Tê Bắp Chân

Cơ bản

Tê bắp chân là dấu hiệu thường gặp trong các bệnh lý như suy tĩnh mạch chân, viêm dây thần kinh tọa, chèn ép khoang hay huyết khối tĩnh mạch sâu… Cần chú trọng điều trị các nguyên nhân tiềm ẩn để bắp chân hết bị tê bì khó chịu.

Định nghĩa

Tê bắp chân là tình trạng tê bì kèm theo hiện tượng thiếu hay mất cảm giác tạm thời ở bặp chân. Lúc này, người bệnh thường gặp khó khăn khi đứng lên đi lại, thường phải nghỉ ngơi một lúc và xoa bóp mới khôi phục lại cảm giác cho chân.

Hiện tượng tê bắp chân có thể xuất hiện một cách đơn độc hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như:

  • Tê bàn chân
  • Ngứa ran ở khu vực bị ảnh hưởng
  • Đau và có cảm giác châm chích khó chịu tại bắp chân
  • Co thắt cơ bắp, yếu cơ
  • Khả năng đi lại, vận động bị giới hạn…

Tê bắp chân chỉ tình trạng bắp chân có hiện tượng tê bì, mất cảm giác gây khó khăn cho việc đi lại
Tê bắp chân chỉ tình trạng bắp chân có hiện tượng tê bì, mất cảm giác gây khó khăn cho việc đi lại

Nguyên nhân

Bạn có thể bị tê bắp chân vì nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Thiếu vitamin và khoáng chất:

Cơ thể bị thiếu vitamin B12 có thể gây ra các chứng tê bàn tay, bàn chân hay bắp chân. Loại vitamin này có tác dụng sản sinh hồng cầu, tăng cường hoạt động trao đổi chất và xây dựng hệ thần kinh. Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu và ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thần kinh khiến cho bạn thường xuyên có cảm giác tê bì ở bắp chân.

Ngoài ra, hiện tượng tê bắp chân còn xảy ra khi bị thiếu các chất khác như canxi, sắt hay kali… do có chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc cơ thể kém hấp thụ dưỡng chất.

  • Ngồi hoặc quỳ lâu:

Các tư thế như ngồi hoặc quỳ lâu ở tư thế tĩnh gây chèn ép lên thần kinh và mạch máu đều có thể dẫn đến các cơn tê bì, mất cảm giác tạm thời ở bắp chân.

  • Chấn thương:

Chơi thể thao quá sức, đi lại nhiều, lao động nặng nhọc té ngã hoặc tai nạn xe cộ có thể gây ra các chấn thương ở chân, phổ biến nhất là tình trạng căng cơ bắp chân. Trường hợp này bạn sẽ thường xuyên cảm thấy bị tê bắp chân, đau và khó đi lại, vận động.

  • Sử dụng chất kích thích:

Lạm dụng bia rượu, thường xuyên hút thuốc lá có thể gây tổn thương cho các dây thần kinh cảm giác ở chân và dẫn đến tê chân, nhất là vùng bắp chân.

  • Nhiễm độc kim loại:

Cơ thể bị nhiễm các kim loại nặng như chì, thủy ngân… sẽ gây ra những tổn thương nặng nề cho não bộ cũng như thần kinh. Ngoài cảm giác tê yếu bắp chân, người bị nhiễm độc kim loại còn có dấu hiệu rối loạn cảm giác, nhận thức kém, yếu tay chân hoặc rối loạn hành vi…

  • Tác dụng phụ của thuốc:

Tê bắp chân là tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh ung thư hay thuốc kháng sinh…

  • Hoạt động sai tư thế:

Ngồi xổm, đứng lâu, ngồi khoanh chân hay nằm đè lên chân trong thời gian dài đều có thể làm giảm lưu lượng máu đến bắp chân và khiến các dây thần kinh bị chèn ép. Trường hợp này, cảm giác tê bì ở bắp chân thường không kéo dài quá lâu.

  • Mặc quần bó sát:

Thói quen mặc quần bó sát khiến máu không thể lưu thông bình thường xuống bắp chân, từ đó khiến cho khu vực này bị tê.

Bên cạnh các nguyên nhân cơ học ở trên, hiện tượng tê bắp chân còn xuất hiện trong nhiều bệnh lý. Bạn nên thận trọng với các vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe khi bắp chân thường xuyên bị tê và có khuynh hướng kéo dài.

