Tê Buồn Chân Tay
Tê buồn chân tay gây ra tình trạng tê bì như kiến bò khiến bạn cảm thấy rất khó chịu. Tình trạng này xảy ra do rất nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến nhất là gặp vấn đề bất thường tại não và dây thần kinh. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này cũng như cách khắc phục hiệu quả thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Tê buồn chân tay được y khoa gọi là chứng dị cảm với triệu chứng đặc trưng là tê bì như kiến bò hoặc châm chích trên da. Tê bì trong chứng dị cảm thường gây ra cảm giác nhứa râm ran và rối loạn cảm giác ở khu vực bị ảnh hưởng, điều này đã khiến cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu.
Chuyên gia cho biết, tê buồn chân tay rất dễ khởi phát khi bạn tạo áp lực hoặc đè nén quá mức lên dây thần kinh. Tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, khi bạn loại bỏ áp lực lên dây thần kinh thì triệu chứng tê bì sẽ tự thuyên giảm. Với những trường hợp sau khi loại bỏ áp lực mà tình trạng tê bì vẫn tiếp tục diễn ra thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh lý, người bệnh cần phải điều trị chuyên sâu để tránh biến chứng.
Nguyên nhân
Tình trạng tê buồn chân tay có thể xảy ra do ảnh hưởng từ bệnh lý tiềm ẩn hoặc do nguyên nhân cơ học. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần thăm khám để xác định nguyên nhân và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Dưới đây là các nguyên nhân gây tê buồn chân tay mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Nguyên nhân bệnh lý
Tê buồn chân tay có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh xương khớp, bệnh thần kinh, bệnh mãn tính, bệnh nhiễm trùng,.. Lúc này, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa giúp kiểm soát tốt bệnh lý, tránh các biến chứng không mong muốn.
+ Nhiễm trùng: Khi bạn mắc một số bệnh lý nhiễm trùng như zona thần kinh, lyme, HIV,... nhưng không kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng đến dây thần kinh. Lúc này, tác nhân gây hại sẽ tấn công vào dây thần kinh, khiến chúng bị tổn thương và gây ra một số biểu hiện như tê buồn, ngứa ran, châm chích, đau nhức,... Những trường hợp nặng còn có thêm triệu chứng lở loét và nóng đỏ.
+ Tiểu đường: Bệnh nhân tiểu đường có hàm lượng đường trong máu khá cao, điều này đã khiến cho dây thần kinh ngoại vi bên trong cơ thể bị tổn thương và gây ra tình trạng đau nhức, tê buồn chân tay khá khó chịu. Dây thần kinh bị tổn thương do bệnh tiểu đường thường không thể tự phục hồi và nguy cơ cao là tổn thương vĩnh viễn. Vì thế, khi bị tiểu đường bạn không được chủ quan trong việc điều trị để tránh phát sinh ra các biến chứng nguy hiểm.
+ Chấn thương cột sống: Cột sống bị chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tê buồn tay chân. Thông thường, tình trạng này sẽ xảy ra khi chấn thương cột sống gây tổn thương đến tủy sống. Lúc này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như tê buồn như kiến bò ở khu vực bị ảnh hưởng, đau nhức lan rộng, giảm khả năng vận động, nguy cơ liệt,...
+ Thoái hóa cột sống: Khi bị thoái hóa cột sống, cơ thể sẽ kích thích tế bào xương phát triển để bù vào vùng bị tổn thương. Nếu quá trình này diễn ra bất thường sẽ hình thành nên gai xương. Theo thời gian, gai xương sẽ phát triển với kích thước lớn gây chèn ép vào tủy sống và rễ thần kinh. Điều này đã kích thích không tốt đến dây thần kinh và gây ra các triệu chứng như tê buồn, rối loạn cảm giác,...
+ Đau dây thần kinh tọa: Dây thần kinh tọa bị tổn thương do chấn thương hoặc do mắc các bệnh lý về cột sống cũng gặp phải triệu chứng đau nhức và tê buồn khá khó chịu. Lúc này, tình trạng đau nhức và tê buồn sẽ xuất hiên chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh. Điều này đã khiến cho người bệnh sẽ có cảm giác châm chích và ngứa ran khá khó chịu ở mông và hai chi dưới. Trường hợp nặng còn bị mất kiểm soát hoạt động của ruột và bàng quang.
