Đau Vai Gáy Ở Người Trẻ Tuổi

Cơ bản

Lười vận động, ngồi máy tính làm việc quá lâu, ngồi không đúng tư thế hoàn toàn có thể là những nguyên nhân gây đau vai gáy ở người trẻ tuổi. Tình trạng này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi người, gia tăng nguy cơ thoái hóa khớp sớm nên cần có biện pháp cải thiện phù hợp càng sớm càng tốt.

Định nghĩa

Mọi người hay nghĩ rằng các vấn đề xương khớp chỉ gặp ở người lớn tuổi tuy nhiên thực trạng hiện nay cho thấy, tỷ lệ những người trẻ gặp các vấn đề đau nhức xương khớp đang ngày càng tăng cao. Trong đó đau vai gáy ở người trẻ là một trong những tình trạng gặp rất phổ biến hiện nay gây ra nhiều cơn đau nhức khó chịu cho người bệnh. Các nguyên nhân gây đau vai gáy chủ yếu bắt nguồn từ chính thói quen sinh hoạt, làm việc thiếu khoa học hằng ngày của những người trẻ.

Đau vai gáy ở người trẻ thường có may mắn là dễ điều trị và hồi phục hơn người già bởi các chức năng tái tạo vẫn còn hoạt động tốt. Tuy nhiên nếu vì chủ quan không điều trị hay điều trị quá muộn thì cũng có thể gây ra rất nhiều hệ lụy nguy hiểm đến cuộc sống và sức khỏe nên cần hiểu rõ nguyên nhân để điều trị càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Tính chất công việc

Người trẻ hiện nay cực kỳ năng động, luôn luôn tìm kiếm nhiều công việc để tạo thêm nguồn thu nhập. Làm việc quá sức và không chú ý đến chế độ nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp sẽ không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà còn gây ra rất nhiều cơn đau nhức vai gáy cực kỳ khó chịu.

Trong đó những công việc thường gây đau vai gáy nhiều nhất thường là

  • Công việc văn phòng: việc ngồi bàn giấy và gõ máy tính liên tục trong 8 tiếng đồng hồ/ ngày chính là nguyên nhân hàng đầu gây đau vai gáy. Đặc biệt khi bạn không biết cách cân chỉnh giữa bàn làm việc, độ cao của ghế hay ngồi sai tư thế trong 8 tiếng liên tiếp thì cuối ngày đau nhức cổ, hai bên vai là không có gì lạ. Kèm theo đó bạn còn có thể bị đau đầu, chóng mặt hay hoa mắt nếu tiếp xúc với máy tính quá nhiều
  • Thường xuyên mang vác nặng: khi mang vác, sức nặng của các đồ vật sẽ chèn ép lên vai, cổ khiến hệ thống xương khớp chịu nhiều áp lực. Ngoài ra mang vác nặng còn gặp ở những học sinh, sinh viên thường đeo balo quá nặng vừa khiến cột sống bị sai lệch vừa gây ra những cơn đau nhức tại vai, gáy và lưng. Tình trạng này kéo dài và không có biện pháp thư giãn, nghỉ ngơi sẽ dẫn đến những cơn đau vai gáy khó chịu, thậm chí gia tăng những vấn đề về xương khớp
  • Các công việc bưng bê: những bạn sinh viên hiện nay thường hay làm các công việc bưng bê, phục vụ để kiếm thêm thu nhập. Công việc này đòi hỏi bạn phải dùng lực từ vai và hai cách tay để bưng ly chén, cổ thường phải cúi xuống nhiều. Bởi thế những ngày cuối tuần phải hoạt động và đi lại liên tục cũng sẽ dẫn đến những đau vai gáy ở người trẻ tuổi

Đau vai gáy ở người trẻ tuổi do sinh hoạt sai tư thế

Đây là một trong những nguyên nhân chính gây đau vai gáy ở người trẻ tuổi. Các thói quen sinh hoạt có thể bao gồm cả thói quen làm việc, nằm ngủ hay các hoạt động khác. Việc hoạt động sai tư thế trong một thời gian dài có thể tác động làm sai lệch các khớp, trong lực của đầu không được dồn về một vị trí nhất định nên các đốt sống ở cổ ngày càng trở nên tổn thương và suy yếu hơn.