Hiện tượng tê bắp chân có thể là triệu chứng của các bệnh lý sau:

  • Viêm gân Achilles: Căn bệnh này xảy ra do các cơ ở bắp chân hoạt động quá mức khiến cho gân Achilles chịu nhiều áp lực và bị sưng viêm. Người bệnh có thể bị tê bì bắp chân kèm theo cảm giác đau nhói ở gót chân. Cảm giác đau tăng nặng khi dùng tay ấn vào.
  • Viêm hoặc chèn ép dây thần kinh tọa: Dây thần kinh tọa kéo dài từ hông cho đến xuyên suốt chiều dài chân. Bộ phận này chi phối đến cảm giác cũng như hoạt động của các cơ ở chân. Khi có chèn ép, viêm đau thần kinh tọa thì vùng hông, mông, đùi, bắp chân hay bàn chân có thể bị tê bì, đau và ngứa ran, từ đó làm giảm khả năng vận động, đi lại.
  • Suy giãn tĩnh mạch: Các tĩnh mạch ở chân bị phình giãn không thể phục hồi có thể dẫn đến hiện tượng tê bắp chân, phù chân vào buổi chiều tối, đau nhức buồn bằn trong chân. Cảm giác tê mỏi xuất hiện nhiều hơn vào buổi chiều tối.
  • Bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường: Đây là một biến chứng của bệnh tiểu đường xảy ra khi các dây thần kinh ở chân tay bị tổn thương do lượng đường trong máu tăng cao kéo dài. Ở những người mắc bệnh thần kinh ngoại biên, cảm giác tê bắp chân sẽ thường xuyên xuất hiện kèm theo các cơn đau, nóng ran ở khu vực bị ảnh hưởng.
  • Hội chứng chèn ép khoang: Sự gia tăng áp lực lên khoang bắp chân có thể dẫn đến hội chứng chèn ép khoang. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do bị gãy xương kín hoặc do có ổ viêm mô tế bào. Khi bị chèn ép khoang, cảm giác tê ở bắp chân thường khá dữ dội, bắp chân sưng phình thấy rõ kèm theo đau. Các triệu chứng trên không được cải thiện dù đã nghỉ ngơi hay uống thuốc.
  • Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu: Bệnh khởi phát khi có sự hình thành của cục máu đông nằm trong tĩnh mạch sâu của các chi, nhất là vùng bắp chân. Hiện tượng này kéo dài có thể gây viêm tắc tĩnh mạch và khiến máu kém lưu thông đến bắp chân. Lúc này, khu vực bị ảnh hưởng có cảm giác tê, sưng, lạnh. Các vết thương ở chân thường khó lành.
  • Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Nhân nhầy trong bao xơ đĩa đệm khi lệch ra khỏi vị trí ban đầu có thể chèn ép vào dây thần kinh tọa. Điều này khiến cho người bệnh bị đau chân, tê yếu và ngứa ra ở bắp chân hay thậm chí làm toàn bộ chân.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Trong nhiều trường hợp, triệu chứng tê bắp chân thường không nguy hiểm và sẽ dần được cải thiện sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này kéo dài quá 7 ngày hoặc cảm giác tê bì ở bắp chân kèm theo các dấu hiệu nghiêm trọng khác, bạn nên tới bệnh viện khám ngay. Bao gồm:

  • Bị tê liệt, mất cảm giác ở nhiều vị trí khác ngoài bắp chân, chẳng hạn như bàn chân, bàn tay hay cánh tay…
  • Không thể giữ thăng bằng hoặc đi lại bình thường
  • Chóng mặt, choáng váng
  • Nhức đầu đột ngột và dữ dội
  • Không thể nói chuyện bình thường
  • Mất kiểm soát hoạt động tiểu tiện…

Chẩn đoán

Các phương pháp đang được áp dụng để chẩn đoán tê bắp chân bao gồm:

Thăm khám lâm sàng:

  • Bác sĩ trao đổi với bệnh nhân về tình trạng tê bắp chân cùng các triệu chứng khác đang gặp phải
  • Kiểm tra tiền sử mắc bệnh, các thuốc đang sử dụng
  • Đánh giá phản xạ của chân khi có tác động
  • Kiểm tra dáng đi, phạm vi vận động của chân bị ảnh hưởng.

