Mất Ngủ Mãn Tính
Mất ngủ mãn tính là tình trạng khó ngủ hoặc không thể ngủ sâu quá ba lần một tuần và kéo dài từ 3 tháng trở lên. Nếu không điều trị và xử lý phù hợp, mất ngủ có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính khác.
Định nghĩa
Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ phổ biến với các đặc trưng như khó ngủ, ngủ không sâu hoặc không thể ngủ đủ giấc, ít nhất 7 tiếng mỗi đêm. Mất ngủ là tình trạng phổ biến, theo một số thống kê, có khoảng 2/3 người trưởng thành mắc chứng mất ngủ.
Tình trạng mất ngủ được phân thành cấp tính và mãn tính. Mất ngủ cấp tính thường liên quan đến stress, căng thẳng, áp lực công việc gây ra và có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần. Mất ngủ cấp tính thường không nghiêm trọng và có xu hướng được cải thiện sau khi các tác nhân được giải quyết.
Mất ngủ được xem là mãn tính khi tình trạng này xuất hiện nhiều hơn ba lần mỗi tuần và kéo dài hơn 3 tháng liên tục. Trong một số trường hợp, mất ngủ mãn tính được xem là điều kiện y tế cần điều trị để tránh các rủi ro và biến chứng không mong muốn.
Về cơ bản, mất ngủ mãn tính được phân thành hai loại cơ bản bao gồm:
- Mất ngủ mãn tính tiên phát: Là tình trạng mất ngủ do sự thay đổi các hóa chất bên trong não, không liên quan đến bệnh lý, điều kiện y tế hoặc thuốc. Hiện tại nguyên nhân chính xác dẫn đến mất ngủ mãn tính tiên phát vẫn chưa được xác định rõ ràng.
- Mất ngủ mãn tính thứ phát: Là tình trạng mất ngủ liên quan đến một số bệnh lý, tác dụng phụ của thuốc hoặc các thủ thuật điều trị y tế gây ra. Bên cạnh đó, tình trạng này có thể liên quan đến các chấn thương, tâm trạng và lối sối thiếu khoa học.
Hình ảnh
Triệu chứng
Các dấu hiệu mất ngủ mãn tính có thể xuất hiện vào ban đêm và cả ban ngày. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Khó đi vào giấc ngủ hoặc không thể ngủ sâu
- Thường xuyên thức dậy vào giữa đêm và không thể ngủ lại
- Thức dậy quá sớm vào buổi sáng, kể cả khi chỉ vừa ngủ được một vài giờ
- Cảm thấy mệt mỏi thường xuyên kể cả khi ngủ đủ vào ban đêm
- Thường xuyên thay đổi tâm trạng
- Suy giảm trí nhớ hoặc mất khả năng tập trung
Nguyên Nhân
Mất ngủ có thể được gây ra bởi các điều kiện tâm thần và y tế nhất định. Ngoài ra, thói quen ngủ không lành mạnh và thay đổi một số yếu tố sinh học ở não cũng có thể dẫn đến mất ngủ.
Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này có thể liên quan đến các nguyên nhân và điều kiện y tế như:
1. Nguyên nhân y tế
Có nhiều điều kiện y tế (nhẹ hoặc nghiêm trọng) có thể dẫn đến chứng mất ngủ mãn tính. Trong hầu hết các trường hợp, các tình trạng y tế gây ra tình trạng mất ngủ, tuy nhiên đôi khi các triệu chứng của các bệnh lý này gây khó chịu và khiến người bệnh không ngủ được.
Thông thường, các bệnh lý và điều kiện y tế phổ biến bao gồm:
- Dị ứng mũi hoặc viêm xoang
- Các vấn đề về tiêu hóa bao gồm ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản
- Các vấn đề về nội tiết như bệnh cường giáp
- Viêm khớp
- Hen suyễn
- Có các bệnh lý về thần kinh như bệnh parkinson
- Đau nhức cơ thể mãn tính
- Đau lưng dưới hoặc thoái hóa đa khớp
Bên cạnh đó, mất ngủ có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý thần kinh hoặc chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc được dùng để điều trị dị ứng, huyết áp cao, bệnh tim, bệnh tuyến giáp, chống hen suyễn cũng có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ mãn tính.
Trong một số trường hợp, mất ngủ mãn tính có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra các nguyên nhân tiềm ẩn và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
2. Trầm cảm
Các rối loạn về tâm lý có thể gây thay đổi tâm trạng, hormone và sinh lý trong cơ thể. Tất cả các nguyên nhân này đều có thể dẫn đến khó ngủ và mất ngủ mãn tính.
Theo các chuyên gia, mất ngủ có thể là triệu chứng trầm cảm hoặc khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn ở bệnh nhân đã bệnh trầm cảm. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần xác định các triệu chứng trầm cảm và mất ngủ để có biện pháp xử lý phù hợp.
