Đau Lưng Ở Người Trẻ
Đau lưng ở người trẻ thường liên quan đến thói quen sinh hoạt sai cách, lười vận động hoặc do tính chất công việc. Ở người trẻ thường có tốc độ phục hồi tổn thương khá cao tuy nhiên không nên vì vậy mà chủ quan. Có chế độ sinh hoạt khoa học, tập thể dục hằng ngày chính là các phòng tránh tình trạng này hiệu quả nhất.
Định nghĩa
Triệu chứng của đau lưng là cảm giác đau đớn âm ỉ, có lúc nhói lên ở phía sau lưng. Cơn đau có thể lan lên cổ hoặc xuống vùng mông, nghiêm trọng hơn khi ngồi hay khi mang vác nặng. Người bệnh có thể gặp rất nhiều ảnh hưởng trong quá trình sinh hoạt và vận động hằng ngày do đau lưng. Thống kê cho thấy tỷ lệ người trẻ bị đau lưng hiện đang không ngừng tăng lên.
Cần biết rằng trừ trường hợp chấn thương thì đau lưng ở người trẻ và người già, người trung niên ( người trên 45 tuổi) sẽ hoàn toàn khác nhau. Đau lưng ở người già thường liên quan các tác nhân lão hóa do tuổi tác khiến xương khớp yếu dần, dễ tổn thương, dễ hư hỏng hơn. Trong khi đó đau lưng ở người trẻ chủ yếu lại liên quan đến thói quen sinh hoạt sai cách hằng ngày.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây đau lưng ở người trẻ cực kỳ đa dạng, bao gồm
- Ngồi không đúng tư thế: ngồi cong vẹo một bên, ngồi vắt chân, ngồi các loại ghế xoay và thường có thói quen xoay đột ngột hay ngồi quá lâu trong một tư thế cũng có thể khiến người trẻ bị đau lưng.
- Thiếu vận động: người trẻ hiện nay thường rất ít vận động có thể do lười biếng hoặc do quá bận rộn. Những ngày thường sẽ chỉ đi làm rồi vội vàng về nhà nghỉ ngơi, còn những ngày nghỉ cũng chỉ nằm trên giường “ngủ nướng”, việc đi lại hằng ngày cũng có xe cộ, thang máy phục vụ nên rất ít thời gian để vận động. Thiếu vận động sẽ làm xương khớp có xu hướng cứng lại, dễ căng cơ và chấn thương hơn, đặc biệt là khi bỗng nhiên làm việc nặng hay lao động quá sức đột ngột.
- Do tính chất công việc: đau lưng hiện nay còn được gọi như một “bệnh của người trẻ” bởi dễ gặp ở dân văn phòng, người làm việc máy tính nhiều, hay hay mang vác balo nặng. Ngoài ra nữ giới nếu thường xuyên đi dép cao gót làm cơ thể có xu hướng nghiêng về phía trước, ảnh hưởng đến cấu trúc cột sống nên cũng dễ bị đau lưng.Đây đều là các vấn đề xuất hiện ở người trẻ nên nếu không được chăm sóc đúng cách sẽ gây ra những cơn đau nhức lưng khó chịu.
- Sinh hoạt không đúng tư thế: nằm ngủ trên bàn, nằm co quắp, mang các vật nặng đột ngột từ dưới thấp lên cũng là một trong những tác nhân phổ biến làm đau lưng ở người trẻ. Ngoài ra trẻ nhỏ ngồi cong lưng về phía trước còn có thể bị gù lưng
- Thói quen sống thiếu lành mạnh: thức khuya, dậy sớm, hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, thường xuyên bị stress căng thẳng, ngủ không đủ giấc đều là các yếu tố làm tăng nguy cơ đau lưng ở người trẻ. Thực tế có thể thấy, chỉ cần bạn bị mất ngủ một hôm và hôm sau phải dậy sớm bạn sẽ có cảm giác lưng ê ẩm và làm cả ngày hôm đó cực kỳ uể oải.