+ Bệnh thần kinh ngoại biên: Tê buồn chân tay do mắc bệnh thần kinh ngoại biên là tình trạng xảy ra phổ biến nhất. Bệnh lý này thường khởi phát khi dây thần kinh ngoại vi bị tổn thương. Các nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh thường gặp là do chấn thương, rối loạn trao đổi chất, nhiễm trùng,... Bạn có thể nhận ra bệnh lý này thông qua các triệu chứng đi kèm như đau mỏi ở chi, ngứa ran và châm chích ở lòng bàn tay, khả năng phối hợp hoạt động giữa tay chân gặp vấn đề, yếu cơ,...
+ Rối loạn do sử dụng rượu: Mắc phải hội chứng rối loạn sử dụng rượu cũng sẽ gây ra triệu chứng tê buồn chân tay khá khó chịu. Bệnh lý này thường khởi phát khi bạn lạm dụng rượu quá mức trong thời gian dài, khiến não và dây thần kinh bị tổn thương. Lúc này, chức năng của thần kinh sẽ gặp vấn đề và gây ra các triệu chứng như tê buồn râm ran, giảm khả năng phối hợp giữa các chi,... Nhiều trường hợp còn bị rối loạn cảm xúc và hành vi, làm gia tăng nguy cơ tê liệt.
+ Bệnh lý khác: Ngoài ra, tình trạng tê buồn chân tay cũng có thể xảy ra do một số bệnh lý ít gặp khác như u não lành hoặc ác tính, bệnh gan thận, viêm mạch máu, viêm dây thần kinh, tai biến mạch máu não, đột quỵ,...
Nguyên nhân cơ học
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, tình trạng tê buồn chân tay cũng có thể xảy ra do tác động của một số nguyên nhân cơ học. Với những trường hợp này thì bạn không cần quá lo lắng, tình trạng tê buồn chỉ diễn ra tạm thời và tự khỏi mà không cần phải điều trị chuyên khoa. Các nguyên nhân đó có thể kể đến là:
- Nghĩ ngơi hoặc vận động sai tư thế: Một số tư thế vận động khiến dây thần kinh và mạch máu bị đè ép quá mức dẫn đến tình trạng tê buồn là ngồi xổm, ngồi bắt chéo chân, quỳ gối, đứng hoặc ngồi quá lâu, ngủ sai tư thế,... Điều này đã khiến khí huyết kém lưu thông đến chi và gây ra triệu chứng tê tay chân như kiến bò.
- Ảnh hưởng của thời tiết: Vào những ngày trời lạnh, hệ thống mạch máu trong cơ thể sẽ co lại và gây ra tình trạng ngưng trệ khí huyết. Điều này đã khiến cho đầu ngón tay và chân có cảm giác tê buồn, ngứa ran và khó cử động do không được cung cấp đủ máu và oxy. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở những người có hệ miễn dịch yếu kém.
- Mang thai: Tê buồn tay chân cũng rất dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai do nội tiết tố trong cơ thể bị rối loạn, chế độ ăn uống không cung cấp đủ vitamin và khoáng chất thiết yếu, cơ thể bị tích nước, tăng cân nhanh chóng,...
- Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân cơ học gây tê buồn chân tay khác có thể kể đến là vận động cơ quá mức, lặp lại một động tác ở tay hoặc chân quá nhiều lần, cơ thể thừa vitamin D hoặc thiếu vitamin B, đang dùng thuốc hóa trị, cơ thể bị suy nhược, lười vận động, thừa cân béo phì, tác dụng phụ của thuốc Tây y,...
Chăm sóc tại nhà
Khi tình trạng tê buồn chỉ diễn ra tạm thời, bạn có thể cải thiện bằng các mẹo đơn giản tại nhà để đẩy lùi cảm giác khó chịu, giúp cơ thể sẽ cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
+ Xoa bóp bấm huyệt
Người bệnh cần lấy một ít tinh dầu thảo dược thoa lên vùng da bị tê buồn. Thường dùng là tinh dầu tràm trà, tinh dầu bạc dà,... Sau đó, xoa hai tay vào nhau cho nóng lên rồi tiến hành xoa bóp lên vùng bị ảnh hưởng với một lực vừa phải. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên massage kết hợp bấm vào các huyệt đạo tương ứng.
Mục đích của việc thoa tinh dầu kết hợp massage bấm huyệt là làm ấm cơ thể, đả thông kinh mạch, giải phòng chèn ép lên thần kinh và giúp quá trình tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn. Từ đó, tình trạng ngứa ran và tê yếu ở chi sẽ được cải thiện, đồng thời làm tăng độ linh hoạt của tay chân.
+ Sử dụng thảo dược tự nhiên
Bạn có thể tận dụng gừng tươi, lá lốt hoặc lá ngải cứu để cải thiện. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần rửa sạch dược liệu rồi đem đun với nước cho dược tính hòa tan vào trong nước, sau đó đổ nước ra chậu cho nguội bớt rồi dùng để ngâm chân.
