Teo Cơ
Teo cơ là hiện tượng cơ bắp trong cơ thể dần mất đi, khiến vận động cơ trở nên suy yếu và không thể hoạt động một cách bình thường. Nếu tình trạng này không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề, với những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tàn phế.
Định nghĩa
Teo cơ hay còn được gọi là tình trạng suy nhược cơ bắp. Đây là thuật ngữ chuyên khoa dùng để chỉ tình trạng khối lượng cơ xương trong cơ thể bị mất đi theo thời gian. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng teo cơ là do sự mất cân bằng giữa quá trình tổng hợp protein và thoái hóa protein. Những đối tượng dễ bị teo cơ là không hoạt động thường xuyên, bị suy dinh dưỡng, chấn thương liên quan đến cơ xương,... Nếu bệnh lý này không được điều trị sẽ gây yếu cơ, tổn thương đến các cơ quan có liên quan và dẫn đến tàn phế.
Khi bị teo cơ, khối lượng cơ nạc trong cơ thể sẽ dần mất đi. Đây là bệnh lý có tiến triển âm thầm theo thời gian, nếu không được xử lý đúng cách sẽ khiến cơ thể bị mất đi một khối lượng cơ đáng kể.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bạn có thể nhận biết ra tình trạng teo cơ thông qua các dấu hiệu đặc trưng sau đây:
- Một cánh tay hoặc một chân có kích thước nhỏ hơn so với bên còn lại và nhỏ hơn so với người cùng tuổi. Bạn có thể dễ dàng nhận biết ra tình trạng này thông qua việc quan sát bằng mắt thường.
- Bị yếu cơ tại một chi cụ thể trên cơ thể khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng và không thể hoạt động thể chất trong thời gian dài.
- Gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày như đi bộ, leo cầu thang,... Nếu tình trạng teo cơ xảy ra ở cổ họng sẽ gây ra tình trạng khó nuốt, khó thở,...
Ngay khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh teo cơ, bạn cần đến bệnh viện làm kiểm tra y tế toàn diện để chẩn đoán bệnh. Nếu bệnh lý này được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ hạn chế được các ảnh hưởng của bệnh. Thông thường, tình trạng teo cơ có thể bị đảo ngược hoàn toàn nếu bạn có các hoạt động thể chất phù hợp. Chế độ dinh dưỡng khoa học cũng là một trong những cách làm tăng khối lượng cơ bắp và cải thiện tình trạng teo cơ. Nhưng với những trường hợp bị teo cơ do bệnh lý tiềm ẩn (điển hình là ung thư) thì không có khả năng phục hồi hoàn toàn.
Nguyên Nhân
Việc xác định chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng teo cơ có ý nghĩa rất lớn đến quá trình điều trị bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây teo cơ thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
- Bất động: Bất động hoàn toàn một chỗ là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng teo cơ. Chuyên gia cho biết, nếu bạn không vận động cơ liên tục từ 10 - 42 ngày sẽ có tỷ lệ bị teo cơ lên đến 0.5%. Đây là nguyên nhân gây teo cơ thường gặp ở người lớn tuổi hoặc những người bị hạn chế vận động.
- Dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng kém cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe, trong đó có chứng teo cơ và còi xương. Tổ chức Loãng xương Quốc tế khuyến cáo, chế độ ăn ít protein nạc, ít rau xanh và trái cây sẽ dẫn đến tình trạng giảm khối lượng cơ bên trong cơ thể. Ngoài ra, chứng teo cơ do dinh dưỡng kém cũng có thể phát triển từ các bệnh lý như hội chứng ruột kích thích, ung thư, celiac,...
- Tuổi tác: Tuổi tác càng cao sẽ khiến cơ thể sản xuất ra ít protein hơn và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ bắp. Khi cơ thể không được cung cấp đủ nhu cầu protein cần thiết, tế bào cơ sẽ dần co lại và gây ra bệnh teo cơ. Thống kê y khoa cho biết, có khoảng 1/3 người cao tuổi có dấu hiệu teo cơ. Khi người lớn tuổi bị teo cơ sẽ làm gia tăng nguy cơ chấn thương và ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
- Bệnh lý: Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng teo cơ cũng có thể khởi phát do ảnh hưởng từ các bệnh lý có liên quan như đa xơ cứng, viêm da cơ, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, teo cơ tủy sống, bệnh bại liệt, bệnh thần kinh,...
- Gặp vấn đề về thần kinh: Khi các tế bào thần kinh trung ương trong não hoặc tủy sống bị tổn thương cũng sẽ tạo điều kiện cho bệnh teo cơ khởi phát. Gặp các vấn đề về thần kinh thường gây ra tình trạng teo cơ cục bộ. Còn với những trường hợp tổn thương thần kinh nghiêm trọng như chấn thương sọ não hoặc mắc bệnh bại não, người bệnh sẽ bị tê liệt và teo cơ toàn thân.
