Still Ở Trẻ Em
Bệnh still khởi phát ở trẻ em sẽ gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe và khiến trẻ chậm phát triển hơn bình thường. Tuy nhiên, đây là bệnh lý không đe dọa đến tính mạng và có thể kiểm soát tốt bằng thuốc. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Bệnh still là tình trạng viêm toàn thân, bệnh có thể khởi phát ở cả người lớn và trẻ em nhưng phổ biến hơn ở trẻ em. Chuyên gia cho biết, đây là bệnh lý tự miễn, bệnh khởi phát do hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn. Thay vì tạo ra kháng thể để chống lại tác nhân gây hại thì chúng đã tấn công ngược vào các tế bào vô hại bên trong cơ thể.
Bệnh still ở trẻ em được xem là một thể của bệnh viêm khớp dạng thấp thanh thiếu niên. Thống kê y khoa cho biết, thể bệnh này chiếm khoảng 1/5 trên tổng số ca viêm khớp mãn tính ở thiếu niên. Bệnh có thể gây tổn thương đến cả trong và ngoài khớp, thường gặp nhất là da và nội tạng. Thông thường, bệnh lý này sẽ khởi phát ở trẻ em dưới 16 tuổi và tiến triển kéo dài cho đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, độ tuổi bùng phát bệnh mạnh mẽ nhất là từ 2 - 7 tuổi.
Hình ảnh
Triệu chứng
Khi bệnh still khởi phát ở trẻ em sẽ gây ảnh hưởng đến cả khớp, da và hạch bạch huyết. Bố mẹ có thể dựa vào các đặc trưng này để nhận biết ra bệnh. Một số triệu chứng mà trẻ phải đối mặt khi bệnh khởi phát là:
+ Ảnh hưởng tại khớp: Bệnh thường gây tổn thương từ 1 - 4 khớp trên cơ thể. Lúc này, khớp sẽ bị sưng tấy kèm theo đau nhức rất khó chịu, đôi khi sẽ có thêm triệu chứng cứng khớp. Các khớp dễ bị tổn thương là khuỷu tay, cổ tay, mắt cá chân và khớp gối. Ít gặp hơn ở khớp ngón tay và khớp háng. Đồng thời, bệnh không có biểu hiện tại cột sống.
+ Ảnh hưởng tại da: Phát ban màu hồng nhẵn hoặc gồ nhẹ trên da. Số lượng ban sẽ tăng lên khi cơ thể bị sốt cao và giảm dần khi cơ thể hết sốt. Vị trí xuất hiện ban thường không cố định và không kèm theo triệu chứng ngứa ngáy. Ngoài ra, vùng da xung quanh khớp cũng có thể xuất hiện các hạt cứng nhưng không có cảm giác đau nhức.
+ Ảnh hưởng tại hạch bạch huyết: Khi bệnh still khởi phát, hạch bạch huyết ở cổ trẻ sẽ sưng to hơn bình thường kèm theo triệu chứng đau họng. Bố mẹ có thể nhận biết bằng cách dùng tay sờ vào cổ của trẻ.
+ Triệu chứng khác: Ngoài các triệu chứng điển hình ở trên thì trẻ còn phải đối mặt với tình trạng sốt cao, đau nhức tay chân và cơ, tổn thương mắt, khó thở, gan to, lá lách to,...
Nguyên Nhân
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, hiện tại y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh still ở trẻ em. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp khởi phát bệnh đều có liên quan đến sự bất thường của hệ miễn dịch. Kháng thể được tạo ra đã tấn công vào mô khỏe mạnh khiến chúng bị tổn thương. Vì vậy, việc khởi phát bệnh có ảnh hưởng rất lớn từ yếu tố gen di truyền. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh mà bạn cần lưu ý là:
- Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với nam giới
- Trẻ em từ 2 - 7 tuổi là đối tượng dễ khởi phát bệnh nhất
- Trẻ mắc bệnh lý viêm nhiễm khiến hệ miễn dịch hoạt động bất thường
- Di truyền từ người thân trong gia đình, phổ biến nhất là bố mẹ.
