Mỏi Lưng
Mỏi lưng thường xuất hiện khi bạn làm việc quá sức gây căng cơ, khi nằm ngủ sai tư thế hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý liên quan đến cột sống. Nghỉ ngơi thư giãn, chườm ấm hay dùng một số loại thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau có thể đem đến hiệu quả tùy thuộc vào từng nguyên nhân.
Định nghĩa
Mỏi lưng là tình trạng khá phổ biến gặp phải ở rất nhiều người, kể cả những người trẻ. Các nguyên nhân gây ra tình trạng này khá đa dạng, chủ yếu bắt nguồn từ chính thói quen sinh hoạt, làm việc sai cách của mỗi người. Mỏi lưng có thể xuất hiện ở lưng trên, lưng dưới, trên toàn bộ lưng hoặc có thể ảnh hưởng đến một vài vị trí lân cận.
Nguyên nhân
Hầu hết mọi người đều khá chủ quan với tình trạng ê ẩm, nhức mỏi lưng nhưng đôi khi nó lại kèm theo rất nhiều dấu hiệu nguy hiểm. Hiểu rõ các nguyên nhân gây tình trạng này sẽ sớm đưa đến cho bạn những phương pháp điều trị phù hợp giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.
Các nguyên nhân thông thường
Không chỉ những người già, người lao động chân tay mới cảm thấy đau mỏi lưng mà chính những người trẻ cũng thường xuyên gặp phải tình trạng này. Mỏi lưng, đau lưng khiến mọi người thường không muốn hoạt động hay làm bất cứ việc gì mà chỉ muốn nằm một chỗ bất động. Dù vậy nếu nằm không đúng tư thế thì sẽ chỉ khiến lưng có cảm giác nặng nề hơn mà thôi.
Các yếu tố gây mỏi lưng phổ biến, gặp phải ở hầu hết mọi người bao gồm
- Căng cơ lưng: Tình trạng này thường gặp ở những người phải ngồi, đứng trong thời gian dài trong tư thế lưng thẳng mà không có biện pháp thư giãn kịp thời. Chẳng hạn như những người làm việc văn phòng, lễ tân, người đi lại bằng giày cao gót. Cơ lưng không được thư giãn khiến máu huyết lưu thông kém tuần hoàn và gây ra tình trạng căng cứng. Những người đi bộ, lái xe đường dài hay người có tính chất công việc phải mang vác nặng thường cũng dễ gặp tình trạng này.
- Ít vận động: không chỉ làm việc quá nhiều mà người ít vận động cũng rất bị mỏi lưng do cơ khí huyết hoạt động kém tuần hoàn. Điều này đặc biệt dễ xảy ra ở những người nằm quá nhiều, người thừa cân. Càng lười vận động thì càng dễ bị đau lưng, toàn thân lúc nào cũng cảm thấy nhức mỏi, ê ẩm mà không rõ nguyên nhân.
- Sự thay đổi của thời tiết: mỏi lưng xuất hiện cũng có liên quan đến yếu tố thời tiết, thường gặp nhất ở người già do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa của cơ thể. Nguyên nhân là do nhiệt lạnh sẽ khiến cho mạch máu, dây chằng tại các mô cơ ở vùng lưng bị co giãn bất thường và gây nên các triệu chứng ê mỏi, đau nhức rất khó chịu.
- Chất lượng giường ngủ: nếu tình trạng mỏi lưng xuất hiện sau khi bạn vừa ngủ dậy thì rất có thể nguyên nhân chính là do bạn ngủ dưới đất, ngủ trên nệm quá cứng hay quá mềm. Những chiếc nệm sẽ đóng vai trò nâng đỡ vùng lưng, vì vậy khi chất lượng nệm không tốt bạn cũng sẽ không có được giấc ngủ ngon, thấy lưng bị êm ẩm khó chịu suốt cả ngày hôm sau.
- Sinh hoạt sai tư thế: nằm ngủ trong tư thế co quắp, ngồi gù lưng, nằm ngủ gục trên bàn cũng chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bạn thấy lưng đau mỏi, vùng vai ê ẩm. Tình trạng này kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều bệnh lý tại cột sống, vì thế cần cải thiện càng sớm càng tốt.
- Giới tính nữ: phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, người đang mang thai hay sau sinh đều rất dễ bị mỏi lưng do sự ảnh hưởng của các nội tiết tố trong cơ thể.
- Một số nguyên nhân khác: người hút thuốc lá hay uống bia rượu, sử dụng các chất kích thích, cũng có nguy cơ bị mỏi lưng cao bởi các chất này dễ làm căng cơ đồng thời kích hoạt các thành phần tấn công và làm tổn thương hệ thống xương khớp. Ngoài ra người thiếu ngủ, căng thẳng, stress kéo dài cũng là đối tượng dễ bị mỏi lưng.
