Tê Bì Chân Tay Khi Ngủ
Tê bì chân tay khi ngủ thường xảy ra ở những người ngủ sai tư thế hoặc có lối sống thiếu lành mạnh. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài thì rất có thể là dấu hiệu của bệnh lý. Tê bì chân tay khiến chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng, nhiều trường hợp còn gây suy nhược cơ thể khiến sức khỏe tổng thể bị suy giảm nghiêm trọng.
Định nghĩa
Tê bì chân tay là dấu hiệu cho ta thấy dây thần kinh đang bị chèn ép quá mức. Thường gặp là dây thần kinh xương trụ, dây thần kinh xương quay, dây thần kinh trung gian ở chi,… Nếu tình trạng này xảy ra do nguyên nhân sinh lý thi không quá nguy hiểm, bạn chỉ cần cải thiện bằng cách hình thành thói quen vận động phù hợp hoặc thay đổi tư thế khi ngủ.
Với trường hợp nặng hơn và nghi ngờ do bệnh lý, bạn cần tiến hành thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh biến chứng. Bạn có thể nhận biết tình trạng tê bì chân tay khi ngủ thông qua các triệu chứng điển hình sau đây:
- Khi mới khởi phát, người bệnh sẽ có cảm giác tê nhức hoặc ngứa râm ran ở đầu ngón tay chân và giữa kẽ ngón. Điều này đã khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu.
- Sau đó, cơn tê buốt sẽ xuất hiện chạy dọc hết cánh tay và cẳng tay gây ảnh hưởng đến khả năng vận động.
- Bị co thắt cơ đột ngột gây ra triệu chứng đau nhức âm ỉ ở bắp tay và bắp chân.
- Nếu tình trạng tê bì diễn ra kéo dài sẽ khiến tay chân bị mất cảm giác.
Triệu chứng tê bì thường sẽ xuất hiện ở một tay hoặc một chân, nhưng cũng có nhiều trường hợp sẽ gây ảnh hưởng đến cả hai. Bạn có thể cải thiện tình trạng này chỉ trong thời gian ngắn và không để lại biến chứng nghiêm trọng.
Nguyên nhân
Tê bì chân tay khi ngủ say là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải. Khi ta ngủ say sẽ vô tình đè lên cánh tay, điều này đã khiến cho mạch máu và rễ thần kinh bị chèn ép quá mức, không thể hoạt động bình thường. Ở trường hợp này, bạn có thể cải thiện bằng cách điều chỉnh lại từ thế ngủ sao cho phù hợp. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra do một số nguyên nhân sinh lý khác như:
- Ngủ sai tư thế: Một người trưởng thành, giấc ngủ ban đêm thường sẽ kéo dài từ 6 – 8 tiếng. Nếu bạn ngủ sai tư thế sẽ khiến dây thần kinh bị chèn ép quá mức, ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu đến chi và gây ra tình trạng tê bì chân tay.
- Ăn uống thiếu chất: Ăn uống kiêng khem quá mức hoặc ăn nghèo nàn dưỡng chất cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng tê bì chân tay khi ngủ, đặc biệt là trường hợp thiếu vitamin B. Nguyên nhân này xảy ra khá phổ biến ở người ăn thuần chay, người bị rối loạn tiêu hóa,…
- Mang thai: Khi mang thai, máu sẽ tuần hoàn đi khắp cơ thể để nuôi cả mẹ và thai nhi. Khi bào thai phát triển lớn gây chèn ép lên dây thần kinh và tĩnh mạch sẽ khiến tuần hoàn máu bên trong cơ thể bị ảnh hưởng. Điều này đã kích thích khởi phát triệu chứng tê bì chân tay, đặc biệt là khi ngủ.
- Thời tiết thay đổi đột ngột: Thời tiết thay đổi đột ngột khiến cơ thể không kịp thích ứng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tê bì chân tay khi ngủ hoặc rối loạn cảm giác khi ngủ. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra nếu nhiệt độ phòng ngủ quá thấp khiến cơ thể bị nhiễm lạnh.
- Chấn thương: Chấn thương khi va chạm hoặc té ngã sẽ khiến dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương. Điều này cũng đã tạo cơ hội cho bệnh tê bì chân tay khởi phát vào ban đêm, khiến chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng đáng kể.
