Trĩ Ngoại Tắc Mạch
Trĩ ngoại tắc mạch là tình trạng vỡ mạch máu nuôi dưỡng búi trĩ dẫn đến hình thành các cục máu đông. Tình trạng này có thể gây đau đớn dữ dội kèm theo phù nề, viêm nhiễm và nhiều rủi ro khác nếu không được điều trị đúng cách.
Định nghĩa
Trĩ ngoại hình thành khi các tĩnh mạch ở hậu môn bị phình, giãn, dẫn đến đau đớn, sưng viêm. Các búi trĩ ngoại được hình thành ở bên ngoài hậu môn hoặc ở lớp da ở lỗ hậu môn. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến trĩ ngoại là rặn nhiều lần khi đi đại tiện
Bệnh trĩ ngoại tắc mạch là tình trạng tắc nghẽn các mạch máu ở hậu môn, dẫn đến sưng viêm và hình thành cục máu đông bên trong búi trĩ. Trong một số trường hợp cục máu đông có thể dẫn đến bệnh trĩ huyết khối.
Tắc mạch là biến chứng phổ biến nhất, chiếm khoảng 60% các trường hợp trĩ ngoại không được điều trị đúng cách. Tình trạng này cần được điều trị và chăm sóc đúng cách để tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Hình ảnh
Triệu chứng
Tắc mạch trĩ ngoại có thể dẫn đến đau hậu môn kéo dài đến 5 – 6 ngày tuy nhiên tình trạng này có thể được cải thiện sau một vài ngày. Ngoài ra, các triệu chứng trĩ ngoại tắc mạch thường không khác bệnh trĩ ngoại thông thường, tuy nhiên ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Ngứa ngáy khó chịu ở vùng da xung quanh hậu môn hoặc trực tràng;
- Đau hậu môn hoặc xung quanh hậu môn;
- Xuất hiện một cục u nhỏ ở hậu môn, gây vướng, khó chịu;
- Có máu trong phân;
- Thường xuyên có nhu cầu đi đại tiện ngay cả khi vừa đi đại tiện xong;
- Xuất hiện cục máu đông ở tĩnh mạch hậu môn; cục máu đông này có thể vỡ ra, dẫn đến sưng, đau đớn và dẫn đến viêm loét hậu môn;
- Lở loét, hoại tử hậu môn dẫn đến chảy máu và đau đớn nghiêm trọng.
Ngoài ra, ở bệnh trĩ tắc mạch cơ thắt hậu môn thường xuyên bị chèn ép. Điều này có thể gây khó khăn khi người bệnh đi lại. Bệnh trĩ ngoại tắc mạch nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần có kế hoạch điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ ngoại tắc mạch phù hợp.
Nguyên Nhân
Không có kế hoạch điều trị bệnh trĩ ngoại đúng cách là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến trĩ ngoại tắc mạch. Điều này khiến các tĩnh mạch ở hậu môn bị sưng, viêm và phù nề. Trong một số trường hợp, búi trĩ có thể bị vỡ dẫn đến hình thành các cục máu đông và dẫn đến tắc mạch trĩ.
Ngoài ra, có một số nguyên nhân và yếu tố rủi ro khác có thể dẫn đến tắc mạch trĩ ngoại bao gồm:
- Rặn khi đi đại tiện: Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh trĩ ngoại tắc mạch là rặn nhiều lần khi đi đại tiện. Tình trạng này thường là do bệnh táo bón nghiêm trọng kéo dài gây ra. Bên cạnh đó, tiêu chảy mãn tính có thể gây áp lực lên các thắt hậu môn và làm tăng nguy cơ tắc mạch trĩ ngoại.
- Mang thai: Bà bầu bị bệnh trĩ có thường bị tắc mạch trĩ ở các tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thai nhi phát triển nhanh, dẫn đến gây sức ép lên các tĩnh mạch ở hậu môn và làm tăng nguy cơ vỡ búi trĩ.
- Căng thẳng: Căng thẳng khi đi đại tiện có thể cản trở dòng máu lưu thông ở búi trĩ. Điều này dẫn đến tích tụ máu, tăng nguy cơ vỡ các tĩnh mạch ở búi trĩ và gây tắc mạch.
- Tuổi tác: Khi cơ thể già đi, bệnh trĩ ngoại thường có xu hướng được hình thành do ngồi nhiều và lối sống kém vận động. Bên cạnh đó, căng thẳng khi đi đại tiện cũng có thể dẫn đến tắc mạch búi trĩ khi có thể lão hóa.
