Đau Lưng Sau Sinh
Đau lưng sau sinh có thể liên quan đến các nguyên nhân như mẹ làm việc nặng sớm, tư thế bế em bé không phù hợp, sức khỏe chưa phục hồi hoặc cũng là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu chất. Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất kết hợp tập thể dục khoa học sẽ giúp mẹ loại bỏ cơn đau và lấy lại sức khỏe nhanh chóng.
Định nghĩa
Tình trạng đau lưng có thể xuất hiện suốt từ giai đoạn mang thai đến cả sau sinh khiến các chị em phụ nữ vô cùng mệt mỏi. Cơn đau lưng ê ẩm khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon, đi lại hay vận động mỗi ngày cũng đều thấy nặng nề. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và tinh thần của các mẹ bỉm.
Đau lưng sau khi sinh gặp ở cả phụ nữ sinh mổ và sinh thường nhưng tỉ lệ ở người sinh mổ thường cao hơn. Ngoài ra chế độ chăm sóc và nghỉ ngơi sau thời kỳ sinh nở cũng đều liên quan trực tiếp đến các tác nhân này. Thống kê cho thấy có đến 50% phụ nữ bị đau lưng ít nhất 3 tháng sau sinh, thậm chí có những người bị đau nhức âm ỉ kéo dài suốt 2 năm.
Nguyên nhân
Đau lưng sau sinh có thể liên quan đến các tác nhân sau đây
Đau lưng ở người sinh mổ
Phụ nữ nếu sinh mổ sẽ được tiêm thuốc tê vào tủy sống để giảm đau, đây là khu vực rất nhạy cảm. Khi thuốc tê tan cũng là lúc những cơn đau nhức âm ỉ bắt đầu kéo dài dai dẳng, đặc biệt tăng lên vào những ngày trời lạnh.
Sự thay đổi hormone
Trước đó vào giai đoạn mang thai, hormone relaxin được tiết ra để làm giãn dây chằng và xương chậu giúp việc sinh thường diễn ra dễ dàng. Sau sinh các cơ quan này trở nên lỏng lẻo hơn, chưa thể phục hồi ngay được nên cơ thể yếu hơn, mẹ dễ bị đau lưng.
Nhiễm lạnh
Theo quan niệm xưa, phụ nữ sau sinh thường chỉ được ở trong phòng, không được tắm rửa và phải ủ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh. Sau sinh cơ thể rất yếu nên nếu để hàn khí xâm nhập, gió lạnh tấn công thì sẽ bị đau lưng ở hiện tại và cả khi già.
Tư thế thay đổi
Đau lưng khi mang thai tháng cuối thường do cột sống bị kéo về phía trước để giữ thăng bằng khi bụng quá to. Sau khi sinh xong cấu trúc cột sống sẽ dần tự điều chỉnh lại độ cong ban đầu nên chị em phụ nữ cũng bị đau lưng âm ỉ trong giai đoạn mới sinh
Yếu tố tâm lý
Tình trạng đau nhức sau sinh, thay đổi giờ giấc, chưa quen với việc chăm sóc em bé, ngủ không đủ hay cơ thể xồ xề khiến các chị em lúc này bị stress rất nhiều. Cơ thể khi căng thẳng stress sẽ tiết ra các hormon làm căng cứng cơ nên điều này cũng góp phần gây ra tình trạng đau lưng sau sinh.
Chế độ sinh hoạt không phù hợp
Sau sinh nếu phụ nữ nằm quá nhiều một chỗ sẽ khiến các cơ bị căng cứng, kém linh hoạt, khí huyết kém lưu thông nên dễ nhức mỏi hơn. Trong khi đó nếu chị em vội vã làm việc, mang vác nặng cũng rất dễ bị đau nhức nghiêm trọng do các dây chằng bị co giãn quá mức khi cơ thể chưa phục hồi hoàn toàn.
Cho bú và bế em bé sai cách
Tình trạng này rất dễ gặp phải ở những người sinh nở lần đầu nên chưa biết cách cho con bú thế nào. nếu mẹ có thói quen ngồi gù lưng xuống để bế hay cho con bú thường xuyên thì những cơn đau nhức ê ẩm tại lưng sẽ khó tránh khỏi vì làm mất độ cong tự nhiên cho vùng cổ, cột sống và thắt lưng.
Thậm chí việc bế em sai cách còn làm tăng nguy cơ gù lưng ở một số người do trước đó cột sống đã bị kéo cong về phía trước trong giai đoạn mang thai.
Dấu hiệu cho thấy mẹ đang bị thiếu canxi và các dưỡng chất khác
Đau lưng sau sinh chính là dấu hiệu hàng đầu cho thấy mẹ đang bị thiếu canxi cùng các dưỡng chất cần thiết cho hệ thống xương khớp như vitamin D3, Magie.. Thiếu canxi có thể làm xẹp vi thể các đốt sống, khiến xương yếu hơn và làm tăng nguy cơ loãng xương, thoái hóa cột sống cùng rất nhiều bệnh lý về xương khớp nghiêm trọng khác.
