Tê Tay Khi Mang Thai

Cơ bản

Tê tay khi mang thai xảy ra do tuần hoàn máu bị ảnh hưởng. Các nguyên nhân gây tê tay ở bà bầu thường gặp là tăng cân, thay đổi hormone, lười vận động,… Ở những trường hợp này, bạn có thể cải thiện bằng các phương pháp vật lý trị liệu đơn giản giúp làm tuần hoàn máu bên trong cơ thể. Nhưng cũng có số ít trường hợp tê bì tay kéo dài là do bệnh lý, thai phụ cần được thăm khám và điều trị chuyên khoa.

Định nghĩa

Tê bì chân tay là tình trạng xảy ra khá phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác châm chích, nóng rát, ngứa ran và đau nhức ở khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp còn bị yếu chi gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Phụ nữ đang mang thai là đối tượng có nguy cơ bị tê bì chân tay rất cao.

Nguyên nhân

Một số nguyên nhân gây tê tay khi mang thai ở nữ giới cơ thể kể đến là:

+ Thay đổi hormone: Trong giai đoạn thai kỳ, nồng độ hormone trong cơ thể chị em sẽ có sự thay đổi rất lớn. Lúc này, hormone relaxin sẽ được tăng sinh giúp làm mềm khớp và xương chậu để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi bên trong tử cung. Điều này đã khiến cho rễ thần kinh cũng như mạch máu bị chèn ép quá mức, kích thích khởi phát triệu chứng tê bì chân tay và chuột rút.

+ Lười vận động: Khi mang thai, mẹ bầu thường cảm thấy khá mệt mỏi và nặng nề nên rất ngại di chuyển. Nhiều mẹ bầu chỉ thích nằm hoặc ngồi một chỗ, điều này đã khiến quá trình tuần hoàn máu đến chi bị ảnh hưởng và gây ra tình trạng tê bì tay chân. Theo thời gian, tình trạng này sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và mức độ cũng nghiêm trọng hơn.

+ Tăng cân: Tăng cân là hệ quả thiết yếu của quá trình mang thai và số cân nặng tăng lên sẽ còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi bà mẹ. Nếu mẹ không kiểm soát việc ăn uống dẫn đến tăng cân quá nhiều sẽ khiến hệ thống xương khớp phát chịu áp lực rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc áp lực lên rễ thần kinh và mạch máu cũng gia tăng. Lúc này, bạn sẽ phải đối mặt với tình trạng tê bì chân tay kéo dài khá khó chịu.

+ Thiếu dưỡng chất: Chế độ ăn uống trong giai đoạn thai kỳ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Nếu mẹ không bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trong giai đoạn mang thai sẽ gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn. Ví dụ như thiếu máu, suy giảm sức đề kháng, đau nhức xương khớp, tê bì chân tay,…

+ Do bệnh lý: Bệnh lý cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tê bì trong giai đoạn thai kỳ nhưng không phổ biến. Một số bệnh lý có thể kể đến là tiểu đường thai kỳ, hội chứng ống cổ tay thai kỳ, đau dây thần kinh tọa khi mang thai, đau cơ dị cảm, thiếu máu,…

Chăm sóc tại nhà

Tình trạng tê tay xảy ra nhiều lần khiến mẹ bầu cảm thấy khá khó chịu và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Với những trường hợp do bệnh lý thì bạn cần thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn điều trị đúng cách, tránh gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

Còn với những trường hợp không quá nghiêm trọng thì bạn không cần phải quá lo lắng, tình trạng này có thể khắc phục bằng các phương pháp vật lý trị liệu đơn giản hoặc tự thuyên giảm sau khi sinh. Dưới đây là các mẹo giảm tê tay khi mang thai mẹ bầu có thể tham khảo và áp dụng tại nhà:

1. Tắm nước ấm giảm tê tay

Đây là mẹo giảm tê bì tay khá an toàn và hiệu quả đối với bà bầu. Nhiệt độ ấm nóng từ nước có tác dụng tăng tuần hoàn máu đến chi và làm thư giãn cơ bắp, từ đó tình trạng tê bì sẽ được cải thiện. Ngoài ra, việc duy trì thói quen tắm nước ấm trước khi đi ngủ còn giúp mẹ bầu ngủ ngon hơn và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, mẹ nên cho vài giọt tinh dầu vào trong bồn nước ấm rồi tiến hành ngâm mình. Nên ngâm mình trong phòng tắm kín gió, thời gian ngâm mình tốt nhất là 7 – 10 phút và lau khô người trước khi mặc quần áo. Tuyệt đối không được ngâm mình trong khoảng thời gian quá lâu.

2. Cải thiện bằng cách chườm ấm

Ngoài tắm nước ấm thì mẹ bầu cũng có thể tiến hành chườm ấm để cải thiện triệu chứng tê bì tay. Tác dụng của phương pháp chườm ấm cũng tương như tắm nước ấm, giúp thư giãn gân cơ và tăng tuần hoàn máu đến chi. Phương pháp này rất thích hợp áp dụng với trường hợp tê bì chân tay kèm theo đau nhức và giảm khả năng vận động.

Cách thực hiện khá đơn giản, mẹ chỉ cần cho nước ấm 60 độ vào trong túi chườm rồi dùng để đắp trực tiếp lên vùng tay chân bị tê bì. Trường hợp không có túi chườm, mẹ cũng có thể sử dụng chai nước ấm để lăn lên vùng bị tê bì. Thực hiện cách này từ 15 – 20 phút bạn sẽ thấy triệu chứng tê bì tay thuyên giảm đáng kể.

