Đau Thượng Vị Lan Ra Sau Lưng
Đau thượng vị lan ra sau lưng có thể liên quan đến nhiều điều kiện sức khỏe, chẳng hạn như trào ngược dạ dày thực quản, xuất huyết đường tiêu hóa hoặc ung thư dạ dày. Nếu không được xử lý phù hợp, các triệu chứng này có thể kéo dài, dẫn đến mệt mỏi và nhiều rủi ro không mong muốn khác.
Định nghĩa
Đau thượng vị là cơn đau xuất hiện ở ngay bên dưới lồng ngực và trên rốn, tại vùng bụng trên. Tình trạng này thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe ở dạ dày và một số cơ quan đường tiêu hóa khác.
Nguyên nhân
Trong trường hợp đau thượng vị lan ra sau lưng, các nguyên nhân và điều kiện sức khỏe liên quan có thể bao gồm:
1. Viêm thực quản
Viêm thực quản là tình trạng viêm gây tổn thương và làm hỏng các mô ở thực quản, ống đưa thức ăn từ miệng đến dạ dày. Tình trạng này có thể gây đau thượng vị, khó nuốt và tức ngực. Trong các trường hợp nghiêm trọng, viêm thực quản có thể dẫn đến đau thượng vị lan ra sau lưng.
Các triệu chứng viêm thực quản có thể được cải thiện ngay sau khi được điều trị phù hợp. Các biện pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Nếu không được điều trị, tổn thương có thể làm hỏng niêm mạc thực quản và cản trở quá trình di chuyển thức ăn đến dạ dày. Viêm thực quản cũng có thể dẫn đến sẹo hoặc làm hẹp thực quản, gây khó nuốt hoặc nuốt đau.
2. Trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày xảy ra khi axit dạ dày hoặc thức ăn trào ngược vào thực quản. Tình trạng này có thể dẫn đến cảm giác nóng rát ở lồng ngực và lan dần đến cổ. Người bệnh cũng có thể cảm nhận thấy một vị chua bất thường ở phía sau miệng, khó nuốt hoặc gặp các vấn đề về hệ thống hô hấp, chẳng hạn như ho mãn tính và hen suyễn.
Trào ngược dạ dày là một trong những yếu tố kích thích đau thượng vị bùng phát. Nếu dạ dày tiết quá nhiều dịch vị, cơn đau thượng vị có thể lan đến vùng ngực và lưng.
Hầu hết các trường hợp trào ngược dạ dày được cải thiện bằng các loại thuốc không kê đơn và thay đổi lối sống phù hợp. Tuy nhiên, người bệnh có thể cần phẫu thuật nếu các triệu chứng nghiêm trọng.
3. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày xảy ra khi các vết loét phát triển trên niêm mạc dạ dày, gây đau đớn. Tình trạng này là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau thượng vị lan ra sau lưng. Bệnh
Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm loét dạ dày là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài. Ngoài ra, căng thẳng, chế độ ăn uống không phù hợp và nghiện rượu, có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Các triệu chứng viêm loét dạ dày phổ biến bao gồm:
- Đau dạ dày hoặc đau thượng vị dạ dày;
- Có cảm giác đầy hơi, chướng bụng hoặc ợ hơi thường xuyên;
- Không dung nạp thức ăn béo;
- Ợ nóng;
- Buồn nôn và nôn.
Viêm loét dạ dày cần được điều trị kịp lúc để tránh các rủi ro không mong muốn. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận được các triệu chứng viêm loét dạ dày.
4. Xuất huyết đường tiêu hóa trên
Xuất huyết đường tiêu hóa trên là thuật ngữ chỉ tình trạng chảy máu ở bất cứ vị trí nào trong thực quản, dạ dày hoặc phần trên của ruột non (tá tràng). Tình trạng này thường là biến chứng của bệnh viêm loét thực quản, viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc chống viêm liều cao, nghiện rượu, stress hoặc sang chấn tâm lý nghiêm trọng, cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Xuất huyết đường tiêu hóa trên có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng như:
- Phân đen, hắc ín;
- Chất nôn có màu đỏ tươi hoặc giống như bã cà phê;
- Co thắt dạ dày;
- Da nhợt nhạt bất thường;
- Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất xỉu thường xuyên.
Xuất huyết đường tiêu hóa trên có thể trở nên nghiêm trọng nhanh chóng. Do đó, nếu xuất hiện các triệu chứng chảy máu đường tiêu hóa, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán y tế ngay lập tức.
