Đau Lưng Bên Trái
Đau lưng bên trái có thể là dấu hiệu của các bệnh lý như loãng xương, viêm phổi, bệnh thận cùng rất nhiều các yếu tố khác. Bạn cần theo dõi cơn đau cùng các triệu chứng khác nếu thấy mức độ đau nhức ngày càng nghiêm trọng hơn thì nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị chính xác nhất.
Định nghĩa
Mỗi vị trí đau lưng đều là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Đau lưng không chỉ là dấu hiệu của các vấn đề về xương khớp mà còn là dấu hiệu cho các thấy các cơ quan nội tạng bên trong đang có vấn đề. Vì vậy nếu chủ quan và tự ý điều trị có thể sai cách khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Tùy vào tình trạng đau cấp tính hay mãn tính mà mức độ nguy hiểm của bệnh khác nhau. Chẳng hạn nếu cơn đau chỉ trong vài ngày thì có thể do căng cơ, làm việc quá sức nhưng nếu đã đau nhức hàng tuần liền thì chứng tỏ sức khỏe đang gặp rất nhiều vấn đề nguy hiểm cần sớm được điều trị. Vì vậy bạn không nên chủ quan với các triệu chứng bất thường của cơ thể.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây đau lưng bên trái có thể do các bệnh lý sau:
Đau lưng do căng cơ
Cơn đau lưng do căng cơ thường chỉ xuất hiện trong vài giờ hoặc vài ngày nên sẽ không quá nghiêm trọng. Nguyên nhân có thể do bạn sinh hoạt, vận động, ngồi làm việc không đúng cách. Chẳng hạn
- Ngồi làm việc có xu hướng cong vẹo về một bên
- Nằm ngủ trên ghế nghiêng về một bên trong thời gian dài
- Mang vác nặng nghiêng về bên trái
- Tập luyện thể thao quá sức, giơ vùng vai bên tay trái lên quá nhiều
- Trước khi vận động không làm nóng cơ thể
Đặc biệt ở những người trước đó ít vận động khiến cho các cơ vốn đã cứng lại, nếu đột ngột hoạt động nhiều, làm việc nặng thì cũng rất dễ bị tình trạng đau nhức ê ẩm người, nặng hơn ở phía cơ thể hoạt động nhiều.
Tuy nhiên nếu đau lưng bên trái do căng cơ thì chỉ cần bạn nghỉ ngơi, thư giãn đúng các thì các triệu chứng sẽ biến mất ngay. Dù vậy đây vẫn là dấu hiệu cho thấy các cơ của bạn đang khá cứng, xương khớp thiếu linh hoạt nên không được chủ quan.
Các bệnh lý về phổi
Hai lá phổi nằm trong lồng ngực, được bao bọc bởi xương sườn và cũng nối liền với cột sống,áp về phía lưng nên những tổn thương ở lá phổi bên trái hoàn toàn có thể gây ra những cơn đau nhức vai bên trái. Không chỉ vậy bạn còn vừa bị đau lưng khó thở, cơn đau có thể tăng lên nếu bị ho khiến người bệnh gặp rất nhiều khó chịu.
Các nguyên nhân gây ra vấn đề về phổi dẫn đến đau lưng rất đa dạng như nhiễm trùng đường hô hấp hay viêm phổi.. Ngoài ra hút thuốc vừa gây vấn đề về phổi vừa làm tăng nguy cơ đau lưng do nicotin trong khói thuốc có thể làm ảnh hưởng đến nhận thức về các cơn đau. Vì vậy cũng không nên bỏ qua nguyên nhân này.
Nếu các bệnh lý về phổi gây đau lưng thì cần phải xử lý được các bệnh này mới có thể loại bỏ hoàn toàn được tình trạng đau lưng bên trái.
