Ngứa Hậu Môn
Ngứa hậu môn có thể gây khó chịu, xấu hổ và đôi khi khiến người bệnh gặp khó khăn khi trao đổi với bác sĩ. Tuy nhiên tình trạng này rất phổ biến và cần được chăm sóc phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Định nghĩa
Ngứa hậu môn là một tình trạng da liễu phổ biến, có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau. Cơn ngứa thường trở nên nghiêm trọng hơn vào ban đêm hoặc sau khi người bệnh đi đại tiện. Việc gãi ngứa có thể gây kích ứng da và khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, gãi bằng móng tay có thể dẫn đến tổn thương da, dẫn đến nhiễm trùng, đau nhức, bỏng rát và khó chịu kéo dài.
Có hai dạng ngứa hậu môn chính, bao gồm:
- Nguyên phát: Đây là tình trạng ngứa hậu môn phổ biến nhất và hông có nguyên nhân cơ bản.
- Thứ phát: Đây là tình trạng ngứa da do nhiễm trùng, viêm da tiếp xúc, bệnh lý toàn thân hoặc các yếu tố sức khỏe khác.
Ngứa hậu môn là tình trạng phổ biến, theo ước tính có thể ảnh hưởng từ 1 - 5% dân số. Tình trạng này có nguy cơ xảy ra ở nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Ngoài ra, hầu hết các trường hợp ngứa hậu môn là vô căn, chiếm khoảng 50 - 90% các trường hợp.
Ngứa hậu môn rất phổ biến, tuy nhiên trong nhiều trường hợp người bệnh có thể khắc phục các triệu chứng tại nhà bằng cách thay đổi phong cách sống. Trong các trường hợp ngứa da kéo dài hoặc không đáp ứng các biện pháp tự chăm sóc, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn và có kế hoạch xử lý phù hợp.
Nguyên nhân
Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến ngứa vùng da xung quanh hậu môn là do kích ứng da. Nếu người bệnh chà xát da hậu môn quá nhiều, da có thể bị viêm và ngứa. Bên cạnh đó, một số loại xà phòng, thuốc mỡ, kem hoặc các sản phẩm khác cũng có thể dẫn đến kích ứng và ngứa da.
Phân không được làm sạch hoàn toàn cũng có thể dẫn đến ngứa da ở hậu môn. Một số loại thực phẩm, thức ăn cũng có chứa thành phần gây kích ứng và gây ngứa da.
Ngoài ra, đôi khi ngứa hậu môn có thể liên quan đến một số tình trạng và vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như:
1. Tình trạng da
Ngứa da có thể liên quan đến một số bệnh viêm da hoặc các tình trạng da nhất định. Trong đó có hai nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Các bệnh viêm da: Có một số tình trạng da có thể dẫn đến da ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, bao gồm da ở hậu môn. Nếu đã được chẩn đoán bệnh viêm da hoặc bệnh vẩy nến, thì điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến ngứa.
- Vệ sinh: Nếu người bệnh vệ sinh hậu môn quá nhiều, đặc biệt là chà xát với giấy thô, có thể làm khô da, kích ứng và dẫn đến ngứa da. Ngược lại, nếu không vệ sinh hậu môn đúng cách, điều này có thể khiến phân đọng lại trên da, dẫn đến kích ứng và ngứa.
2. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng nấm, vi khuẩn hoặc virus có thể dẫn đến ngứa da ở hậu môn. Các dạng nhiễm trùng phổ biến bao gồm:
- Nhiễm trùng nấm men: Đây là một dạng nhiễm trùng phổ biến có thể dẫn đến ngứa và mềm da. Nhiễm trùng thường bắt đầu từ âm đạo và lan rộng, đến hậu môn và dẫn đến ngứa ngáy.
- Nhiễm ký sinh trùng: Có nhiều loại ký sinh trùng có thể dẫn đến các triệu chứng ngứa xung quanh hậu môn, chẳng hạn như giun kim (một loại giun ký sinh đường ruột phổ biến).
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục: Có một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục, chẳng hạn như mụn cóc sinh dục, có thể dẫn đến ngứa.
