Xẹp Đốt Sống Lưng L1

Tổng quan

Xẹp đốt sống lưng L1 khiến cột sống mất vững và gây ra các triệu chứng đi kèm như đau lưng mãn tính, khó cử động lưng,… Với những trường hợp nghiêm trọng còn dẫn đến tình trạng biến dạng cột sống. Bài viết dưới đây là dấu hiệu nhận biết và cách điều trị bệnh lý này bạn có thể tham khảo.

Định nghĩa

Đốt sống L1 là một những đốt sống lưng rất quan trọng, chúng kết nối trực tiếp với đốt sống ngực T12. Càng xuống dưới cột sống, kích thước của đốt sống sẽ tăng dần lên giúp người bệnh có thể thực hiện các chuyển động vặn và uốn cong cột sống. Ngoài ra, đốt sống còn tạo ra ống sống để bảo vệ tủy và rễ thần kinh.

Xẹp đốt sống lưng L1 là hiện tượng đốt sống L1 bị nứt vỡ và xẹp xuống, khiến đốt sống mất đi khoảng 15 - 20% chiều cao ban đầu và không còn vững chắc. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đốt sống bị đè nén hoặc chèn ép quá mức. Lúc này, cột sống sẽ mất vững và giảm khả năng chịu lực.

Chuyên gia cho biết, tình trạng xẹp đốt sống L1 rất dễ xảy ra ở bệnh nhân bị loãng xương hoặc ung thư di căn xương. Khi bệnh lý này khởi phát, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức khá khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Với những trường hợp nặng còn gây biến dạng cột sống.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Đau lưng là triệu chứng đặc trưng và dễ nhận biết nhất của bệnh xẹp đốt sống lưng L1. Lúc này, bạn sẽ có cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ kéo dài ở vùng thắt lưng. Mức độ đau nhức sẽ tăng lên theo thời gian hoặc khi thực hiện các động tác gia tăng áp lực lên cột sống. Nhưng nếu bạn nghỉ ngơi thì cơn đau cũng dần thuyên giảm.

Dựa vào mức độ nghiêm trọng cũng như tổn thương tại cột sống mà người bệnh phải đối mặt với một số triệu chứng đi kèm sau đây:

  • Cột sống bị biến dạng, xuất hiện đường cong bất thường ở vùng cột sống thắt lưng.
  • Phạm vi chuyển động bị hạn chế gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, khó thực hiện động tác cúi xuống hoặc vặn người
  • Chiều cao bị tụt giảm.

Nguyên Nhân

Đốt sống lưng L1 có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cột sống. Chúng phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể mỗi khi di chuyển hoặc vận động. Chính vì thế, đốt sống này rất dễ bị tổn thương và xẹp lún.

Nghiên cứu y khoa đã chỉ ra, tình trạng xẹp đốt sống lưng L1 sẽ xảy ra khi đốt sống này bị chèn ép quá mức. Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp có thể kể đến là:

  • Chấn thương: Bị chấn thương cột sống khi chơi thể thao hay té ngã là nguyên nhân gây ra tình trạng xẹp đốt sống lưng L1 phổ biến nhất. Khi té ngã, đốt sống phải chịu tác động lực mạnh và đột ngột, dẫn đến tình trạng gãy và mất vững cột sống.
  • Loãng xương: Bệnh nhân bị loãng xương cũng rất dễ gặp phải tình trạng xẹp đốt sống lưng L1. Khi mắc phải bệnh lý này, chất lượng xương sẽ bị suy giảm, khiến chúng mỏng dần và dễ gãy. Lúc này, tình trạng gãy xương rất dễ xảy ra chỉ với một va chạm nhẹ.
  • Ung thư: Ung thư xương hay ung thư xương di căn đều có thể gây ra tình trạng gãy xẹp đốt sống L1. Bệnh lý này khởi phát khi tế bào ung thư phát triển bên trong xương và hình thành nên khối u ác tính. Sự phát triển của khối ung thư xương đã khiến xương dần suy yếu, gây đau nhức kéo dài và dẫn đến tình trạng gãy xẹp.

Yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ bị xẹp đốt sống lưng L1 là:

  • Bị mãn kinh sớm
  • Nghiện thuốc lá
  • Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới
  • Bệnh thường khởi phát ở những người ngoài 50
  • Chế độ ăn uống thiếu hụt dưỡng chất, đặc biệt là canxi
  • Mắc bệnh lý xương khớp mãn tính, suy thận mãn tính, cường giáp,...

