Ngủ Dậy Bị Đau Vai
Ngủ dậy bị đau vai có thể do tư thế ngủ không phù hợp, dùng gối quá cao hoặc cũng có thể là dấu hiệu của rất nhiều vấn đề về xương khớp mà bạn không nên chủ quan. Thay đổi thói quen sinh hoạt, điều chỉnh tư thế ngủ kết hợp với rèn luyện thể dục thể thao hằng ngày là một trong những biện pháp đơn giản nhất để cải thiện những cơn đau nhức vai hiệu quả.
Định nghĩa
Có bao giờ sau một đêm thức dậy bạn toàn vai tê cứng, toàn thân uể oải và phải nằm thêm một lúc nữa mới có thể ngồi dậy? Trạng thái ngày hôm đó cũng rất thiếu năng lượng bởi vai vẫn còn hơi ê ẩm khó chịu? Tình trạng này thường xảy ra khá phổ biến với nhiều người thường do việc sinh hoạt, nằm ngủ sai cách hoặc vận động quá nhiều trong ngày hôm trước nhưng lại không thư giãn đúng cách.
Dù vậy nếu tình trạng đau khớp vai vào mỗi buổi sáng diễn ra thường xuyên với mức độ tăng dần thì bạn cũng không nên chủ quan vì đây có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về xương khớp tại vai đang cần được điều trị.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây đau vai gáy sau khi ngủ dậy gồm có:
Ngủ sai tư thế
Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây đau vai sau khi ngủ dậy, thường là do bạn nằm nghiêng về một bên quá lâu, khiến hệ thống mạch máu bên vai đó bị chèn ép hoạt động chậm chạp, không lưu thông được. Tình trạng này dẫn đến cả bả vai và một bên cánh tay khi ngủ dậy có cảm giác tê cứng, nhức mỏi bất thường mà không hiểu vì sao.
Bên cạnh đó khi nằm nghiêng chỉ về bên bên còn làm ức chế quá trình đưa oxy đến các tế bào đồng thời làm giải phóng nhiều hơn các acid lactic . Việc tích tụ acid lactic chính là nguyên nhân hàng đầu gây đau mỏi cơ và có cảm giác nóng rát từ bên trong, giống như khi bạn vừa tập luyện thể thao cường độ nặng xong.
Các chuyển động cổ đột ngột khi ngủ cũng là yếu tố làm các cơ bị căng thẳng và đau nhức. Ngoài ra những người có thói quen xem điện thoại, xem máy tính hay đọc sách đến ngủ quên luôn cũng rất dễ gặp tình trạng ngủ dậy bị đau vai. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở những người có thói quen nằm sấp hay nằm ngửa nhưng gác tay lên trán thì khi thức dậy cũng bị đau mỏi một bên vai và tay.
Tình trạng này hầu hết chỉ xảy ra ở một bên vai. May mắn nếu do nguyên nhân này thường không quá nghiêm trọng, bạn chỉ cần cải thiện tư thế ngủ là hoàn toàn có thể chấm dứt tình trạng này.
Kê gối ngủ quá cao
Kê gối ngủ quá cao không chỉ gây nhức mỏi cổ mà còn khiến gai có cảm giác tê cứng. Bởi cổ và vai là hai bộ phận nối liền với nhau trên hệ thống cột sống, việc kê gối ngủ quá cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến kết cấu cột sống bình thường dẫn đến cảm giác đau vai gáy vào ngày hôm sau. Thói quen xấu này kéo dài còn làm gia tăng các vấn đề về cột sống, gây hoa mắt chóng mặt do giảm tuần hoàn não nên bạn cần chú ý.
Ngủ dậy bị đau vai do hoạt động quá nhiều vào ngày hôm trước
Nếu ngày hôm trước bạn vừa tham gia chơi thể thao hay sử dụng sức lực quá nhiều ở vùng vai và không được thư giãn đúng cách thì việc ngủ dậy bị đau vai cũng cực kỳ phổ biến. Chẳng hạn hôm trước vừa chơi cầu lông, vừa chuyển nhà quá sức thì đảm bảo ngày hôm sau bạn sẽ thấy toàn thân ê ẩm, nhất là vùng vai do đây là cơ quan phải hoạt động nhiều nhất vào hôm trước.