Trầm cảm liên kết với mất ngủ là một tình trạng y tế nghiêm trọng. Do đó người bệnh nên đến bệnh viện thực hiện xét nghiệm và điều trị phù hợp.
3. Thuốc gây mất ngủ
Trong một số trường hợp, mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến một loại thuốc như:
- Thuốc điều trị cảm lạnh, thuốc chống dị ứng có chứa hoạt chất Pseudoephedrine
- Thuốc chống lo âu, trầm cảm
- Thuốc kháng Histamine
- Thuốc hóa trị, xạ trị và các loại thuốc điều trị ung thư khác
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc nhuận tràng kích thích
4. Chất kích thích gây mất ngủ
Một số chất kích thích có thể góp phần gây ra tình trạng mất ngủ mãn tính bao gồm:
- Rượu là một chất kích thích có tác dụng an thần nhẹ. Người bệnh có thể ngủ thiếp đi sau khi uống rượu nhưng có thể tỉnh dậy lúc nửa đêm và không thể ngủ lại. Những những nghiện hoặc thường xuyên sử dụng rượu có thể kích thích não bộ và gây mất ngủ kéo dài.
- Caffeine là một chất kích thích và tốt cho mọi người với liều lượng phù hợp. Theo một số nghiên cứu, sử dụng 4 cốc đồ uống chứa caffeine mỗi ngày có thể tăng nguy cơ mất ngủ kinh niên.
- Nicotine cũng là một chất kích thích và có thể gây mất ngủ. Nicotin thường có trong thuốc là và các sản phẩm thuốc lá, có thể gây kích thích thần kinh và mất ngủ.
5. Lối sống không phù hợp
Mất ngủ mãn tính có thể được kích hoạt bởi một lối sống hoặc duy trì một thói quen ngủ không lành mạnh, bao gồm:
- Làm việc tại nhà vào buổi tối: Điều này có thể khiến đầu óc người bệnh khó thư giãn và gây căng thẳng khi đi ngủ. Ngoài ra, ánh sáng từ màn hình máy tính có thể khiến não bộ cảm thấy tỉnh táo và không nhận thức được thời gian ngủ phù hợp.
- Thói quen ngủ trưa: Đôi khi mất ngủ mãn tính có thể liên quan đến thói quen ngủ trưa, kể cả giấc ngủ trưa ngắn. Các giấc ngủ vào buổi trưa có thể mang lại lợi ích cho một số người nhưng có thể khiến một số khác bị mất ngủ vào ban đêm.
- Thói quen ngủ bù: Một số người có thói quen ngủ bù vào ban ngày hoặc ngày cuối tuần. Điều này có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học và khiến người bệnh khó ngủ vào ban đêm.
- Làm việc theo ca: Các giờ làm việc phi truyền thống khiến người bệnh cần ngủ vào nhiều giờ khác nhau. Điều này có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học và tăng nguy cơ mất ngủ kéo dài.
- Ăn gần giờ đi ngủ: Một số người có thói quen ăn đêm, ăn gần giờ đi ngủ, điều này có thể gây rối loạn và gián đoạn giấc ngủ. Bên cạnh đó, ăn gần giờ đi ngủ có thể dẫn đến tình trạng ợ nóng, rối loạn tiêu hóa, khiến cơ thể thiếu ổn định và tăng nguy cơ mất ngủ.
Có rất nhiều nguyên nhân và điều kiện có thể dẫn đến mất ngủ mãn tính. Tuy nhiên trong một số trường hợp người bệnh có thể mất ngủ kéo dài trong nhiều năm mà không rõ lý do. Điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện, thực hiện kiểm tra và điều trị theo phác đồ của bác sĩ chuyên môn.
Phòng ngừa
Thực hiện một số thói quen ngủ lành mạnh có thể cải thiện tình trạng mất ngủ mãn tính. Cụ thể, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp như:
- Suy nghĩ tích cực, tránh đi ngủ với suy nghĩ tiêu cực hoặc lo lắng vì mất ngủ.
- Cố gắng đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi sáng. Không ngủ trưa và không ngủ vào ban ngày để tăng sự mệt mỏi và buồn ngủ vào ban đêm.
- Tránh chất caffeine, nicotine và rượu vào cuối ngày để hạn chế tình trạng kích thích não bộ và cản trở giấc ngủ.
- Tập thể dục thường xuyên, tuy nhiên không tập thể dục gần giờ đi ngủ, điều này có thể gây kích thích cơ thể và khó ngủ. Theo các chuyên gia, thời gian đi ngủ tốt nhất là cách giờ đi ngủ ít nhất 4 giờ.
- Thư giãn trước khi đi ngủ bằng cách đọc sách, nghe nhạc, tắm, hoặc bất cứ hoạt động nào mà người bệnh cảm thấy thư giãn thoải mái.