Một số những thói quen sinh hoạt sai. mà bạn cần chú ý như

  • Ngồi làm việc hay học tập quá lâu trong một tư thế mà không đứng lên thư giãn
  • Ngủ tựa đầu vào ghế hay gục mặt xuống bàn
  • Nằm xem laptop bằng cách đặt lên bụng hay lên bàn đều có thể ảnh hưởng đến đốt sống cổ
  • Khi ngủ thường nằm nghiêng trong một tư thế quá lâu làm quá trình lưu thống máu và trao đổi oxy hoạt động kém hiệu quả khiến bạn cảm thấy cứng cổ khi mới thức dậy
  • Ngủ kê gối quá cao cũng ảnh hưởng đến kết kết cách khớp cổ – cột sống bình thường
  • Giơ tay quá cao so với bình thường

Lười vận động hoặc vận động sai cách

Lười vận động sẽ khiến hệ thống xương khớp kém linh hoạt, không được thư giãn, căng giãn dẫn đến những cơn đau nhức, tê bì hay cứng cổ ngay khi mới thức dậy. Mặt khác lười vận động còn làm gia tăng nguy cơ béo phì, hoạt động chậm chạp. Nếu thường xuyên ở trong nhà không tiếp xúc với ánh sáng còn thiếu vitamin D3 cần thiết cho hệ thống xương khớp.

Lười vận động thường gây đau vai gáy ở người trẻ tuổi tuy nhiên vận động quá mức cũng có thể dẫn tới các tình trạng này. Những người ít vận động đột ngột chơi thể thao nhiều hơn, đặc biệt các bộ môn như cầu lông hay bóng chuyền cũng sẽ có thể làm bạn nhức mỏi vai. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn ở những người không làm nóng cơ thể trước khi vận động.

Chấn thương ở vai – gáy

Các chấn thương ở vai gáy có thể xuất hiện do ngã xe, tai nạn lao động hay các va chạm trong lúc chơi thể thao. Có những chấn thương không thể hiện rõ ở bên ngoài nhưng đã bị tổn thương từ bên trong mà người bệnh không có thể phát hiện ra. Nếu liên quan đến các tác nhân này người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và có hướng điều trị chính xác nhất.

Một số chấn thương gây ra những cơn đau vai gáy ở người trẻ tuổi thường gặp như

  • Chấn xương cơ, gân, dây chằng
  • Chấn thương mô mềm
  • Rạn, gãy xương
  • Chấn thương chóp xoay

Các tổn thương vẫn có thể tái phát sau điều trị nếu người bệnh không có chế độ chăm sóc, nghỉ ngơi, sinh hoạt phù hợp nên cần phải lưu ý.

Đau vai gáy ở người trẻ tuổi cho các bệnh lý về xương khớp

Nhiều người cho rằng các bệnh lý về xương khớp chỉ gặp ở người già hay người bị chấn thương, tuy nhiên việc hoạt động sai tư thế trong thời gian dài hoàn toàn có thể gây ra các vấn đề này ở người trẻ tuổi. Một số bệnh lý có dấu hiệu tiến triển từ từ và chỉ có thực hiện các kiểm tra xét nghiệm chuyên môn mới có thể phát hiện. Bởi vậy nếu bạn thấy cơn đau nhức, tê mỏi vai gáy đã diễn ra trong thời gian dài với tần suất và mức độ ngày càng tăng thì cần thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt.