Biến chứng

Xẹp đốt sống lưng L1 gây ra triệu chứng đau nhức kéo dài rất khó chịu. Nếu không tiến hành xử lý, triệu chứng của bệnh sẽ tăng dần theo thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và làm giảm phạm vi vận động. Nếu bạn chủ quan trong việc thăm khám và điều trị sẽ phát sinh ra các biến chứng nghiêm trọng sau đây:

  • Đau lưng dữ dội và kéo dài, giảm hoặc mất dần khả năng vận động.
  • Gãy xẹp nhiều đốt sống khiến cột sống bị biến dạng và không còn vững chắc, dẫn đến tình trạng gù lưng hoặc sụt giảm chiều cao.
  • Chèn ép lên rễ thần kinh và tủy sống gây hẹp ống sống, rối loạn chức năng ruột và bàng quang.
  • Ảnh hưởng đến hoạt động của hệ hô hấp và tim mạch, tác động tiêu cực đến sức khỏe tổng thể.

Phòng ngừa

Xẹp đốt sống lưng L1 thường xảy ra do chấn thương hoặc do bệnh lý. Bệnh khởi phát sẽ khiến cấu trúc và chức năng cột sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm suy giảm khả năng vận động. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:

  • Tránh các hoạt động gây ảnh hưởng không tốt đến cột sống như vận động mạnh, vận động quá sức, mang vác vật nặng, vặn người đột ngột, uốn cong cột sống quá mức,...
  • Chơi thể thao đúng kỹ thuật và sử dụng thêm đồ bảo hộ để hạn chế nguy cơ chấn thương. Khởi động khớp thật kỹ trước khi vận động hoặc chơi thể thao. Cần tránh các bộ môn thể thao tiếp xúc dễ dẫn đến chấn thương.
  • Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức mạnh cũng như độ linh hoạt của xương khớp, hạn chế nguy cơ mất xương và yếu xương.
  • Thực đơn ăn uống hàng ngày nên bổ sung đủ canxi và vitamin D cho cơ thể. Đây là những thành phần khoáng chất đặc biệt tốt cho xương, giúp xây dựng hệ xương chắc khỏe và ngăn ngừa tình trạng loãng xương xảy ra.
  • Thăm khám sức khỏe cột sống và đo mật độ xương định kỳ. Cách này sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra bất thường và có thể đưa ra phương án can thiệp cho phù hợp.
  • Cần thận trọng khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày như tham gia giao thông, làm việc, di chuyển,... Duy trì cân nặng ở mức ổn định và hợp lý, tiến hành cai nghiện thuốc lá, kiểm soát tốt các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ bị xẹp đốt sống,...
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Bác sĩ chuyên khoa cho biết, bệnh xẹp đốt sống lưng L1 cần được chẩn đoán thông qua việc khám sức khỏe tổng quát, kiểm tra bệnh sử và triệu chứng lâm sàng. Bên cạnh đó, người bệnh còn được yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh để có thể đưa ra chẩn đoán xác định. Các xét nghiệm đó là:

  • Chụp x-quang
  • Chụp tủy đồ
  • Chụp CT
  • Chụp MRI
  • Đo mật độ xương

Ngoài ra, tình trạng xẹp đốt sống lưng L1 cũng cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như viêm khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm và đau nhức xương khớp.

Biện pháp điều trị

Việc điều trị xẹp đốt sống lưng L1 còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Với những trường hợp nhẹ, người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc kết hợp chăm sóc đúng cách để kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Còn với những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật tạo hình đốt sống.

Điều trị bảo tồn

Là phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến nhất, thường chỉ định thực hiện với những trường hợp xẹp đốt sống L1 chưa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng cột sống. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên có các biện pháp chăm sóc phù hợp giúp tình trạng bệnh nhanh chóng chuyển biến tốt. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

+ Dùng thuốc

Xẹp đốt sống lưng L1 khiến người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức kéo dài, ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng các loại thuốc sau đây:

  • Thuốc giảm đau thông thường: Có thể sử dụng để cải thiện triệu chứng đau nhức ở mức độ nhẹ. Thường dùng là Acetaminophen. Ngoài ra, loại thuốc này còn có tác dụng hạ sốt.
  • Thuốc chống viêm không steroid: Được sử dụng để cải thiện triệu chứng đau nhức và viêm. Thường dùng là Aspirin, Naproxen,...
  • Thuốc giảm đau gây nghiện: Thường dùng là thuốc opioid. Được kê đơn điều trị với những trường hợp đau nặng, không đáp ứng điều trị với các loại thuốc giảm đau ở trên. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được sử dụng ngắn hạn với liều lượng thấp. Ở một số trường hợp, bạn có thể sử dụng kết hợp với Paracetamol để tăng hiệu quả giảm đau và giảm liều opioid.
  • Thuốc Calcitonin: Loại thuốc này thường được kê đơn điều trị với những trường hợp bị xẹp đốt sống lưng L1 do loãng xương. Tác dụng chính của thuốc Calcitonin là ngăn ngừa tiêu xương, điều hòa quá trình chuyển hóa khoáng chất bên trong cơ thể.