- Nếu bạn không thể ngủ và không cảm thấy buồn ngủ, hãy đứng dậy ra khỏi giường, đọc sách hoặc làm điều gì đó không quá kích thích cho đến khi cảm thấy buồn ngủ.
- Dừng đồng hồ hoặc không xem đồng hồ, người bệnh chỉ nên sử dụng đồng hồ để báo thức.
- Ngủ với giường thoải mái, phòng ngủ yên tĩnh, tối, không quá ấm hoặc không quá lạnh.
Biện pháp điều trị
Trong hầu hết các trường hợp, mất ngủ mãn tính không được đề nghị điều trị bằng thuốc ngủ. Sử dụng thuốc thường xuyên có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, mất ngủ vào ban đêm, tăng nguy cơ mộng du, đãng trí và gặp các vấn đề về thăng bằng, dễ té ngã.
Thuốc ngủ thường được chỉ định trong các trường hợp nghiêm trọng và trong một thời gian ngắn. Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể tham khảo các loại thực phẩm chức năng bảo vệ giấc ngủ để cải thiện tình trạng mất ngủ kéo dài.
Các loại thuốc có tác dụng an thần nhẹ, không cần kê toa như:
- Doxylamine succinate
- Diphenhydramine
- Melatonin
- Chiết xuất hoa cúc hoặc rễ cây Valerian
Nếu các triệu chứng không được cải thiện, bác sĩ có thể kê các loại thuốc điều trị mất ngủ như:
- Eszopiclone
- Zolpidem
- Zaleplon
- Doxepin
- Temazepam
- Suvorexant
- Ramelteon
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và không lạm dụng thuốc để tránh các rủi ro không mong muốn. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để có biện pháp xử lý phù hợp.
2. Trị liệu hành vi nhận thức
Một số nghiên cứu cho biết, trị liệu hành vi nhận thức có thể mang lại hiệu quả cao trong việc cải thiện chứng mất ngủ mãn tính. Trị liệu hành vi nhận thức là phương pháp cải thiện hành vi và xây dựng thói quen hỗ trợ giấc ngủ. Một số biện pháp trị liệu phổ biến bao gồm:
- Kỹ thuật đánh giá nhận thức: Đây là biện pháp yêu cầu người bệnh ghi lại các lo lắng trước khi ngủ. Điều này có thể giúp người bệnh an tâm, hạn chế lo lắng về các rủi ro trước khi ngủ.
- Liệu pháp hạn chế giấc ngủ: Đây là liệu pháp hạn chế thời gian ngủ không cần thiết, bao gồm các giấc ngủ trưa. Mục đích này nhằm mục đích khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi vào ban đêm và đi ngủ dễ dàng hơn.
- Liệu pháp kiểm soát kích thích: Đây là liệu pháp thay đổi một số hành vi có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Giường chỉ dành để ngủ và hoạt động tình dục. Người bệnh không nên đọc sách, xem TV, sử dụng điện làm hoặc làm việc trên giường. Ngoài ra, nếu không thể ngủ được, người bệnh nên ra khỏi giường vài phút, đến một gốc khác trong nhà và thư giãn trước khi quay lại giường ngủ.
- Áp dụng kỹ thuật thư giãn: Các bài tập thư giãn như thiền định, hít thở sâu hoặc tập yoga có thể kiểm soát nhịp thở, hạn chế tình trạng căng cơ và điều trị tình trạng mất ngủ kéo dài.
- Liệu pháp nghịch lý: Trong liệu pháp này, người bệnh không nên cố gắng tạo áp lực và mong muốn đi ngủ. Theo các chuyên gia, điều này có thể giúp não thư giãn và ngăn ngừa tình trạng mất ngủ.
3. Điều trị các bệnh lý liên quan
Nếu tình trạng mất ngủ mãn tính liên quan đến các bệnh lý hoặc điều kiện y tế như trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm đau khớp, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị và cải thiện các triệu chứng.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng mất ngủ mãn tính hoặc ngăn ngừa tình trạng này tại nhà. Cụ thể các biện pháp bao gồm:
- Hạn chế sử dụng caffeine, rượu, thuốc lá và các chất kích thích khác, đặc biệt là trước khi đi ngủ
- Thường xuyên vận động, tập thể dục và rèn luyện thể chất phù hợp
- Hạn chế ngủ trưa
- Không ăn quá nhiều vào bữa tối
- Đi ngủ và thức dậy vào một khoảng thời gian nhất định, kể cả cuối tuần và các ngày nghỉ
- Hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại, TV hoặc các thiết bị công nghệ trước khi đi ngủ
- Giữ phòng ngủ tối hoặc mang mặt nạ che mắt khi ngủ
- Giữ phòng ngủ ở nhiệt độ thoải mái
- Vệ sinh giường, chiếu, chăn gối để đảm bảo vấn đề vệ sinh cho giấc ngủ
- Chuyên gia
- Cơ sở