Tê Bàn Tay
Nhiều người bị tê bàn tay do tư thế xấu hoặc ăn uống thiếu chất khiến cho khí huyết lưu thông kém và ảnh hưởng đến chức năng dẫn truyền tín hiệu của dây thần kinh cảm giác. Trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cần được khắc phục và điều trị càng sớm càng tốt.
Định nghĩa
Tê bàn tay là một tình trạng chỉ sự xuất hiện của các cơn tê bì xảy ra ở bàn tay trái hoặc bàn tay phải. Một số người bệnh còn có cảm giác ngứa ran, nhói đau, mất cảm giác và không thể thực hiện được các cử động bình thường ở các ngón tay, chẳng hạn như cầm nắm đồ vật… Đôi khi, cảm giác tê bì khó chịu có thể lan rộng lên đến cánh tay.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tê bàn tay, bao gồm các nguyên nhân sinh lý và cơ học. Cụ thể như sau:
1. Tê bàn tay trái phải do tác dụng phụ của thuốc Tây
Các loại thuốc tân dược mặc dù có tác dụng nhanh nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Bạn có thể bị tê ở bàn tay, ngón tay, cánh tay hay thường xuyên bị tê chân mất cảm giác khi sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh trong thời gian dài. Thường gặp nhất là các thuốc chữa ung thư ( Cisplatin hay Vincristine), thuốc điều trị bệnh tim mạch, huyết áp ( Hydralazine hay Amiodarone), thuốc chống co giật ( Phenytoin ) hay thuốc kháng sinh ( Metronidazole, Nitrofurantoin,…).
Ngoài cảm giác tê bàn tay phải hay bàn tay trái, một số bệnh nhân gặp tác dụng phụ của thuốc còn có các biểu hiện khác như ngứa ran, yếu cơ tay, mất sức mạnh ở tay, lòng bàn tay bị mất cảm giác.
2. Thiếu chất gây tê ở bàn tay
Chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể cũng khiến nhiều người bị tê bàn tay. Cùng với đó, cảm giác mệt mỏi, mất sức mạnh ở tay, thường xuyên gặp ảo giác, vàng da, chóng mặt,… cũng có thể xuất hiện khi bị thiếu chất.
Tình trạng trên có thể xảy ra khi cơ thể bạn bị thiếu các dưỡng chất cần thiết để duy trì hoạt động bình thường ở hệ thần kinh, xương khớp hay tuần hoàn. Chẳng hạn như canxi, magie, kali, sắt, kẽm hay vitamin B12…
3. Bị tê bàn tay do rối loạn tuyến giáp
Tuyến giáp nằm ở cổ là cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất hormone có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Khi bị rối loạn chức năng hoạt động, lượng hormone cũng được tuyến giáp sản sinh ra ít hơn, kèm theo đó là tình trạng tổn thương ở dây thần kinh cảm giác ở bàn tay khiến cho khu vực này bị tê bì, ngứa ran và yếu.
4. Thoái hóa cột sống cổ
Bệnh thoái hóa cột sống cổ chỉ tình trạng tổn thương, hao mòn và lão hóa xảy ra ở phần đĩa đệm, xương hay sụn chêm ở các đốt sống cổ. Vị trí bị tổn thương có thể phát triển thêm các mấu gai do quá trình bù đắp canxi của cơ thể. Chúng có thể chèn ép vào dây thần kinh dẫn đến tê một hoặc cả hai bên cánh tay, bàn tay.
Người bị thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể bắt gặp nhiều triệu chứng khác như đau đầu, đau cổ, vai, khó cử động cổ, đau và yếu cánh tay.
5. Hội chứng ống cổ tay
Bệnh thường xảy ra ở dân văn phòng, những người thường xuyên gõ máy tính hay thực hiện các cử động ở cổ tay lặp đi lặp lại. Tình trạng này có thể gây tổn thương cho ống cổ tay và khiến hệ thống dây thần kinh nằm giữa ống bị chèn ép, kích thích. Từ đây, tình trạng tê yếu bàn tay có thể diễn ra thường xuyên.