- Rối loạn tâm lý: Rối loạn tâm lý, căng thẳng kéo dài,… cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng tê bì chân tay khi ngủ. Ngoài ra, dây thần kinh ngoại biên cũng có thể bị tổn thương và gây tê bì ở những người nghiện rượu bia, sử dụng thuốc Tây y trị bệnh không đúng cách,…
Câu hỏi thường gặp
Tê bì chân tay khi ngủ là bệnh gì?
Tê bì chân tay nếu xảy ra thường xuyên khi ngủ mà không phải do nguyên nhân sinh lý thì rất có thể là do bệnh lý. Với những trường hợp này bạn không được chủ quan trong việc điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh biến chứng không mong muốn. Một số bệnh lý gây tê bì chân tay khi đi ngủ có thể kể đến là:
+ Hội chứng ống cổ tay: Đây là hiện tượng dây thần kinh giữa bên trong ống cổ tay bị tổn thương do gập duỗi thường xuyên. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là tê cứng hoặc đau nhức ở ba ngón tay giữa, nhiều trường hợp sẽ bị đau nhức cả bàn tay. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ gây ra triệu chứng run tay, mất cảm giác ở tay, khó cầm nắm,…
+ Viêm dây thần kinh ngoại biên: Chức năng chính của dây thần kinh ngoại biên là dẫn truyền thông tin từ cơ quan đến trung ương thần kinh và ngược lại. Nếu dây thần kinh này bị tổn thương do viêm cũng sẽ gây ra triệu chứng rối loạn cảm giác, tê bì chân tay,…
+ Đau cơ xơ hóa: Đây là bệnh lý mãn tính với triệu chứng đặc trưng là đau nhức toàn thân, tê bì hoặc châm chích ở lòng bàn tay chân,… Tình trạng này thường xảy ra vào buổi sáng và kéo dài trong nhiều giờ liền. Đau cơ xơ hóa vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng bạn vẫn có thể cải thiện bằng các mẹo đơn giản tại nhà.
+ Bệnh xương khớp: Mắc các bệnh lý về xương khớp như viêm khớp dạng thấp, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa,… cũng là nguyên nhân gây ra triệu chứng tê bì chân tay khi ngủ. Tổn thương do các bệnh lý này gây ra sẽ chèn ép quá mức lên dây thần kinh và gây ra triệu chứng tê bì ở chi. Tình trạng tê bì chân tay do mắc bệnh xương khớp thường sẽ có xu hướng tăng lên khi người bệnh nằm, ngồi lâu hoặc khi thời tiết thay đổi.
+ Bệnh tiểu đường: Mắc bệnh tiểu đường khiến dây thần kinh ngoại biên dễ bị tổn thương và gây ra tình trạng rối loạn cảm giác. Lúc này, người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng tê bì và ngứa ran ở chi vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kể cả khi đi ngủ. Nếu bị tê bì chân tay do tiểu đường thì khá nguy hiểm, không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng teo cơ, liệt chi, hoại tử,…
+ Bệnh tim mạch: Mắc bệnh tim mạch sẽ khiến quá trình bơm máu đi nuôi dưỡng cơ thể bị ảnh hưởng đáng kể. Lúc này, rễ thần kinh ở chi sẽ không được cấp cấp đủ lượng máu cần thiết và gây ra triệu chứng tê bì hoặc châm chích. Các bệnh tim mạch gây tê bì chân tay khi ngủ có thể kể đến là suy tim, đau tim, tắc nghẽn mạch máu,…
+ Đột quỵ: Tê bì chân tay khi đi ngủ cũng có thể là dấu hiệu của đột quỵ hoặc thiếu máu não tạm thời. Ngoài ra, bạn còn phải đối mặt với nhiều triệu chứng khác như hoa mắt, chóng mắt, đau đầu,… Các triệu chứng này thường xảy ra trước khi đột quỵ khoảng 20 phút. Khi có dấu hiệu của đột quỵ bạn cần được cấp cứu kịp thời để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tê bì chân tay khi ngủ có nguy hiểm không?
