Tê Ngón Chân Cái
Tê ngón chân cái là dấu hiệu cho thấy hệ thống thần kinh ngoại biên và tuần hoàn máu ở khu vực này đang hoạt động bất thường. Tình trạng này có thể xảy ra do tác động bên ngoài hoặc do bệnh lý ở bên trong cơ thể. Nếu bị tê ngón chân cái kéo dài, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh các biến chứng không mong muốn.
Định nghĩa
Tê ngón chân cái là tình trạng mà ai cũng có thể mắc phải nhưng ít phổ biến hơn hiện tượng tê bì chân tay. Dựa vào nguyên nhân mà tình trạng tê ở ngón chân cái sẽ có sự khác nhau giữa từng trường hợp.
Nguyên nhân
Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng tê ngón chân cái, cụ thể như sau:
Nguyên nhân từ thói quen sinh hoạt
Tình trạng này có thể xảy ra do một số tác động từ bên ngoài như:
- Chấn thương ngón chân do tai nạn hoặc va chạm mạnh
- Thói quen vận động hoặc nghỉ ngơi sai tư thế
- Mang giày quá chật, chị em phụ nữ lạm dụng giày cao gót
- Lười vận động, ngồi một chỗ quá lâu hoặc bưng bê vật nặng
- Thời tiết thay đổi đột ngột hoặc chuyển lạnh
- Tâm lý bị căng thẳng hoặc mệt mỏi kéo dài
- Tác dụng phụ của thuốc Tây y
Đây là những nguyên nhân gây tê ngón chân cái khá phổ biến nhưng không quá nguy hiểm. Cơ chế gây tê ở những nguyên nhân này là do thần kinh ở ngón chân bị chèn ép quá mức dẫn đến tắc nghẽn mạch máu. Với những trường hợp này, bạn chỉ cần cải thiện bằng cách ngâm chân trong nước ấm hoặc massage nhẹ nhàng.
Nguyên nhân do bệnh lý
Trên cơ thể người gồm có hai hệ thần kinh là trung ương và ngoại biên. Thần kinh ngoại biên gồm các rễ thần kinh, có chức năng tiếp nhận thông tin để dẫn truyền về trung ương thần kinh và ngược lại. Còn thần kinh trung ương sẽ gồm não và tủy sống có chức năng tiếp nhận và xử lý thông tin mà thần kinh ngoại biên đem về.
Còn hệ tuần hoàn chịu trách nhiệm cung cấp máu và oxy đến các cơ quan khác trên cơ thể, cụ thể là rễ thần kinh. Khi tuần hoàn máu diễn ra ổn định thì hệ thần kinh cũng sẽ hoạt động tốt hơn. Nếu bị tê ngón chân cái nghĩa là hệ tuần hoàn hoặc hệ thần kinh ngoại biên ở khu vực này đang gặp vấn đề. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng tê ngón chân cái có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý sau đây:
+ Tổn thương cổ chân: Cổ chân bị tổn thương cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức hoặc tê bì ở ngón chân cái. Một số tổn thương cổ chân có thể gặp là dị tật bẩm sinh, gãy xương, rách dây chằng,... Khi bị tổn thương cổ chân, bạn cần tiến hành điều trị y tê để cải thiện triệu chứng của bệnh và hạn chế phát sinh rủi ro.
+ Cứng ngón chân cái: Đây là hiện tượng gốc ngón chân cái bị tê cứng và hoạt động kém linh hoạt. Điều này đã khiến bạn gặp khó khăn khi thực hiện các động tác di chuyển hoặc uốn cong ngón chân cái. Lâu dần, khớp ngón chân cái sẽ hình thành nên gai xương và gây ra bệnh viêm khớp ngón chân. Với bệnh lý này, bạn có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn, dùng thuốc hoặc phẫu thuật khi cần thiết.
+ Viêm khớp, viêm khớp dạng thấp: Đặc trưng của hai bệnh lý này là gây tổn thương tại khớp, có cả ngón chân. Khi khớp ngón chân bị viêm nhiễm sẽ gây ra cảm giác tê đau, nóng rát hoặc mất cảm giác. Nếu không tiến hành điều trị đúng cách ngay từ sớm, bệnh sẽ chuyển biến sang giai đoạn mãn tính và phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Nhiều trường hợp còn bị mất đi khả năng vận động.
+ Biến dạng ngón chân cái: Đặc trưng của bệnh lý này là xuất hiện các bất thường ở xương bàn chân, lúc này ngón chân cái sẽ không hướng thẳng về phía trước mà nghiêng về phía ngón chân thứ hai. Ngón chân cái bị sưng tê là một trong những triệu chứng của biến dạng này. Tình trạng này thường xảy ra ở những người có thói quen đi giày chật hoặc do di truyền. Nếu bệnh lý này không được điều trị sẽ gây ra một số biến chứng như viêm bao hoạt dịch ngón chân cái,...
