Bệnh Trĩ Nội Độ 2
Bệnh trĩ nội độ 2 có thể dẫn đến khó chịu ở hậu môn và gây khó khăn khi đi đại tiện. Nếu không có kế hoạch điều trị và phòng ngừa phù hợp, bệnh trĩ nội có thể diễn tiến sang các giai đoạn nghiêm trọng hơn.
Định nghĩa
Bệnh trĩ là tình trạng sưng, viêm các tĩnh mạch thấp nhất ở trực tràng và hậu môn. Khi các mạch máu trở nên căng quá mức có thể dẫn đến tắc nghẽn lưu thông máu và hình thành các búi trĩ.
Bệnh trĩ nội hình thành ở sâu bên trong trực tràng và người bệnh thường không thể nhìn thấy búi trĩ bằng mắt thường. Trĩ nội thường không gây đau do ở khu vực này thường có ít dây thần kinh cảm hoác. Tuy nhiên, bệnh trĩ nội là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến chảy máu trực tràng.
Trĩ nội được chia thành 4 cấp độ khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Bệnh trĩ nội độ 2 xảy ra khi người bệnh không có kế hoạch điều trị và xử lý bệnh trĩ nội độ 1 phù hợp. Điều này khiến các búi trĩ phát triển, sa ra khỏi hậu môn khi người bệnh đi đại tiện. Trong giai đoạn 2, các búi trĩ nội có thể tự tụt vào trong mà không cần tác động từ bên ngoài.
Trĩ nội độ 2 được xem là một dạng nhẹ của bệnh trĩ nội và thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên bệnh có thể gây khó chịu, ngứa ngáy và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh trĩ nội độ 2 không nguy hiểm, nhưng có một số tình trạng nghiêm trọng có triệu chứng tương tự như bệnh trĩ, chẳng hạn như ung thư, viêm đại tràng. Do đó, nếu các triệu chứng bệnh trĩ không đáp ứng các phương pháp điều trị hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bệnh trĩ nội độ 2 thường không gây đau đớn do bên trong trực tràng có rất ít các dây thần kinh cảm giác. Ở mức độ 2, bệnh trĩ nội thường có một số đặc điểm và dấu hiệu nhận biết như:
- Chảy máu khi đi đại tiện: Chảy máu là triệu chứng sớm và phổ biến nhất của bệnh trĩ nội độ 2. Máu thường xuất hiện dưới dạng nhỏ giọt hoặc dính trên phân, giấy vệ sinh và bồn câu. Máu từ búi trĩ có thể là máu tươi hoặc máu đông do các tổn thương lâu ngày bên trong trực tràng gây ra. Ở trĩ nội độ 2 người bệnh chỉ bị chảy máu khi đi đại tiện phân cứng, táo bón hoặc rặn mạnh để tống phân ra khỏi hậu môn.
- Ngứa hậu môn: Mặc dù thường không gây đau, tuy nhiên các búi trĩ nội độ hai có thể bị kích ứng khi người bệnh đi đại tiện. Điều này dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu.
- Sa búi trĩ: Ở bệnh trĩ nội độ 2, búi trĩ có thể sa ra khỏi hậu môn khi người bệnh đi đại tiện hoặc vận động mạnh, tuy nhiên búi trĩ có thể tự co lên mà không cần tác động ngoại lực. Khi chuyển sang các giai đoạn muộn, búi trĩ có thể sa hẳn ra bên ngoài và không thể tự co lên được.
- Hậu môn ẩm ướt: Búi trĩ nội có thể bị kích thích, tổn thương khi va chạm với phân, dẫn đến viêm và chảy dịch ở hậu môn. Tình trạng này thường khiến hậu môn ẩm ướt, nhờn rít và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Các triệu chứng khác, có thể bao gồm táo bón mãn tính, có cảm giác đau rát khi đi đại tiện, ngứa quanh hậu môn.
Bác sĩ có thể dựa trên các triệu chứng lâm sàng để xác định các giai đoạn của bệnh trĩ nội và đề nghị các phương pháp điều trị cụ thể. Mặc dù bệnh trĩ thường không nghiêm trọng, tuy nhiên người bệnh nên có kế hoạch xử lý phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
Bệnh trĩ nội độ 2 có tự khỏi không?
Bệnh trĩ nội độ 2 là bệnh lý phổ biến và không nghiêm trọng, tuy nhiên bệnh không thể tự khỏi. Nếu không được điều trị phù hợp, các triệu chứng bệnh trĩ nội có thể trở nên nghiêm trọng hơn và tăng nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như liên kết với búi trĩ ngoại hình thành trĩ hỗn hợp.
Bệnh trĩ nội độ 2 không thể tự khỏi, tuy nhiên người bệnh có thể áp dụng nhiều phương pháp cải thiện tại nhà, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn uống và phong cách sống. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để thăm khám và có biện pháp xử lý phù hợp.