Nhiệt độ ấm nóng kết hợp với dược tính trong thảo dược sẽ có tác dụng làm thư giãn mạch máu, kích thích khí huyết lưu thông và giảm cảm giác tê buồn. Đồng thời, cách này còn có tác dụng làm thư giãn xương khớp và dây thần kinh, cải thiện độ linh hoạt của xương khớp.
+ Nghĩ ngơi
Trong quá trình điều trị, bạn cần nghĩ ngơi đầy đủ và nói không với các hoạt động kém lành mạnh để tránh gây chèn ép quá mức lên dây thần kinh. Cách này có tác dụng ngăn ngừa tổn thương tại dây thần kinh tiếp tục diễn ra và hỗ trợ phục hồi mô bị tổn thương.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng nẹp để cố định khu vực bị tổn thương, hạn chế các cử động không cần thiết. Tuy nhiên, việc dùng nẹp phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả mang lại.
+ Ăn uống đủ chất
Tê buồn chân tay cũng rất dễ xảy ra ở những người ăn uống thiếu chất dinh dưỡng. Đặc biệt là phụ nữ mang thai và sau sinh, người bị bệnh ung thư,... Vì thế, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với việc cải thiện triệu chứng tê buồn chân tay. Để tình trạng này nhanh chóng được đẩy lùi, bạn cần hình thành cho bản thân thói quen ăn uống lành mạnh và cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Cụ thể là:
- Thực phẩm giàu canxi: Sữa và chế phẩm từ sữa, hải sản, các loại hạt,...
- Thực phẩm giàu vitamin D: Dầu gan cá tuyết, lòng đỏ trứng, nấm, tôm,...
- Thực phẩm giàu magie: Đậu phụ, ngũ cốc nguyên hạt, chuối, bơ,...
- Thực phẩm giàu vitamin B: Thịt bò, cá béo, ngao, ngũ cốc,...
- Thực phẩm giàu sắt: Cá cơm, hàu, cá biển, trứng, gan động vật,...
Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các nhóm thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị bệnh như thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc chất béo, đồ ăn quá mặn hoặc quá ngọt,...
+ Vận động và tập thể dục
Khi bị tê buồn chân tay, bạn hãy duy trì thói quen vận động và tập thể dục với cường độ nhẹ mỗi ngày giúp duy trì độ linh hoạt của tay chân, ngăn ngừa tình trạng cứng khớp xảy ra. Đồng thời, tập luyện còn giúp quá trình tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn, đầy lùi nhanh chóng triệu chứng tê buồn và đau nhức.
Các bài tập có thể áp dụng khi bị tê buồn chân tay là đi bộ nhẹ nhàng, bơi lội, yoga, dưỡng sinh, đạp xe,... Bạn nên dành từ 20 - 30 phút mỗi ngày để tập luyện. Thói quen này còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe xương khớp và thần kinh.
Câu hỏi thường gặp
Tê buồn tay chân có nguy hiểm không?
Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng tê buồn chân tay thường xảy ra do nguyên nhân cơ học nên có tính chất tạm thời, có thể tự khỏi mà không điều trị và cũng không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra do nguyên nhân bệnh lý thì bạn cần đặc biệt chú ý và phải tiến hành điều trị y tế. Nếu để tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ tiến triển sang giai đoạn mãn tính và phát sinh ra các rủi ro sau đây:
- Rối loạn chức năng ruột và bàng quang
- Mất khả năng vận động
- Tê liệt chi hoặc liệt nửa người
Nếu bị tê buồn tay chân kéo dài với mức độ ngày càng nghiêm trọng kèm theo các triệu chứng bất thường khác, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị để tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và phát sinh biến chứng không mong muốn.
Triệu chứng
Tê buồn chân tay có thể gây ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận trên hai cơ quan này như ngón tay chân, cánh tay, khuỷu tay, đùi, bắp chân,... Thông thường, tình trạng này chỉ diễn ra ở mức độ tạm thời và có thể tự khỏi, nhưng cũng có trường hợp bị tê buồn chân tay kéo dài mãn tính bắt buộc phải điều trị y tế.
Khi bị tê buồn chân tay, bạn sẽ có cảm giác tê rần như kiến bò ở những vị trí bị ảnh hưởng, rõ rệt nhất là ngón trỏ và ngón giữa. Ngoài ra, bạn còn phải đối mặt với một số triệu chứng khác như:
- Tê buốt, châm chích hoặc ngứa ran trên bề mặt da. Cảm giác nóng ran hoặc lạnh. Nhiều người còn bị chuột rút cơ bắp khá khó chịu.