Các bệnh lý về tim
Tim cũng là một cơ quan quan trọng nằm ở lồng ngực bên trái, áp về phía lưng nên nếu bạn bị đau lưng bên trái cũng có thể liên quan đến nguyên nhân này. Theo các chuyên gia, đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim có thể khiến nam giới đau ở vùng vai bên trái còn nữ giới sẽ cảm nhận được cơn đau ở lưng và tay trái. Cơn đau có thể bắt đầu từ ngực sau đó lan ra lưng trên hoặc lưng dưới.
Đau lưng bên trái nếu liên quan đến các vấn đề về tim mạch còn kèm theo các triệu chứng khó thở, hoa mắt chóng mặt, dễ choáng váng do tăng huyết áp, lượng máu và oxy truyền đến các cơ quan bị suy giảm. Hãy nhanh chóng đi thăm khám nếu thường xuyên cảm thấy đau thắt ngực, khó thở kèm theo đau lưng, đặc biệt khi leo cầu thang hay chạy nhanh.
Đau lưng bên trái do lạc nội mạc tử cung
Cơn đau lưng bên trái ở phụ nữ nếu nằm ở vùng lưng dưới hay thắt lưng cũng có thể liên quan đến các vấn đề phụ khoa, các bệnh ở tử cung, chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung. Đây là một bệnh lý khá phổ biến ở nữ giới trong độ tuổi sinh sản, có liên quan đến nội tiết tố nữ estrogen của cơ thể. Lạc nội mạc tử cung nếu không phát hiện sớm thậm chí có thể gây vô sinh ở phụ nữ.
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh này là đau vùng xương chậu và vùng lưng bên trái, đặc biệt trong những ngày đèn đỏ. Nếu các mô nội mạc tử cung xuất hiện ở ruột hay bàng quang thì các chị em cũng có thể bị đau khi đi vệ sinh hay đi nặng. Cơn đau cũng có thể nghiêm trọng hơn khi quan hệ tình dục, máu kinh ra nhiều bất thường.
Nếu thấy các triệu chứng này người bệnh nên nhanh chóng thăm khám để có hướng điều trị an toàn và hiệu quả hơn.
Đau lưng bên trái do bệnh sỏi thận
Các vấn đề về thận chẳng hạn như sỏi thận trái cũng sẽ gây ra những cơn đau nghiêm trọng tại vùng lưng và mạn sườn ở bên trái. Cơn đau có thể kéo xuống khu vực trước hố chậu, đùi hoặc lan sang cả các bộ phận sinh dục. Cơn đau xuất hiện từng cơn và tăng lên khi vận động.
Ngay cả khi bị sỏi nhẹ thì bạn vẫn có thể bị đau lưng, nếu ngồi lâu trong một vị trí hoặc đột ngột thay đổi tư thế cơn đau nhói lên do sỏi thận bị mắc kẹt làm tăng áp lực lên các khu vực khác. Một số triệu chứng khác dp bị sỏi thận mà bạn có thể gặp phải như nôn, đi tiểu ra máu, nước tiểu đục, tiểu rắt.. Do đó nếu các các triệu chứng này bạn nên tránh nhầm lẫn với cơn đau lưng thông thường.
Viêm khớp điểm sườn
Xương sườn sẽ được liên kết với một đốt sống ngực nằm tương đương thông qua trục hai khớp đối xứng nhau nằm tại hai bên cột sống. Nếu các khớp này bị tổn thương hư hỏng gây viêm nhiễm sẽ gây ra các triệu chứng đau nhức ở hai bên sườn và lan ra sau lưng.
Trong đó nếu viêm sườn xuất hiện ở bên trái thì sẽ gây ra cơn đau tương đương ở sườn trái và ngược lại, nếu bị viêm sườn bên phải sẽ làm đau lưng trên bên phải. Tình trạng đau lưng này thường xuất hiện ở khu vực lưng trên.
