Bị Đau Xương Cụt Ở Nam Giới
Hiện tượng đau xương cụt ở nam giới do nhiều nguyên nhân gây ra như ngồi trên nền cứng trong thời gian dài, té ngã, thiếu canxi. Tuy nhiên, nếu bị đau xương cụt kéo dài thì người bệnh nên thận trọng với các bệnh lý như loãng xương, viêm xương cụt hay thoái hóa xương cụt.
Định nghĩa
Đau xương cụt hay đau xương cùng cụt ở nam giới đều là những tên gọi chỉ tình trạng đau tại điểm cuối cùng trên xương cột sống. Bình thường, xương này có chức năng giữ cố định cho hệ thống các cơ, gan và dây chằng ở vùng lưng dưới và mông, đồng thời đảm bảo cho cơ thể ở trạng thái cân bằng khi ngồi.
Tình trạng đau xương cụt ở nam giới thường kèm theo tình trạng tổn thương bên trong mang lại cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt của phái mạnh. Triệu chứng này có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhất là thanh thiếu niên trong giai đoạn phát triển chiều cao, người mới bị chấn thương hoặc có vấn đề ở cột sống, vùng chậu.
Nam giới bị đau xương cụt thường có các dấu hiệu như:
- Đau âm ỉ, đau từng cơn, đau nhói hoặc đau nhức dữ dội ở vị trí cuối cùng trên cột sống, nơi tiếp giáp giữa hai mông.
- Cơn đau có thể lan tỏa ra xung quanh gây đau lưng dưới gần mông, đau thắt lưng.
- Cảm giác đau tăng lên khi ngồi hoặc nằm tì đè lên xương cụt
- Sốt
- Mất ngủ, khó ngủ do cơn đau xương cụt xuất hiện vào ban đêm
- Sưng đỏ ngoài da xung quanh khu vực xương cụt
- Xuất hiện các bất thường trong hoạt động tiểu tiện, chẳng hạn như tiểu buốt, tiểu rắt...
Cảm giác đau và các triệu chứng đi kèm có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân, tùy thuộc vào nguồn gốc của cơn đau. Một số trường hợp cơn đau chỉ xuất hiện thoáng qua không đáng lo ngại nhưng nếu hiện tượng này kéo dài, nam giới nên thận trọng theo dõi sức khỏe của bản thân và sớm thăm khám để xác định được nguyên nhân gây đau.
Nguyên nhân
Hiện tượng đau xương cụt ở nam giới có thể xảy ra do các nguyên nhân dưới đây:
- Chấn thương: Té ngã, tai nạn hoặc va đập có thể khiến xương cụt bị tổn thương, đau nhức.
- Ngồi quá lâu: Triệu chứng đau xương cụt cũng thường xảy ra ở nam giới làm việc văn phòng. Thường xuyên ngồi yên một chỗ, nhất là trên bề mặt phẳng, cứng sẽ khiến xương cụt bị đau.
- Các thói quen xấu trong sinh hoạt: Ngồi ngửa người ra phía sau, hoặc ngồi phịch xuống mặt ghế cứng hay sàn nhà đột ngột đều có thể khiến cho xương cụt của nam giới bị đau.
- Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng áp lực lên cột sống, nhất là vùng xương cụt. Tình trạng này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa cột sống, thoát vị địa đệm, thoái hóa xương cụt hay đau xương cụt ở nam giới.
- Phát triển quá nhanh: Nguyên nhân này thường gặp ở thanh thiếu niên trong độ tuổi dậy thì. Trường hợp này, xương phát triển quá nhanh dẫn đến cảm giác đau nhức khó chịu trong xương cụt.
- Thiếu canxi: Cơ thể bị thiếu canxi cũng có thể gây đau xương cụt, đau lưng hoặc đau nhức xương khớp toàn thân.
- Do bệnh lý: Một số vấn đề về sức khỏe có thể gây cảm giác đau xương cụt ở nam giới. Bao gồm bệnh viêm đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, u lành tính hoặc ác tính ở vùng chậu, loãng xương, thoái hóa đốt sống cùng, viêm xương cụt, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, gai đôi cột sống hay hẹp đốt sống...
Trong trường hợp nam giới bị đau xương cụt do bệnh lý, cảm giác đau nhức thường kéo dài và xuất hiện ngay cả khi ngồi lẫn khi nằm khiến người bệnh khó ngủ, mất tập trung trong công việc. Người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm trước khi phát sinh thêm nhiều biến chứng nguy hiểm.
Chăm sóc tại nhà
Các mẹo giảm đau tự nhiên có thể đáp ứng tốt đối với các trường hợp bị đau xương cụt ở mức độ nhẹ. Người bệnh có thể cân nhắc áp dụng một số cách sau:
- Chườm lạnh: Dùng bọc đá lạnh chườm trực tiếp lên khu vực xương cụt sau chấn thương cho thể giúp giảm sưng đau hiệu quả. Mỗi ngày, nam giới có thể chườm vài lần, mỗi lần khoảng 15 phút. Thời gian chườm lạnh tốt nhất là trong vòng 48 tiếng đầu kể từ khi bị chấn thương xương cụt.