Tình trạng này cũng có xu hướng xảy ra nhiều hơn ở những người trước đó lười vận động hay không làm nóng cơ thể trước khi vận động. Sau khi làm việc về nhà quá mệt mỏi nhiều người chỉ nghĩ đến việc nghỉ ngơi, đi ngủ ngay mà không thư giãn, thả lỏng cơ khiến các cơ bị căng thẳng và dẫn đến các triệu chứng đau nhức, tê mỏi. Tuy nhiên nếu liên quan đến các tác nhân này thì cũng rất nhanh hết.
Dấu hiệu của các bệnh lý xương khớp
Nếu tình trạng ngủ dậy bị đau vai diễn ra thường xuyên trong thời gian dài, tần suất và mức độ ngày càng tăng dần, thì rất có thể đó lại là triệu chứng của một số bệnh lý về xương khớp cần được điều trị sớm. Cơn đau vai nếu liên quan đến bệnh lý không chỉ xuất hiện khi mới thức dậy mà có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, chẳng hạn khi phải mang vác vật nặng, phải đeo balo. Cơn đau cũng có thể xuất hiện ở cả hai bên vai rất khó chịu.
Nguyên nhân gây ra các bệnh lý này có thể do các chấn thương trước đó hoặc do quá trình lạm dụng cơ trong một thời gian dài. Người bệnh cần nhanh chóng liên hệ đến các bệnh viện có chuyên khoa xương khớp để thăm khám và điều trị chính xác nhất.
Một số bệnh lý có liên quan đến những cơn đau khi khi ngủ dậy như
- Viêm bao hoạt dịch vai: các túi hoạt dịch đóng vai trò như một lớp đệm giữa khớp vai để giúp chuyển động vai và cánh tay linh hoạt hơn. Túi hoạt dịch bị viêm thường đâu nhức, cứng khớp vai, sưng đổ khớp vai, cơn đau tăng lên mỗi khi vai phải chuyển động.
- Giãn dây chằng vai: thường gặp ở những người thường xuyên mang vác nặng hay phải tham gia các hoạt động cần mở vai và cánh tay rộng quá đầu. Dây chằng bị giãn khiến một trong hai bên vai bị buông thõng, thấp hơn vai còn lại, có cảm giác khớp vai lỏng lẻo, bị bầm tím, cơn đau âm ỉ hoặc như điện giật nếu ấn vào vai. Giãn dây chằng vai nếu để kéo dài trong 2- 3 tuần có thể làm giảm sức mạnh, và yếu ớt thậm chí là teo cơ xung quanh vai.
- Hội chứng chạm mỏm cùng vai: nguyên nhân gây ra tình trạng này là do các mô mềm ở xung quanh vòng bít xoay như gân, bao hoạt dịch bị sưng lên làm cọ sát vào mô hay xương. Người bệnh sẽ có cảm giác đau nhức nghiêm trọng khi giơ tay lên, nhất ở vùng bả vai.
- Thoái hóa khớp vai: không chỉ người già mà người trẻ hiện nay cũng có thể bị thoái hóa khớp vai. Nguyên nhân thường liên quan đến yếu tố tuổi tác, tuy nhiên các tổn thương vai nếu không được điều trị triệt để cũng có thể gia tăng nguy cơ thoái hóa sớm hơn. Người bệnh sẽ không chỉ thấy ngủ dậy bị đau vai mà còn nghe thấy tiếng nghiến khi chuyển động vai, khớp vai cứng lại và hạn chế diện tích cử động của người bệnh.
Một số bệnh lý khác ở khớp vai mà bạn cũng có thể gặp phải như vai đông chứng, chấn thương vòng bít xoay… Nói chung nếu liên quan đến các tác nhân này bắt buộc phải thực hiện điều trị y tế mới có thể đem lại hiệu quả khả quan.
Một số nguyên nhân khác
Một số tác nhân khác cũng có thể gây ra các cơn đau vai sau khi ngủ dậy mà bạn cần quan tâm như
- Yếu tố tuổi tác: ngủ dậy bị đau vai thường gặp hơn ở người già do có liên quan đến một số yếu tố về tuổi tác. Nguyên nhân là do ở người già quá trình lưu thông máu và vận chuyển oxy cũng cập hơn người trẻ, ngoài ra người già thường hay khó ngủ, trở mình hay có thói quen gác tay lên trán nên cũng thường dễ gặp tình trạng này hơn.