Đa phần nếu liên quan đến các nguyên nhân này thường không quá nguy hiểm và sẽ hết nhanh chóng. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi đúng cách, thư giãn lưng bằng vài biện pháp đơn giản thì các triệu chứng sẽ biến mất. Dù vậy tuyệt đối không được chủ quan vì các nguyên nhân này kéo dài cũng dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm hơn.
Nguyên nhân bệnh lý
Mỏi lưng nếu liên quan đến các nguyên nhân bệnh lý thường tiến triển đến trạng thái đau lưng, cứng lưng rất nhanh chóng. Bạn có thể cảm thấy khó khăn khi xoay người, cúi người, cơn đau nghiêm trọng hơn nếu tham gia các hoạt động mạnh, nhanh, chẳng hạn như mang vác hay chạy bộ. Tình trạng mỏi lưng nghiêm trọng đến mức bạn chỉ nằm im trên giường, không thể ngồi dậy, đặc biệt vào sáng sớm.
Một số bệnh lý có thể gây ra tình trạng mỏi lưng nặng, cần sớm được phát hiện bao gồm
- Các bệnh về xương khớp: hàng loạt bệnh lý tại cột sống có liên quan đến tình trạng mỏi lưng như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, loãng xương, hội chứng đau cơ xơ hóa, đau dây thần kinh tọa… Không chỉ mỏi lưng, đau lưng, các triệu chứng còn lan ra khiến đau mỏi hai cánh tay, tê tay, không thể xoay đầu cổ… Nguyên nhân gây ra các bệnh lý này thường liên quan đến hoạt động sai tư thế trong thời gian dài, chấn thương hoặc do tác động từ tuổi tác.
- Bệnh sỏi thận: Sỏi thận, viêm cầu thận cũng có thể nhức mỏi và đau thắt lưng, lan lên vùng lưng dưới khiến bạn rất khó chịu.
- Thiếu dinh dưỡng: Người bị mỏi lưng thường liên quan đến việc thiếu các chất như vitamin D, canxi, vitamin B5… Các vitamin này rất cần thiết cho dẫn truyền thần kinh và cần thiết cho các hoạt động của cơ bắp, xương khớp. Vì vậy thiếu hụt các dưỡng chất này sẽ dẫn đến tình trạng căng cơ, đau mỏi lưng nhiều hơn. Thiếu các nhóm canxi, vitamin D3 kéo dài còn chính là nguyên nhân gây loãng xương hàng đầu, tuyệt đối không được chủ quan.
- Di chứng từ chấn thương: ở những người từng bị chấn thương ở lưng, người từng thực hiện phẫu thuật lưng hay từng tiêm tủy sống cũng thường thấy đau mỏi, ê ẩm lưng, đặc biệt dễ xuất hiện về đêm hay khi thay đổi thời tiết.
Nếu mỏi lưng do các nguyên nhân bệnh lý gây ra thì người bệnh bắt buộc phải thực hiện các biện pháp điều trị y tế vì có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh nếu không tiến hành cải thiện nhanh chóng thậm chí còn có thể dẫn tới liệt, không cử động được vùng lưng cho các tổn thương đã quá nghiêm trọng.
Tuy nhiên không dễ dàng để nhận biết các bệnh lý ở lưng nếu chỉ thông qua các triệu chứng mỏi lưng thông thường. Đây chỉ là giai đoạn đầu của các bệnh lý này nên cũng chưa có các dấu hiệu nghiêm trọng khác nên hầu như ai cũng chủ qua. Chỉ khi thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như X quang, CT hay MI thì các tổn thương mới được phát hiện.
Do đó nếu cảm thấy tình trạng mỏi lưng, căng cứng lưng thường xuyên diễn ra và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe hằng ngày thì bạn nên thăm khám với bác sĩ để nhanh chóng phát hiện các bệnh lý và có hướng điều trị kịp thời.
Điều trị
Dù liên quan đến bất cứ nguyên nhân nào thì tình trạng mỏi lưng cũng khiến toàn thân bạn rơi vào trạng thái uể oải, mệt mỏi và không muốn làm bất cứ điều gì. Dù vậy nếu liên quan đến các bệnh lý thì hầu hết đây có thể là giai đoạn đầu nên nếu điều trị kịp thời vẫn sẽ phòng tránh được rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác xuất hiện.
Tuy nhiên do chưa thể xác định chính xác đâu là nguyên nhân gây mỏi lưng nên trong bài viết này sẽ chỉ đề cập đến các phương pháp cải thiện mỏi lưng tạm thời, không chia sẻ các biện pháp điều trị chuyên môn. Các phương pháp này sẽ hướng đến việc thư giãn cơ lưng, nhờ đó có thể giảm các triệu chứng ê ẩm đau mỏi tạm thời, áp dụng được cho mọi trường hợp.