- Chườm nóng: Phương pháp này thích hợp với những cơn đau xương cụt mãn tính ở nam giới. Hơi nóng có tác dụng làm giãn nở mạch máu và các cơ, tăng cường bơm máu đến khu vực xương cụt để tổn thương nhanh được chữa lành, đồng thời làm dịu cảm giác đau nhức khó chịu.
- Điều chỉnh tư thế ngồi: Nam giới bị đau xương cụt được khuyến cáo không nên ngồi yên một chỗ quá lâu. Thay đổi tư thế thường xuyên trong khi ngồi làm việc. Nếu đang bị đau, người bệnh nên ngồi hơi nghiêng người về phía trước để tránh tác động đến xương cụt. Không đứng lên hay ngồi xuống một cách đột ngột. Sử dụng một cái gối mềm lót bên dưới khi ngồi trên ghế cứng sẽ giúp xương cụt bớt đau.
- Kiểm soát cân nặng: Giảm cân là điều cần thiết đối với các trường hợp đang bị béo phì. Người bệnh nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và tích cực tập thể dục, thể thao mỗi ngày để đưa cân nặng trở về mức khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa và giảm nhẹ cơn đau xương cụt ở nam giới.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Tình trạng đau xương cụt ở nam giới có thể xảy ra do thiếu chất. Trường hợp này, người bệnh nên cố gắng ăn đa dạng các nhóm chất và ăn đủ bữa. Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu canxi để xương cụt khỏe mạnh và nhanh lành tổn thương bên trong.
- Sử dụng các bài thuốc dân gian: Một số thảo dược như dây đau xương, gừng, ngải cứu, lá lốt có đặc tính giảm đau, kháng viêm tự nhiên nên được dân gian sử dụng làm thuốc chữa đau xương cụt ở nam giới theo hình thức sắc uống hoặc thoa ngoài.
Chẩn đoán bệnh
Có thể thấy, các nguyên nhân gây đau xương cụt ở nam giới khá phong phú. Nếu không tới bệnh viện khám, người bệnh rất dễ mắc sai lầm trong việc điều trị do chẩn đoán nhầm bệnh.
Bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp để chẩn đoán nguyên nhân gây đau xương cụt ở nam giới. Bao gồm:
- Ghi nhận các triệu chứng lâm sàng người bệnh đang gặp phải
- Đánh giá mức độ đau, tính chất của cơn đau ở xương cụt
- Thăm khám bên ngoài xương cụt xác định chính xác điểm đau và tìm kiếm các dấu hiệu khác như sưng, viêm, nóng đỏ da...
- Khai thác tiền sử bệnh, thói quen vận động hàng ngày
- Thực hiện các xét nghiệm cần thiết: Chụp X- quang cột sống hoặc vùng xương cụt, chụp CT, chụp MRI, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,...
Tình trạng đau xương cụt ở nam giới có thể được điều trị bằng y tế hoặc các mẹo giảm đau tự nhiên. Tùy theo mức độ đau và nguyên nhân gây đau mà bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh một phương pháp điều trị phù hợp.
Tại bệnh viện, bác sĩ có thể áp dụng một số phương pháp chữa đau xương cụt ở nam giới như:
Dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Paracetamol, Acetaminophen,...
- Thuốc giảm đau, kháng viêm không chứa steroid: Aspirin, Ibuprofen hay Diclofenac,...
- Thuốc giãn cơ: Thường được sử dụng là Myonal hay Mydocalm... Chúng có tác dụng giảm hiện tượng co thắt cơ ở khu vực quanh xương cụt.
- Thuốc kháng sinh: Chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn.
- Thuốc giảm đau thần kinh: Neurontin, Codein,...
Hầu hết các loại thuốc trị đau xương cụt ở nam giới đều được sử dụng theo đường uống. Một số trường hợp có thể được bác sĩ chỉ định tiêm corticoid ngoài màng cứng nếu thuốc giảm đau, kháng viêm đường uống không mang lại hiệu quả.
Các phương pháp chữa trị thay thế cho thuốc:
Bên vạnh thuốc điều trị, nam giới bị đau xương cụt có thể được chỉ định điều trị bằng các phương pháp khác như:
- Tập vật lý trị liệu
- Xoa bóp, bấm huyệt
- Châm cứu
- Nhiệt trị liệu
- Điều trị bằng laser
- Diện chẩn
- Điện trị liệu
- Chiếu đèn hồng ngoại
Phẫu thuật
Không phải trường hợp nào bị đau xương cụt cũng phải làm phẫu thuật. Nam giới được chỉ định mổ trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, đau xương cụt kéo dài làm giảm chất lượng sống hoặc mắc bệnh lý cần được phẫu thuật sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Có hai hình thức phẫu thuật đang được áp dụng phổ biến là mổ hở hoặc nội soi. Phẫu thuật có thể giúp khắc phục nguyên nhân gây đau và sửa chữa tổn thương trong xương cụt nhưng lại khá tốn kém và cần nhiều thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe.