung các nhóm thực phẩm giàu tinh bột, chất xơ, protein, probiotic, … trong bữa ăn hàng ngày.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
BS.CKI Trần Văn Hiền
BS.CKI Trần Văn Hiền
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
ThS.BS.CKII Trần Kinh Thành
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android