Cụ thể, người bị mỏi lưng có thể tham khảo các phương pháp sau đây để cải thiện các triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống hằng ngày
- Thay đổi tư thế hoạt động: không phải cứ nằm là bạn sẽ thấy hết mỏi lưng , thay vào đó bạn có thể đứng lên thư giãn nhẹ nhàng để giúp máu huyết lưu thông tốt hơn. Chẳng hạn nếu đang ngồi làm việc bạn có thể đứng dậy đi lại vài vòng nhẹ nhàng, có thể kết hợp với các bài tập thể dục đơn giản sẽ thấy tình trạng lưng căng cứng được cải thiện.
- Chườm ấm hay tắm nước ấm: nhiệt ấm sẽ giúp giãn nở mạch máu để đưa máu, oxi và các dưỡng chất đến khắp các cơ quan trong cơ thể, nhờ đó nhanh chóng loại bỏ được tình trạng mỏi lưng
- Ngủ đủ giấc: Cơ thể thiếu ngủ sẽ ngày càng uể oải và mệt mỏi, vì vậy chỉ cần ngủ đủ giấc đảm bảo hôm sau bạn sẽ thấy lưng khỏe khoắn hẳn, không còn bị êm ẩm lưng
- Dùng miếng dán lưng: bạn có thể dễ dàng mua một số miếng dán giảm đau lưng tại các hiệu thuốc để cải thiện tình trạng ê mỏi lưng nhanh chóng
- Dùng thuốc xoa bóp: bạn có thể dùng một số loại thuốc hay rượu xoa bóp để cải thiện các triệu chứng êm ẩm, nhức mỏi lưng khá hiệu quả. Việc xoa bóp kết hợp với các loại thuốc hay rượu sẽ kích hoạt khí huyết lưu thông ổn định hơn nên cũng giảm được tình trạng căng cứng tại lưng.
Đây chỉ là các tình trạng cải thiện tạm thời,không thể giải quyết các nguyên nhân bệnh lý. Nếu liên quan đến các nguyên nhân đến các bệnh ở cột sống giai đoạn đầu bác sĩ có thể chỉ định các thuốc chống viêm thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ để cải thiện. Người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, dược sĩ, tuyệt đối không nên tự ý dùng bất cứ loại thuốc nào.
Phòng ngừa
Các nguyên nhân bị mỏi lưng chủ yếu xuất phát từ chính thói quen sinh hoạt thiếu khoa học hằng ngày nên việc thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn hằng ngày hoàn toàn có thể giải quyết được tình trạng này. Bổ sung dinh dưỡng phù hợp, loại bỏ căng thẳng stress cũng giúp ích rất nhiều trong việc nâng cao sức khỏe toàn diện cho tất cả mọi người.
Cụ thể, một số biện pháp có thể phòng tránh được tối đa nguy cơ đau mỏi lưng gồm
- Thay đổi các loại nệm, gối phù hợp để nâng đỡ lưng tốt hơn và có một giấc trọn vẹn nhất. Theo đó nên chọn các loại đệm hay gối có chất liệu cao su, không quá cứng cũng không quá mềm, có độ thấm hút và đàn hồi tốt.
- Thay đổi tư thế nằm, ngồi hay đứng, hãy luôn đảm bảo có thể duy trì tư thế cột sống thẳng. Tránh nằm với tư thế co quắp, kê một chiếc gối ở dưới chân hay hai bên cơ thể sẽ duy trì được tư thế cột sống tốt hơn. Với người có công việc tính chất ngồi nhiều nên đứng dậy thư giãn khoảng 1- 2 tiếng một lần để tránh lưng bị căng cứng
- Đảm bảo ngủ đủ 7- 8 tiếng một ngày, nên đi ngủ sớm trước 11h để hỗ trợ quá trình phục hồi năng lượng và các chất bị thiếu hụt trong cơ thể
- Thư giãn tinh thần và cơ thể hằng ngày bằng nước ấm, xông hơi tinh dầu và các thảo dược, hạn chế để căng thẳng kéo dài
- Duy trì lịch trình tập luyện thể dục thể thao hằng ngày, nếu không thể ra ngoài bạn có thể tham khảo tập yoga ngay chính tại nhà mình
- Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, không nên lạm dụng đồ uống có cồn, không sử dụng các chất kích thích
- Cân bằng chế độ dưỡng chất cho cơ thể hằng ngày, trong đó tập trung các chất như vitamin D3, canxi, Magie, các nhóm vitamin B.. Người lớn tuổi hay phụ nữ có thai có nhu cầu dưỡng chất cao hơn có thể dùng các viên uống bổ sung để hỗ trợ
- Kiểm soát cân nặng phù hợp, nên giảm cân nếu cần thiết.
Các triệu chứng mỏi lưng thường chưa quá nguy hiểm nhưng cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của mỗi người nên cần có phương hướng loại bỏ từ sớm. Mỗi người bên bắt đầu thay đổi từ chính thói quen ăn uống, giấc ngủ, vận động hằng ngày để bảo vệ sức khỏe tốt nhất.