- Bị nhiễm nóng lạnh đột ngột: thời tiết quá nóng, mới đi mưa về hay người ngủ phòng máy lạnh, để quạt thổi thẳng vào người thì khi ngủ dậy cũng dễ bị đau vai do quá trình chuyển chuyển oxy đến các tế bào cơ chập chạm dẫn đến thiếu máu cục bộ ở các cơ.
- Căng thẳng, stress: tình trạng này dẫn tới mất ngủ, thiếu ngủ khiến các cơ bị căng thẳng nên cũng có thể làm tê cứng, đau nhức cơ sau khi ngủ dậy.
- Tự phát: cũng có một vài trường hợp tình trạng đau vai tự nhiên xuất hiện và biến mất nhanh mà không có bất cứ một nguyên nhân nào rõ rệt.
- Thiểu năng tuần hoàn ngoại vi: hay rối loạn lưu thông máu huyết là tình trạng các mạch máu bị thu hẹp dẫn tới kém lưu thông, khí huyết ứ trệ, máu không được tuần hoàn đến đến vùng vai gáy cổ dẫn đến các cơn đau nhức, tê bì vai gáy sau khi thức dậy. Tình trạng này kéo dài còn gây ra những cơn đau nhói về đêm dẫn tới mất ngủ. Nguyên nhân gây thiểu năng tuần hoàn ngoại vi thường liên quan đến co thắt mạch máu hay xơ cứng động mạch nên bạn tuyệt đối cũng không nên chủ quan.
Chăm sóc tại nhà
Nếu cơn đau nhức chợt xuất hiện ngay khi mới ngủ dậy thì bạn có thể thực hiện một vài biện pháp giảm đau cấp tốc tại nhà rất đơn giản. Vì chưa biết rõ nguyên nhân gây đau vai là gì nên bạn hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp này để giảm đau tạm thời, tránh các ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt thường ngày khác của bạn.
Một vài biện pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng như sau
Chườm nóng hay chườm lạnh
Chườm nóng hoặc chườm lạnh luôn mang đến những tác dụng giảm đau cực kỳ hiệu quả, an toàn và bất cứ ai cũng có thể áp dụng. Ngay khi ngủ dậy mà bị đau vai không hiểu vì sao, bạn tuyệt đối không nên tự ý dùng các loại thuốc giảm đau vì thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ không tốt. Thay vào đó chườm nóng và chườm lạnh sẽ phù hợp hơn lại hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà mà không mất chút công sức nào.
Cách thực hiện như sau
- Chườm nóng: cơ chế của chườm nóng là kích thích máu huyết lưu thông, phá tan máu bầm nếu có, thư giãn các khớp và cơ đang bị tê mỏi, nhờ đó mang đến công dụng giảm đau cực kỳ hiệu quả. Nếu không có túi chườm bạn hoàn toàn có thể cho nước ấm vào chai thủy tinh sau đó áp nhẹ lên vai trong 15 – 20 phút sẽ thấy cơn đau thuyên giảm, không còn tê bì nữa.
- Chườm lạnh: nhiệt lạnh sẽ làm tê các dây thần kinh dẫn truyền cảm giác đau nên cũng có thể đem đến công dụng giảm đau hiệu quả. Bạn chỉ cần dùng vài viên đá, bọc lại trong túi nilon hoặc khăn mỏng để chườm lên vai trong vài phút. Chú ý không nên chườm đá trực tiếp lên vai vì có thể gây bỏng lạnh.
Uống ngay một ly trà nóng
Khi bị đau vai bạn sẽ thấy toàn thân uể oải, không muốn làm việc hay hoạt động gì cả. Những lúc thế này rất cần một ly trà nóng để tinh thần tỉnh táo đồng thời còn mang đến tác dụng giảm đau, giảm tê bì vai gáy và hai cánh tay cực kỳ hiệu nghiệm. Hơn nữa tinh dầu của một số loại thảo dược cũng kích thích tinh thần sảng khoái hơn để ngày hôm đó làm việc hay học tập cũng đều đạt kết quả tốt nhất.