Chăm sóc tại nhà
Sức khỏe người mẹ sau thời gian sinh nở vẫn có mối liên kết chặt chẽ với con do lúc này em bé vẫn chỉ có thể bú mẹ trong suốt 6 tháng đầu. Vì vậy nếu cơ thể mẹ mệt mỏi, thiếu canxi, ăn uống không ngon, thường xuyên đau nhức uể oải hay rối loạn giấc ngủ thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con.
Với những bà mẹ sinh thường thì tình trạng đau lưng sẽ nhanh hết hơn, nhanh vận động trở lại bình thường còn với người sinh mổ thường có thời gian phục hồi lâu hơn. Dù vậy nếu có chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi và vận động bình thường thì mẹ vẫn có thể giảm nhanh chóng những cơn đau lưng nhức mỏi để nâng cao chất lượng cuộc sống, tinh thần, sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Chườm ấm và tắm nước ấm
Để giải quyết cơn đau nhanh chóng thì chườm ấm hay tắm nước ấm chính là sự lựa chọn tuyệt vời cho tất cả mọi người. Nhiệt nóng sẽ làm thư giãn các cơ, kích thích máu huyết lưu thông ổn định đồng thời còn làm phục hồi cơ thể mẹ nhanh chóng hơn mà không gây ra bất cứ tác dụng phụ nguy hiểm nào khác. Phương pháp này cũng rất thường được áp dụng cho những người bị đau lưng khi mang thai để cảm thấy dễ chịu hơn.
Mẹ bỉm chỉ cần dùng các túi chườm để chườm nhẹ lên lưng trong khoảng 15- 20 phút là đã thấy cơn đau dần giảm nhẹ. Mẹ cũng cơ thể pha nước tắm với một số thảo dược như bạc hà, tinh dầu tràm hay hoa cúc để thư giãn toàn thân, chống nhiễm trùng tại vết mổ. Mùi hương từ các thảo dược này cũng giúp thư giãn tinh thần rất hiệu quả.
Nghỉ ngơi đúng cách
Sau sinh cơ thể vẫn còn rất yếu, chưa hoàn toàn hồi phục nên mẹ bầu cần tránh vội vàng làm các việc nặng, bê đồ nặng. Hãy đi lại nhẹ nhàng trong vài tuần đầu để cơ thể thực sự hồi phục, tránh nằm quá nhiều. Đặc biệt ở những người sinh mổ càng nằm lâu thì lúc đi lại càng đau nhức nghiêm trọng hơn.
Mẹ bỉm nên tập đi lại sau sinh giúp các cơ thư giãn, thả lỏng. Mẹ có thể đau nhức hoặc mệt mỏi khi mới tập đi nên hãy nhờ chồng hay người thân đỡ một bên. Ngoài ra cũng cần đảm bảo ngủ đủ giấc vì giấc ngủ sẽ giúp các cơ quan được phục hồi năng lượng và nhanh chóng khỏe lại.
Gia đình và đặc biệt là chồng cũng cần hỗ trợ vợ trong việc chăm sóc em bé để mẹ bỉm được nghỉ ngơi. Hạn chế để mẹ bỉm tiếp xúc nhiều với nước lạnh, phải xách đồ hay cúi người nhiều sẽ không tốt cho cột sống.
Giảm đau lưng khi sinh bằng việc bế em bé đúng cách
Nếu mới mang thai lần đầu bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của các dì, các mẹ để biết cách cho em bé bú và bế em bé đúng cách, tránh bị đau lưng. Thường thì sau khi sinh tại bệnh viện cũng có các y tá đến chăm sóc và bạn có thể nhờ sự hỗ trợ của họ để được hướng dẫn cách bế em bé khoa học nhất.
Một số lưu ý là nếu mẹ ngồi và cho em bú thì nên kê một chiếc gối đằng sau lưng để dựa, tránh cúi xuống quá nhiều. Mẹ cũng có thể nằm nghiêng để cho con bú dễ dàng hơn, không bị đau lưng do ngồi quá lâu.
Tập thể dục thể thao giúp giảm đau lưng sau sinh
Sau sinh dù vẫn còn đau nhức, mệt mỏi nhiều nhưng mẹ vẫn nên dành thời gian tập thể dục hằng ngày. Chỉ cần đi lại 10 – 20 phút mỗi ngày cũng đủ để mẹ bỉm giảm được tình trạng đau nhức lưng và tê bì chân tay hiệu quả. Tập thể dục cũng giúp các bà mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng hoàn hảo, không bị ám ảnh bởi thân hình xồ xề kém hấp dẫn.
