Đột Quỵ Mùa Đông
Đột quỵ mùa đông là một dạng bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh nếu không nhận diện và điều trị kịp thời. Trang bị những kiến thức liên quan đến bệnh chính là một điều vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện cũng như xử lý khi gặp chứng đột quỵ vào mùa đông. Mời bạn đọc đồng hành cùng bài viết sau đây để tìm hiểu chi tiết về dạng bệnh lý không thể coi thường này.
Định nghĩa
Đột quỵ mùa đông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong của con người trên thế giới. Theo một tài liệu thống kê, cứ trung bình 3 phút sẽ có 1 người tử vong do đột quỵ và con số này có xu hướng xảy ra vào mùa đông cao hơn xảy ra vào mùa hè. Đáng lo ngại hơn, đa phần những người có biểu hiện đột quỵ vào mùa đông sẽ có nguy cơ tử vong ngay lập tức nếu không được cấp cứu và dùng thuốc kịp thời.
Hình ảnh
Triệu chứng
Mặc dù là loại bệnh lý nguy hiểm gây tỉ lệ tử vong và để lại di chứng hàng đầu trong số các loại bệnh con người gặp phải, tuy nhiên nếu nhận diện sớm các dấu hiệu, bệnh nhân hoàn toàn có thể tránh được những hậu quả không mong muốn do đột quỵ. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp nhất về chứng đột quỵ vào thời tiết lạnh:
- Cơ thể đột ngột cảm thấy yếu ớt, không còn sức lực hoặc tê, run rẩy ở một bên mặt hay một cánh tay, chân.
- Giảm khả năng hoạt động một cách đột ngột như: Mất cảm giác, cấu véo không thấy đau, không nói được hoặc mất khả năng giao tiếp, không hiểu lời nói của người khác. Những triệu chứng này có xu hướng trở nên tệ hơn theo thời gian.
- Mắt nhìn mờ đi nhanh chóng, đặc biệt chỉ tập trung ở một bên mắt.
- Mất thăng bằng đột ngột, kèm theo nôn, buồn nôn, những triệu chứng liên quan có thể là sốt, nấc cụt hoặc khó nuốt.
- Cảm giác đau đầu dữ dội, nghiêm trọng dần mà không rõ nguyên nhân
- Bất tỉnh hoặc ngất xỉu trong khoảng thời gian ngắn.
- Chóng mặt hoặc ngã đột ngột một cách bất thường.
Trên thực tế, những biểu hiện của bệnh đột quỵ mùa đông thường không bộc lộ rõ ràng, thậm chí đột ngột khó kiểm soát hay cảm nhận trước. Chính vì thế, bệnh khiến cho người mắc và cả người đối diện bối rối và khó lòng xử lý kịp thời và đúng đắn. Đột quỵ có thể xuất hiện và diễn biến xấu rất nhanh. Chính vì vậy, mỗi người nên trang bị những kiến thức cơ bản về bệnh đột quỵ cho bản thân để có thể cứu lấy chính mình và những người thân trước những nguy cơ không thể chủ quan của bệnh.
Nguyên Nhân
Theo nghiên cứu của các giáo sư bác sĩ hàng đầu tại Bệnh viện Đại học Jena (Đức), thời tiết lạnh giá, đặc biệt là những đợt rét đậm đột ngột có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ cho bệnh nhân lên đến 30% so với các dạng thời tiết thông thường. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là do các mạch máu trong cơ thể bị co lại bất thường, khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng cao. Những thay đổi nhiệt độ nhanh chóng khiến cho cơ thể không kịp thích ứng chính là điều kiện dẫn dẫn đến huyết áp tăng nhanh và gây ra đột quỵ.