+ Nẹp lưng

Bệnh nhân bị xẹp đốt sống lưng L1 cần đeo nẹp lưng để hỗ trợ lưng trong quá trình xương lành, giảm đau nhức và ngăn ngừa tổn thương tiếp tục chuyển biến nặng. Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ bệnh trạng của mỗi người để tư vấn phương pháp nẹp cho phù hợp. Trường hợp chấn thương nặng nên dùng nẹp chỉnh hình xương, còn trường hợp chấn thương nhẹ nên dùng nẹp Jewett.

+ Thay đổi hoạt động

Khi cơn đau cấp tính khởi phát, bạn nên dành từ 1 - 2 ngày sau đó để nghỉ ngơi và tránh vận động nhiều. Nghỉ ngơi giúp đốt sống có thời gian thư giãn và phục hồi, xoa dịu cơn đau và ngăn ngừa tổn thương trở nên tồi tệ hơn. Sau khi cơn đau đã thuyên giảm, hãy vận động trở lại hoặc thực hiện các bài tập nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe xương, giảm nguy cơ gãy xương và mất xương.

Cần tránh thực hiện các động tác gây ảnh hưởng đến cột sống như đi lại nhiều, ngồi lâu, mang vác vật nặng,... Tuyệt đối không được mang vác vật nặng hoặc thực hiện các vận động mạnh làm gia tăng áp lực lên cột sống. Điều này sẽ kích thích khởi phát cơn đau và khiến tổn thương tại cột sống trở nên ngày càng tồi tệ hơn.

Can thiệp ngoại khoa

Nếu tình trạng xẹp đốt sống lưng L1 diễn ra ở mức độ nghiêm trọng gây đau nhức nhiều và không đáp ứng điều trị bảo tồn, bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định thực hiện phẫu thuật. Dựa vào tình trạng bệnh ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tiến hành tạo hình đốt sống hay phẫu thuật hợp nhất đốt sống.

+ Tiêm xi măng: Mục đích của phương pháp này là phục hồi đốt sống bị tổn thương, ổn định hoạt động của cột sống và giảm đau nhức. Phương pháp này được tiến hành bằng cách đưa kim tiêm dài vào trong đốt sống dưới sự hướng dẫn tia X rồi tiêm hỗn hợp xi măng vào trong để tạo hình đốt sống. Sau khoảng 10 phút, xi măng sẽ đông cứng lại và cố định hình dạng của đốt sống bị gãy xẹp.

+ Kỹ thuật Kyphoplasty: Mục đích của kỹ thuật can thiệp này là tạo hình đốt sống L1 giúp ổn định cột sống, điều chỉnh biến dạng xương và kiểm soát triệu chứng của bệnh. Kỹ thuật này được tiến hành bằng cách đặt một chiếc ống thông dẫn vào trong đột sống để bơm xi măng sinh học vào. Đợi khoảng 10 phút cho xi măng đông cứng rồi khâu vết cắt bằng chỉ khâu.

+ Phẫu thuật hợp nhất đốt sống: Phẫu thuật hợp nhất đốt sống giúp kết nối các đốt sống lại với nhau, loại bỏ chuyển động giữa hai đốt sống và kiểm soát triệu chứng đau nhức. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành ghép xương tự thân hoặc ghép xương nhân tạo giữa các đốt sống để cố định cột sống. Sau phẫu thuật, người bệnh cần phải đeo nẹp cố định cho đến khi xương lành rồi tiến hành phục hồi chức năng theo hướng dẫn của chuyên gia trị liệu. Vết thương sẽ lành sau khoảng 1 - 2 tháng phẫu thuật và có thể phục hồi chức năng sau khoảng 6 - 12 tháng.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Người bị xẹp đốt sống lưng thường được kê đơn các loại thuốc như thuốc giảm đau thông thường (ví dụ như Acetaminophen), thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau nhóm opioid, và thuốc chống loãng xương (ví dụ như Bisphosphonate). Các loại thuốc này giúp kiểm soát triệu chứng đau và nguyên nhân gây ra bệnh, như loãng xương hay ung thư xương. Tuy nhiên, quá trình sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và thường xuyên tái khám để điều chỉnh liều lượng hoặc loại thuốc khi cần thiết.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android