Tuy nhiên do sau sinh vùng dưới và bụng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nên mẹ cần chú ý vận động nhẹ nhàng, không nên bơi lội (nếu vết mổ chưa lành bơi lội có thể gây nhiễm trùng) hay tham gia gia các bộ môn phải vận động quá mạnh có thể làm rách tầng sinh môn.
Yoga và thiền chính là những bộ môn cực kỳ phù hợp với phụ nữ sau khi sinh để lấy lại vóc dáng, điều hòa khí huyết lưu thông ổn định và rất tốt để điều chỉnh lại độ cong tự nhiên của cột sống. Bên cạnh đó thiền và yoga cũng hỗ trợ cân bằng tâm trạng, giải tỏa căng thẳng nên đặc biệt tốt cho phụ nữ sau sinh, ngăn ngừa nguy cơ gặp các vấn đề tâm lý như trầm cảm ở phụ nữ.
Sử dụng các thực phẩm giảm đau chống viêm tự nhiên
Để đối phó với tình trạng đau lưng sau sinh không phải ngày một ngày hai nên không thể lúc nào cũng chườm nóng hay uống thuốc. Thay vào đó bổ sung chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường các thực phẩm giảm đau chống viêm tự nhiên sẽ tốt hơn cho chị em phụ nữ.
Một số thực phẩm cực kỳ tốt cho các chị em bị đau lưng sau sinh nở bao gồm
- Bổ sung sữa hằng ngày vừa giúp tăng cường canxi cùng các dưỡng chất cần thiết để phục hồi sức khỏe
- Bạc hà, gừng, nghệ đều là những loại gia vị có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giảm đau, chống viêm hiệu quả
- Oleocanthal có trong dầu oliu có thể đem đến tác dụng giảm đau chống viêm tương tự như thuốc chống viêm ibuprofen. Thực phẩm này còn có thể giúp xương khớp hoạt động trơn tru và linh hoạt hơn. Bạn cũng nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu oliu để thay thế cho các loại dầu chiết xuất từ động vật
- Tăng cường bổ sung rau củ và trái cây, đặc biệt là các loại rau có màu xanh đậm
- Uống đủ nước mỗi ngày cũng có thể mang lại tác dụng chống viêm giảm đau, hỗ trợ sự phục hồi các tổn thương sau sinh
- Sử dụng các loại trà gừng, trà hoa cúc hay trà xanh cũng mang đến tác dụng giảm viêm, giúp mẹ thư giãn tinh thần. Tuy nhiên tránh dùng trà xanh vào buổi tối do có thể gây mất ngủ
Phòng ngừa
Nếu muốn phòng tránh tình trạng đau lưng sau sinh thì các chị em cần thực hiện ngay từ giai đoạn mang thai. Thực hiện lối sống khoa học, bổ sung dinh dưỡng hợp lý cũng có thể mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho mẹ trong suốt thai kỳ.
Cụ thể, tham khảo các phương pháp sau
- Kiểm soát cân nặng hợp lý trong suốt thai kỳ, tăng cân là rất cần thiết nhưng cần tăng cân khoa học. Nếu lượng mỡ và lượng đường huyết của mẹ quá cao ngược lại còn gây hại cho thai nhi
- Dùng các loại đai cho bà bầu để giảm các áp lực cho cột sống và thắt lưng, tránh tình trạng cột sống ngả về phía trước quá nhiều
- Duy trì thói quen luyện tập thể thể thao, yoga hay đi lại nhẹ nhàng ngay từ thời kỳ mang thai. Bà bầu vận động thông minh thường dễ sinh thường hơn nên cũng phòng tránh được các cơn đau do sinh mổ
- Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất trong suốt thai kỳ. Đặc biệt cần bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D và Kali để bé phát triển chiều cao đầy đủ, tránh tình trạng mẹ bị mất xương cùng các hệ lụy sau này do thiếu chất
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, đảm bảo ngủ đủ giấc hằng ngày
- Uống đủ nước hằng ngày, kết hợp thêm cả nước ép rau củ và các loại trái cây
- Bổ sung các vitamin qua chế độ ăn uống hằng ngày là chưa đủ nên mẹ cần kết hợp với cả các viên uống bổ sung canxi, thực phẩm chức năng để đảm bảo đầy đủ chất. Cần duy trì việc bổ sung các chất này từ 3- 6 tháng khi vẫn còn đang cho con dùng hoàn toàn bằng sữa mẹ
- Bổ sung sữa bầu hay sữa canxi cũng rất tốt cho phụ nữ có thai và sau sinh.
- Khám sức khỏe mẹ và bé định kỳ để hiểu rõ sức khỏe của bản thân và có hướng cải thiện tốt nhất
Đau lưng sau sinh là tình trạng thường gặp ở chị em phụ nữ nhưng nếu biết cách khắc phục kịp thời thì tình trạng này sẽ không quá nghiêm trọng. Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất, tích cực vận động đúng cách, nghỉ ngơi đầy đủ chính là cách tốt nhất để nâng cao sức khỏe của cả mẹ và bé.