Đau Bả Vai Lan Xuống Cánh Tay
Đau nhức bả vai lan xuống cánh tay là tình trạng mà rất nhiều người mắc phải và do tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau. Đau nhức khiến người bệnh gặp khó khăn trong vận động, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như năng suất lao động. Vậy đau bả vai lan xuống cánh tay là gì và cách trị như thế nào? Theo dõi bài viết bên dưới đây sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời.
Định nghĩa
Khớp bả vai là một trong những khớp linh động nhất trên cơ thể, giúp bạn có thể thực hiện được các vận động ở tay. Chính vì thế mà sụn khớp bả vai rất dễ suy yếu và phát sinh vấn đề. Đau nhức bả vai là tình trạng mà rất nhiều người mắc phải, ở những trường hợp nặng cơn đau sẽ phát triển lan rộng đến cánh tay khiến bạn gặp khó khăn trong vận động và sinh hoạt hàng ngày.
Dựa vào nguyên nhân hình thành nên cơn đau nhức mà biểu hiện của bệnh ra bên ngoài sẽ có sự khác nhau ở từng đối tượng. Nhưng hầu hết các trường hợp bị đau nhức bả vai lan xuống cánh tay đều có các biểu hiện sau đây:
- Cơn đau xuất hiện ở vùng bả vai với tính chất âm ỉ và dai dẳng. Tình trạng đau nhức sẽ trở nên nghiêm trọng hơn vào buổi chiều tối, sáng sớm hoặc khi vận động.
- Lực ở hai tay yếu dần khiến người bệnh không thể thực hiện một số động tác như nâng nhấc vật nặng, đưa tay lên cao,… Lâu dần sẽ gây ra hiện tượng tê bì chân tay rất khó chịu.
- Quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy vai có dấu hiệu sưng đỏ và hơi nóng rát. Suy giảm chức năng tay và bả vai, phạm vi chuyển động bị hạn chế.
- Nhiều người sẽ có thêm một số triệu chứng toàn thân khác như chán ăn, mất ngủ, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt,… Nếu bệnh chuyển biến nặng sẽ gây rối loạn chức năng thần kinh, viêm nhiễm khu trú, liệt dây thần kinh.
Nguyên nhân
Hầu hết các trường hợp bị đau bả vai lan xuống cánh tay đều do ảnh hưởng bởi thói quen sinh hoạt và lối sống thiếu khoa học. Ở những trường hợp này, cơn đau nhức thường diễn ra với mức độ nhẹ và có thể cải thiện tại nhà bằng cách mẹo đơn giản.
- Vận động sai tư thế, ngồi một chỗ trong thời gian dài: Đây là những thói quen dễ gây căng cứng vùng cổ vai gáy, khiến quá trình lưu thông máu bên trong cơ thể đến cơ xương bị trì trệ. Lâu dần, hệ xương khớp sẽ trở nên yếu dần, hình thành nên cơn đau nhức ở vùng bả vai rồi lan rộng đến cánh tay. Tình trạng này thường xảy ra ở nhân viên văn phòng, học sinh sinh viên và tài xế lái xe đường dài.
- Ngủ sai tư thế: Ngủ nghiêng một bên mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe cũng như cột sống. Tuy nhiên, khi ngủ ở tư thế này sẽ khiến một bên vai và tay chịu áp lực rất lớn. Điều này đã tạo cơ hội cho cơn đau nhức ở vùng vai gáy và cánh tay khởi phát vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
- Cơ thể bị nhiễm lạnh: Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột cũng sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tuần hoàn máu bên trong cơ thể. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để cơn đau nhức ở vùng bả vai khởi phát và lan rộng đến cánh tay. Tình trạng này thường gặp ở những người có thói quen tắm khuya hoặc làm việc trong phòng điều hòa.
- Làm việc quá sức: Những người có tính chất công việc lao động nặng nhọc hoặc làm việc quá sức sẽ khiến cho hệ thống dây chằng và cơ ở vùng bả vai bị tổn thương. Theo thời gian, tốc độ lão hóa xương khớp tại vùng bả vai – cổ – vai – gáy sẽ trở nên ngày càng mạnh mẽ và hình thành nên cơn đau nhức.
Chăm sóc tại nhà
Khi bị đau nhức bả vai lan xuống cánh tay, bạn nên đến bệnh viện có chuyên khoa xương khớp để thăm khám. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức, xác định mức độ tổn thương và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Nhưng nếu tình trạng đau nhức diễn ra với mức độ không quá nghiêm trọng, bạn có thể áp dụng các mẹo cải thiện đơn giản tại nhà. Dưới đây là các cách điều trị đau bả vai lan xuống cánh tay mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
+ Nghỉ ngơi
Khi cơn đau nhức khởi phát, người bệnh nên tránh tham gia các vận động thể chất nếu không muốn cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Tốt nhất, bạn nên dành thời gian để nghỉ ngơi giúp tổn thương tại cơ bắp – dây chằng – sụn đệm ở vùng bả vai được phục hồi hoàn toàn. Khi nghỉ ngơi, bạn cũng không nên nằm quá nhiều khiến việc lưu thông máu bị trì trệ và gây ra tình trạng đau mỏi lưng.