- Chế độ ăn uống không phù hợp: Chế độ ăn uống ít chất xơ, rau xanh, trái cây, nhiều dầu mỡ và thức ăn nhanh là một trong những nguyên nhân khiến búi trĩ ngoại trở nên nghiêm trọng hơn. Búi trĩ có thể trở nên sưng to, hình thành các cục máu đông và dẫn đến trĩ ngoại tắc mạch.
- Béo phì: Những người thừa cân và béo phì thường có thể gây áp lực lên các tĩnh mạch ở hậu môn. Điều này có thể gây tổn thương búi trĩ dẫn đến chảy máu, trĩ huyết khối hoặc tắc mạch búi trĩ
- Thường xuyên mang vật nặng: Mang vác các vật nặng hoặc vận động mạnh có thể khiến cơ thể chịu lớn, dẫn đến chèn ép các búi trĩ ngoại và dẫn đến tắc mạch.
Bên cạnh đó, những người bệnh táo bón hoặc tiêu chảy mãn tính, hắt hơi, nôn mửa thường xuyên có thể khiến các triệu chứng tắc mạch trĩ trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu không xác định được nguyên nhân cụ thể dẫn đến bệnh trĩ tắc mạch, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Biến chứng
Trĩ ngoại tắc mạch là biến chứng của bệnh trĩ thường gặp nhưng nghiêm trọng. Nếu không được điều trị phù hợp, tình trạng này có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:
- Nhiễm trùng huyết: Búi trĩ ngoại tắc mạch có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu và dẫn đến nhiễm trùng. Vi khuẩn có thể lan theo hệ thống lưu thông máu, đi khắp cơ thể và dẫn đến các biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng.
- Hoại tử búi trĩ: Trĩ ngoại tắc mạch có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến hoại tử búi trĩ và các mô xung quanh.
- Hình thành cục máu đông ở động mạch: Đôi khi cục máu đông ở búi trĩ có thể di chuyển trở lại dòng máu. Điều này có thể dẫn đến tắc mạch ở một số bộ phận khác của cơ thể và dẫn đến các biến chứng khác.
- Viêm phần phụ: Phụ nữ mang thai bị bệnh trĩ tắc mạch thường dễ bị viêm phần phụ hoặc các bệnh lý phụ khoa khác.
Bệnh trĩ ngoại tắc mạch có thể dẫn nhiều biến chứng và rủi ro khác, bao gồm ung thư đại trực tràng hoặc ung thư hậu môn. Do đó, nếu bị bệnh trĩ hoặc có dấu hiệu tắc mạch trĩ, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị phù hợp.
Biện pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh trĩ tắc mạch, bác sĩ có thể kiểm tra các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của người bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm như:
- Khám sức khỏe: Bác sĩ có thể kiểm tra hậu môn và trực tràng để xác định các khối u, tình trạng sưng phù, kích ứng hậu môn hoặc các dấu hiệu khác.
- Khám trực tràng: Bác sĩ có thể mang găng tay để kiểm tra lỗ hậu môn và vùng da xung quanh để xác định các búi trĩ ngoại tắc mạch. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể bôi trơn hậu môn sau đó đưa ngón tay vào trực tràng để xác định trương lực cơ thắt hậu môn, khối u hoặc các vấn đề khác.
Bên cạnh đó, đôi khi bệnh trĩ tắc mạch có thể liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng khác. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm, chẳng hạn như:
- Nội soi trực tràng: Bác sĩ sử dụng ống nội doi dài, mỏng, có gắn camera và đèn ở đầu, chèn vào hậu môn để quan sát bên trong trực tràng.
- Nội soi đại tràng: Bác sĩ có thể kiểm tra đại tràng để xác định các nguyên nhân nghiêm trọng hoặc lấy mẫu mô để phân tích ở phòng thí nghiệm để xác định các bệnh lý liên quan.
Biện pháp điều trị
Trĩ ngoại tắc mạch là biến chứng nghiêm trọng của bệnh trĩ ngoại và cần được điều trị y tế phù hợp để tránh các rủi ro liên quan. Nếu nhận thấy các triệu chứng bệnh, người bệnh nên đến bệnh viện và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
1. Thủ thuật loại bỏ búi trĩ tắc mạch
Thực hiện các thủ thuật loại bỏ búi trĩ ngoại tắc mạch là phương pháp điều trị phổ biến và mang lại hiệu quả nhanh chóng nhất. Các thủ thuật thường được sử dụng bao gồm:
- Thắt dây cao su: Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một dây cao su để quấn quanh gốc búi trĩ sau đó thắt chặt lại. Điều này có thể ngăn chặn lưu lượng máu đến búi trĩ và khiến búi trĩ tự rụng đi sau vài ngày.