Thêm vào đó, khi cơ thể bị lạnh sẽ khiến cho lòng mạch máu bị thu hẹp, điều này khiến lưu lượng máu cung cấp cho não bị giảm đáng kể so với bình thường. Hiện tượng này sẽ trở nên nguy hiểm đối với những người đã từng có biến chứng xơ vữa động mạch, huyết áp cao, đặc biệt là người cao tuổi, có thể dẫn đến vỡ mạch máu, xuất huyết não và đột quỵ.
Ngoài ra, nhiệt độ quá lạnh còn làm cơ thể tăng tiết chất catecholamine – một dạng chất gây tác động co mạch ngoại biên, giãn mạch thụ động tại những vùng ít chịu ảnh hưởng như mạch máu não. Điều này cũng có thể dẫn đến biến chứng đứt mạch máu não, rất nguy hiểm cho bệnh nhân gặp phải.
Yếu tố nguy cơ
Đột quỵ vào mùa đông phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có thể do tuổi tác, chủng tộc, béo phì, tiểu đường,... Cụ thể là:
- Tuổi tác: Những người cao tuổi thường từ 55 tuổi trở đi dễ bị chứng đột quỵ hơn so với những độ tuổi khác. Thậm chí, có thể cứ mỗi 10 năm, độ tuổi này sẽ gặp gấp đôi nguy cơ. Tuy nhiên, hiện nay chứng đột quỵ đang có tỉ lệ trẻ hóa do chế độ sinh hoạt không hợp lý.
- Về giới tính: Ở cả nam và nữ đều là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh đột quỵ vào mùa đông, tuy nhiên cánh mày râu có tỉ lệ bị đột quỵ cao hơn ở mức 23%, trong khi nữ giới là 18%.
- Về chủng tộc: Theo một số khảo sát cho thấy, người Mỹ gốc Phi có tỉ lệ bị đột quỵ cao gấp hai lần so với nhóm người da trắng.
- Người có từng có tiền sử đột quỵ hoặc cao huyết áp: Những người đã từng bị đột quỵ sẽ có nguy cơ cao gặp lại tình trạng này. Ngoài ra, những người bị cao huyết áp khiến các thành động mạch chịu sức ép lớn dễ gây ra xuất huyết não.
- Người bị bệnh đái tháo đường, tim mạch hay mỡ máu: Những nhóm người này được đánh giá là nhóm nguy cơ cao gặp phải các triệu chứng đột quỵ vì các tác nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến vận hành máu đến não bộ. Ngoài ra, những người bị béo phì, thừa cân cũng có khả năng bị đột quỵ mùa đông cao hơn người bình thường.
- Một số trường hợp khác: Những người có thói quen lao động, sinh hoạt kém lành mạnh có thể dễ mắc chứng đột quỵ như hút thuốc lá thường xuyên, chế độ ăn uống không lành mạnh, lười vận động,...
Biến chứng
Bệnh đột quỵ mùa đông còn được biết đến với cái tên là tai biến mạch máu não, là tình trạng não bộ bị tổn thương do quá trình lưu thông máu đến cơ quan này bị gián đoạn, thiếu oxy. Nếu trong khoảng vài phút sau đó không được cấp cứu kịp thời, không đủ máu cấp cho não sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong đó có liệt nửa người, mất trí nhớ, méo miệng, tử vong,....
Đột quỵ mùa đông được phân loại thành 2 thể chính bao gồm dạng thiếu máu não và dạng xuất huyết não. Cụ thể:
- Dạng thiếu máu não: Trường hợp này xảy ra bởi sự tồn tại của cục máu đông gây cản trở dòng máu lưu thông đến não.
- Dạng xuất huyết não: Trường hợp này do một hoặc một số mạch máu bị vỡ gây viêm, phù các mô não bên trong.
Tùy thuộc vào các mức độ và vùng não bị tổn thương sau đột quỵ, người bệnh có thể gặp các di chứng nguy hiểm ở các mức độ khác nhau, tiêu biểu là:
- Liệt nửa người hoặc các chi khiến cho người bệnh gặp rất nhiều khó khăn trong vận động và sinh hoạt.