Xét nghiệm cận lâm sàng:

Một số xét nghiệm cận lâm sàng có thể được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân gây tê bắp chân. Bao gồm:

  • Chụp X-quang vùng cột sống hay chân giúp phát hiện ra các bất thường ở xương và tình trạng chèn ép ở dây thần kinh.
  • Chụp MRI cho kết quả rõ ràng hơn về tình trạng tổn thương ở đĩa đệm cột sống, mạch máu hay dây thần kinh.
  • Chụp cắt lớp vi tính được chỉ định khi không tìm ra nguyên nhân gây tê bắp chân thông qua chụp X-quang.
  • Các kỹ thuật khác: Xét nghiệm máu, điện cơ đồ, kiểm tra dẫn truyền thần kinh…

Điều trị

Mục đích của quá trình điều trị là khắc phục các nguyên nhân gây tê bắp chân cùng các triệu chứng đi kèm. Các phương pháp chữa tê bắp chân thường được lựa chọn bao gồm:

Điều trị nội khoa

+ Khắc phục tê bắp chân bằng phương pháp tự nhiên:

  • Nghỉ ngơi, xoa bóp cho đến khi hết tê bắp chân. Không có gắng đứng lên đi lại hoặc hoạt động mạnh khi bắp chân đang bị tê có thể gây mất thăng bằng, té ngã hoặc khiến các cơ bị căng thẳng.
  • Chườm nóng giảm tê, xoa dịu cơn đau và tăng cường lưu thông máu đến bắp chân.
  • Chườm lạnh thích hợp với các đối tượng bị tê bắp chân do chấn thương hoặc có hiện tượng sưng viêm khớp cấp tính.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng ở bắp chân và khu vực xung quanh sẽ giúp giảm co cơ, làm thư giãn dây thần kinh và tăng lượng máu lưu thông đến chân, từ đó giúp bắp chân nhanh hết tê bì.
  • Ngâm chân vào nước muối epsom, nước gừng hay nước lá lốt giúp hoạt huyết, giảm áp lực cho dây thần kinh, làm thư giãn cơ, khôi phục cảm giác cho bắp chân bị tê.
  • Chườm lá ngải cứu cũng là một cách giảm tê bắp chân đơn giản, hiệu quả.
  • Châm cứu, bấm huyệt giúp đã thông kinh mạch, giảm hiện tượng tê bì ở bắp chân, tăng cường chức năng vận động cho chân bị tổn thương.

+ Sử dụng thuốc trị tê bắp chân:

Nếu các phương pháp tự nhiên không mang lại hiệu quả, bạn nên đi khám bác sĩ để được kê đơn thuốc điều trị. Tùy theo nguyên nhân, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của tê bắp chân, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm không steroid, corticoid, thuốc chống co giật, thuốc chống trầm cảm hay thuốc giảm đau thần kinh…

Quá trình điều trị tê bắp chân bằng thuốc Tây cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tự ý sử dụng thuốc bừa bãi gây nhiều tác dụng phụ cho sức khỏe.

 Vật lý trị liệu:

Đôi khi, vật lý trị liệu có thể được chỉ định kết hợp với dùng thuốc để nâng cao hiệu quả chữa tê bì bắp chân, giảm sự chèn ép lên dây thần kinh, giúp khôi phục cảm giác và chức năng hoạt động của chân bị tổn thương.

Cách chữa tê bắp chân bằng ngoại khoa

Bệnh nhân bị tê bắp chân sẽ được đề nghị phẫu thuật trong các trường hợp sau:

  • Điều trị nội khoa không hiệu quả
  • Triệu chứng tê bắp chân kéo dài và ngày càng nghiêm trọng
  • Bị tắc mạch hoặc chèn ép dây thần kinh
  • Có tổn thương nghiêm trọng ở đĩa đệm, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, vỡ đĩa đệm.
  • Bị hẹp ống sống
  • Có nguy cơ bại liệt cao nếu không được làm phẫu thuật.

Tình trạng tê bắp chân sẽ chấm dứt sau khi các nguyên nhân gây bệnh được loại bỏ. Vì vậy, bạn nên phối hợp tốt với bác sĩ trong suốt quá trình điều trị kết hợp với chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý giúp bệnh nhanh chóng được chữa khỏi.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android