6. Bị tê bàn tay do bệnh tiểu đường
Đường huyết tăng cao kéo dài sẽ gây tổn thương cho các mạch máu và dây thần kinh. Đây chính là lý do khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác tê bàn tay, tê ngón chân cái hay bàn chân. Khu vực bị tổn thương còn có cảm giác nóng ran, tê bì như kim châm và mất đi sức mạnh. Kèm theo đó là các triệu chứng khác như mệt mỏi, hay khát nước, thèm ăn ngọt…
7. Bệnh thoát vị đĩa đệm
Bệnh thoát vị đĩa đệm là tình trạng thoát ra ngoài của nhân nhầy nằm trong bao xơ đĩa đệm. Trường hợp nặng, nhân nhầy làm thu hẹp ống sống và chèn ép trực tiếp vào rễ thần kinh dẫn đến cảm giác tê ở bàn tay.
8. Hội chứng ống khuỷu tay
Nếu bị tê bàn tay trái hay bàn tay phải kéo dài, bạn cũng nên thận trọng với hội chứng ống khuỷu tay. Bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh xương nối dài từ cổ đến bàn tay. Người bệnh có thể thường xuyên bị tê ngón tay út, ngón đeo nhẫn hoặc tê yếu và mất cảm giác ở cả bàn tay, cánh tay. Uốn cong khuỷu tay thấy cảm giác đau rõ ràng.
9. Sử dụng nhiều bia rượu
Trong bia rượu chứa chất cồn có thể gây độc cho thần kinh khi lạm dụng quá mức. Cảm giác tê ở bàn tay có thể xuất hiện khi các dây thần kinh ở tay bị ảnh hưởng bởi bia rượu.
10. Đau cơ xơ hóa
Tê bàn tay phải – trái, tê cánh tay hay tê bàn chân là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa. Nếu triệu chứng tê bì xuất hiện kèm theo tình trạng mệt mỏi kéo dài, khó tập trung, đau bụng, nhức đầu, khó đi cầu, tiêu chảy,… thì nguy cơ mắc căn bệnh này là khá cao.
11. Viêm mạch máu
Bệnh viêm mạch máu được đặc trưng bởi tình trạng sưng viêm xảy ra ở các mạch máu. Căn bệnh này có thể làm giảm lượng máu và oxy cung cấp đến bàn tay, từ đó gây ra cảm giác tê bì, khó chịu.
12. Hội chứng khuỷu tay quần vợt
Các hành động lặp đi lặp lại ở khuỷu tay khi chơi quần vợt có thể khiến hệ thống gân, cơ và dây chằng ở tay bị tổn thương. Kèm theo đó là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh dẫn đến hội chứng khuỷu tay quần vợt. Khi mắc căn bệnh này, bạn có thể bị đau, tê yếu ở bàn tay hay cẳng tay.
13. Nhiễm HIV
Triệu chứng tê bàn tay có thể được bắt gặp ở những bệnh nhân bị nhiễm HIV giai đoạn 4. Lúc này, virus gây bệnh đã phá hủy một lượng lớn tế bào miễn dịch và gây tổn thương nghiêm trọng cho tủy sống cũng như hệ thần kinh trung ương nên thường xuyên dẫn đến cảm giác tê bì các chi.
14. Bệnh lupus ban đỏ
Đây là một căn bệnh tự miễn gây tổn thương cho nhiều cơ quan trong cơ thể cùng lúc, bao gồm tim, phổi, thận hay khớp. Khi bệnh lupus ban đỏ gây viêm dây thần kinh sẽ khiến người bệnh bị tê và ngứa ran ở bàn tay, các ngón tay hay toàn bộ cánh tay.
Ngoài ra, người bệnh còn thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, nổi phát ban hình bướm trên mặt, sưng cứng khớp, đau đầu, khó thở, rối loạn thị lực…
15. Hội chứng lối thoát ngực
Đây là một bệnh lý hiếm gặp có thể gây áp lực cho hệ thống dây thần kinh và mạch máu ở vùng cổ, ngực. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền cảm giác và quá trình lưu thông máu đến bàn tay, từ đó khiến cho khu vực này thường xuyên bị tê bì, mất cảm giác.
