Đau Xương Cụt Khi Ngồi

Cơ bản

Đau xương cụt khi ngồi là hiện tượng đau nhức âm ỉ hoặc đau nhói xuất hiện mỗi khi người bệnh ngồi xuống. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng chấn thương hoặc do tư thế ngồi không đúng. Cảm giác đau kéo dài còn cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Định nghĩa

Xương cụt là phần bên dưới xương cùng nằm ở đáy cột sống, được tạo thành từ 3 – 5 đốt sống hợp nhất với nhau. Đây chính là nơi bám vào của một số gân, cơ cũng như dây chằng. Do có vị trí đặc thù, xương cụt cùng với xương cùng và khung xương chậu chính là những nơi phải gánh chịu toàn bộ trọng lượng từ phần thân trên của cơ thể, lực tác động mạnh nhất là khi ngồi xuống. Chính vì vậy mà không ít trường hợp than phiền về sự xuất hiện rõ ràng của những cơn đau ở khu vực xương cụt mỗi khi họ ngồi.

Cảm giác đau xương cụt có thể đến từ trong hay xung quanh xương. Cơn đau có tính chất âm ỉ, đau nhói như kim châm hoặc đau dữ dội. Đôi khi, cơn đau từ xương cụt còn lan rộng ra xung quanh gây đau lưng dưới hoặc đau mông.

Một số trường hợp bị đau xương cụt kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Co thắt cơ
  • Buồn nôn hoặc nôn ói
  • Mất cảm giác
  • Tê chân
  • Yếu cơ hoặc teo cơ
  • Đau quặn ở bụng dưới

Mức độ đau ở xương cụt khi ngồi cùng các triệu chứng gặp phải ở mỗi cá nhân còn tùy thuộc vào nguyên nhân. Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng đau xương cụt khi ngồi, việc tìm hiểu và khắc phục nguồn gốc của cơn đau có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân

Tư thế ngồi không đúng cách là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng đau xương cụt khi ngồi. Bên cạnh đó, cơn đau còn xảy ra do bị chấn thương, mang thai và các vấn đề khác về sức khỏe.

Dưới đây là những nguyên nhân gây đau xương cụt khi ngồi:

– Tư thế ngồi không đúng:

Một số tư thế ngồi xấu có thể làm gia tăng sức nặng lên xương cụt hoặc khiến cho xương và các gân, cơ, dây chằng ở khu vực này tổn thương và bị đau. Bao gồm:

  • Ngồi xiêu vẹo
  • Ngồi trong nhiều giờ liền
  • Ngồi ngửa ra phía sau quá lâu gây tì đè lên xương cụt.
  • Ghế ngồi hay mặt phẳng nơi ngồi quá cứng.
  • Ngồi phịch xuống một cách đột ngột gây va đập mạnh và chấn thương xương cụt.

– Do bất thường trong cấu tạo của xương cụt:

Ở người trưởng thành, khoảng 2/3 trường hợp có xương cụt không hướng thẳng xuống mà hơi cong. Tuy nhiên, nếu xương cụt cong quá mức lại được xem là một vấn đề bất thường và khiến bạn dễ bị đau hơn khi ngồi.

– Chấn thương:

Một số chấn thương như giãn dây chằng, gãy xương cụt hay nứt xương … thường xảy ra khi bị va đập, té ngã hoặc gặp tai nạn. Chúng đều có thể dẫn đến cơn đau ở xương cụt. Cảm giác đau tăng lên khi ngồi hoặc khi vận động.

 Mang thai và sinh con:

Khi mang thai, lượng hormone relaxin tăng cao khiến cho các động mạch và cơ bị giãn nở. Điều này làm gia tăng gánh nặng cho khu vực xương cột sống, nhất là vùng xương cụt. Chính vì điều này mà phụ nữ mang thai thường xuyên phải đối mặt với tình trạng đau lưng, đau xương cụt khi ngồi.

Một số trường hợp bị chấn thương hoặc gãy xương cụt trong quá trình chuyển dạ sinh thường. Từ đó gây đau nhức xương cụt kéo dài.

– Lao động nặng nhọc:

Thường xuyên khiêng vác vật nặng hoặc lao động quá sức làm gia tăng áp lực lên ổ bụng và vùng xương cụt. Tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ khởi phát các cơn đau cấp tính ở xương cụt. Cơn đau xuất hiện rõ nhất là khi ngồi.