3. Bệnh trĩ
Bệnh trĩ là hiện tượng tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới bị sưng lên, dẫn đến đau đớn, khó chịu, ngứa ngáy và chảy máu trực tràng. Tùy thuộc vào vị trí, bệnh trĩ được chia thành trĩ nội (búi trĩ ở bên trong hậu môn) và trĩ ngoại (búi trĩ hình thành bên ngoài hậu môn).
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh trĩ là do áp lực tác động lên hậu môn từ bên trong, chẳng hạn như rặn khi đi đại tiện, táo bón, thai kỳ hoặc quan hệ tình dục thông qua hậu môn. Phụ nữ mang thai và người lớn tuổi là các đối tượng dễ bị bệnh trĩ nhất.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh trĩ bao gồm chảy máu hậu môn khi đi đại tiện, ngứa ngáy, khó chịu hoặc sưng tấy ở hậu môn.
Hầu hết các trường hợp bệnh trĩ không nghiêm trọng và có thể được điều trị bằng cách thay đổi lối sống. Người bệnh có thể bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống, uống nhiều nước, sử dụng chất làm mềm phân hoặc đi đại tiện ngay khi cần thiết để cải thiện các triệu chứng.
4. Nhiễm giun kim
Nhiễm giun kim là loại nhiễm ký sinh trùng đường ruột phổ biến có thể dẫn đến ngứa quanh hậu môn. Giun kim là một loại giun mỏng, màu trắng, có chiều dài khoảng 6 - 13 mm. Khi người bệnh ngủ, giun kim sẽ đẻ hàng nghìn trứng vào các nếp da xung quanh hậu môn. Do đó, nhiễm giun kim có thể dẫn đến ngứa hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm và khiến người bệnh ngủ không yên.
Nhiễm giun kim thường phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi đi học. Tình trạng này rất dễ lây lan từ người này sang người khác nếu ăn phải thực phẩm nhiễm ký sinh trùng (thường có trong phân). Do đó, cách tốt nhất để ngăn ngừa nhiễm giun kim là sử dụng thực phẩm sạch và rửa tay trước khi ăn.
Nhiễm giun kim thường được điều trị thuốc và thông thường thuốc được chỉ định cho toàn bộ người trong gia đình để ngăn ngừa tái nhiễm.
5. U sợi bì
U sợi bì là tình trạng phát triển một tế bào da quá mức nhưng thường lành tính và không phải ung thư. Tình trạng này không đau và phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
U sợi bì thường là những nốt sần nhỏ, có đường kính dưới 1 cm, tuy nhiên cũng có thể lớn hơn. Các u sần này không gây đau nhưng có thể gây ngứa, kích ứng hoặc chảy máu, đặc biệt là khi bị kích ứng với quần lót hoặc giấy vệ sinh.
Hầu hết các trường hợp, u sợi bì không nguy hiểm và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu khối u gây ngứa ngáy, khó chịu hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
6. Ảnh hưởng của chế độ ăn uống
Một số thói quen ăn uống có thể dẫn đến ngứa hậu môn bao gồm:
- Chất gây kích ứng: Có một số loại thực phẩm, chẳng hạn như sản phẩm từ sữa, thức ăn cay, các loại hạt có thể gây kích ứng khi đi đại tiện và gây ngứa.
- Thói quen ăn uống: Một số thói quen ăn uống, chẳng hạn như ít chất xơ, nhiều chất béo, có thể dẫn đến táo bón, bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn và dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu.
7. Các điều kiện khác
Có một số điều kiện sức khỏe có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến tình trạng ngứa hậu môn, chẳng hạn như:
- Bệnh tiểu đường: Tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm Candida ở hậu môn và dẫn đến ngứa. Trong một số trường hợp, người bệnh tiểu đường cũng có thể bị ngứa hậu môn do các chất kích ứng có trong phân.
- Bệnh viêm ruột: Một số bệnh viêm ruột, chẳng hạn như viêm đại tràng hoặc bệnh Crohn, có thể dẫn đến ngứa.
- Nứt kẽ hậu môn: Nứt kẽ hậu môn có thể gây chảy máu hậu môn, dẫn đến ẩm ướt, khó chịu và ngứa ngáy.
- Rối loạn đại trực tràng - hậu môn: Sa trực tràng, bệnh trĩ nội, trĩ ngoại, loét hậu môn hoặc rò hậu môn, có thể dẫn đến ngứa.