Một số bệnh lý thường gây đau vai gáy ở người trẻ tuổi thường gặp như

  • Viêm dây thần kinh
  • Chèn ép dây thần kinh chi phối vùng vai
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Thoái hóa cột sống
  • Co thắt cơ cột sống cổ

Đặc biệt các bệnh lý liên quan đến cột sống hiện đang ngày càng có xu hướng gia tăng ở người trẻ. Một số triệu chứng điển hình để bạn có thể nhận biết sớm các bệnh lý này như cơn đau từ cổ và vai gáy có thể lan ra tới hai bên cánh tay, bắp tay, cẳng tay; cơn đau có cảm giác châm chích, tê bì hoặc một số người còn cảm thấy nóng khớp như lửa đốt.

Một số nguyên nhân khác

Rất nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây ra các đau vai gáy ở người trẻ tuổi có liên quan trực tiếp đến chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng mà bạn cần chú ý hơn như

  • Nhiễm lạnh: có thể do ngồi phòng điều hòa quá lâu, ngủ trong phòng điều hòa hay để quạt thổi thẳng vào người, bị dính mưa, người hay có thói quen tắm khuya hay mặc không đủ ấm khi ra ngoài. Nhiễm lạnh đột ngột làm lượng oxy được đưa đến cho các tế bào cơ không đủ và gây thiếu máu cục bộ tại cơ. Đây cũng là lý do khiến những người hay làm việc văn phòng hay trong các phòng đông lạnh dễ bị đau lưng, đau vai gáy
  • Stress – căng thẳng: có thể bạn không biết nhưng stress kéo dài cũng có thể gây ra đau mỏi vai gáy do các phản ứng căng cứng cơ. Người trẻ thường dễ bị stress từ áp lực công việc, học tập tập nếu không sớm được giải tỏa nên cũng dễ gặp tình trạng này.
  • Hút thuốc lá: thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến gan, phổi mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về xương khớp. Nguyên nhân là khói thuốc lá làm giảm lượng oxy đi đến các cơ bắp nên xảy ra hiện tượng căng cứng, tê mỏi tại các cơ quan như chân tay, vai gáy.
  • Uống rượu bia: các nghiên cứu cho thấy, rượu bia có thể làm cản trở quá trình hấp thụ canxi của xương khớp, là tăng nguy cơ loãng xương cùng rất nhiều vấn đề nguy hiểm hơn.
  • Chế độ ăn kém khoa học: thường xuyên sử dụng các loại thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, đồ ăn có nhiều chất độc hại khiến cơ thể bị thiếu dưỡng chất, đặc biệt các vitamin và khoáng chất quan trọng cho xương khớp như canxi, vitamin D, sắt hay vitamin B. Tình trạng này kéo dài làm cho các dây thần kinh ngoại biên hoạt động yếu dần và gây ra những cơn đau vai gáy ở người trẻ tuổi.

Công việc hay việc học tập quá bận rộn khiến nhiều người thường trong trạng thái đi sớm về khuya, không còn thời gian để tập thể dục. Ngoài ra nhiều người trẻ hiện nay cũng rất lười vận động, thường xuyên xem phim đến rất khuya sau đó ngủ đến trưa hôm sau khiến cơ thể cực kỳ uể oải, tự dưng xuất hiện những cơn nhức mỏi tại vai gáy mà không hiểu nguyên nhân vì sao.

Chăm sóc tại nhà

Cụ thể, để cải thiện các triệu chứng đau vai gáy ở người trẻ tuổi, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây

  • Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày hoặc ít nhất nên đi bộ khoảng 15 phút hằng ngày. Chú ý trước khi tham gia các môn thể thao nên làm nóng cơ thể để tránh tối đa các chấn thương có thể xảy ra
  • Không nên ngồi làm việc quá lâu trong một tư thế, khoảng 1- 2 tiếng nên đứng lên vặn người và đi lại trong vài phút để các cơ được thư giãn thoải mái hơn
  • Không nền nằm dựa vào ghế hay ngủ trên bàn sẽ làm thay đổi cột sống
  • Khi ngủ nên tập theo quen xoay người liên tục , không nên nằm quá lâu trong một tư thế
  • Tắm với nước ấm mỗi ngày cũng giúp cơ thể được thư giãn sau một ngày làm việc mệt mỏi
  • Mang vác đúng cách, không nên nâng vật nặng đột ngột
  • Với những người làm các công việc cần mang vác hằng ngày nên xoa bóp hay thực hiện các biện pháp thư giãn cho cổ, vai hằng ngày
  • Tránh mang vác nặng quá sức
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá, bia rượu hay các chất kích thích
  • Không nên sử dụng quá nhiều các loại nước ngọt có gas hay các đồ uống sử dụng chất tạo ngọt
  • Tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho hệ thống xương khớp thông qua chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Một số thực phẩm tốt cho xương khớp như các loại rau màu xanh, thịt cá, các loại hải sản, đậu nành, trứng, sữa…
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm cay nóng, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn không hợp vệ sinh..
  • Nên đảm bảo đi ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, ngủ sớm cũng rất có lợi cho hệ thống xương khớp
  • Luôn có biện pháp thư giãn tinh thần, tránh để stress căng thẳng quá lâu
  • Với những người gặp các chấn thương nên tái khám thường xuyên để đảm bảo tốc độ phục hồi

Điều trị

Cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây ra những cơn đau vai gáy ở người trẻ tuổi mới có thể đưa ra hướng điều trị chính xác nhất.  Nếu cơn đau chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn thì không quá nguy hiểm, thương bạn chỉ cần nghỉ ngơi đầy đủ là có thể cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên nếu có liên quan đến bệnh lý hay các chấn thương thì bắt buộc phải điều trị y tế.

Bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số kiểm tra chẩn đoán như X quang, MRI, siêu âm nội soi để có thể xem xét hình ảnh tổn thương tại vùng vai gáy, qua đó mới có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Thường với tình trạng không quá nguy hiểm, người bệnh hoàn toàn có thể điều trị tại nhà không cần phải ở lại bệnh viện.

Điều trị tại chỗ

Với những cơn đau do làm việc quá sức, ngồi máy tính quá lâu bạn có thể thực hiện một vài biện pháp điều trị tại chỗ đơn giản để giảm đau nhanh chóng mà không cần dùng đến các loại thuốc. Các phương pháp này cũng có thể áp dụng với cả những người bị chấn thương hay các bệnh lý về xương khớp để giảm đau tạm thời, tránh lạm dụng các loại thuốc giảm đau quá mức có thể gây hại cho cơ thể.

Một số biện pháp giảm đau tại chỗ cực kỳ đơn giản để cải thiện đau vai gáy ở người trẻ tuổi mà bạn có thể tham khảo như

  • Dùng miếng dán giảm đau: các miếng dán giảm đau thường có chứa một số hoạt chất giảm đau có thể thẩm thấu qua da giúp thúc đẩy lưu thông khí huyết, giảm đau nhức nhanh chóng và giúp các cơ được thư giãn. Bạn có thể mua các miếng dán giảm đau tại bất cứ hiệu thuốc Tây nào nên cực kỳ tiện lợi. Ngoài ra hiện nay cũng có các loại thuốc giảm đau dạng gel cũng cho hiệu quả tương tự. Một số thương hiệu mà bạn có thể tham khảo như Salonpas, ThermaCare, các miếng dán thảo dược..
  • Chườm nóng: nhiệt nóng cũng giúp làm thư giãn hệ thống xương khớp, giúp máu huyết lưu thông tuần hoàn nên cũng làm giảm cảm giác nhức mỏi, căng cứng tại vùng vai gáy đáng kể. Chú ý bạn chỉ nên chườm nóng trong nhiệt độ khoảng 40 -55 độ, không nên chườm quá nóng. Nếu có các tổn thương chảy máu ở vai gáy thì không nên chườm nóng.
  • Chườm lạnh: ngược lại với chườm nóng, chườm lạnh lại làm tê tạm thời để giảm quá trình vận chuyển thông tin của các dẫn truyền thần kinh, bởi thế cũng đem đến cảm giác giảm đau hiệu quả. Khi chườm lạnh bạn nên dùng khăn hoặc túi bọc đá lại, tránh dùng đá vừa lấy từ tủ lạnh chườm trực tiếp vì có thể gây bỏng lạnh.
  • Dùng dầu nóng hay rượu thuốc: đây là các biện pháp dân dân đã được ông bà ta sử dụng từ xưa đến nay để giảm đau nhức xương khớp. Thường sẽ dùng các loại dầu có tính chất làm nóng như như dầu mặt trời, dầu trường sơn hoặc các loại rượu ngâm từ dược liệu. Bạn nên kết hợp xoa bóp để giúp các cơ thư giãn tốt nhất.