– Béo phì:

Khi bị béo phì, vùng xương cụt phải chịu thêm sức nặng của phần trọng lượng cơ thể dư thừa. Nếu không có biện pháp giảm cân và kiểm soát cân nặng sớm, theo thời gian xương cụt ngày càng bị tổn thương và đau đớn.

– Thiếu canxi:

Thiếu canxi thường làm giảm mật độ xương, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như loãng xương, thoái hóa cột sống. Người bệnh cũng thường xuyên nhận thấy cảm giác đau nhức ở đầu xương cụt và các khu vực khác.

– Phẫu thuật cột sống:

Phẫu thuật điều trị bệnh ở cột sống có thể gây tổn thương cho dây thần kinh, đĩa đệm hoặc xương cụt. Một số bệnh nhân được xác định bị đau xương cụt khi ngồi vì nguyên nhân này.

– Do các vấn đề về sức khỏe:

Nếu tình trạng đau xương cụt kéo dài, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe cần được điều trị. Vậy đau xương cụt khi ngồi là bệnh gì?

Hiện tượng đau xương cụt có thể xảy ra khi ngồi xuống thường là triệu chứng của các bệnh lý sau:

  • Thoái hóa đốt sống xương cụt
  • Gai xương
  • Táo bón kéo dài, bệnh trĩ
  • U lành tính hoặc ác tính ở đốt sống
  • Ung thư vùng chậu, ung thư đại trực tràng hay ung thư tuyến tiền liệt
  • Tăng sinh xương
  • Rối loạn chức năng sàn chậu
  • Hội chứng Levator
  • Thoái hóa đĩa đệm chèn dây thần kinh
  • Nhiễm trùng

Chăm sóc tại nhà

Để giảm đau xương cụt khi ngồi, người bệnh có thể áp dụng những cách sau:

1. Nghỉ ngơi

Nếu xương cụt bị đau nhiều mỗi khi ngồi, người bệnh cần nghỉ ngơi để giảm áp lực cho khu vực bị ảnh hưởng , giúp tổn thương bên trong nhanh phục hồi. Người bệnh được khuyến cáo nên nằm nghỉ hoặc ngồi tựa lưng trên ghế mềm. Hạn chế đi lại, vận động nhiều khiến cơn đau càng trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Thay đổi tư thế ngồi giảm đau xương cụt

Điều chỉnh tư thế ngồi cũng có thể giúp cải thiện đáng kể cơn đau. Người bệnh nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Ngồi thẳng cột sống, người hơi nghiêng về phía trước và hóp bụng trên ghế có nệm mềm.
  • Kê một miếng lót dưới ghế khi ngồi nếu mặt ghế quá cứng.
  • Không ngồi ngửa ra sau quá mức, ngồi nghiêng sang một bên hoặc ngồi bắt chéo chân làm gia tăng áp lực lên vùng xương cụt.
  • Thay đổi tư thế ngồi thường xuyên. Tránh ngồi yên bất động quá lâu một chỗ.
  • Đứng lên ngồi xuống nhẹ nhàng để hạn chế tác động đến xương cụt, giúp bệnh nhân bớt đau đớn.

Ngoài việc điều chỉnh từ thế ngồi, khi nằm ngủ, người bệnh cũng cần chú ý nằm nghiêng thay vì nằm ngửa. Có thể chèn thêm một cái gối mỏng vào giữa hai đầu gối để các cơ được thư giãn và giảm áp lực lên xương cụt. Việc duy trì các tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày sẽ giúp cơn đau xương cụt khi ngồi nhanh thuyên giảm hơn.

3. Chườm nóng hoặc tắm nước ấm chữa đau xương cụt khi ngồi

Tắm nước ấm hoặc chườm nóng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là những người đang bị đau xương cụt khi ngồi. Cụ thể như sau:

  • Làm giãn nở mạch máu, tăng cường lưu thông máu qua vùng bị đau để tổn thương trong xương cụt và các mô mềm hồi phục nhanh hơn.
  • Giảm co cơ.
  • Giảm đau xương cụt khi ngồi.
  • Làm thư giãn thần kinh, dây chằng và các cơ
  • Hỗ trợ điều trị đau dây thần kinh tọa, thoái hóa cột sống hay thoát vị đĩa đệm, đau nhức xương khớp.
  • Tăng khả năng vận động của cơ thể.
  • Giảm hiện tượng sưng viêm ở vùng bị đau.