- Són phân hoặc tiểu không kiểm soát: Trẻ em và người cao tuổi dễ gặp tình trạng đại tiện hoặc bàng quang không kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến ngứa ngáy và khó chịu ở hậu môn.
- Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc, chẳng hạn như dầu khoáng hoặc colchicine (thuốc điều trị gout) có thể dẫn đến ngứa .
- Yếu tố tâm lý: Căng thẳng, stress hoặc lo lắng quá mức có thể dẫn đến ngứa ngáy ở hậu môn.
Ngoài ra, mặc dù không phổ biến, tuy nhiên ngứa da có thể là dấu hiệu ung thư. Các dấu hiệu ung thư khác bao gồm chảy máu nhẹ, đau hoặc tiết dịch bất thường ở hậu môn.
Ngứa ngáy ở hậu môn thường không nguy hiểm, tuy nhiên cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề nghiêm trọng, bao gồm ung thư. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Chăm sóc tại nhà
Người bệnh có thể áp dụng nhiều biện pháp đơn giản tại nhà để cải thiện các triệu chứng ngứa hậu môn, chẳng hạn như:
- Giấm táo: Giấm táo có đặc tính kháng khuẩn, có thể hỗ trợ tiêu diệt nấm men gây ngứa. Người bệnh có thể thêm một thìa cà phê giấm táo vào một cốc nước, dùng uống hai lần mỗi ngày để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh có thể thêm một cốc giấm táo vào bồn nước ấm, sau đó ngâm hậu môn trong 20 phút.
- Tỏi: Tỏi có thể hỗ trợ loại bỏ giun, hỗ trợ kháng khuẩn và tiêu diệt các loại nấm gây ngứa. Người bệnh có thể ăn sống 2 - 3 nhánh tỏi mỗi ngày trong vòng 1 tuần hoặc thêm tỏi vào chế độ ăn uống.
- Dầu dừa: Dầu dừa có tác dụng làm dịu da, kháng khuẩn, kháng nấm và tiêu diệt ký sinh trùng dẫn đến ngứa ngáy, khó chịu. Người bệnh có thể ăn 2 - 3 thìa dầu dừa nguyên chất mỗi ngày hoặc thêm dầu dừa vào công thức nấu ăn để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, thoa dầu dừa ấm xung quanh hậu môn cũng có thể giảm ngứa và bỏng rát.
- Nha đam: Nha đam có đặc tính làm dịu da và chống ngứa. Người bệnh có thể lấy gel của lá nha đam tươi sau đó thoa xung quanh hậu môn trong 5 phút để chống ngứa, giảm đau và viêm.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Ngứa hậu môn đôi khi có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng cần được điều trị y tế. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:
- Chảy máu hoặc mủ từ hậu môn hoặc khu vực lân cận;
- Tiêu chảy ra máu;
- Xuất hiện búi trĩ hoặc khi hậu môn bị căng phồng hoặc lồi ra ngoài;
- Da hậu môn xỉn màu.
Phương pháp chẩn đoán
Thông thường ngứa hậu môn không cần được chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ có thể thu thập các tiền sử bệnh và đề nghị thực hiện khám sức khỏe để xác định các nguyên nhân tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh viêm da hoặc các vấn đề sức khỏe khác để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Bác sĩ có thể kiểm tra hậu môn bằng mắt thường để xác định các thay đổi của cấu trúc da, chẳng hạn như phát ban, đỏ da, nứt, rách hoặc các tổn thương khác. Bác sĩ cũng có thể trao đổi với người bệnh về các loại thuốc đang sử dụng, tần suất đi đại tiện cũng như các tiền sử bệnh lý.
Bác sĩ cũng có thể lấy một mẫu da và thực hiện xét nghiệm ở phòng thí nghiệm để sàng lọc vi khuẩn hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.
Những người nghi ngờ nhiễm giun kim có thể đặt một băng phẫu thuật nhỏ hoặc miếng dính gần hậu môn trước khi đi ngủ. Những con giun có thể dính vào băng khi thức dậy. Nếu phát hiện trứng hoặc giun, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc điều trị giun và kế hoạch phòng ngừa khác.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần nội soi hoặc thực hiện xét nghiệm hình ảnh để xác định các bệnh đại tràng hoặc bệnh Crohn.