+ Chườm ấm
Phương pháp giảm đau này thích hợp áp dụng cho cả trường hợp đau nhức cấp tính lẫn mãn tính. Chườm ấm sẽ có tác dụng kích thích tuần hoàn máu đến khu vực bị tổn thương và nới lỏng phần cơ bả vai đang bị căng cứng. Sau khoảng 20 phút thực hiện, tình trạng đau nhức sẽ thuyên giảm đáng kể và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần cho nước nóng vào túi chườm rồi đắp trực tiếp lên khu vực bị đau nhức cho đến khi cơn đau thuyên giảm hẳn. Để mang lại hiệu quả tốt hơn, bạn có thể sao nóng dược liệu rồi đem chườm lên vùng đau nhức. Các loại dược liệu có tính kháng viêm thường được sử dụng là ngải cứu, lá lốt, rễ đinh lăng, rễ xấu hổ,…
Câu hỏi thường gặp
Đau bả vai lan xuống cánh tay là bị gì?
Nếu tình trạng đau bả vai lan xuống cánh tay diễn ra kéo dài với mức độ ngày càng nghiêm trọng, rất có thể đây là dấu hiệu của bệnh lý. Lúc này, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa. Các bệnh lý gây đau bả vai lan xuống cánh tay thường gặp là:
- Thoái hóa cột sống: Bệnh lý này xảy ra do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra bên trong cơ thể. Thoái hóa cột sống khiến sụn khớp và đĩa đệm bị tổn thương, hình thành nên các cơn đau nhức ở vùng cột sống rồi lan rộng đến hai tay. Lúc này, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các động tác ở tay như cầm nắm, điều khiển phương tiện giao thông,…
- Gai cột sống: Gai cột sống là sự hình thành gai xương trên cột sống, chúng dần chèn ép lên dây thần kinh và gây ra triệu chứng đau nhức tại bả vai lan rộng đến cánh tay. Gai cột sống xảy ra do canxi lắng đọng bất thường tại cột sống. Đây là bệnh lý tiến triển âm thầm, không có dấu hiệu rõ rệt ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi gai xương phát triển lớn gây đau nhức liên tục và dữ dội, người bệnh mới thăm khám và phát hiện ra bệnh.
- Thoát vị đĩa đệm: Bệnh khởi phát khi đĩa đệm bị phồng lồi và lệch ra khỏi vị trí ban đầu. Điều này đã khiến cho hệ thần kinh và lỗ tủy sống bị chèn ép quá mức, hình thành thành nên cơn đau nhức từ bả vai lan xuống cánh tay. Thoát vị đĩa đệm đã khiến cho cột sống bị mất đi sự dẻo dai và linh hoạt, gây khó khăn trong việc thực hiện một số động tác sinh hoạt thường ngày. Bệnh lý này thường khởi phát ở những người trung niên, tập trung chủ yếu ở cột sống lưng và cổ.
- Hẹp ống sống cổ: Đây là hiện tượng phần không gian bên trong ống sống bị thu hẹp lại, gây áp lực lên tủy sống và dây thần kinh bên trong. Hẹp ống sống thường là biến chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm ở mức độ nặng. Khi bị hẹp ống sống, các cơ quan có liên quan như cổ – vai – cánh tay – bàn tay sẽ có các triệu chứng như đau nhức, tê bì và cứng khớp. Nhiều người còn bị mất thăng bằng hoặc mất kiểm soát việc đi đại tiểu tiện.
- Viêm khớp bả vai: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đau bả vai lan xuống cánh tay thường gặp. Khi bị viêm khớp, quan sát bên ngoài bạn sẽ thấy vùng bả vai bị tổn thương có triệu chứng sưng tấy, ửng đỏ và ấm nóng. Nếu người bệnh vận động sẽ phát ra tiếng lạo xạo hoặc lộp cộp từ khớp xương.
- Hội chứng xoay chóp vai: Chóp xoay vai bao gồm một nhóm cơ và gân cơ xung quanh khớp vai với chức năng chính là giữ cho chỏm xương cánh tay vững chắc khi thực hiện một số hoạt động ở vai và cánh tay. Khi mắc phải hội chứng này, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức âm ỉ ở vai, nếu người bệnh cố đưa tay lên thì cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Hội chứng xoay chóp vai thường xảy ra sau khi chấn thương hoặc ảnh hưởng bởi quá trình thoái hóa tự nhiên
- Trật khớp xương bả vai: Tình trạng này thường xảy ra sau khi vùng bả vai bị chấn thương do va đập mạnh, tai nạn giao thông, chấn thương khi chơi thể thao,… Khi bị trật khớp bả vai, người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức dữ dội ở vùng bả vai chạy dọc theo cánh tay kèm theo sưng tấy. Nếu không xử lý đúng cách, cơn đau nhức sẽ trở nên nhói buốt dữ dội.