Điều trị y tế

Nếu liên quan đến các chấn thương hay các bệnh lý về xương khớp thì bắt buộc người bệnh phải thực hiện các điều trị y tế mới có thể giải quyết tận gốc các vấn đề. Với các tình trạng nhẹ thì bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, thuốc giãn cơ  nhưng với những trường hợp nặng thì có thể phải thực hiện phẫu thuật hay trị liệu vật lý để đảm bảo phục hồi chức năng vận động.

May mắn là việc điều trị với người trẻ thường có tiên lượng tốt rất nhiều hơn so với người già. Bởi lúc này khả năng tái tạo và phục hồi của người trẻ vẫn còn hoạt động rất tốt, bởi vậy dù có phẫu thuật thì tốc độ phục hồi chức năng các cơ quan cũng nhanh chóng hơn nhiều so với người già.Tuy nhiên ngoại trừ trường hợp chấn thương, các tổn thương khác liên quan đến đau vai gáy ở người trẻ tuổi thường không nguy hiểm đến mức phải phẫu thuật.

Bác sĩ cũng có thể chỉ định bổ sung thêm một số loại vitamin để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể, giúp cải thiện mật độ xương và tăng tốc độ phục hồi các tổn thương tại vai gáy.

Điều trị bằng các phương pháp dân gian

Trong dân gian cũng có rất nhiều phương pháp đơn giản giúp cải thiện nhanh các triệu chứng đau vai gáy ở người trẻ tuổi mà không cần dùng đến thuốc Tây. Các biện pháp này chủ yếu tận dụng ngay các thảo dược tự nhiên quen thuộc xung quanh nên ai cũng có thể thực hiện tại nhà. Những người bị đau vai gáy do sinh hoạt sai cách hay làm việc quá mức hoàn toàn có thể thực hiện các biện pháp này để cải thiện tình trạng đau nhức hằng ngày.

Một số bài thuốc đơn giản như sau

  • Dùng lá lốt: chuẩn bị 1 nắm lá lốt rửa sạch, thái nhỏ, sao khô với một ít muối hạt. Đợi hỗn hợp hơi nguội thì bọc vào một túi vải, chườm trực tiếp lên vùng vai gáy trong 15 – 20 phút sẽ thấy vai cổ thoải mái hơn rất nhiều.
  • Dùng ngải cứu: sử dụng 1 nắm ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ, đem sao khô rồi rưới lên một ít rượu trắng, đảo đều cho hỗn hợp thấm với nhau và khô bớt nước. Đợi hỗn hợp hơi nguội thì bọc vào một túi vải, chườm trực tiếp lên vùng vai gáy trong 15 – 20 phút . Thực hiện trước khi đi ngủ bạn sẽ thấy ngủ ngon hơn rất nhiều.
  • Rượu gừng: nếu muốn dùng ngay thì bạn chỉ nên chuẩn bị một lượng nhỏ gừng rửa sạch, cạo sạch vỏ và thái nhỏ. Cho gừng vào bình, đổ ngập rượu vào bên trong và để ngâm trong khoảng 1 tháng. Bạn có thể dùng rượu gừng này để uống hay xoa bóp đều đem đến kết quả cải thiện tốt.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android