Khi tắm, người bệnh có thể pha thêm vào bồn nước ấm một ít muối Epsom hay tinh dầu thảo mộc để tăng công dụng điều trị. Trường hợp chườm nóng thì áp dụng theo hướng dẫn dưới đây:

  • Bỏ nước nóng khoảng 60 – 70 độ vào trong chai thủy tinh hay túi chườm.
  • Đặt vật chườm lên vùng xương cụt từ 15 – 20 phút để giảm đau.
  • Áp dụng theo cách tương tự 3 – 4 lần trong ngày để khu vực ảnh hưởng dễ chịu hơn.

4. Chườm lạnh giảm đau xương cụt khi ngồi

Nhiệt độ lạnh từ đá chườm có tác dụng giảm đau, chống sưng viêm bằng cách gây tê, làm co mạch, giảm lượng máu lưu thông đến vùng xương cụt. Phương pháp này thích hợp nhất cho các trường hợp bị đau xương cụt khi ngồi do chấn thương.

Mỗi ngày, người bệnh nên chườm đá lạnh vài lần trong vòng 72 tiếng đầu tiên bị chấn thương. Sau đó có thể chuyển qua chườm nóng khi tình trạng sưng đau đã thuyên giảm.

Cách chườm lạnh giảm đau xương cụt khi ngồi như sau:

  • Bỏ đá lạnh vào trong túi chườm hoặc khăn mỏng.
  • Áp lên vùng xương cụt và để khoảng 15 phút.
  • Thực hiện mỗi ngày 3 – 4 lần, tình trạng sưng viêm ở xương cụt sẽ dần thuyên giảm.

5. Xoa bóp cho vùng xương cụt

Mát xa, xoa bóp là một cách đơn giản để giảm đau xương cụt khi ngồi. Phương pháp này có tác dụng làm thư giãn gân cơ và dây thần kinh, giảm co thắt cơ, kích thích lưu thông máu đến xương cụt. Thực hiện thường xuyên và đúng cách sẽ giúp người bệnh bớt đau đớn, khó chịu.

Cách xoa bóp giảm đau xương cụt khi ngồi:

  • Đầu tiên, lấy một ít dầu nóng hay tinh dầu gừng, tinh dầu tràm trà thoa bên ngoài vùng bị đau.
  • Đặt lòng bàn tay lên xương cụt và xoa nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ ở khu vực này trong 3 phút.
  • Chụm các đầu ngón tay lại và day ấn ở nhiều điểm xung quanh khu vực bị đau, bắt đầu ấn từ dưới lên trên, di chuyển qua trái, qua phải và tiến hành ngược lại. Thực hiện khoảng 10 phút.
  • Tiếp tục xoa nhẹ nhàng ở điểm đau theo chuyển động tròn kết hợp với động tác nắn bóp trong 5 phút.
  • Lặp lại quy trình mát xa, xoa bóp 2 lần mỗi ngày để xoa dịu cơn đau và thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương ở xương cụt và phần mềm xung quanh.

6. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Một số trường hợp bị đau xương cụt khi ngồi hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp như loãng xương, thoái hóa xương cụt do thiếu canxi. Để giảm đau, người bệnh nên chú trọng bổ sung các thực phẩm giàu canxi vào trong chế độ ăn hàng ngày. Bao gồm tôm, cua, các loại cá nhỏ, sữa và các sản phẩm từ sữa, các loại hạt, rau lá xanh, đậu nành,…

Nếu nhu cầu canxi cơ thể cần không được cung cấp đủ qua các bữa ăn, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn một loại viên uống bổ sung canxi tốt cùng liều lượng sử dụng phù hợp. Trong thời gian bổ sung canxi, cần tăng cường tắm nắng và ăn các thực phẩm giàu vitamin D, phốt pho để cơ thể hấp thụ và chuyển hóa canxi tốt hơn, giúp xương cụt khỏe mạnh.

Ngoài ra, trong chế độ ăn hàng ngày người bệnh cần lưu ý:

  • Cắt giảm lượng chất béo dung nạp để tránh bị tăng cân và ảnh hưởng đến quá trình hồi phục tổn thương ở xương cụt.
  • Không uống bia, rượu và các chất kích thích
  • Hạn chế sử dụng các thức ăn cay nóng
  • Bổ sung nhiều rau xanh, quả mọng, các loại cá béo, gừng, nghệ hay tỏi vào chế độ ăn. Chúng chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp kháng viêm, hỗ trợ giảm đau xương cụt khi ngồi.

Câu hỏi thường gặp

Đau xương cụt khi ngồi có nguy hiểm không?

Trong nhiều trường hợp, tình trạng đau xương cụt khi ngồi thường không quá nghiêm trọng và có thể thuyên giảm dần sau khi nghỉ ngơi và điều trị tại nhà. Mặc dù vậy, một số bệnh nhân có dấu hiệu bị đau kéo dài và có khuynh hướng ngày càng tăng nặng do chấn thương hoặc các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần được chẩn đoán, chữa trị sớm.