Đau bả vai lan xuống cánh tay nguy hiểm không?
Đau nhức bả vai lan xuống cánh tay là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở những người đã bước qua độ tuổi trung niên. Điều này đã khiến cho người bệnh cảm thấy rất khó chịu và làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Chuyên gia xương khớp cho biết, mức độ nguy hiểm của hiện tượng đau bả vai lan xuống cánh tay còn phụ thuộc vào nguyên nhân và cường độ đau.
Với những trường hợp đau nhức ở mức độ nhẹ, nếu bạn có biện pháp cải thiện tại nhà đúng cách thì cơn đau sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi. Còn với những trường hợp đau nhức thường xuyên và nghiêm trọng thì rất có thể đây là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Nếu người bệnh chủ quan trong việc thăm khám và điều trị sẽ để lại các biến chứng sau đây:
- Rối loạn dây thần kinh thực vật
- Suy giảm hoạt động cơ bắp, gây teo cơ
- Bại liệt, không thể đi đứng một cách bình thường
- Mắc các bệnh về não bộ, thường gặp là viêm màng não
- Nhiều trường hợp còn có thể đe dọa đến tính mạng
Điều trị
+ Dùng thuốc Tây y
Sau khi áp dụng cả hai mẹo ở trên mà tình trạng đau nhức vẫn không thuyên giảm, bạn có thể sử dụng thuốc Tây y không theo đơn kê để cải thiện. Khi dùng thuốc, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn in trên bao bì hoặc chỉ định của những người có chuyên môn để tránh phát sinh tác dụng phụ không mong muốn. Hai loại thuốc được sử dụng phổ biến là:
- Thuốc giảm đau: Thuốc mang lại hiệu quả giảm đau nhanh chóng bằng cách ức chế tín hiệu gây đau từ dây thần kinh đến não bộ. Thường dùng là Acetaminophen, aspirin,…
- Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc thường được sử dụng để đối phó các cơn đau nhức do viêm gây ra. Thường dùng là Naproxen sodium, ibuprofen,…
Dựa vào nguyên nhân gây đau nhức, bạn có thể sử dụng thêm một số loại thuốc có tác dụng giảm đau khác như thuốc giãn cơ, thuốc ức chế dẫn truyền thần kinh, vitamin B hoặc E,…
+ Vật lý trị liệu
Ngoài việc dùng thuốc Tây y, bạn cũng có thể tiến hành vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia giúp cải thiện độ linh hoạt của xương khớp. Đồng thời, cách này còn có tác dụng kích thích tuần hoàn máu giúp chữa lành tổn thương và đẩy lùi triệu chứng đau nhức. Các phương pháp vật lý trị liệu được áp dụng phổ biến là:
- Nhiệt trị liệu, điện trị liệu
- Chiếu tia laser
- Bài tập kéo giãn cột sống
+ Can thiệp ngoại khoa
Ở những trường hợp đau nhức nặng gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan bên trong cơ thể, bác sĩ sẽ cân nhắc và chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật có tác dụng giải phóng chèn ép lên dây thần kinh và tủy sống giúp mang lại hiệu quả giảm đau, loại bỏ các gai xương nếu có,… Thông thường, phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện đối với những trường hợp đau bả vai lan rộng đến tay do thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm, vẹo cột sống, trượt đốt sống cổ,…
Phòng ngừa
Để phòng ngừa tình trạng đau nhức xuất hiện ở bả vai rồi lan rộng đến cánh tay, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Chú ý làm việc và sinh hoạt đúng tư thế để tránh tạo áp lực không tốt lên cột sống. Nâng vật nặng đúng tư thế, không nên khom người khi mang vác vật nặng. Nên nằm ngửa khi ngủ và kê gối cao khoảng 10cm.
- Với những người có tính chất công việc ngồi nhiều, nên đứng lên đi lại sau 60 phút làm việc để kích thích tuần hoàn máu diễn ra bên trong cơ thể.
- Hình thành chế độ dinh dưỡng phù hợp giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể. Nên tăng cường sử dụng các nhóm thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và acid béo có lợi. Hạn chế dùng đồ ăn chế biến sẵn, đồ chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ ăn mặn nhiều muối,…
- Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp cải thiện độ linh hoạt của xương khớp và độ chắc khỏe của cơ bắp. Đồng thời, tập luyện còn có tác dụng giải tỏa căng thẳng và nâng cao sức đề kháng cơ thể, giúp bạn phòng ngừa được nhiều bệnh lý khác.