Đau Vùng Thượng Vị Từng Cơn
Đau vùng thượng vị từng cơn thường xảy ra khi người bệnh có chế độ ăn uống thiếu khoa học hoặc do căng thẳng kéo dài. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.
Định nghĩa
Đau thượng vị là cơn đau xuất hiện ở phía trên rốn và bên dưới xương ức. Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh có chế độ ăn uống không hợp lý, chẳng hạn như ăn nhiều thức ăn cay nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ hoặc sử dụng nhiều chất kích thích.
Nguyên nhân
Trong trường hợp đau vùng thượng vị từng cơn, cơn đau có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân và bệnh lý, chẳng hạn như:
1. Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xảy ra khi cơ thể không dung nạp một số loại thực phẩm chứa các yếu tố gây hại, chẳng hạn như nấm, virus hoặc ký sinh trùng. Các triệu chứng ngộ độc có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng nếu không được xử lý phù hợp.
Đau thượng vị từng cơn là dấu hiệu phổ biến nhất khi bị ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, các dấu hiệu kèm theo khác có thể bao gồm:
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Tiêu chảy;
- Đau dạ dày.
Trong trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị đau dạ dày dữ dội, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi hoặc nôn mửa liên tục. Trong trường hợp này, người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.
2. Trào ngược dạ dày
Tình trạng đau thượng vị từng cơn có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày. Tình trạng này xảy ra khi van thực quản bị nới lỏng, khiến thức ăn và acid dạ dày bị trào ngược.
Bên cạnh đau thượng vị, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như:
- Ợ nóng hoặc cảm thấy không thoải mái từ dạ dày đến vùng thượng vị hoặc ngực và cổ họng;
- Có vị chua hoặc đắng ở cổ họng và miệng.
Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Phân có máu hoặc nôn ra máu;
- Ợ hơi;
- Khó nuốt;
- Nấc cụt liên tục;
- Buồn nôn;
- Thở khò khè, ho khan, khàn giọng hoặc đau họng mãn tính.
Cơn đau thượng vị do trào ngược dạ dày có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh cúi gập người về phía trước. Cơn đau thường kéo dài trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc thậm chí là vài tháng. Nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm loét thực quản và thủng dạ dày.
3. Xuất huyết đường tiêu hóa trên
Xuất huyết đường tiêu hóa trên là một triệu chứng rối loạn tiêu hóa, dẫn đến đau vùng thượng vị từng cơn và nôn ra máu hoặc chất nôn giống như bã cà phê. Các triệu chứng xuất huyết có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Nôn ra máu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm;
- Phân hắc ín hoặc đen;
- Chảy máu từ trực tràng, thường xuất hiện kèm phân.
Tuy nhiên, đôi khi người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng không rõ ràng, chẳng hạn như:
- Mệt mỏi;
- Khó thở;
- Ngất xỉu;
- Đau tức ngực;
- Đau thượng vị dạ dày.
Xuất huyết dạ dày có thể xuất hiện đột ngột hoặc phát triển theo thời gian. Đôi khi, cơn đau có thể lan đến vùng giữa bụng, bụng dưới hoặc sau lưng. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần được điều trị cấp cứu để tránh các rủi ro nghiêm trọng.
4. Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là tình trạng mãn tính, gây viêm, loét và chảy máu ở bên trong ruột già (đại tràng). Cơn đau do viêm loét đại tràng thường xuất hiện ở vùng bụng dưới và lan dần đến thượng vị, dẫn đến đau thượng vị theo từng cơn.
Viêm loét đại tràng là tình trạng mãn tính với các triệu chứng ở nhiều mức độ khác nhau. Ngoài ra, các triệu chứng cũng có thể thay đổi theo thời gian. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Đau dạ dày;
- Có máu trong phân;
- Tiêu chảy;
- Đau trực tràng;
- Sốt;
- Giảm cân không rõ nguyên nhân;
- Suy dinh dưỡng.
Hiện tại không có thuốc điều trị dứt điểm tình trạng viêm loét đại tràng. Tuy nhiên bác sĩ có thể đề nghị nhiều biện pháp làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
5. Viêm túi mật cấp
Túi mật là cơ quan nhỏ, hình quả lê, ở phía bên phải của bụng, ngay bên dưới gan. Túi mật chứa dịch tiêu hóa, được tiết vào ruột non. Viêm túi mật thường xảy ra khi sỏi mật làm tắc ống dẫn dẫn mật, dẫn đến viêm. Các nguyên nhân khác thường bao gồm khối u, nhiễm trùng và một số bệnh lý nghiêm trọng khác.
Viêm túi mật cấp tính có thể dẫn đến đau vùng thượng vị từng cơn, đặc biệt là vùng bụng trên bên phải. Đôi khi cơn đau có thể lan đến vai hoặc lưng. Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Bụng mềm khi chạm vào;
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Sốt.
Các triệu chứng viêm túi mật thường xảy ra sau khi ăn, đặc biệt là sau một bữa ăn lớn và nhiều dầu mỡ. Nếu không được điều trị, viêm túi mật có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như vỡ túi mật và gây đe dọa đến tính mạng. Điều trị viêm túi mật thường bao gồm cắt bỏ túi mật.