- Phẫu thuật cắt trĩ: Nếu búi trĩ ngoại tắc mạch có kích thước lớn hoặc nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ búi trĩ. Phẫu thuật được thực hiện khi người bệnh được gây tê cục bộ hoặc gây mê toàn thân.
2. Biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Bên cạnh các liệu pháp y tế, để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các rủi ro liên quan, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp điều trị bệnh trĩ tại nhà, chẳng hạn như:
- Ngâm hậu môn trong nước ấm: Tắm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm có thể cải thiện tình trạng đau đớn, ngứa ngáy, viêm và giảm nguy cơ nhiễm trùng ở búi trĩ. Để tăng hiệu quả sát khuẩn, người bệnh có thể thêm một ít muối sạch vào nước và ngâm hậu môn trong 15 – 20 phút mỗi lần, 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Dầu dừa: Thoa dầu dừa lên búi trĩ có thể hỗ trợ giảm sưng tấy, viêm, kích ứng và ngăn ngừa búi trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nha đam: Nha đam có đặc tính chống viêm, có thể hỗ trợ chữ lành vết thương, giảm kích ứng, bỏng rát, ngứa và sưng tấy. Nha đam có thể thoa trực tiếp vào búi trĩ để cải thiện các triệu chứng.
- Chườm đá: Người bệnh có thể chườm đá lên búi trĩ để giúp giảm đau, bóng rát và sưng. Tuy nhiên, không nên đặt trực tiếp đá lạnh lên búi trĩ, điều này có thể gây tổn thương mô và dẫn đến bỏng lạnh.
- Làm sạch hậu môn nhẹ nhàng: Người bệnh nên sử dụng vòi xịt cầm tay hoặc bồn rửa nước ấm để làm sạch hậu môn sau khi đi đại tiện. Tránh lau hậu môn bằng giấy thô, điều này có thể gây tổn thương các mô ở hậu môn, vỡ búi trĩ và khiến các triệu chứng trĩ ngoại tắc mạch nghiêm trọng hơn.
- Thêm chất xơ vào chế độ ăn uống: Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống giàu chất xơ, rau xanh, trái cây tươi để tăng nhu động ruột, làm mềm phân và hỗ trợ quá trình đại tiện thuận lợi hơn.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Một số loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như Ibuprofen hoặc Acetaminophen, kem steroid hoặc các loại thuốc đặt hậu môn có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng trĩ tắc mạch.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Trĩ ngoại tắc mạch có thể được điều trị bằng các phương pháp chăm sóc tại nhà hoặc điều trị y tế theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên tình trạng này có thể tái phát và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Uống nhiều nước: Người bệnh nên uống 6 – 8 cốc nước mỗi ngày để làm mềm phân và ngăn ngừa bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều chất xơ: Người bệnh nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt để tăng khối lượng phân và tránh tình trạng rặn khi đi đại tiện.
- Sử dụng viên uống bổ sung chất xơ: Hầu hết mọi người có thể nhận đủ lượng chất xơ cần thiết từ chế độ ăn uống. Tuy nhiên đôi khi trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần sử dụng chất bổ sung để ngăn ngừa các triệu chứng trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Tránh căng thẳng: Căng thẳng, rặn và nín thở khi cố gắng đi đại tiện có thể tạo áp lực lớn đến các tĩnh mạch ở hậu môn, trực tràng dưới và khiến bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đi đại tiện ngay khi cần thiết: Nhịn đi đại tiện có thể khiến phân khô, cứng và khó đi ra khỏi hậu môn. Do đó, người bệnh nên đi địa tiện ngay khi có nhu cầu. Ngoài ra không nên sử dụng điện thoại hoặc đọc sách khi đang đi đại tiện, điều này có thể kéo dài thời gian đại tiện và làm giãn các tĩnh mạch ở hậu môn.
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động có thể tăng nhu động ruột, giảm táo bón và phòng ngừa các vấn đề liên quan đến bệnh trĩ ngoại tắc mạch.
- Đến bệnh viện khi cần thiết: Nếu các triệu chứng trĩ ngoại tắc mạch tái phát hoặc trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Bệnh trĩ ngoại tắc mạch thường không nguy hiểm khi được điều trị phù hợp. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp và tránh các biến chứng nghiêm trọng.
- Chuyên gia
- Cơ sở