- Do chất lượng giường nệm: người trẻ hiện nay thường bận rộn kiếm tiền và để tiết kiệm chi phí nên thường chọn nằm đất hoặc các loại nệm cứng rẻ tiền. Đây cũng là nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị ê ẩm người, đau nhức lưng ngay sau khi tỉnh dậy
- Do thừa cân béo phì: Cột sống phải chịu nhiều sức ép trong việc nâng đỡ cơ thể nên thừa cân có thể làm nghiêm trọng hơn tình trạng này.
- Chấn thương: các chấn thương ở lưng có thể xuất hiện do mang vác nặng quá sức, té ngã, tai nạn giao thông… Ngoài ra ở những bạn trẻ tham gia thể thao như bóng đá hay bóng chuyền cũng rất dễ gặp các chấn thương tại lưng
- Do các bệnh lý về xương khớp: hầu hết tỷ lệ người trẻ mắc các bệnh lý về xương khớp gây đau lưng như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh tọa.. thường không quá nhiều. Nếu liên quan đến tác nhân này thì có thể do người bệnh có các chấn thương nặng trước đó nhưng không được điều trị hoàn toàn nên mới gây ra những biến chứng này.
- Do các bệnh lý khác: Người trẻ mắc bệnh thận chẳng hạn như thận hư hay sỏi thận cũng sẽ gặp phải tình trạng đau nhức lưng. Nguyên nhân mắc bệnh thận có thể do lạm dụng rượu bia quá mức hay những người thường xuyên nhịn tiểu.
Hiểu rõ nguyên nhân gây ra các cơn đau lưng ở người trẻ sẽ cho thấy mức độ nguy hiểm, hướng điều trị và các phòng tránh nguy cơ tái phát lại sau đó.
Chăm sóc tại nhà
Nếu cơn đau không quá trầm trọng, xuất hiện do thói quen sinh hoạt hoặc tính chất công việc, làm việc quá sức thì người bệnh cũng chưa cần dùng thuốc. Nghỉ ngơi nhiều hơn, thực hiện các phương pháp giảm đau tại nhà sẽ giúp bạn cải thiện được mức độ đau đáng kể. Những người bị đau lưng cấp tính hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp này.
Một số phương pháp giảm đau lưng cho người trẻ đơn giản như:
- Chườm lạnh: nhiệt lạnh của đá có thể làm tê liệt tạm thời các dây thần kinh cảm giác, ức chế quá trình dẫn truyền thần kinh nên có thể giảm cảm giác đau hiệu quả. Nếu gặp các chấn thương ở lưng hay có liên quan đến các bệnh lý bạn vẫn có thể áp dụng được phương pháp này. Bạn chỉ cần dùng vài viên đá lạnh bọc trong khăn hoặc túi nilon sạch rồi chườm lên vị trí lưng bị đau từ 15 – 20 phút.
- Chườm nóng: phương pháp này lại giúp các mạch máu được giãn nở, thư giãn các cơ đang bị căng cứng nên cũng giúp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên nếu đang có các chấn thương ở lưng thì bạn chưa nên chườm nóng ngay mà nên đợi sau 48 – 72h đồng hồ để tránh làm chảy máu nặng hơn. Chú ý cũng chỉ nên chườm từ 15 – 20 phút, có thể thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ để ngủ ngon hơn.
- Dùng miếng dán hoặc thuốc bôi giảm đau: nếu đang bị căng cứng cơ sau một ngày làm việc mệt mỏi thì có thể dùng tạm các miếng dán hoặc thuốc giảm đau để được cải thiện nhanh chóng. Bạn có thể mua các sản phẩm này tại các hiệu thuốc nên rất tiện lợi.
- Tắm nước ấm: nước ấm cũng là phương pháp có thể thư giãn cơ thể cực kỳ hiệu quả cho những người bị đau nhức cơ thể. Nếu nhà có bồn tắm bạn hãy thư giãn với bồn tắm, có thể kết hợp cùng các thảo dược như hoa cúc hay trà xanh cũng mang đến cảm giác thư giãn tuyệt vời.