Điều trị
Hầu hết các trường hợp ngứa hậu môn có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hoặc gây khó chịu, người bệnh cần xác định nguyên nhân để có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
Người bệnh có thể thực hiện các biện pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như thoa kem chống ngứa không kê đơn, sử dụng thuốc điều trị nhiễm trùng hoặc bệnh trĩ. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn vào ban đêm, người bệnh có thể sử dụng thuốc kháng histamine để chống ngứa và giúp người bệnh dễ ngủ hơn.
Trong trường hợp, cơn ngứa da không đáp ứng các biện pháp tự điều trị hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Thông thường ngứa hậu môn được điều trị bằng các biện pháp tại nhà hoặc thay đổi thói quen vệ sinh hậu môn đúng cách. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể. Bác sĩ có thể đề nghị một số biện pháp y tế để cải thiện tình trạng ngứa hậu môn như sau:
- Thuốc bôi: Các loại thuốc bôi steroid, chẳng hạn như kem hoặc thuốc mỡ có chứa 1% hydrocortisone, có thể giúp giảm ngứa và kích ứng. Các loại thuốc này có thể sử dụng 2 - 3 lần mỗi ngày vào hậu môn để cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, chất capsaicin (chất tạo cay của ớt) cũng được sử dụng để thay thế steroid trong việc điều trị ngứa hậu môn mãn tính.
- Thuốc đường uống: Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm hoặc thuốc điều trị các tình trạng cơ bản để điều trị ngứa da.
- Tiêm xanh methylen: Kỹ thuật này chỉ được chỉ định cho trường hợp ngứa hậu môn mãn tính và khi người bệnh không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. Xanh methylen là một loại thuốc được tiêm dưới da ở xung quanh hậu môn để giảm đau, chống ngứa bằng cách làm tê liệt các dây thần kinh.
Các loại thuốc điều trị ngứa hậu môn cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn phù hợp.
Phòng ngừa
Các biện pháp phòng ngừa ngứa hậu môn thường bao gồm việc giữ vệ sinh hậu môn và tránh các yếu tố gây kích ứng. Nếu bị ngứa ở hậu môn, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như:
- Vệ sinh hậu môn nhẹ nhàng: Làm sạch hậu môn và khu vực xung quanh hậu môn nhẹ nhàng bằng nước hoặc xà phòng không gây kích ứng mỗi ngày một lần. Tránh chà xát bởi vì điều này có thể gây kích ứng và ngứa.
- Tránh gãi: Gãi ngứa, đặc biệt là gãi bằng móng tay, có thể gây kích ứng da và khiến cơn ngứa trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể chườm một miếng gạc ẩm ấm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm để giảm ngứa. Ngoài ra, cắt ngắn móng tay để hạn chế tối đa các rủi ro.
- Tránh các chất gây kích ứng: Tránh sử dụng xà phòng nhiều bọt, chất khử mùi bộ phận sinh dục, xà phòng có mùi thơm hoặc khăn giấy ẩm. Thay vào đó người bệnh nên sử dụng giấy vệ sinh màu trắng, không mùi và được làm từ chất liệu không gây kích ứng da.
- Mặc đồ lót thoải mái: Sử dụng đồ lót rộng, bằng chất liệu co giãn và màu trắng có thể giúp hậu môn luôn khô thoáng, tránh kích ứng. Tránh sử dụng quần tất, quần lót bó sát bởi vì điều này có thể giữ ẩm và gây ngứa da.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Hạn chế tiêu thụ caffeine, cola, rượu, nước trái cây, chocolate, cà chua, thức ăn cay và các loại thực phẩm có thể dẫn đến tiêu chảy. Ngoài ra, người bệnh nên tránh lạm dụng thuốc nhuận tràng.
- Duy trì nhu động ruột: Người bệnh nên đi đại tiện ngay khi cần thiết và duy trì nhu động ruột thường xuyên, tránh nhịn đại tiện để ngăn ngừa nguy cơ ngứa da.
Trong hầu hết các trường hợp, ngứa hậu môn không nguy hiểm và đáp ứng các biện pháp tự chăm sóc. Tuy nhiên để tránh các rủi ro không mong muốn, người bệnh đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị, chăm sóc phù hợp.