Nếu tình trạng tê bì chân tay xảy ra khi ngủ do nguyên nhân sinh lý thì không quá nghiêm trọng, tình trạng này sẽ nhanh chóng được cải thiện chỉ trong thời gian ngắn. Nhưng nếu tê bì chân tay xảy ra do bệnh lý thì bạn không được chủ quan trong việc điều trị. Nếu để tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến cơ thể bị suy nhược, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động, thậm chí là đe dọa đến tính mạng. Cụ thể là:
- Tê bì chân tay do bệnh lý xương khớp sẽ khiến hoạt động của tay chân bị rối loạn và làm giảm khả năng vận động. Lâu dần sẽ dẫn đến teo cơ hoặc bại liệt.
- Trường hợp tê bì chân tay do tiểu đường có thể biến chứng sang hoại tử. Lúc này, bắt buộc người bệnh phải cắt cụt chi để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe.
- Nếu tê bì chân tay do bệnh tim mạch có thể dẫn đến đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim, đe dọa trực tiếp đến tính mạng.
Nếu tình trạng tê bì chân tay khi ngủ diễn ra kéo dài và nghi ngờ do bệnh lý, bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám tìm ra nguyên nhân để được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Điều trị
Tê bì chân tay khi ngủ khởi phát do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tình trạng này xảy ra do thói quen xấu khi đi ngủ thì có thể cải thiện bằng cách thay đổi tư thế ngủ hoặc massage nhẹ nhàng. Sau khi áp dụng các mẹo trên mà tình trạng tê bì chân tay vẫn không thuyên giảm, bạn nên thăm khám chuyên khoa.
Khám chuyên khoa giúp xác định chính xác bệnh lý mà bạn đang mắc phải, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị cụ thể với từng trường hợp.
Sử dụng thuốc Tây y
Dùng thuốc Tây y sẽ đẩy lùi triệu chứng tê bì chân tay một cách nhanh chóng và hiệu quả. Thành phần dược tính trong thuốc sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng tê bì, đau nhức và khó chịu do bệnh lý gây ra. Các loại thuốc thường được dùng là:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc kháng viêm không chứa steroid
- Thuốc mỡ bôi hoặc cao dán ngoài da
- Thuốc giãn cơ
- Vitamin nhóm B
Thuốc Tây y mang lại hiệu quả giảm tê bì chân tay khá nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Vì thế, bạn không tự ý mua thuốc về sử dụng tại nhà. Thay vào đó, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và kê đơn thuốc điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Đồng thời, trong quá trình điều trị bận cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý bỏ liều hoặc kéo dài thời gian sử dụng thuốc.
Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường được áp dụng kết hợp với việc dùng thuốc để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Mục đích của vật lý trị liệu và làm thư giãn cơ, giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép và mang lại hiệu quả giảm tê bì chân tay. Hiện nay y học có rất nhiều phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, điện trị liệu, vận động trị liệu,… Dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người bác sĩ sẽ tư vấn liệu pháp vật lý trị liệu sao cho phù hợp.
Liệu pháp vật lý trị liệu được áp dụng phổ biến nhất là vận động trị liệu do có cách thực hiện khá đơn giản, người bệnh hoàn toàn có thể tự áp dụng tại nhà. Ngoài khả năng giảm tê bì chân tay, vận động trị liệu còn giúp bạn ngủ ngon và sâu giấc hơn. Một số bài tập hỗ trợ điều trị tê bì chân tay khi ngủ mà bạn có thể tự áp dụng tại nhà là:
- Xoay khớp cổ tay: Co cẳng tay và nắm hờ hai bàn tay lại với nhau, tiến hành xoay cổ tay một cách nhẹ nhàng và liên tục từ 200 – 300 cái. Cách này có tác dụng làm thư giãn tay, làm tăng tuần hoàn máu đến tay và đẩy lùi triệu chứng tê bì.
- Vẫy tay: Đứng thẳng người và dang hai chân rộng bằng vai. Bấm đầu chân xuống dưới mặt sàn, hai tay để thả lỏng rồi vẩy đều về phía trước hoặc phía sau, khi vẫy cần chú ý hướng đầu ngón tay lên trên. Nên lặp lại động tác này từ 3 – 5 phút cho mỗi hiệp tập.