3. Giảm tê tay bằng cách massage

Khi triệu chứng tê bì chân tay khởi phát gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, mẹ bầu có thể tiến hành massage để cải thiện. Nếu tình trạng tê bì xảy ra ở nơi không thể tự massage, mẹ bầu hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người thân trong gia đình. Mục đích của việc massage là làm thư giãn gân cơ, giải tỏa áp lực tại dây thần kinh và tăng tuần hoàn máu đến chi. Mẹ có thể tiến hành massage giảm tê bì theo hướng dẫn bên dưới đây:

  • Xoa hai lòng bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi tiến hành bóp tay nhẹ nhàng theo chuyển động tròn. Ngay tại vùng tê nhiều, mẹ nên ấn nhẹ để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Thực hiện từ 15 – 20 phút, tình trạng tê bì sẽ nhanh chóng bị đầy lùi.
  • Khi massage, mẹ chỉ nên sử dụng với một lực vừa phải để tránh phát sinh rủi ro không mong muốn. Trước khi tiến hành massage, mẹ có thể thoa thêm một lớp tinh dầu hoặc dầu nóng lên da để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.

4. Vận động nhẹ nhàng mỗi ngày

Nếu tình trạng tê bì chân tay xảy ra do ảnh hưởng từ thói quen lười vận động, mẹ bầu cần tiến hành tập luyện sao cho phù hợp giúp cải thiện triệu chứng của bệnh và phòng ngừa tái phát trở lại. Khi mang thai, bạn nên ưu tiên thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ cường độ thấp và một vài động tác xoay khớp đơn giản. Tuyệt đối không được tập luyện quá sức hay tập luyện với cường độ mạnh để tránh gây nguy hiểm đến thai nhi.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Nếu thấy bản thân có các dấu hiệu sau đây mẹ bầu cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ:

  • Đau bụng, đau đầu và đau nhức tại khớp ở mức dữ dội
  • Co thắt hoặc chảy máu âm đạo
  • Đau đầu, mắt mờ, sưng khớp

Câu hỏi thường gặp

Bà bầu bị tê tay có nguy hiểm không?

Chứng tê bì chân tay xảy ra khá phổ biến ở bà bầu và không đáng lo ngại. Tuy nhiên, khi gặp phải tình trạng này bạn cũng cần có các biện pháp khắc phục phù hợp. Nếu để triệu chứng tê tay diễn ra kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày và gián tiếp tác động xấu đến sức khỏe. Một số ảnh hưởng có thể kể đến là:

  • Gây thức giấc giữa đêm và làm suy giảm chất lượng giấc ngủ. Lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi và suy nhược cơ thể, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của thai nhi.
  • Tê bì chân tay cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý trong giai đoạn thai kỳ. Nếu không điều trị cũng sẽ phát sinh biến chứng gây hại cho cả mẹ và bé.

Triệu chứng

Thông thường, triệu chứng tê tay sẽ bắt đầu xuất hiện ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Ban đầu, tình trạng này chỉ xuất hiện thoáng qua rồi nhanh chóng biến chóng. Nhưng đến khi bước vào 3 tháng cuối của thai kỳ thì tình trạng này lại trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Bạn có thể dễ dàng nhận biết tình trạng này thông qua các dấu hiệu sau đây:

  • Tình trạng tê tay thường xảy ra sau khi ngủ dậy, vào giữa đêm hoặc vận động sau khi ngồi cố định trong thời gian.
  • Có cảm giác châm chích như kim châm kèm theo bỏng rát và ngứa ran ở hai tay. Nhiều trường hợp còn bị mất cảm giác, không cảm nhận được nóng lạnh.
  • Tình trạng tê tay sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào những tháng cuối của thai kỳ do ảnh hưởng từ việc tăng cân nhanh chóng và giữ nước bên trong cơ thể.

Phòng ngừa

Chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thai kỳ của mẹ và sự phát triển của thai nhi bên trong bụng mẹ. Nếu bạn có thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học sẽ hạn chế khởi phát triệu chứng tê bì chân tay cũng như nhiều vấn đề về sức khỏe khác. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể mẹ bầu có thể tham khảo:

  • Sử dụng đa dạng thực phẩm giúp bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là acid folic, vitamin, canxi, kẽm,… Các thành phần dưỡng chất này có rất nhiều trong rau xanh và trái cây tươi, sữa và chế phẩm từ sữa, trứng,…
  • Cần loại bỏ các nhóm thực phẩm xấu ra khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày như thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản, đồ ăn nhanh, đồ ăn giàu chất béo, thực phẩm chiên xào, đồ ăn quá ngọt hoặc quá mặn,…
  • Mẹ bầu cần bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, thường là từ 2 – 2.5 lít nước. Nên ưu tiên uống nước lọc, nước ép trái cây tươi, nước ép rau,… Nói không với nước giải khát đóng chai, rượu bia, cà phê, nước trà,…
  • Cần duy trì tư thế tốt khi vận động, nghỉ ngơi, ngồi hoặc làm việc. Không nên duy trì tư thế tĩnh trong thời gian quá lâu, thay vào đó hãy vận động nhẹ nhàng giúp tuần hoàn máu bên trong cơ thể diễn ra tốt hơn.
  • Ngủ đúng tư thế, nên ngủ nghiêng sang trái và thay đổi tư thế thường xuyên để tránh bị tê chân. Mẹ có thể sử dụng gối kê chân khi đi ngủ giúp hỗ trợ nâng đỡ cột sống.
  • Nên ngủ trước 10 giờ tối và giấc ngủ ban đêm phải kéo dài từ 7 – 8 tiếng. Vào những tháng cuối của thai kỳ, tránh di chuyển nhiều hoặc làm việc quá sức. Cần giữ ấm cơ thể vào những ngày trời chuyển lạnh.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android