- Di truyền: Bệnh teo cơ cũng có thể khởi phát khi bạn mắc phải một số bệnh lý di truyền như rối loạn di truyền, loạn dưỡng cơ,... Loạn dưỡng cơ là bệnh lý di truyền, bệnh khởi phát do sự đột biến của các gen sản xuất ra protein.
- Do dùng thuốc: Quá lạm dụng thuốc Tây y cũng là một trong những nguyên nhân gây teo cơ thường gặp. Thường xảy ra ở các loại thuốc có tác động trực tiếp lên cơ như thuốc chống viêm glucocorticoid, thuốc gây độc cho cơ doxorubicin,...
Phòng ngừa
Nếu thuộc trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bạn cần chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa sao cho phù hợp. Bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh thông qua các biện pháp sau đây:
- Duy trì hoạt động thể chất sau khi điều trị các bệnh lý như ung thư, đột quỵ, nhiễm trùng,... bằng cách vận động nhẹ nhàng. Nếu hạn chế hoạt động trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng teo cơ.
- Tiến hành vật lý trị liệu phục hồi chức năng khi đang mắc các bệnh lý về thần kinh. Nên đến gặp chuyên gia để được xây dựng kế hoạch tập luyện cho phù hợp.
- Thực đơn ăn uống hàng ngày cần cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin và khoáng chất. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp cơ thể lấy lại khối lượng cơ bình thường và tránh bị biến dạng xương khớp.
Biện pháp điều trị
Teo cơ có thể xảy ra do tác động từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán bệnh lý và hướng dẫn điều trị đúng cách. Để có thể xác định nguyên nhân gây teo cơ, người bệnh phải trải qua rất nhiều xét nghiệm chuyên khoa. Đồng thời, bác sĩ cũng hỏi thăm về tiền sử bệnh lý trước đó để hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán bệnh.
Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây teo cơ, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn cách điều trị phù hợp nhất. Thông thường, việc điều trị teo cơ sẽ nhằm mục đích đảo ngược hoặc làm chậm quá trình mất cơ. Dưới đây là các phương pháp điều trị được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:
1. Tập luyện thể dục thể thao: Tập thể dục có tác dụng cải thiện độ linh hoạt của cơ bắp và đảo ngược quá trình teo cơ. Các bộ môn thể thao phù hợp với người bệnh là bơi lội, đi bộ, khiêu vũ, chạy bộ. Nếu bạn duy trì thói quen này trong thời gian dài còn có tác dụng tăng cường độ chắc khỏe của xương, hạn chế tổn thương cơ và phòng tránh teo cơ.
2. Vật lý trị liệu: Điều trị teo cơ bằng phương pháp vật lý trị liệu sẽ mang lại các hiệu quả như ngăn ngừa bất động cơ, tăng cường sức mạnh cơ bắp, tăng cường tuần hoàn máu, giảm co cứng cơ,... Bác sĩ có thể sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để cải thiện khả năng vận động của người bệnh. Ví dụ như nhiệt trị liệu, chườm lạnh, kích thích siêu âm, kích thích điện,...
Bên cạnh đó, bác sĩ còn yêu cầu tiến hành vận động trị liệu giúp người bệnh đạt được phạm vi chuyển động bình tường, cải thiện chức năng của cơ và đảo ngược quá trình teo cơ. Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các động tác kéo giãn kết hợp với một số bài tập cụ thể phù hợp với từng trường hợp.
3. Kích thích điện: Kích thích điện cũng là một trong những cách điều trị teo cơ được áp dụng khá phổ biến hiện nay. Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng xung điện để kích thích vào các cơ bị ảnh hưởng để phục hồi chức năng cơ. Khi kích thích điện, người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu nhẹ nhưng không gây tổn thương và không gây đau đớn. Nếu cảm thấy đau, bạn nên thông báo cho người thực hiện để được điều chỉnh cho phù hợp.
4. Siêu âm hội tụ cường độ cao: Siêu âm hội tụ cường độ cao được tiến hành bằng cách đưa năng lượng siêu âm đến khu vực bị tổn thương để kích thích sự cơ thắt mô bị teo và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bệnh vẫn cần được nghiên cứu và phát triển thêm để đảm bảo được hiệu quả mang lại.
5. Phẫu thuật: Phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện để cải thiện chức năng cơ với những trường hợp khởi phát bệnh có liên quan đến vấn đề về thần kinh, chấn thương hoặc suy dinh dưỡng. Người bệnh cần thăm khám chuyên khoa để xác định nguyên nhân và mức độ bệnh trạng, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp can thiệp cụ thể.
- Chuyên gia
- Cơ sở