+ Hội chứng Raynaud: Hội chứng này xảy ra khi các động mạch nhỏ ở các chi bị co lại khi gặp thời tiết lạnh. Điều này đã khiến cho quá trình tuần hoàn máu bị ảnh hưởng và gây ra triệu chứng tê bì ở đầu ngón tay chân, nhiều trường hợp còn bị mất cảm giác. Thông thường, hội chứng Raynaud sẽ xảy cùng với một số bệnh lý tiềm ẩn khác như bệnh tự miễn, bệnh viêm khớp,...
+ Thiếu máu ác tính: Bệnh lý này xảy ra khi cơ thể không được cung cấp đủ vitamin B12 để sản xuất hồng cầu. Lúc này, số lượng hồng cầu trong máu sẽ suy giảm đáng kể. Tình trạng này cũng đã gián tiếp gây ảnh hưởng đến hoạt động của dây thần kinh, khiến chúng dễ bị tổn thương và gây ra một số cảm giác bất thường, ví dụ như tê ngón chân cái. Một số triệu chứng đặc trưng của bệnh thiếu máu ác tính là khó thở, cơ thể mệt mỏi và suy nhược,... Bệnh lý này thường khởi phát ở những người có cơ địa kém hấp thụ vitamin B12 hoặc chế độ ăn uống nghèo nàn dưỡng chất.
+ Đau thần kinh tọa: Bệnh lý này còn được gọi là đau dây thần kinh hông to với triệu chứng đặc trưng là xuất hiện cơn đau nhức chạy dọc theo theo đường đi của dây thần kinh (kéo dài từ thắt lưng, xuống chi rồi đến đầu ngón chân). Tê đau ở ngón chân cái cũng có thể xảy ra khi bạn bị đau dây thàn kinh tọa. Thông thường, bệnh lý này sẽ khởi phát khi bạn gặp một số vấn đề về sức khỏe khác như thoái hóa cột sống thắt lưng, gai cột sống thắt lưng, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng,... Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần điều trị bằng cách giải quyết nguyên nhân gây đau nhức.
+ Bệnh động mạch ngoại biên: Bệnh động mạch ngoại biên khởi phát khi lòng động mạch bị thu hẹp do sự tích tụ của mảng bám trên động mạch, điều này đã khiến quá trình lưu thông máu đến các chi bị hạn chế. Một số triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này tại chân là tê bì, đau nhức, lở loét, thay đổi màu sắc,... Lúc này, hoạt động của bàn chân sẽ trở nên suy yếu hơn bình thường, đồng thời móng chân cũng tăng trưởng rất chậm.
+ U dây thần kinh Morton: Đây là hiện tượng mô xung quanh dây thần kinh bị dày lên và gây chèn ép lên dây thần kinh. Lúc này, người bệnh sẽ đối mặt với triệu chứng đau và tê ở ngón chân cái. Nếu người bệnh vận động hoặc sử dụng giày khi đi lại thì triệu chứng của bệnh sẽ trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Khi bị u dây thần kinh Morton, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ bệnh trạng để đưa ra phương án điều trị sao cho phù hợp.
+ Nguyên nhân khác: Tình trạng tê ngón chân cái cũng có thể xảy ra nếu bạn bị bệnh đa xơ cứng, bệnh gout, mắc bệnh nhiễm trùng, chấn thương thần kinh trung ương, đột quỵ, mắc bệnh gout,...
Chăm sóc tại nhà
Khi bị tê ngón chân cái kèm theo dấu hiệu bất thường, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị chuyên môn phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Điều trị giúp kiểm soát nhanh chóng tình trạng tê ngón chân và các triệu chứng có liên quan, ngăn ngừa bệnh chuyển biến nặng và phát sinh biến chứng. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra do tác động từ bên ngoài thì bạn có thể tự cải thiện bằng các mẹo đơn giản tại nhà sau đây:
+ Chườm nóng
Nếu tình trạng tê ngón chân cái xảy ra vào những ngày trời lạnh hoặc thời tiết thay đổi thất thường, bạn có thể tiến hành chườm nóng để cải thiện. Chườm nóng có tác dụng đẩy lùi triệu chứng tê đau ngón chân khá hiệu quả và nhanh chóng. Cách thực hiện rất đơn giản, bạn chỉ cần dùng túi nước nóng có nhiệt độ vừa phải để áp lên ngón chân đang bị tê bì.
+ Massage
Massage lòng bàn chân sẽ giúp quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể diễn ra tốt hơn, tạo ra cảm giác thư giãn và thoải mái cho bạn. Với những trường hợp bị tê ngón chân cái, massage lòng bàn chân cũng được xem là một trong những phương pháp cải thiện khá hiệu quả. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần thực hiện theo hướng dẫn bên dưới đây:
- Đặt bàn chân trái lên đùi chân phải, dùng bàn tay và ngón tay để kéo căng lòng bàn chân.
- Sau đó tiến hành xoa nắn và chà xát nhẹ nhàng ở lòng bàn chân và ngón chân.
- Lặp lại động tác này từ 40 - 50 lần rồi thực hiện tương tự với bên bàn chân còn lại.