- Xoay khớp cổ chân: Bắt đầu bài tập với tư thế ngồi trên ghế và co một chân lên. Tay cùng bên dùng để ôm lấy đầu gối và tay còn lại thì ôm lấy bàn chân. Sau đó dùng lực từ tay xoay cổ chân một cách nhẹ nhàng và đều đặn từ 50 – 100 lần, sau đó thực hiện tương tự với bên chân còn lại.
Chữa bằng mẹo dân gian
Sử dụng các bài thuốc nam điều trị bệnh tê bì chân tay khi ngủ là phương pháp có độ an toàn cao và mang lại hiệu quả khá tốt. Bạn có thể tận dụng thảo dược có sẵn trong vườn nhà để trị bệnh giúp tiết kiệm chi phí. Bên dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:
- Bài thuốc từ cây ngải cứu: Rửa sạch 500 gram ngải cứu, để ráo nước rồi cho vào cối giã nát cùng với 1 nắm muối hạt. Cho hỗn hợp trên vào chỏ, sao đến khi nóng già thì tắt bếp. Đỗ hỗn hợp trên ra miếng vải mỏng, bọc kín lại rồi dùng để chườm lên vùng bị tê bì từ 15 – 20 phút.
- Bài thuốc từ cây cỏ xước: Rửa sạch 500 gram cỏ xước tươi, đem phơi khô rồi dùng dao thái nhỏ. Mỗi ngày bạn chỉ cần lấy khoảng 20 gram cỏ xước khô đem sắc với 1.5 lít nước rồi dùng để uống thay cho nước lọc. Áp dụng cách này đều đặn mỗi ngày cho đến khi triệu chứng của bệnh thuyên giảm hoàn toàn.
Thành phần dược tính trong thảo dược tự nhiên ở mức khá thấp nên mang lại hiệu quả trị bệnh rất chậm. Vì thế, bạn phải áp dụng liên tục trong 15 ngày thì tình trạng bệnh mới dần chuyển biến tốt.
Phòng ngừa
Hình thành thói quen sinh hoạt khoa học sẽ giúp quá trình điều trị bệnh nhanh chóng mang lại hiệu quả và phòng ngừa chứng tê bì chân tay khi ngủ tái phát trở lại. Dưới đây là một số lưu ý mà người bệnh nên nắm rõ:
- Nếu tình trạng tê bì khởi phát khi đang ngủ, bạn có thể tiến hành massage nhẹ nhàng giúp cải thiện triệu chứng tạm thời. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần xoa nóng bàn tay rồi tiến hành chà xát vùng bị ảnh hưởng
- Có tư thế tốt khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày như làm việc, nghỉ ngơi, nằm ngủ,… Khi nằm ngủ, bạn nên nằm ngửa và duỗi thẳng tay chân, tránh sử dụng gối quá cao hoặc gối đầu lên tay khi đi ngủ khiến quá trình lưu thông máu bị ảnh hưởng.
- Nên điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ ở mức mát mẻ, không để nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Nhiệt độ quá lạnh còn khiến cơ thể bị nhiễm lạnh và gây ra tình trạng tê bì chân tay.
- Tránh duy trì một tư thế trong thời gian dài khiến tuần hoàn máu bị trì trên. Tốt hơn hết, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi hoặc vận động sau mỗi giờ làm việc giúp lưu thông khí huyết.
- Rèn cho bản thân thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, độ linh hoạt và dẻo dai của xương khớp. Cần khởi động kỹ trước khi tập luyện để tránh bị căng cơ hoặc chấn thương khi tập luyện.
- Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học giúp bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt là vitamin nhóm B. Bên cạnh đó, bạn cũng nên hạn chế sử dụng đồ ăn mặn nhiều muối hoặc đồ chiên xào nhiều dầu mỡ.
Bài viết trên đây là những thông tin cần biết về tình trạng tê bì chân tay khi ngủ bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Nếu tình trạng này chỉ diễn ra tạm thời thì bạn không cần quá lo lắng, ở trường hợp này bạn chỉ cần cải thiện bằng các mẹo đơn giản. Ngược lại, nếu bị tê bì chân tay khi ngủ do bệnh lý thì phải điều trị chuyên khoa để tránh các biến chứng không mong muốn.