- Đau nhói tăng dần theo thời gian, cơn đau thường khởi phát ở ngón tay rồi lan rộng đến các cơ quan xung quanh như bàn tay, cổ tay và cánh tay
- Độ linh hoạt của tay chân bị suy giảm, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Gặp khó khăn khi đi lại nếu bị tê buồn chân và khó cầm nắm đồ vật nếu bị tê buồn tay.
- Các triệu chứng cũng có thể xảy ra khi bị tê buồn chân tay nhưng khá ít gặp là rối loạn tiểu tiện, mất ý thức tạm thời, co giật, đau nhức dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, tê liệt,...
- Ngoài ra, người bệnh cũng có thể đối mặt với một số triệu chứng khác như đau thắt lưng, đau vai gáy, đau dọc theo dây thần kinh, tê buốt mông đùi,...
Khi tình trạng tê buồn chân tay diễn ra kéo dài hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày thì có thể là do bệnh lý tiềm ẩn. Ở những trường hợp này bạn cần thăm khám và điều trị y tế để tránh các biến chứng không mong muốn.
Điều trị
Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nguyên nhân gây tê buồn chân tay và đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng này bằng cách kiểm tra triệu chứng lâm sàng và làm xét nghiệm cận lâm sàng. Sau khi đã có chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Lúc này, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu của bệnh và giải quyết dứt điểm nguyên nhân. Dưới đây là các cách khắc phục tê buồn chân tay mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Điều trị chuyên khoa bằng thuốc Tây
Điều trị chuyên khoa cần được áp dụng với những trường hợp bị tê buồn chân tay diễn ra kéo dài và do bệnh lý gây ra. Mục đích của việc điều trị chuyên khoa là giải quyết dứt điểm nguyên nhân, tránh để tình trạng này tái phát nhiều lần.
Dùng thuốc Tây y sẽ giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng tê buồn cùng các triệu chứng có liên quan, đồng thời giải quyết nguyên nhân gây ra bệnh. Việc dùng thuốc trị bệnh cần phải có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Các loại thuốc thường được kê đơn là:
- Thuốc giảm đau hoặc chống viêm không steroid
- Thuốc giảm đau dây thần kinh
- Thuốc giãn mạch ngoại vi
- Thuốc chống co giật
- Thuốc chống trầm cảm
- Vitamin nhóm B
Ngoài ra, bác sĩ còn dựa vào vấn đề sức khỏe mà bạn đang mắc phải để kê thêm một số loại thuốc điều trị chuyên môn giúp kiểm soát tốt tình trạng bệnh, hạn chế tổn thương tiếp tục diễn ra.
Vật lý trị liệu
Với những trường hợp tê buồn tay chân gây cứng khớp hoặc yếu cơ khiến khả năng vận động bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện vật lý trị liệu để cải thiện. Mục đích của việc thực hiện vật lý tri liệu là cải thiện sức mạnh cơ, giải phóng chèn ép lên mạch máu và dây thần kinh, giảm tê buồn và đau nhức.
Với hệ xương khớp, vật lý trị liệu còn có tác dụng cải thiện độ linh hoạt của xương khớp, làm tăng tuần hoàn máu đến các cơ quan để chữa lành tổn thương. Từ đó, bạn sẽ phòng tránh được chứng rối loạn cảm giác.
Phẫu thuật
Nếu tình trạng tê buồn chân tay không đáp ứng điều trị nội khoa sau 6- 12 tuần và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định thực hiện phẫu thuật. Mục đích của việc thực hiện phẫu thuật là kiểm soát nhanh chóng triệu chứng tê buồn chân tay, giải quyết nguyên nhân và hạn chế tái phát trở lại. Thông thường, phẫu thuật sẽ được thực hiện với những trường hợp như:
- Dây thần kinh, mạch máu và tủy sống bị tổn thương do chèn ép quá mức
- Cột sống bị tổn thương nặng, không thể tự phục hồi.
- Nguy cơ bại liệt cao
Dựa vào mục đích của việc điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh cột sống hoặc giải nén tại các cơ quan bị chèn ép.
Trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng tê buồn chân tay bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến và không quá nguy hiểm, có thể tự khỏi sau đó hoặc cải thiện bằng các mẹo đơn giản. Nhưng nếu nghi ngờ bị tê buồn chân tay do bệnh lý, bạn cần điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh biến chứng. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hình thành cho bản thân thói quen sinh hoạt và ăn uống khoa học để phòng ngừa, tránh để tình trạng này khởi phát nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.