Nguyên Nhân
Bệnh trĩ nội hình thành khi các áp lực tích tụ ở trực tràng dưới gây ảnh hưởng đến lưu lượng máu lưu thông, khiến các tĩnh mạch ở hậu môn sưng lên. Tình trạng này có thể liên quan đến một số nguyên nhân như:
- Rặn khi đi đại tiện;
- Căng thẳng thể chất khi thực hiện một công việc nặng nhọc, chẳng hạn như nâng một vật nặng;
- Tăng thêm trọng lượng cơ thể, chẳng hạn như béo phì hoặc thừa cân;
- Mang thai, điều này khiến tử cung mở rộng và chèn ép lên các tĩnh mạch ở hậu môn;
- Có chế độ ăn uống ít chất xơ;
- Quan hệ tình dục đường hậu môn;
- Có tính chất công việc đứng hoặc ngồi trong thời gian dài;
- Uống ít nước;
- Thiếu vận động thể chất;
- Táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính.
Ngoài ra, có một số bệnh lý và điều kiện y tế có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ nội, chẳng hạn như:
- Chấn thương hậu môn;
- Cổ trướng, là tình trạng tích tụ các chất lỏng ở khoang bụng, thường phổ biến ở bệnh nhân bệnh gan;
- Các bệnh viêm ruột, chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm đại tràng;
- Chứng sa trực tràng;
Bên cạnh đó, ho, hắt hơi, nôn mửa mãn tính, có thể gây tổn thương các tĩnh mạch ở hậu môn và dẫn đến bệnh trĩ nội.
Có nhiều nguyên nhân và tình trạng dẫn đến bệnh trĩ nội, bao gồm các bệnh lý cần được điều trị y tế. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng bệnh, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Biện pháp chẩn đoán
Bệnh trĩ nội độ 2 thường không được biểu hiện ở bên ngoài hậu môn, do đó thường không thể chẩn đoán thông qua khám hậu môn thông thường. Do đó, để chẩn đoán chính xác các triệu chứng, người bệnh nên đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
1. Thăm khám trực tràng
Bác sĩ có thể trao đổi với người bệnh về các triệu chứng liên quan và thói quen sống của người bệnh. Sau đó người bệnh được yêu cầu cởi bỏ quần, mặc áo choàng bệnh viện và nằm nghiêng trên bàn khám. Các bước thăm khám trực tràng như sau:
- Kiểm tra hậu môn: Bác tiến hành kiểm tra hậu môn và vùng da xung quanh hậu môn để xác định các khối u, tình trạng sưng tấy, kích ứng, viêm da và các vấn đề khác.
- Kiểm tra trực tràng bằng tay: Bác sĩ sẽ mang găng tay, thoa gel bôi trơn và đưa ngón tay vào trực tràng để kiểm tra trương lực cơ và mức độ cơn đau của người bệnh. Ngoài ra, thủ thuật này cũng giúp bác sĩ kiểm tra các cục u, búi trĩ bên trong trực tràng và các vấn đề liên quan khác.
2. Các xét nghiệm chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh trĩ nội độ 2 và loại trừ các bệnh lý khác, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm liên quan, chẳng hạn như:
- Nội soi: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi dài, mảnh, có gắn camera và đèn ở đầu, đưa vào bên trong hậu môn – trực tràng để quan sát cấu trúc bên trong.
- Nội soi đại tràng xích – ma: Bác sĩ sử dụng một ống nội soi có đèn và camera để quan sát đại tràng xích – ma. Trong thủ thuật này, bác sĩ cũng có thể lấy một lượng mô nhỏ ở đại tràng để tiến hành ở phòng thí nghiệm.
- Nội soi đại tràng: Bác sĩ có thể quan sát ruột già bằng một ống nội soi dài và linh hoạt. Bác sĩ cũng có thể lấy một mô nhỏ hoặc điều trị các vấn đề liên quan (chẳng hạn như polyp đại tràng) thông qua thủ thuật này.
Khi chẩn đoán bệnh trĩ nội độ 2, bác sĩ có thể cần đề nghị một số xét nghiệm khác để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Nứt hậu môn;
- Lỗ rò hậu môn;
- Polyp đại tràng;
- Bệnh viêm ruột;
- Một số loại ung thư.
Biện pháp điều trị
Bệnh trĩ nội độ 2 thường được cải thiện với các biện pháp tự chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như thay đổi lối sống, bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và sử dụng thuốc không kê đơn. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
1. Điều trị trĩ nội độ 2 tại nhà
Các triệu chứng trĩ nội độ 2 có thể tự biến mất nếu người bệnh có kế hoạch chăm sóc và phòng ngừa phù hợp. Cụ thể, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp như:
- Tắm nước ấm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm: Đây là phương pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà hiệu quả và đơn giản. Người bệnh chỉ cần ngồi trong chậu nước ấm khoảng 15 phút mỗi lần và một vài lần mỗi ngày. Điều này có thể hỗ trợ giảm sưng, giảm ngứa và thư giãn cơ vòng, đặc biệt là sau khi đi đại tiện.