Một số loại trà mà bạn có thể sử dụng như
- Trà xanh: trong trà xanh có chứa rất nhiều chất chống oxy hóa nên có thể giảm ngay các triệu chứng sưng viêm ở bả vai nếu có để bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn có thể dùng cả trà xanh tươi hoặc khô hãm với nước sôi trong 10 phút là có thể uống được
- Trà gừng: trong thảo dược này có chứa đến 12 hợp chất chống viêm khác nhau, tiêu biểu là gingerol nên cũng cực kỳ có lợi cho hệ thống xương khớp. Bạn chỉ cần dùng vài lát gừng hãm với với nước sôi và có thể cho thêm một chút mật ong là đã có ngay một buổi sáng hoàn hảo.
- Trà bạc hà: trong bạc hà có chứa rất nhiều tinh chất có thể làm giảm tình trạng căng cơ, nhờ đó cũng giảm được các triệu chứng đau vai khi vừa ngủ dậy.
Dùng dầu nóng xoa bóp
Nếu thường xuyên phải vận động hay tình trạng ngủ dậy bị đau vai diễn ra thường xuyên thì hãy chuẩn bị một chai dầu nóng để xoa bóp. Tác dụng của dầu nóng hiệu quả không kém các thuốc giảm đau. Bôi dầu nóng trên vùng vai bị đau nhức sẽ giúp máu huyết lưu thông ổn định, oxy được đưa đến các cơ nên sẽ giảm nhanh tình trạng đau nhức, căng cơ nếu ngủ sai tư thế.
Tập thể dục nhẹ nhàng
Ngủ dậy bị đau vai đôi khi chỉ do ngày hôm qua bạn đã nằm đè lên vai quá lâu khiến vai bị tê cứng. Chỉ cần bạn ngồi dậy đi lại và vận động vài vòng đảm bảo sẽ hết ngay tình trạng đau nhức hay tê cứng. Tập thể dục buổi sáng cũng giúp tinh thần bạn tràn đầy năng lượng để bắt đầu một ngày mới tuyệt vời hơn.
Bạn có thể lựa chọn các bài tập giúp giãn cơ, thả lỏng vùng vai, cổ. Tuy nhiên nếu đang đau nhức thường xuyên mà chưa xác định nguyên nhân thì không nên chọn các bài tập quá nặng như nâng tạ hay đu xà vì vô tình có thể làm các tổn thương nghiêm trọng hơn. Thay vào đó bạn có thể xem xét luyện tập yoga bởi đây là một bộ môn cực kỳ tốt cho xương khớp và tinh thần.
Điều trị
Các phương pháp trên chỉ là phương pháp giảm đau tạm thời, không mang lại nhiều tác dụng với các trường hợp bị đau do chấn thương hay bệnh lý. Như đã nói với các trường hợp nặng thì cần phải điều trị y tế mới có thể phục hồi các tổn thương trong hệ thống xương khớp cũng như đảm bảo chức năng vận động ổn định cho người bệnh.
Với trường hợp này bác sĩ sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm kiểm tra như X quang, CT, MRI hay nội soi để xác định chính xác tình trạng của bệnh nhân, từ đó mới có thể lên phác đồ điều trị phù hợp cho từng người. Một số phương pháp điều trị y tế thường được chỉ định như
- Điều trị bằng thuốc: các thuốc giảm đau phổ biến thường dùng như paracetamol, nhóm giảm đau không steroid..
- Phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi để điều chỉnh các tổn thương trong khớp
- Trị liệu vật lý để hỗ trợ duy trì chức năng vận động
- Điều trị bằng các phương pháp đông y như châm cứu hay bấm huyệt
Người bệnh nên tìm đến các bệnh viện uy tín, có chuyên khoa về xương khớp, có đầy đủ máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ để đảm bảo an toàn và hiệu quả nhất.
Ngủ dậy bị đau vai không phải tình trạng hiếm gặp, nếu trước đó không có các chấn thương nào thì bạn chưa cần quá lo lắng. Thay đổi tư thế ngủ, tư thế sinh hoạt hằng ngày kết hợp với vận động thể dục thể thao thường xuyên chính là biện pháp giúp phòng tránh tình trạng này hiệu quả nhất. Hy vọng những chia sẻ trên đây đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.