Rối Loạn Tiêu Hóa Ở Người Lớn
Rối loạn tiêu hóa ở người lớn thường xảy ra do lối sống không lành mạnh, chế độ ăn không phù hợp hoặc căng thẳng kéo dài. Đây là một tình trạng phổ biến nhưng cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hình ảnh
Triệu chứng
Tùy thuộc vào loại và nguyên nhân cơ bản, rối loạn tiêu hóa ở người lớn có thể dẫn đến một số dấu hiệu nhận biết và triệu chứng như:
- Ợ nóng: Rối loạn tiêu hóa ở người lớn có thể dẫn đến ợ hơi, ợ nóng và trào ngược dạ dày. Điều này có thể dẫn đến chán ăn và khó chịu ở bụng.
- Đầy hơi, khó tiêu: Khó tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng là dấu hiệu phổ biến nhất khi bị rối loạn tiêu hóa ở người lớn. Phân bụng có thể luôn căng cứng, khó chịu như vừa ăn no, mặc dù người bệnh không ăn gì. Tình trạng này xảy ra do thức ăn không thể tiêu hóa, dẫn đến tồn động trong hệ thống tiêu hóa, sinh khí và gây đầy hơi
- Đau bụng: Đau bụng thường xuyên hoặc đau âm ỉ kéo dài là một trong những dấu hiệu phổ biến ở người bệnh rối loạn tiêu hóa. Cơn đau có thể tự nhẹ đến nghiêm trọng, tùy thuộc vào mức độ bệnh và có yếu tố liên quan.
- Buồn nôn và nôn: Thức ăn không được tiêu hóa đúng cách có thể lên men. Điều này dẫn đến sinh khí và gây buồn nôn, nôn mửa, kèm theo các dấu hiệu khác, chẳng hạn như hơi thở có mùi hôi, sốt cao và mất nước.
- Rối loạn đại tiện: Rối loạn tiêu hóa không được điều trị phù hợp có thể dẫn đến táo bón, tiêu chảy hoặc đi ngoài ra máu. Tiêu chảy kéo dài sẽ dẫn đến mất nước, gây mệt mỏi, thiếu năng lượng. Trong khi đó, táo bón lâu ngày có thể dẫn đến bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và nhiều rủi ro khác.
Nguyên Nhân
Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến, có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi người tại một thời điểm nhất định trong đời. Các biểu hiện phổ biến bao gồm đau bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn hoặc khó tiêu.
Trong hầu hết các trường hợp, rối loạn tiêu hóa ở người lớn có liên quan đến một số nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Lạm dụng chất kích thích: Các chất kích thích, chẳng hạn như rượu, bia có thể tăng khả năng co bóp ở dạ dày và tiết nhiều dịch vị hơn bình thường. Trong khi đó, nicotine có trong thuốc lá có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
- Chế độ ăn uống thiếu khoa học: Những người có thói ăn uống thiếu khoa học, chẳng hạn như sử dụng thực phẩm kém vệ sinh, thực phẩm hư hỏng, không rõ nguồn gốc, điều này có thể khiến vi khuẩn tấn công vào hệ thống tiêu hóa, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.
- Mất cân bằng vi sinh vật đường ruột: Trong đường ruột có một hệ vi sinh vật cân bằng nhằm đảm bảo sức khỏe và tránh rối loạn tiêu hóa. Do đó, ở những người bị mất cân bằng hệ vi sinh vật có thể dẫn đến giảm sức đề kháng và dẫn đến rối loạn tiêu hóa.
- Tác dụng phụ của kháng sinh: Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh lý gây nhiễm trùng trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật và gây rối loạn tiêu hóa ở người lớn.
- Các bệnh lý tiềm ẩn: Có rất nhiều bệnh lý có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày, Hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm ruột, viêm túi thừa đại tràng và thậm chí là ung thư. Do đó, điều quan trọng là người bệnh xác định các nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Biến chứng
Rối loạn tiêu hóa ở người lớn thường kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Hầu hết các trường hợp, tình trạng này không nghiêm trọng và không gây nguy hiểm đến tính mạng nếu được điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, người bệnh thường tự điều trị các triệu chứng tại nhà hoặc tự ý sử dụng thuốc mà không trao đổi với bác sĩ chuyên môn. Điều này có thể khiến các triệu chứng kéo dài, trở thành mãn tính, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tăng nguy cơ dẫn đến các rủi ro không mong muốn.
Ngoài ra, nếu không được xử lý phù hợp, tình trạng rối loạn tiêu hóa có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, mệt mỏi mãn tính do không hấp thu các chất dinh dưỡng phù hợp.
Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên đến bệnh viện, trao đổi với bác sĩ và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Biện pháp chẩn đoán
Bác sĩ có thể kiểm tra lịch sử y tế, các triệu chứng và lối sống của người bệnh để xác định các nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Người bệnh nên cố gắng mô tả các triệu chứng càng chi tiết càng tốt, lưu ý về cảm giác khó chịu cũng như các cơn đau. Điều này có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Để chẩn đoán rối loạn tiêu hóa, bác sĩ có thể kiểm tra bụng để xác định tình trạng sưng, đau đớn cũng như các dấu hiệu khác. Bác sĩ cũng có thể sử dụng ống nghe để kiểm tra âm thanh bên trong dạ dày.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan, thận và tuyến giáp.
- Kiểm tra hơi thở để xác định vi khuẩn H. pylori.
- Kiểm tra hình ảnh, để xác định tình trạng tắc nghẽn hoặc các vấn đề khác trong ruột. Xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm chụp X-quang, chụp CT hoặc nội soi đường tiêu hóa trên hoặc dưới.
- Xét nghiệm phân, để kiểm tra vi khuẩn H. pylori hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác.