Biến chứng
Bệnh still ở trẻ em được xác định là bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh lý này lại có tính chất mãn tính và tái phát lặp lại nhiều lần. Điều này đã khiến cho trẻ gặp phải khó khăn khi thực hiện một số hoạt động sống hàng ngày như chơi đùa, đi đứng, mang vác đồ đạc,... Nhưng nếu để bệnh diễn ra kéo dài mà không có biện pháp can thiệp phù hợp sẽ gây ra một số biến chứng sau đây:
- Bệnh gây tổn thương và dần phá hủy khớp, khớp tay chân là hai khớp có nguy cơ bị tổn thương cao nhất.
- Trẻ sẽ chậm phát triển hơn bình thường do sự tiến triển của bệnh và phải dùng thuốc điều trị bệnh kéo dài.
- Bệnh still khi diễn ra kéo dài sẽ gây ra một số bất thường bên trong cơ quan nội tạng như tim, màng ngoài tim, gan, lá lách,...
- Nguy cơ mắc phải hội chứng hoạt hóa đại thực bào khiến lượng máu và tế bào máu bị giảm đột ngột. Lúc này, chất béo trong cơ thể tăng đột biến kèm theo suy giảm chức năng gan.
Phòng ngừa
Ngoài việc cho trẻ dùng thuốc Tây y để điều trị bệnh theo đơn kê, bạn cũng cần chú ý đến việc chăm sóc trẻ tại nhà. Lúc này, bố mẹ có thể áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà để triệu chứng của bệnh nhanh chóng được cải thiện. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh và bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trẻ. Thực đơn ăn uống của trẻ nên tăng cường sử dụng thực phẩm giàu acid béo omega-3, canxi, vitamin D, vitamin C,...
- Khuyến khích trẻ nên đi lại hoặc tập luyện nhẹ nhàng để cải thiện các triệu chứng của bệnh tại khớp như đau nhức, cứng khớp,... Đồng thời, cách này còn có tác dụng nâng cao sự phát triển của trẻ. Không nên để trẻ nằm một chỗ quá lâu.
- Khi cơn đau khởi phát, bố mẹ có thể tiến hành chườm nóng hoặc chườm lạnh để cải thiện giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Phương pháp này có tác dụng đẩy lùi triệu chứng sưng đau và làm thư giãn xương khớp. Bố mẹ có thể áp dụng các này khoảng 3 lần/ngày và mỗi lần thực hiện nên kéo dài từ 10 - 15 phút.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng bất thường. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên đưa trẻ đi thăm khám định kỳ 3 tháng/lần để có thể đánh giá hiệu quả của các phương pháp điều trị và theo dõi tiến triển của bệnh.
Biện pháp điều trị
Bệnh still ở trẻ em thường được chẩn đoán dựa trên các tiêu chuẩn chung như sốt cao kéo dài trên 7 ngày, viêm đau tại khớp, xuất hiện ban đỏ không ngứa trên da và tế bào bạch cầu trong máu tăng nhanh. Ngoài ra, bác sĩ còn chẩn đoán bệnh dựa trên một số tiêu chí phụ như đau họng, sưng hạch bạch huyết, gan và lách to, yếu tố dạng thấp âm tính.
Sau khi đã kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác để có thể đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất. Ví dụ như chụp x-quang, xét nghiệm hệ miễn dịch, xét nghiệm vi sinh vật, sinh thiết,... Dựa vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Hầu hết các trường hợp trẻ bị mắc bệnh still đều được kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y nhằm mục đích cải thiện triệu chứng của bệnh và kiểm soát mức độ tiến triển của bệnh. Các loại thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc hạ sốt
- Thuốc chống viêm không chứa steroid
- Thuốc Corticosteroid
- Thuốc Methotrexate
Khi cho trẻ dùng thuốc điều trị bệnh, bố mẹ cần tuân thủ theo đúng liều lượng mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Việc dùng thuốc sai cách sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn.
- Chuyên gia
- Cơ sở