16. Các nguyên nhân gây tê bàn tay khác
Cảm giác tê ở bàn tay có thể xuất hiện do những nguyên nhân khác như:
- Đột quỵ
- Suy thận
- Rối loạn lipid máu
- Gai cột sống
- Phồng lồi đĩa đệm cột sống
- Nằm đè lên tay hoặc đưa cánh tay lên cao trong thời gian dài khiến máu kém lưu thông đến bàn tay
- Gai khớp cổ tay
- Hút thuốc lá
- Căng thẳng quá mức
- Lớn tuổi…
Chăm sóc tại nhà
Các trường hợp bị tê bàn tay nhẹ có thể áp dụng một số mẹo dưới đây để xoa dịu cảm giác khó chịu và nhanh chóng phục hồi cảm giác cho bàn tay ngay tại thời điểm bị tê:
- Xoa bóp tay: Dùng bàn tay còn lại xoa bóp cho bên tay bị tê, bắt đầu từ các ngón tay đến các khớp nhỏ ở bàn tay, lòng bàn tay. Có thể mở rộng phạm vi xoa bóp lên tận cánh tay. Phương pháp này giúp kích thích lưu thông máu và làm thư giãn các cơ và dây thần kinh cảm giác, qua đó giúp tay cử động được bình thường.
- Liệu pháp nhiệt: Chườm nóng, ngâm tay vào nước ấm hay chườm lạnh… có thể giúp giảm tê, sống sưng đau các khớp hay mô mềm ở bàn tay.
- Tắm nước ấm: Ngâm mình trong bồn nước ấm kết hợp mát xa cho tay sẽ giúp ổn định lưu thông tuần hoàn máu đến các chi trên, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng tê bàn tay.
- Mang nẹp cố định bàn tay, cổ tay: Dụng cụ này sẽ giúp hạn chế được tác động từ bên ngoài đến bàn tay, tạo điều kiện cho tổn thương ở gân, cơ hay các khớp nhỏ nhanh được chữa lành.
- Châm cứu: Phương pháp này sử dụng điếu ngải hay kim châm tác động lên các huyệt đạo phản chiếu nhằm đả thông kinh mạch, tăng tuần hoàn máu, giảm cảm giác tê đau ở bàn tay và kích thích hoạt động của các dây thần kinh cảm giác. Người bệnh có thể tìm đến các trung tâm vật lý trị liệu hay phòng khám y học cổ truyền để được châm cứu chữa tê bàn tay.
- Tập luyện: Ngoài việc chăm chỉ tập thể dục mỗi ngày, người bị tê tay nên thường xuyên thực hành các bài tập ở tay để cải thiện khả năng vận động và giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng: Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 và các dưỡng chất bị thiếu hụt sẽ giúp ngăn ngừa tê bàn tay tái phát trở lại.
Chẩn đoán
Quá trình chẩn đoán tê bàn tay được thực hiện nhằm mục đích tìm ra nguyên nhân gây bệnh và xác định mức độ ảnh hưởng của triệu chứng tê tới chức năng vận động của tay. Ngoài việc trao đổi về tiền sử bệnh, các loại thuốc đang sử dụng, thói quen ăn uống, vận động hay nghề nghiệp, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm như:
- Chụp CT, C-quang, MRI vùng cột sống cổ và đầu
- Chụp động mạch kiểm tra tắc nghẽn và các vấn đề ở mạch máu
- Xét nghiệm công thức máu giúp chẩn đoán nguyên nhân tê bàn tay do nhiễm trùng, thiếu chất hay rối loạn tự miễn…
- Xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp
- Siêu âm động mạch ở cổ
- Chọc dò thắt lưng, điện cơ nhằm kiểm tra các rối loạn thần kinh và đánh giá phản xạ của dây thần kinh khi có kích thích điện.
Việc chẩn đoán, xác định chính xác nguyên nhân gây tê bàn tay chính là căn cứ quan trọng cho phép bác sĩ xây dựng được phác đồ điều trị hiệu quả cho mỗi bệnh nhân.
Điều trị
Một số loại thuốc được bác sĩ kê đơn có thể giúp cải thiện tình trạng tê bàn tay và các triệu chứng liên quan, đồng thời khắc phục nguyên nhân gây bệnh. Bao gồm:
- Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid
- Thuốc chống động kinh
- Thuốc corticoid
- Thuốc giảm đau thần kinh
- Thuốc giảm đường huyết và mỡ trong máu
- Thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất…
Quá trình điều trị tê bàn tay có thể được tiến hành song song với vật lý trị liệu để nâng cao hiệu quả và giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động nhanh hơn. Phẫu thuật thường chỉ được đề nghị cho các trường hợp có tổn thương, chèn ép ở dây thần kinh.