5. Tắc mật
Tắc mật hoặc ức mật là tình trạng xảy ra khi dòng chảy của mật từ gan bị giảm hoặc tắc nghẽn. Mật là chất lỏng được gan sản xuất, có nhiệm vụ hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là các chất béo.
Tắc mật dẫn đến một lượng mật dư thừa trong máu. Lượng mật này sẽ được chuyển hóa thành các sản phẩm phụ và dẫn đế chứng vàng da, vàng mắt.
Bên cạnh việc gây thay đổi màu da, tắc mật có thể dẫn đến đau ở vùng hạ sườn bên trái và đau thượng vị dữ dội. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể bị đau thượng vị lan ra sau lưng hoặc vùng ngực. Đôi khi người bệnh cũng có thể gây ngứa da, sốt, thay đổi tính chất nước tiểu, phân có màu bạc, rối loạn tiêu hóa hoặc xuất huyết dưới da.
6. Ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là sự phát triển bất thường của các tế bào bắt đầu ở dạ dày. Trong giai đoạn đầu, ung thư thường không phát sinh các triệu chứng bất thường. Tuy nhiên, theo thời gian, khối u có thể phát triển về kích thước và gây áp lực lên dạ dày.
Ung thư dạ dày có thể dẫn đến một số triệu chứng và dấu hiệu nhận biết như:
- Khó nuốt;
- Đau dạ dày;
- Cảm thấy đầy hơi, chướng bụng sau khi ăn;
- Cảm thấy no sau khi sử dụng một lượng nhỏ thức ăn;
- Ợ nóng;
- Khó tiêu;
- Buồn nôn;
- Đau bụng;
- Giảm cân không rõ lý do;
- Nôn mửa.
Áp lực từ khối u có thể dẫn đến tình trạng đau thượng vị lan ra sau lưng và ngực, dẫn đến khó thở, chán ăn, buồn nôn, sụt cân hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ung thư dạ dày có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào của dạ dày. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp, ung thư gây tổn thương đến phần thân của dạ dày. Vị trí của khối u là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng đến phương pháp điều trị. Điều trị bao gồm phẫu thuật loại bỏ ung thư, hóa trị và xạ trị.
Ung thư dạ dày là bệnh lý nghiêm trọng, cần được điều trị ngay lập tức để tránh các rủi ro liên quan. Do đó, nếu nhận thấy dấu hiệu ung thư hoặc nghi ngờ ung thư, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
7. Các nguyên nhân khác
Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, đôi khi tình trạng đau thượng vị lan ra sau lưng có thể liên quan đến một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:
- Nghiện rượu: Uống rượu quá mức có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày và gây đau thượng vị. Trong các trường hợp nghiêm trọng, nghiện rượu có thể dẫn đến viêm tụy hoặc viêm gan. Điều này có thể gây đau thượng vị lan ra sau lưng.
- Ăn quá nhiều: Ăn quá nhiều có thể gây áp lực lên dạ dày, khiến dạ dày mở rộng hơn bình thường. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau thượng vị lan ra sau lưng phổ biến.
- Mang thai: Phụ nữ mang thai, đặc biệt là những tháng cuối, có thể bị đau thượng vị dữ dội. Cơn đau có thể lan ra sau lưng hoặc gây áp lực lên ngực, dẫn đến khó thở hoặc đầy hơi.
- Vận động mạnh sau khi ăn: Tập thể dục hoặc vận động mạnh sau khi ăn có thể dẫn đến trào ngược acid dạ dày và gây đau vùng thượng vị. Nếu vận động quá mức, người bệnh có thể cảm thấy đau ngực hoặc lưng.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Đau thượng vị lan ra sau lưng có nguy hiểm không?
So với tình trạng đau thượng vị, đau thượng vị lan ra sau lưng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân nghiêm trọng hơn, bao gồm các tổn thương ở hệ thống tiêu hóa và gan, mật. Nếu không được điều trị phù hợp, chức năng tiêu hóa, gan, mật có thể bị suy giảm và dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, đau thượng vị lan ra sau lưng có thể gây khó chịu, suy giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng và dẫn đến suy nhược cơ thể.
Nếu cơn đau thượng vị diễn ra vào ban đêm, cơn đau có thể gây mất ngủ, khó ngủ hoặc khiến người bệnh thức giấc vào giữa đêm. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng đau thượng vị, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
Điều trị
Hầu hết các trường hợp đau thượng vị lan ra sau lưng cần được điều trị y tế phù hợp để tránh các rủi ro nghiêm trọng. Trong các trường hợp nguyên nhân gây đau thượng vị liên quan đến thói quen xấu hoặc do có thai, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các biện pháp chăm sóc tại nhà.