Đau lưng bên trái do các vấn đề về xương khớp
Bên cạnh các vấn đề trên, nếu cơn đau chỉ xuất hiện quanh vùng lưng hoặc lan lên chân tay mà không có các triệu chứng khác thì rất có thể do các vấn đề về xương khớp gây ra. Rất nhiều bệnh lý ở cột sống có liên quan trực tiếp đến tình trạng đau lưng ở bên trái mà bạn cần nhanh chóng điều trị.
Đau lưng bên trái cũng có thể liên quan đến những bệnh lý sau
- Thoát vị đĩa đệm: các nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài chèn ép dây các dây thần kinh và gây ra cảm giác đau nhức nghiêm trọng. Các dây thần kinh bị chèn ép cũng khiến bạn có cảm giác "không thật" khi cầm nắm thứ gì đó.
- Thoái hóa cột sống: cột sống lưng nếu bị thoái hóa cũng sẽ gây ra những cơn đau lưng bên trái đặc biệt vào những ngày thời tiết thay đổi.
- Bệnh loãng xương: đau lưng cấp tính,gù lưng nếu người người già còn có triệu chứng giảm chiều cao. Bệnh nhân loãng xương cũng gặp cơn đau nhức ở dây thần kinh tọa và dây thần kinh liên sườn nên rất khó chịu.
- Gai cột sống: cơn đau xuất hiện ở cổ và thắt lưng kèm theo rối loạn đại tiểu tiện và rối loạn thần kinh. Người bệnh thường bị đau buốt khi bẻ cột sống đột ngột, dần lan xuống hai chân hoặc hai tay và làm ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động.
Các tổn thương do bệnh lý xương khớp nếu không nhanh chóng điều trị có thể dẫn tới rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác,thậm chí là teo cơ hai bại liệt. Tình trạng này thường gặp ở những người già người cao tuổi khiến xương khớp bị thoái hóa, người làm các công việc chân tay hay các công việc cần ngồi nhiều, người chơi thể thao hoặc có các chấn thương nghiêm trọng khác tại lưng.
Chăm sóc tại nhà
Nếu tình trạng đau lưng bên trái chưa quá nghiêm trọng bạn có thể áp dụng một vài phương pháp đơn giản để giảm đau bên ngoài, không dùng thuốc. Do chỉ áp dụng bên ngoài nên hầu hết tình trạng nào cũng có thể thực hiện. Bao gồm
- Chườm lạnh: dùng một vài viên đá lạnh bọc trong túi nilon hoặc khăn sạch để chườm lên lưng sẽ đem đến công dụng giảm đau nhức nhanh chóng
- Chườm nóng: nếu không có túi chườm nóng bạn có thể cho một ít nước ấm khoảng 40- 50 độ vào chai thủy tinh rồi chườm lên bên lưng bị đau. Cách này rất hiệu quả cho những người bị căng cứng cơ mà không cần phải dùng thuốc.
- Dùng miếng dán hay thuốc xoa bóp: bạn có thể mua sẵn các miếng dán giảm đau, dầu nóng hay các loại thuốc xoa bóp để tự massage giảm đau tại nhà
- Tắm nước ấm: nước ấm sẽ giúp cơ thể thư giãn, thúc đẩy máu huyết lưu thông ổn định nên cũng đem đến tác dụng giảm đau hiệu quả.
Điều trị
Do cơn đau lưng bên trái có thể xuất hiện do rất nhiều nguyên nhân nên chỉ khi người bệnh biết chính xác vấn đề ở bản thân thì mới có thể đưa ra hướng điều trị chính xác nhất. Mỗi nguyên nhân sẽ có cách dùng thuốc hay phẫu thuật khác nhau nên nếu gặp các cơn đau kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường khác bạn nên đến bệnh viện thăm khám và có hướng điều trị chính xác nhất.