Tùy thuộc vào các triệu chứng và chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp xử lý phù hợp. Điều trị sớm và đúng cách là cách tốt nhất để tránh các rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.
Biện pháp điều trị
Điều trị rối loạn tiêu hóa phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Thông thường, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thay đổi lối sống và sử dụng thuốc theo hướng dẫn. Cụ thể, các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
1. Thay đổi lối sống
Đối với các triệu chứng nhẹ và không thường xuyên, người bệnh có thể thay đổi lối sống để kiểm soát tình trạng rối loạn tiêu hóa. Cụ thể, một số cách điều trị rối loạn tiêu hóa tại nhà phổ biến bao gồm:
- Ăn các bữa ăn nhỏ và thường xuyên: Điều này có thể trung hòa acid dạ dày, giảm áp lực lên hệ thống tiêu hóa, cải thiện tình trạng buồn nôn và nôn. Người bệnh có thể ăn nhẹ, chẳng hạn như trái cây, bánh quy giòn, giữa các chính để giảm áp lực lên hệ thống tiêu hóa. Ngoài ra, người bệnh cần tránh bỏ bữa hoặc ăn các bữa lớn. Ăn các bữa nhỏ thường xuyên hơn là cách tốt nhất để điều trị rối loạn tiêu hóa ở người lớn.
- Tránh thực phẩm gây kích thích: Một số loại thực phẩm có thể gây ra hoặc khiến tình trạng rối loạn tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như thực phẩm cay, béo, đồ uống co gas, caffeine và rượu. Do đó, để cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, người bệnh nên tránh hoặc hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này.
- Ăn chậm, nhai kỹ: Người rối loạn tiêu hóa nên nhai kỹ thức ăn trước khi nuốt. Điều này có thể hỗ trợ hoạt động của hệ thống tiêu hóa và tránh các vấn đề liên quan.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động và tập thể dục có thể hỗ trợ giảm cân cũng như thúc đẩy quá trình tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Kiểm soát căng thẳng: Người bệnh nên thực hiện các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như hít thở sâu, thiền định, yoga hoặc dành thời gian làm những việc yêu thích. Căng thẳng có thể gây áp lực lên hệ thống tiêu hóa và khiến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân, béo phì có thể gây áp lực lên vùng bụng, đẩy dạ dày lên cao và góp phần dẫn đến trào ngược dạ dày thực quản.
Các biện pháp tại nhà thường đáp ứng tốt đối với tình trạng rối loạn tiêu hóa nhẹ. Trong trường hợp, các triệu chứng nghiêm trọng hơn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc hoặc biện pháp điều trị khác phù hợp hơn.
2. Thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa
Đối với các triệu chứng rối loạn tiêu hóa ở người lớn nghiêm trọng hoặc xảy ra thường xuyên, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc để ngăn ngừa các rủi ro. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn.
Tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản, có nhiều loại thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như:
- Thuốc kháng axit: Các loại thuốc này thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng khó tiêu, chướng bụng hoặc đầy hơi.
- Thuốc đối kháng thụ thể H-2: Các loại thuốc này có tác dụng làm giảm nồng độ acid trong dạ dày hiệu quả hơn thuốc kháng acid. Tuy nhiên thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ, do đó người bệnh chỉ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
- Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Các loại thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoạt động làm giảm acid trong dạ dày nhanh chóng và mạnh hơn thuốc đối kháng thụ thể H-2.
- Thuốc kháng sinh: Kháng sinh được chỉ định để điều trị tình trạng nhiễm vi khuẩn gây loét dạ dày, chẳng hạn như H. pylori. Để tăng cường hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh kết hợp với thuốc ức chế axit.
- Thuốc giảm buồn nôn: Nếu người bệnh cảm thấy buồn nôn sau khi ăn, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống nôn để cải thiện các triệu chứng.
- Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Đôi khi bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc, sử dụng với liều thấp để kiểm soát các cơn đau bụng liên quan đến tình trạng rối loạn tiêu hóa ở người lớn.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Cách tốt nhất để tránh tình trạng rối loạn tiêu hóa là hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày. Do đó, người bệnh có thể ghi lại nhật ký thực phẩm để xác định các loại thực phẩm gây kích ứng và tránh tiêu thụ.
Ngoài ra, người bệnh có thể lưu ý một số biện pháp phòng ngừa khác, chẳng hạn như:
- Ăn nhiều bữa nhỏ để tránh gây áp lực lên dạ dày và đau dạ dày;
- Ăn chậm và nhai kỹ;
- Tránh thực phẩm có chứa nhiều acid, chẳng hạn như cam, quýt và cà chua;
- Giảm hoặc tránh sử dụng các loại đồ uống có chứa caffeine;
- Thực hiện các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như các thiền định, yoga, nghe nhạc hoặc đọc sách;
- Nếu hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá để tránh gây kích ứng lên niêm mạc dạ dày;
- Hạn chế lượng rượu tiêu thụ;
- Tránh mặc quần áo bó sát, điều này có thể gây chèn ép dạ dày và khiến các chất ở dạ dày trào ngược lên thực quản;
- Không tập thể dục hoặc vận động khi no, điều này có thể gây rối loạn tiêu hóa;
- Không nằm sau khi ăn và đợi ít nhất là 3 giờ sau bữa ăn cuối cùng trước khi đi ngủ.
Rối loạn tiêu hóa ở người lớn thường nhẹ và có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp chăm sóc tại nhà hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong trường hợp, tình trạng này liên quan đến các nguyên nhân tiềm ẩn khác, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán phù hợp. Ngoài ra, người bệnh nên có kế hoạch phòng ngừa phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Chuyên gia
- Cơ sở