- Người bệnh có thể sẽ bị rối loạn nhận thức như hay quên, không tỉnh táo, mất trí nhớ, trí tuệ sa sút.
- Rối loạn ngôn ngữ, thường gặp khó khăn khi biểu đạt được suy nghĩ thành lời nói, nói ngọng, nói líu, nói lắp, âm điệu và ngữ điệu biến đổi.
- Rối loạn thị giác với các biểu hiện như: Mắt mờ một bên hoặc cả hai bên, thậm chí người bệnh có thể mù một phần hoặc toàn bộ sau đột quỵ.
- Rối loạn cơ tròn dẫn đến tiểu khó, bí tiểu, không tự chủ được đại tiểu tiện.
Những biến chứng nguy hiểm này sau đột quỵ sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến sức khỏe, tinh thần và phí tổn tài chính cho người bệnh, gia đình bệnh nhân và xã hội.
Phòng ngừa
Để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ vào mùa đông, bạn cần thực hiện một số những lưu ý sau đây:
- Điều trị các bệnh lý nền có nguy cơ cao gây chứng đột quỵ là huyết áp cao, tiểu đường, các chứng đau nửa đầu, béo phì, mỡ máu cao,...
- Không hút thuốc lá để tránh tai biến mạch máu não. Thuốc lá là yếu tố nguy cơ của đột quỵ, là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh lý về mạch máu não.
- Tập thể dục đều đặn và thường xuyên mỗi ngày để có sức khỏe tốt. Bạn nên thực hiện thói quen đi bộ tập thể dục nhẹ nhàng từ 20 - 45 phút hàng ngày để nguy cơ bị đột quỵ não giảm xuống gấp 2 lần. Trong điều kiện thời tiết quá lạnh, bạn nên vận động trong nhà, tránh nơi có gió lùa và vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe.
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, cụ thể là: Ăn ít các chất béo bão hòa và cholesterol; tăng cường rau củ quả tươi, giảm muối, giảm mỡ động vật; ăn đồ luộc thay các đồ chiên rán, nướng; uống đủ 2 lít nước mỗi ngày,...
- Khám sức khỏe định kỳ là điều tất cả mọi người nên thực hiện. Điều này giúp giảm thiểu những nguy cơ tai biến mạch máu não do các bệnh lý nền nếu được phát hiện và điều trị sớm.
- Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan và hạn chế căng thẳng, làm việc quá sức.
- Ngủ đủ giấc, vận động vừa sức và giữ thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ.
Biện pháp điều trị
Khi người thân bị đột quỵ, việc xử lý và điều trị đúng đắn là vô cùng quan trọng giúp tránh những biến chứng đe dọa đến tính mạng. Vậy làm thế nào để xử lý và điều trị cho người đang có nguy cơ và đã gặp đột quỵ?
Cách xử lý nhanh khi người thân bị đột quỵ
Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị đột quỵ trong vòng 3 giờ đầu nếu được sơ cứu và đưa đến bệnh viện kịp thời sẽ có cơ hội sống sót và phục hồi rất cao. Bản thân người bị đột quỵ thường sẽ không có khả năng gọi cấp cứu hoặc cứu trợ vì lúc này đã rơi vào trong trạng thái rối loạn nhận thức và vận động. Chính vì vậy, những người thân cần phải thận trọng và chủ động gọi cấp cứu trong những trường hợp này càng sớm càng tốt, nhất là đối với những người có tiền sử cao huyết áp, tim mạch, tiểu đường,...
Các phương pháp xử lý nhanh trong khi đợi cấp cứu người nhà có thể áp dụng đó là:
- Đưa bệnh nhân nằm tại một mặt phẳng nằm ngang, đặt bệnh nhân nằm hơi nghiêng sang một bên để phần dịch trong họng có thể chảy xuống không gây ngạt thở (đặc biệt với người bị nôn, cần để nằm nghiêng hẳn sang một bên).