+ Ngâm chân
Ngâm chân trong nước ấm có tác dụng hỗ trợ cải thiện các vấn đề về xương khớp mà bạn đang gặp phải. Từ đó, tình trạng tê ngón chân cái sẽ dần được đẩy lùi và hạn chế xuất hiện trở lại. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên nấu nước thảo dược hoặc cho một ít tinh dầu thảo dược vào nước ấm rồi tiến hành ngâm chân.
+ Thay đổi tư thế ngồi
Ngồi ở một tư thế quá lâu cũng sẽ khiến dây thần kinh bị chèn ép và gây ra triệu chứng tê bì. Nếu hay bị tê đầu ngón chân cái, bạn cần tránh tư thế ngồi trên bàn chân hoặc ngồi bắt chéo chân. Với những trường bắt buộc phải ngồi một chỗ để làm việc trong thời gian dài, bạn nên thay đổi tư thế ngồi thường xuyên giúp quá trình tuần hoàn máu bên trong cơ thể diễn ra tốt hơn.
+ Vận động
Tê ngón chân cái rất dễ xảy ra nếu bạn có thói quen ngồi hoặc đứng một chỗ quá lâu. Ở những trường hợp này, bạn có thể khắc phục bằng cách đi lại hoặc vận động nhẹ nhàng giúp kích thích tuần hoàn máu đến chi và đẩy lùi chứng tê bì. Nếu bạn có tính chất công việc ngồi nhiều thì nên đứng lên vận động sau 1 - 2 giờ làm việc giúp tăng tuần hoàn máu đến chi, phòng ngừa tê bì ngón chân.
+ Giảm cân
Tình trạng tê đầu ngón chân cái cũng có thể xảy ra ở những người bị thừa cân béo phì. Ngón chân và phần chi dưới phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể trong thời gian dài là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này. Để khắc phục, bạn phải lên kế hoạch giảm cân an toàn và khoa học. Bên cạnh đó, việc duy trì cân nặng ở mức ổn định còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như phòng ngừa bệnh lý về tim mạch và bệnh xương khớp.
Câu hỏi thường gặp
Tê ngón chân cái có nguy hiểm không?
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tê ngón chân cái thường xảy ra do tác động từ bên ngoài nên không quá nguy hiểm. Ở những trường hợp này bạn có thể cải thiện bằng cách chăm sóc đúng cách hoặc cải thiện bằng các mẹo đơn giản tại nhà. Nhưng nếu tình trạng tê ngón chân cái diễn ra kéo dài thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh lý, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Nếu để tình trạng này diễn ra kéo dài, khả năng vận động và chất lượng đời sống sinh hoạt hàng ngày của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Với những trường hợp nặng còn có thể gây mất hoàn toàn cảm giác ở đầu ngón chân, làm gia tăng nguy cơ chấn thương do va quẹt mà không hay biết. Nếu nghi ngờ bản thân bị tê ngón chân cái do bệnh lý, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa.
Triệu chứng
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, khi bị tê ngón chân cái bạn phải đối mặt với các triệu chứng sau đây:
- Có cảm giác như kim châm ở ngón chân
- Ngứa ran khởi phát ở ngón cái rồi lan rộng đến các ngón chân xung quanh
- Mất cảm giác, không thể cảm nhận được nóng lạnh
- Đau nhức và biến dạng ở đầu ngón chân
- Gặp khó khăn khi di chuyển, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Phòng ngừa
Dựa vào nguyên nhân gây tê ngón chân cái mà bạn hãy đưa ra các biện pháp phòng ngừa sao cho phù hợp. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo và áp dụng tại nhà:
- Sử dụng giày dép có kích cỡ phù hợp và đúng mục đích. Tránh sử dụng giày có bề ngang quá hẹp khiến các ngón chân bị chèn ép quá mức. Chị em phụ nữ nên hạn chế mang giày cao gót để tránh gây áp lực không tốt lên ngón chân, nếu phải sử dụng trong thời gian dài thì nên dùng thêm miếng đệm hỗ trợ.
- Nói không với các loại thực phẩm gây hại đến sức khỏe như đồ uống có cồn, thuốc lá,... Với bệnh nhân bị tiểu đường, cần hạn chế tiêu thụ đường để tránh gây tổn thương đến dây thần kinh và khiến triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn.
- Chú ý giữ ấm cơ thể vào những ngày trời chuyển lạnh. Cần giữ ấm chân bằng cách mang tất để hạn chế nguy cơ bỏng lạnh. Không nên ở ngoài đường quá lâu và không sử dụng giày ướt,...
- Cần nhanh chóng đến bệnh viện để làm kiểm tra nếu bị tê ngón chân cái kèm theo các triệu chứng bất thường khác như nhức đầu dữ dội, tê một bên cơ thể, yếu cơ, mất cân bằng, rối loạn suy nghĩ, gặp vấn đề về thị lực, mờ mắt,...
Tê ngón chân cái khiến bạn cảm thấy rất khó chịu và gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Nếu tình trạng này xảy ra không phải do bệnh lý, bạn có thể cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Còn với những trường hợp tê ngón chân cái do bệnh lý, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh các rủi ro không mong muốn.