Bác sĩ sẽ trao đổi xem xét các triệu chứng cơ bản của bệnh nhân để hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm phù hợp. Sau khi có kết quả cuối cùng, bác sĩ mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Một số hướng điều tình trạng đau nhức lưng bên trái theo từng bệnh lý mà bạn có thể tham khảo như sau
- Do căng cơ: nghỉ ngơi, sử dụng thuốc giãn cơ hoặc các loại thuốc xoa bóp thường được chỉ định cho các bệnh nhân giãn cơ. Hầu hết người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi là hoàn toàn có thể giảm đau nhức do căng cơ hiệu quả.
- Do các bệnh về phổi: nếu tình trạng không quá nghiêm trọng bác sĩ thường chỉ định các loại thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng hay tổn thương phổi nặng. Một vài trường hợp bệnh nhân cần phải điều trị nội trú hay phẫu thuật để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm.
- Do các bệnh về tim: các bệnh về tim bên cạnh việc dùng thuốc còn phải thay đổi chế độ sống, sinh hoạt và dinh dưỡng hằng ngày. Hầu hết nếu liên quan đến tim mạch đều phải điều trị duy trì để tránh các biến chứng có thể xảy ra và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh.
- Do sỏi thận: nếu sỏi còn nhỏ có thể điều trị bằng các dùng một số loại thuốc tiêu sỏi, thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh kết hợp với uống nhiều nước để đào thải sỏi ra ngoài. Tuy nhiên với các sỏi đã quá to thì cần phải điều trị ngoại khoa như soi niệu quản,Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng xung kích, tán sỏi qua da hay phẫu thuật.
- Điều trị lạc nội mạc tử cung ở nữ giới: Người bệnh có thể được chỉ định dùng giảm đau kết hợp điều chỉnh nội tiết tố, tuy nhiên cũng có thể phải phẫu thuật để ngăn chặn những tổn thương khác lan rộng gây nguy hiểm.
- Điều trị các bệnh xương khớp: nếu tình trạng đau lưng bên trái chưa quá nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hay tiêm corticosteroid để giảm đau. Tuy nhiên trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để điều chỉnh các tổn thương tại cột sống. Với bệnh nhân loãng xương cần dùng các thuốc điều trị loãng xương trong vài năm để làm chậm nguy cơ mất xương.
Nói chung việc điều trị này cần được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nếu chưa biết rõ chính xác nguyên nhân gây đau lưng thì tuyệt đối không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào vì có thể gây hại ngược lại cho sức khỏe.
Phòng ngừa
Dù là liên quan đến bất cứ tác nhân nào gây ra những cơn đau lưng bên trái thì việc thay đổi chế độ cuộc sống và chế độ sinh hoạt khoa học cũng mang đến rất nhiều lợi ích cho cơ thể. Tình trạng đau lưng có thể là dấu hiệu báo hiệu sức khỏe của bạn đang có vấn đề nên không được chủ quan và nên thay đổi càng sớm càng tốt để nâng cao sức khỏe.
Một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt mà bạn có thể tham khảo như
- Bỏ hút thuốc và cũng nên tránh xa những nơi có khói thuốc
- Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày. Nếu tình trạng đau lưng vẫn kéo dài bạn vẫn nên lựa chọn những bộ môn thể thao phù hợp như bơi lội, đi bộ, yoga hay pilates đều rất tốt
- Tăng cường bổ sung rau xanh và các loại trái cây hằng ngày
- Tránh xa bia rượu, các chất kích thích, đồ ăn nhanh, đồ ăn công nghiệp, các thực phẩm quá mặn, đồ ăn sử dụng nhiều dầu mỡ
- Đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày
- Uống nhiều nước, mỗi ngày nên uống từ 2- 2,5 lít nước tùy cân nặng
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ thể và thăm khám ngay khi cần thiết
- Dành thời gian khám bệnh định kỳ ít nhất 1 lần/ 1 năm để kiểm tra đầy đủ các vấn đề sức khỏe
Đau lưng bên trái nếu kéo dài liên tục với mức độ và tần suất tăng dần thì người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám và tìm chính xác nguyên nhân, tuyệt đối không nên chủ quan với sức khỏe của bản thân. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.