- Nếu bệnh nhân có biểu hiện thở dốc do khó thở thì cần thổi hơi vào miệng bệnh nhân. Thường xuyên kiểm tra tim, nếu phát hiện tim ngừng đập cần thao tác ép tim để kích thích lại nhịp đập.
- Lưu ý quan trọng người nhà bệnh nhân cần nhớ đó là ưu tiên gọi xe cấp cứu đến nhà thay vì tự ý chở bệnh nhân đến viện. Sự xử trí chính xác của nhân viên y tế sẽ hạn chế những biến chứng không mong muốn và giúp làm giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh.
- Ngoài ra, rất nhiều trường hợp người nhà nhầm lẫn bệnh nhân đột quỵ với tình trạng trúng gió nên thường cho người bệnh uống nước chanh và cạo gió. Đây hoàn toàn là việc sai lầm cần tránh, gây ra những rủi ro đáng tiếc. Vì vậy, nếu chưa chắc chắn hoặc không có kiến thức y học, tốt nhất là gọi cấp cứu thay vì áp dụng những biện pháp dân gian chưa được kiểm chứng.
Cách điều trị tai biến mạch máu não mùa đông
Khi bệnh nhân đột quỵ được nhập viện, các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá lâm sàng, cận lâm sàng toàn diện về sinh hóa, huyết học, đo nhịp tim, chụp CT sau não hoặc MRI.
Từ những kết quả này sẽ giúp bác sĩ đưa ra quyết định có thể can thiệp hiệu quả thuốc tiêu sợi huyết rtPA hay không. Đây là loại thuốc mới được FDA Hoa Kỳ công nhận về tác dụng trong việc trị liệu đột quỵ thiếu máu não. Việc can thiệp bằng rtPA giúp ngăn chặn những tiến triển nguy hiểm của bệnh bằng cách làm tan các cục máu đông, phòng ngừa những di chứng và nguy cơ tử vong hiệu quả cao.
Ngoài ra, căn cứ vào tình trạng cơ thể và nguyên nhân gây đột quỵ, các loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:
- Thuốc chống đông máu: Những loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa đột quỵ dạng thiếu máu cục bộ và thiếu máu não thoáng qua. Tiêu biểu là các loại thuốc sau: Coumadin, Jantoven, Marfarin,...
- Thuốc kháng tiểu cầu: Loại thuốc này có tác dụng phá vỡ liên kết của các tiểu cầu trong máu, chống đông máu hiệu quả. Thuốc thường được kê đơn cho người đột quỵ thiếu máu cục bộ hoặc đau tim. Tiêu biểu là thuốc Clopidogrel và Aspirin.
- Thuốc giảm mức độ cholesterol cao Statin: Đây là loại thuốc ngăn chặn một loại enzyme trong cơ thể, loại enzyme này gây ra mảng bám trong máu, nguyên nhân gây ra đột quỵ và thiếu máu não.
- Thuốc điều trị huyết áp: Huyết áp là nguyên nhân gây nên chứng đột quỵ. Vì thế, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc giúp ổn định huyết áp như thuốc nhóm Dihydropyridin, thuốc ức chế ACE,...
Câu hỏi thường gặp
Có, trẻ em có thể bị đột quỵ từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành. Đột quỵ ở trẻ nhỏ có thể gây nhiều hậu quả nặng nề như liệt nửa người, thị lực yếu, mất kiểm soát cảm xúc, khó nuốt, thay đổi nhận thức và khả năng ghi nhớ kém. Đột quỵ ở trẻ em có thể xảy ra trong ba giai đoạn khác nhau: khi còn trong bụng mẹ, giai đoạn sơ sinh (trong vòng 28 ngày đầu đời) và giai đoạn từ sơ sinh đến 18 tuổi.
Xem chi tiết- Chuyên gia
- Cơ sở