Cơn đau xương cụt khi ngồi không chỉ xuất hiện đơn độc mà đôi khi còn kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu khác như buồn nôn, yếu cơ, ngứa ran, tê bì ở vùng mông và chân. Nghiêm trọng hơn, người bệnh còn có thể bị mất cảm giác, không thể ngồi bình thường hoặc đứng dậy đi lại. Điều này gây khó khăn cho việc sinh hoạt và lao động hàng ngày của bệnh nhân.

Để tránh phát sinh thêm các biến chứng và rủi ro về mặt sức khỏe, người bệnh nên đi khám nếu cơn đau xương cụt khi ngồi kéo dài quá 5 ngày hoặc đau có tính chất kéo dài.

Chẩn đoán

Quy trình chẩn đoán đau xương cụt khi ngồi và nguyên nhân gây đau được thực hiện qua các bước sau:

Bước 1: Chẩn đoán lâm sàng

Tại phòng khám chuyên khoa xương khớp, bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân về tiền sử bệnh, mức độ đau, thời điểm bắt đầu xuất hiện cơn đau, các chấn thương, nghề nghiệp hay thói quen khi ngồi… Những thông tin này có thể giúp đưa ra những chẩn đoán sơ bộ về nguyên nhân gây đau xương cụt khi ngồi và là căn cứ để bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm nếu cần thiết.

– Kiểm tra ngoài xương cụt:

  • Xác định điểm đau, mức độ đau khi ấn tay vào
  • Tìm kiếm các dấu hiệu khác như sưng, vết bầm tím hay các bất thường khác ở xương cụt.

– Kiểm tra các dấu hiệu toàn thân:

  • Buồn nôn hoặc ói mửa
  • Teo cơ, yếu, hay tê bì chi dưới
  • Tê và ngứa ran ở khu vực bị đau
  • Mất cảm giác dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
  • Bất thường ở đường tiêu hóa hay bàng quang.

– Đánh giá khả năng vận động:

Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số hành động để kiểm tra dáng đi, đánh giá khả năng vận động hay phát hiện các yếu tố làm tăng nặng cơn đau.

Bước 2: Chẩn đoán cận lâm sàng:

Nếu nghi ngờ tình trạng đau xương cụt khi ngồi xảy ra do chấn thương hoặc các vấn đề khác về sức khỏe, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện thêm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân gây đau. Bao gồm:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Xạ hình xương
  • Xét nghiệm máu

Điều trị

Các giải pháp tự nhiên chỉ có tác dụng giảm đau cho những trường hợp bị nhẹ và không thể giải quyết được triệt để các bệnh lý liên quan. Trường hợp này cần điều trị theo phác đồ của bác sĩ.

Các phương pháp chữa đau xương cụt khi ngồi có thể được bác sĩ chỉ định bao gồm:

  • Dùng thuốc: Ngoài thuốc giảm đau thông thường (như Acetaminophen, Paracetamol,..), người bệnh còn được chỉ định thêm các loại thuốc khác như thuốc NSAID, thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật hay thuốc steroid đường tiêm. Loại thuốc được sử dụng còn tùy thuộc vào mức độ đau xương cụt khi ngồi, nguyên nhân cùng các triệu chứng đi kèm.
  • Vật lý trị liệu: Trong thời gian sử dụng thuốc, người bệnh cũng có thể được làm vật lý trị liệu. Bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp nhiệt, chiếu đèn hồng ngoại hay luyện tập các bài tập kéo giãn cột sống, tăng cường sức mạnh cho cơ đáy chậu. Chúng có tác dụng giảm đau, giải phóng áp lực cho thần kinh và khu vực xương chậu.
  • Phẫu thuật: Đối với cơn đau xương cụt khi ngồi xuất phát từ các vấn đề nghiêm trọng như gãy xương, u cột sống, ung thư hay áp xe… người bệnh cần làm phẫu thuật để sửa chữa tổn thương bên trong. Một số bệnh nhân được đề nghị cắt bỏ toàn bộ xương cụt.

Trong quá trình điều trị đau xương cụt khi ngồi, bệnh nhân cần có chế độ ăn uống khoa học, ngủ đủ giấc, tránh stress và tập thể dục mỗi ngày để kiểm soát cân nặng. Duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp hỗ trợ giảm đau, rút ngắn thời gian chữa trị bệnh.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android