Xuất Huyết Tiêu Hóa Dưới
Xuất huyết tiêu hóa dưới là một trong những dạng cấp cứu tiêu hóa thường gặp với triệu chứng đặc trưng là đi ngoài ra máu. Đây có thể là biến chứng của một số bệnh lý như viêm túi thừa, viêm đại tràng, polyp đại tràng hay bệnh trĩ. Để hiểu rõ hơn về bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới, nguyên nhân gây ra bệnh cũng như phương pháp điều trị đúng thì bạn hãy cùng Vietmec theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Xuất huyết tiêu hóa dưới là hiện tượng máu thoát khỏi ra khỏi lòng mạch và chảy vào đoạn dưới của ống tiêu hóa như hỗng tràng, hồi tràng, đại tràng, trực tràng,... Xuất huyết tiêu hóa dưới xảy ra ít hơn so với xuất huyết tiêu hóa trên, trường hợp này chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng số ca bị xuất huyết tiêu hóa. Bệnh thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới và nguy cơ khởi phát bệnh sẽ tăng dần theo độ tuổi.
Đây được xem là bệnh lý nội khoa với triệu chứng đặc trưng là đi cầu ra máu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm. Thống kê y khoa cho thấy, có khoảng 85% trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới xuất phát từ đại tràng, 10% do chảy máu từ đường tiêu hóa trên và 5% là liên quan đến ruột non. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do bệnh viêm túi thừa hay các bệnh lý về mạch máu khác ở người già.
Hình ảnh
Triệu chứng
Triệu chứng điển hình của bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới là đi ngoài phân đen và có lẫn máu. Dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý mà tình trạng đi ngoài ra máu sẽ có biểu hiện từ nhẹ cho đến nặng.
Cụ thể như sau:
- Máu lẫn trong phân thường có màu đỏ tươi hoặc nâu sẫm. Chúng thường xuất hiện ở đầu bãi, cuối bãi hoặc lẫn bên trong phân.
- Phân đào thải ra bên ngoài có màu đen trông như nhựa đường hoặc bã cà phê kèm theo mùi hôi rất khó chịu. Màu đen của phân là lượng máu bị trộn lẫn trong thức ăn, sau khi trải qua quá trình tiêu hóa đã bị thay đổi về tính chất.
Nếu tình trạng mất máu diễn ra ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải đối mặt với một số triệu chứng như:
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn
- Tụt giảm huyết áp, chóng mặt
- Màu sắc da nhợt nhạt và xanh xao
- Đau bụng, tức ngực
- Ngất xỉu
Cần nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu nếu thấy có các triệu chứng sau đây để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng:
- Tim đập nhanh, đau thắt vùng ngực
- Sốc do mất máu, hôn mê
- Nhồi máu cơ tim, đột quỵ
Nguyên Nhân
Như đã nói ở trên, đa phần các trường hợp khởi phát xuất huyết tiêu hóa dưới đều do ảnh hưởng bởi các bệnh lý tại ruột non hoặc ruột già. Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây ra bệnh thường gặp bạn có thể tham khảo:
- Viêm túi thừa: Túi thừa là các túi nhỏ phát triển bất thường bên trong đường tiêu hóa. Viêm túi thừa là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra tại một hoặc nhiều túi thừa. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng xuất huyết tiêu hóa dưới thường gặp.
- Bệnh viêm ruột: Xuất huyết tiêu hóa dưới cũng có thể khởi phát ở những người đang mắc các bệnh lý viêm ruột như viêm loét đại tràng, viêm niêm mạc, bệnh Crohn,... Khi các bệnh lý này không được điều trị đúng cách, vết viêm loét sẽ phát triển nặng gây tổn thương đến mạch máu và gây ra tình trạng chảy máu.
- Polyp đại tràng: Đây là sự hình thành các khối u lành tính bên trong đại tràng. Khi ăn uống, thức ăn di chuyển xuống đường tiêu hóa sẽ gây cọ xát đến các khối u này và hình thành nên các vết thương bên trong lòng mạch. Điều này đã gây tổn thương đến hệ thống mạch máu trong niêm mạc đại tràng và gây xuất huyết tiêu hóa dưới.
- Táo bón, bệnh trĩ: Khi bị táo bón trong thời gian dài sẽ khiến hệ thống tĩnh mạch tại hậu môn dần bị suy yếu, căng giãn quá mức và dần tích tụ máu hình thành nên búi trĩ. Nếu không có biện pháp chăm sóc và điều trị đúng cách, các búi trĩ này sẽ phát triển với kích thước lớn, khi gặp điều kiện thuận lợi chúng sẽ vỡ ra và gây ra hiện tượng chảy máu.
- Nứt kẽ hậu môn: Bệnh lý này hình thành khi niêm mạc hậu môn xuất hiện các vết rách. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu tiêu hóa dưới. Nứt kẽ hậu môn rất dễ khởi phát ở những người bị táo bón kéo dài và bệnh nhân bị trĩ.
- Nguyên nhân khác: Tình trạng xuất huyết tiêu hóa dưới cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng của một số bệnh lý khác như loạn sản mạch máu, ung thư đại trực tràng, giãn tĩnh mạch đại tràng, thiếu máu cục bộ, lạm dụng thuốc chống viêm hoặc thuốc chống đông máu, loét tĩnh mạch, giảm tiểu cầu, hẹp động mạch chủ ruột non,...
Biện pháp chẩn đoán
Xuất huyết tiêu hóa dưới là bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây ra các biến chứng không mong muốn, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu ở trên bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín tiến hành thăm khám để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Các phương pháp chẩn đoán xuất huyết tiêu hóa dưới được áp dụng phổ biến trong y khoa là:
- Nội soi đại tràng được áp dụng với các trường hợp bị chảy máu ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.
- Nội soi ruột non chỉ định thực hiện đối với trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới ở trẻ em
- Nội soi viên nang với những trường hợp không thể nội soi thông thường.
- Chụp mạch máu đối với những trường hợp nghi ngờ chảy máu do loại sản mạch hoặc bệnh túi thừa
- Nội soi mở giúp xác định vị trí tổn thương kết hợp xử lý cầm máu bằng phương pháp phẫu thuật.
Biện pháp điều trị
Sau khi có kết quả chẩn đoán chính xác về bệnh lý, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Nguyên tắc điều trị bệnh xuất huyết đường tiêu hóa dưới là hồi sức cho người bệnh, tiến hành cầm máu và sau đó là giải quyết nguyên căn gây ra bệnh. Một số phương pháp điều trị xuất huyết tiêu hóa dưới được áp dụng phổ biến trong y khoa là:
+ Điều trị nội soi
Đây là phương pháp điều trị bệnh có độ an toàn cao, mang lại hiệu quả tốt và nguy cơ tái phát thấp. Nội soi thường được chỉ định thực hiện điều trị đối với những trường hợp xuất huyết tiêu hóa dưới do polyp đại tràng hoặc có sự xuất hiện của các khối u lành tính khác bên trong đường ruột.
Còn đối với những trường hợp khởi phát bệnh do viêm túi thừa, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi tiêm Epinephrine hoặc thuốc đông máu vào mạch máu bị tổn thương giúp ngăn chặn tình trạng chảy máu tiếp tục diễn ra.
+ Thuyên tắc mạch máu chọn lọc
Mục đích của phương pháp điều trị bệnh này là làm co mạch và giảm lượng máu lưu thông đến mạch máu bị tổn thương. Hiệu quả điều trị bệnh mà phương pháp này mang lại có thể lên đến 90% với những trường hợp đáp ứng tốt.
Đầu tiên bác sĩ sẽ áp dụng các biện pháp chẩn đoán bệnh để có thể xác định chính xác vị trí mạch máu bị tổn thương, sau đó tiến hành tiêm Vasopressin. Loại thuốc này có tác dụng làm tắc mạch máu giúp cầm máu nhanh chóng và ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn do mất máu nhiều.
+ Phẫu thuật trị bệnh
Với những trường hợp chảy máu với mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định truyền máu để chống sốc và bảo vệ tính mạng của người bệnh. Sau khi sức khỏe của người bệnh đã ổn định, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện phẫu thuật để điều trị bệnh lý. Có khoảng 25% trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa dưới phải tiến hành phẫu thuật trị bệnh. Những trường hợp cần phải tiến hành phẫu thuật để cải thiện tình trạng xuất huyết là:
- Có dấu hiệu sốc do mất máu quá nhiều
- Chảy máu nhiều không thể cầm bằng phương pháp nội khoa
- Sau khi truyền 6 đơn vị máu nhưng huyết áp không ổn định
- Xuất huyết tiêu hóa dưới tái phát nhiều lần
- Xuất huyết do ung thư hoặc xuất hiện khối u bên trong đường ruột
Thông thường, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật thông qua hình thức nội soi để điều trị bệnh giúp hạn chế những rủi ro không mong muốn và giúp việc hồi phục diễn ra nhanh chóng hơn. Sau khi bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới đã được kiểm soát tốt, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp giúp cải thiện dứt điểm các bệnh lý có liên quan, ngăn ngừa tình trạng xuất huyết tái phát trở lại gây nguy hiểm cho tính mạng. Cụ thể là:
- Dùng thuốc Tây điều trị bệnh đối với những trường hợp viêm loét đại tràng, viêm hậu môn, bệnh Crohn.
- Phẫu thuật giúp điều trị dứt điểm bệnh viêm túi thừa nặng, u hoặc polyp đại tràng, trĩ, nứt kẽ hậu môn.
Trên đây là những thông tin cần biết về bệnh xuất huyết tiêu hóa dưới mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Đây là một dạng cấp cứu nguy hiểm cần được phát hiện và xử lý kịp thời để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu đang mắc các bệnh lý về ruột, bạn cần tiến hành thăm khám chuyên khoa và điều trị đúng cách để phòng ngừa biến chứng xuất huyết tiêu hóa dưới xảy ra. Trong quá trình điều trị bệnh, bạn cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học giúp đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
- Chuyên gia
- Cơ sở