Câu hỏi thường gặp
Đau lưng ở người trẻ có nguy hiểm không?
Hầu hết người trẻ đều gặp các cơn đau cấp tính kéo dài dưới 6 tuần, chỉ một số ít có liên quan đến các cơn đau mãn tính, thường là do liên quan đến các chấn thương. Tuy nhiên theo các đánh giá, tiên lượng khi người trẻ bị đau lưng thường tốt hơn người trung niên và người già rất nhiều. Bởi còn trẻ nên khả năng xây dựng và tái tạo lại các cơ quan vẫn còn hoạt động cực kỳ tốt, tốc độ phục hồi nhanh nên dễ dàng điều trị hơn so với người lớn tuổi.
Dù vậy người trẻ bị đau lưng cũng tuyệt đối không nên chủ quan, bỏ qua các triệu chứng cấp tính. Một khi đã bị đau lưng đã chứng to hệ thống xương khớp đang có vấn đề, nếu không nhanh chóng cải thiện và bổ sung phù hợp sẽ làm xương khớp yếu và dễ tổn thương hơn. Đau lưng nếu chuyển qua giai đoạn mãn tính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người.
Đau lưng ở người trẻ nếu không được điều trị đúng cách kịp thời, đặc biệt là khi có liên quan đến chấn thương cũng có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm như teo cơ, rối loạn tứ chi, rối loạn bài tiết.. Cơn đau nhức cũng ảnh hưởng đến tinh thần người bệnh nếu tái diễn quá thường xuyên. Vì vậy tuyệt đối không nên chủ quan khi người trẻ bị đau lưng.
Điều trị
Dùng thuốc Tây
Với những người đau nhức lưng lâu ngày, có liên quan đến chấn thương hay các vấn đề về xương khớp bác sĩ sẽ chỉ định một vài loại thuốc để giảm đau, chống viêm. Các thuốc được sử dụng phổ biến bao gồm
Một số loại thuốc phổ biến thường được chỉ định bao gồm
- Nhóm thuốc giảm đau: phổ biến nhất là dùng paracetamol cho các trường hợp đau nhẹ. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng hơn có thể chỉ định dùng nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) chẳng hạn như ibuprofen hoặc Natri naproxen
- Thuốc giãn cơ: thường được chỉ định ngắn ngày cho những bệnh nhân đau nhức lưng do cơ bị căng cứng. Các thuốc phổ biến như Decontractyl Baclofen, Tizanidine
- Thuốc chống viêm: bác sĩ có thể chỉ định thuốc chống viêm liều mạnh như cortisone nhưng nếu cơn đau nghiêm trọng hơn thì sẽ tiêm cortisone trực tiếp vào khớp để giảm viêm
- Thuốc giảm đau gây nghiện: chỉ dùng khi người bệnh đau nặng, có liên quan đến các chất thương mới được chỉ định dùng thuốc giảm đau nhóm opioid
- Một số thuốc khác: các loại thuốc dán hoặc thuốc bôi giảm đau, viên uống có tác dụng bổ sung các loại vitamin cần thiết để phục hồi các tổn thương ở sụn khớp..
Việc dùng các loại thuốc này nên thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ do có thể kèm theo một số tác dụng phụ không mong muốn. Người bệnh không nên tự ý thay đổi liều thuốc hay ngưng thuốc hay khi thấy các triệu chứng thuyên giảm vì sẽ không mang lại kết quả điều trị như mong muốn, ngược lại còn dễ gây nhờn thuốc.