1. Điều trị y tế bằng thuốc Tây y
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị y tế có thể bao gồm:
- Viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày: Tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc trung hòa dịch vị và ức chế quá trình bài tiết acid dạ dày. Các loại thuốc phổ biến bao gồm thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton. Trong trường hợp người bệnh nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh kéo dài trong 10 – 15 ngày để tiêu diệt vi khuẩn.
- Viêm thực quản: Tình trạng viêm thực quản được điều trị phụ thuộc vào các nguyên nhân liên quan. Cụ thể bác sĩ có thể đề nghị thuốc chống nhiễm trùng, thuốc điều trị dị ứng hoặc thuốc trung hòa axit dạ dày.
- Tắc mật: Tắc mật thường được điều trị thông qua thủ thuật ERCP, nhằm dẫn lưu lượng mật dư thừa qua da. Sau đó, bác sĩ tiến hành xác định nguyên nhân dẫn đến tắc mật (chẳng hạn như sỏi mật hoặc khối u ác tính) và đề nghị phương pháp điều trị phù hợp. Trong thời gian chờ đợi phẫu thuật, bác sĩ có thể đặt stent thông qua nội soi để giải tỏa tình trạng tắc mật tạm thời.
- Xuất huyết đường tiêu hóa trên: Trong trường hợp xuất huyết đường tiêu hóa trên, bác sĩ có thể đề nghị truyền dịch để cân bằng huyết áp và chất điện giải. Sau đó bác sĩ tiến hành nội soi cầm máu, xác định vị trí xuất huyết và có phương pháp điều trị dứt điểm.
- Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày thường được điều trị phẫu thuật để loại bỏ khối u. Trong trường hợp bệnh nhân có sức khỏe kém hoặc không đáp ứng điều kiện phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị xạ trị hoặc hóa trị để cải thiện các triệu chứng.
2. Biện pháp điều trị tại nhà
Trong trường hợp tình trạng đau thượng vị lan ra sau lưng liên quan đến các thói quen sống không lành mạnh, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp xử lý như:
- Uống nước ấm: Cơ thể cần nước để tiêu hóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm và đồ uống. Do đó, đối với cơn đau thượng vị liên quan đến các vấn đề tiêu hóa, người bệnh có thể uống nhiều nước để cải thiện các triệu chứng.
- Uống trà gừng: Gừng là một phương thuốc tự nhiên được sử dụng để điều trị các vấn đề về dạ dày và hệ thống tiêu hóa. Gừng có thể hỗ trợ quá trình tiêu hóa thực ăn, hạn chế sự co bóp của dạ dày và cải thiện các cơn đau thượng vị hiệu quả.
- Trà bạc hà: Bạc hà có thể ngăn ngừa nôn mửa, tiêu chảy, cải thiện tình trạng co thắt bên trong ruột và hỗ trợ giảm đau thượng vị lan ra sau lưng. Tuy nhiên, người bị trào ngược dạ dày không nên sử dụng trà bạc hà, bởi vì bạc hà có thể kích thích sản xuất acid dạ dày.
- Uống trà quế: Quế có chứa chất chống oxy hóa, có thể hỗ trợ hoạt động của dạ dày và giảm nguy cơ kích ứng và tổn thương hệ thống tiêu hóa. Người bệnh có thể pha một muỗng cà phê bột quế với nước ấm, dùng uống hoặc thêm quế vào công thức nấu ăn để cải thiện cơn đau thượng vị.
Phòng ngừa
Đau thượng vị có thể liên quan đến một số nguyên nhân mãn tính, chẳng hạn như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản và viêm thực quản. Do đó, để cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa nguy cơ tái phát, người bệnh có thể lưu ý một số vấn đề như:
- Điều trị các nguyên nhân liên quan;
- Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với cơn đau và cải thiện hoạt động của hệ thống tiêu hóa;
- Không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác;
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ, gia vị cay nóng;
- Uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày, đồng thời ăn nhiều trái cây, rau xanh và ngũ cốc để cải thiện nhu động ruột;
- Hạn chế thức khuya và căng thẳng, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp giảm căng thẳng như thiền định hoặc yoga;
- Trao đổi với bác sĩ nếu các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hoặc tái phát.
Nếu được điều trị phù hợp, tình trạng đau thượng vị lan ra sau lưng thường không gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để xác định nguyên nhân liên quan và có phương pháp điều trị hiệu quả.