- Dùng khăn lau nhẹ nhàng: Sau khi đi đại tiện, người bệnh nên lau hậu môn nhẹ nhàng bằng khăn mềm hoặc giấy lau cho trẻ em. Điều này có thể ngăn ngừa các tổn thương hậu môn và hạn chế các triệu chứng bệnh trĩ.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh lên khu vực hậu môn trong 10 – 15 phút để làm tê, giảm sưng, viêm và cải thiện cơn đau.
- Mặc quần áo rộng: Người bệnh trĩ nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí, chẳng hạn như làm từ vải cotton, để giảm bớt sự khó chịu và kích ứng lên hậu môn.
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ: Một chế độ ăn uống nhiều thực phẩm giàu chất xơ và ít các thực phẩm chế biến sẵn rất tốt cho người bị bệnh trĩ. Người bệnh nên bổ sung nhiều loại rau, trái cây, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt để tránh táo bón.
- Giữ nước: Người bệnh trĩ nên uống 7 – 8 cốc nước mỗi ngày để làm mềm phân, tránh táo bón và cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ. Nếu người bệnh vận động nhiều hoặc sống ở nơi có khí hậu nóng, nên tăng cường lượng nước tiêu thụ hàng ngày.
- Sử dụng chất làm mềm phân: Nếu không thể nhận đủ chất xơ từ thực phẩm, người bệnh có thể cần nhắc sử dụng các chất làm mềm phân. Điều này có thể tăng cường trọng lượng của phân và giúp phân đi ra khỏi hậu môn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý không sử dụng thuốc nhuận tràng, vì các loại thuốc này có thể gây tiêu chảy và kích ứng các búi trĩ.
Hầu hết các trường hợp bệnh trĩ nội độ 2 đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, người bệnh có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ về các biện pháp điều trị y tế.
2. Thuốc điều trị trĩ nội độ 2
Trong trường hợp các triệu chứng bệnh trĩ nội độ 2 không đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc điều trị, chẳng hạn như:
- Thuốc mỡ tại chỗ thường có tác dụng kháng viêm, tăng độ bền thành mạch và ngăn ngừa tình trạng sa búi trĩ.
- Thuốc chứa dẫn xuất Flavonoid thường được chỉ định để bảo vệ tuần hoàn máu, giảm sưng phù, hỗ trợ tĩnh mạch hậu môn và giảm nguy cơ nhiễm trùng búi trĩ.
Bệnh trĩ nội độ 2 không nghiêm trọng và đáp ứng các phương pháp điều trị nội khoa. Hiếm khi người bệnh được cần phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật xâm lấn để loại bỏ búi trĩ. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Để hỗ trợ quá trình điều trị bệnh trĩ nội độ 2 và ngăn ngừa các rủi ro liên quan, người bệnh cần lưu ý một số vấn để như:
- Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống: Chất xơ giúp có thể hỗ trợ tăng khối lượng của phân và giúp phân đi ra khỏi hậu môn dễ dàng hơn. Người bệnh có thể bổ sung chất xơ từ các loại thực phẩm như trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt. Người bệnh nên cố gắng bổ sung từ 20 – 50 gram mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ.
- Sử dụng sản phẩm bổ sung chất xơ: Các chất bổ sung chất xơ được chỉ định cho người không nhận đủ chất xơ từ chế độ ăn uống hàng ngày. Trước khi sử dụng các chất bổ sung, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn phù hợp.
- Uống nước: Bổ sung lượng nước phù hợp có thể giúp phân mềm và tránh căng thẳng khi đi đại tiện. Bên cạnh nước lọc, người bệnh có thể bổ sung nước từ trái cây và rau xanh.
- Tập thể dục: Các hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ ngắn, có thể giúp máu và hệ thống tiêu hóa vận động. Điều này có thể hỗ trợ hệ thống tiêu hóa và phòng ngừa các triệu chứng bệnh trĩ.
- Không nhịn đi đại tiện: Đi đại tiện ngay khi có nhu cầu, bởi vì nhịn đại tiện có thể khiến phân khô, cứng, dẫn đến táo bón và khiến các triệu chứng bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Giảm căng thẳng: Người bệnh nên hạn chế áp lực và căng thẳng khi đi đại tiện. Ngoài ra, tránh ngồi trên bồn cầu trong thời gian dài, điều này có thể gây áp lực lên các tĩnh mạch hậu môn và khiến bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
Bệnh trĩ nội độ 2 là bệnh lý hậu môn trực tràng phổ biến và không nguy hiểm. Người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Điều quan trọng là có kế hoạch chăm sóc cũng như kiểm soát các triệu chứng phù hợp để ngăn ngừa bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chuyên gia
- Cơ sở