Vật lý trị liệu cho người trẻ bị đau lưng
Một số phương pháp vật lý trị liệu cũng như các bài tập phục hồi chức năng có thể được chỉ định cho người bệnh nếu có liên quan đến các chấn thương nặng. Mục đích của các phương pháp này là tăng cường chức năng xương khớp và đảm bảo khả năng vận động bình thường cho người bệnh. Cụ thể như
- Chống viêm bằng siêu âm, điện xung, sóng ngắn:
- Giảm đau, tăng tốc độ phục hồi bằng hồng ngoại, Paraffin,
- Kéo dãn cột sống bằng máy cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm
- Các bài tập trị liệu phục hồi chức năng vận động
Điều trị ngoại khoa
Thường chỉ khi việc điều trị bằng thuốc, nghỉ ngơi hay vật lý trị liệu không còn mang đến tác dụng tốt nhất người bệnh mới cần phải phẫu thuật. Thường là khi liên quan đến thoát vị đĩa đệm hoặc các chấn thương nặng trước đó thì phẫu thuật cần được thực hiện để đảm bảo không làm mất khả năng vận động của người bệnh.
Mặc dù vậy phẫu thuật cũng thường đi kèm nhiều rủi ro không mong muốn, khả năng hồi phục hoàn toàn cũng tùy thuộc vào cơ địa từng người. Tuy nhiên như đã nói do ở người trẻ khả năng xây dựng và tái tạo còn hoạt động rất mạnh mẽ nên nếu được phẫu thuật đúng cách kết hợp với chế độ nghỉ ngơi chăm sóc phù hợp vì khả năng phục hồi hoàn toàn cũng rất cao.
Phòng ngừa
Để phòng tránh đau lưng ở người trẻ không phải là điều khó khăn. Thay đổi lối sống hằng ngày, luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cải thiện và phòng tránh nguy cơ đau lưng mà còn tốt cho sức khỏe toàn diện của mỗi người. Bản thân mỗi người cần có ý thức thay đổi để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho chính mình.
Để phòng tránh nguy cơ đau lưng ở người trẻ tuổi cần lưu ý các vấn đề sau
- Luôn giữ tư thế ngồi thẳng lưng, tránh tình trạng gù hay cong vẹo lưng sang một bên
- Đeo các loại đai lưng để phòng tránh nguy cơ gù lưng
- Tránh nằm ngủ gục trên bàn
- Thay đổi các loại đệm có độ mềm phù hợp, không quá cứng cũng không quá mềm
- Thay đổi thói quen sinh hoạt, đi ngủ sớm, dậy sớm và tắm nắng hằng ngày
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao độ dẻo dai, linh hoạt cho hệ thống xương khớp
- Tránh vặn lưng quá nhiều có thể làm ảnh hưởng đến cấu trúc tự nhiên của cột sống
- Tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho hệ thống xương khớp như canxi, vitamin D, Magie có trong nguồn thực phẩm hằng ngày
- Tránh các các nhóm thực phẩm có thể gây hại cho hệ thống xương khớp như bia rượu, thuốc lá, chất kích thích, đồ ăn muối chua, đồ nội tạng độc vật
- Với những người từng bị chấn thương hay có dấu hiệu thoái hóa, tổn thương sụn khớp có thể tham khảo bổ sung các thực phẩm chức năng có chứa Glucosamine, Chondroitin…
- Mang vác đồ nặng một cách thông minh, tránh tình trạng bê đồ nặng đột ngột từ dưới thấp lên cao
- Giảm cân khoa học nếu cần thiết
- Tập yoga, dưỡng sinh cũng rất tốt cho độ dẻo dai của xương khớp
- Thư giãn cơ thể sau mỗi ngày làm việc bằng cách tắm nước nóng hay nghỉ ngơi đầy đủ
- Điều trị triệt để các chấn thương, tránh để gây ra các biến chứng khác
- Dành thời gian khám tổng quát ít nhất mỗi năm một lần để kiểm tra sức khỏe toàn thân
Trên đây là một số chia sẻ về tình trạng đau lưng ở người trẻ, hy vọng đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Mỗi người nên dành ít nhất 20 – 30 phút mỗi ngày để thư giãn cơ thể bằng các bài tập thể dục đơn giản. Đừng quên bổ đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể để có một sức khỏe tốt nhất mỗi ngày.