6. Thủng đường tiêu hóa
Thủng đường tiêu hóa là tình trạng hình thành một lỗ thủng ở dạ dày, ruột già hoặc ruột non. Nguyên nhân dẫn đến thủng đường tiêu hóa có thể là do chấn thương trực tiếp hoặc liên quan đến một số bệnh lý khác, chẳng hạn như viêm ruột thừa và viêm túi thừa.
Thủng đường tiêu hóa có thể dẫn đến viêm phúc mạc (là tình trạng viêm màng ngăn ở ổ bụng). Viêm phúc mạc thường xảy ra khi vi khuẩn, dịch mật, acid dạ dày, thức ăn được tiêu hóa một phần, đi vào khoang bụng.
Thông thường thủng đường tiêu hóa có thể gây đau thượng vị từng cơn hoặc đau dạ dày dữ dội. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như:
- Đau dạ dày nghiêm trọng;
- Ớn lạnh;
- Sốt;
- Buồn nôn;
- Nôn;
- Choáng váng;
- Đau đầu;
- Ngất xỉu.
Thủng đường tiêu hóa là tình trạng khẩn cấp, cần được điều trị y tế kịp thời để tránh các rủi ro liên quan.
7. Các nguyên nhân khác
Đôi khi tình trạng đau thượng vị từng cơn có thể liên quan đến một số nguyên nhân khác, chẳng hạn như:
- Ăn quá no: Khi một lượng thức ăn lớn được đưa vào cơ thể cùng một lúc, dạ dày có thể bị quá tải, dẫn đến co bóp liên tục để tiêu hóa thức ăn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau vùng thượng vị từng cơn.
- Nhiễm vi khuẩn Hp: Vi khuẩn Hp là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý và điều kiện sức khỏe ở đường tiêu hóa, bao gồm viêm loét dạ dày và đau thượng vị.
- Căng thẳng quá mức: Căng thẳng kéo dài có thể gây rối loạn hoạt động của hệ thống tiêu hóa, khiến dạ dày tăng tiết acid, co bóp liên tục và dẫn đến đau vùng thượng vị.
- Lạm dụng rượu bia: Bia, rượu và các chất kích thích khác có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây kích ứng, dẫn đến viêm loét và đau thượng vị từng cơn.
- Mang thai: Đau thượng vị là tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai, xảy ra khi tử cung phát triển để tạo điều kiện cho thai nhi phát triển. Bên cạnh đau thượng vị, bà bầu có thể gặp nhiều vấn đề tiêu hóa khác, chẳng hạn như trào ngược acid hoặc ợ nóng.
Câu hỏi thường gặp
Đau thượng vị từng cơn có nguy hiểm không?
Đau thượng vị từng cơn thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện với các biện pháp tự chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân nghiêm trọng hơn, bao gồm các nguyên nhân gây ảnh hưởng đến tính mạng, chẳng hạn như thủng dạ dày. Do đó trong hầu hết các trường hợp, nếu cơn đau thượng vị trở nên nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo, người bị đau vùng thượng vị từng cơn nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như:
- Có khối u ở bụng;
- Đau thượng vị lan ra sau lưng hoặc lan đến ngực;
- Bụng cứng;
- Nôn mửa liên tục.
Điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị tình trạng đau thượng vị từng cơn bao gồm:
1. Uống nước ép nha đam
Nước ép nha đam có thể cải thiện các nguyên nhân tiêu hóa dẫn đến đau thương vị. Cụ thể, nước ép nha đam có thể cải thiện các triệu chứng viêm loét dạ dày, trào ngược acid dạ dày và ợ nóng.
2. Uống trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc chẳng hạn như gừng, bạc hà và hoa cúc có thể hỗ trợ hệ thống tiêu hóa và ngăn ngừa cơn đau thượng vị từng cơn.
Gừng có tác dụng chống khó tiêu, hoạt động bằng cách trung hòa acid dư thừa của dạ dày và điều trị cơn đau dạ dày tại nhà. Trà gừng cũng có thể ngăn ngừa tình trạng viêm thành dạ dày, ruột và ngăn ngừa cơn đau thượng vị hiệu quả.
Trà hoa cúc có tác dụng làm dịu dạ dày, cải thiện tình trạng ợ chua và điều trị tình trạng đau thượng vị hiệu quả.
Trà bạc hà cũng có thể giảm đau thượng vị từng cơn, đặc biệt là cơn đau liên quan đến chứng khó tiêu. Tuy nhiên, người bệnh trào ngược dạ dày không nên sử dụng trà bạc hà, điều này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
3. Sữa chua
Sữa chua là một món ăn hàng ngày có thể cải thiện các vấn đề tiêu hóa và đau vùng thượng vị. Sữa chua có thể cân bằng hệ thống vi khuẩn trong đường tiêu hóa, làm dịu cơn đau và giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
4. Chườm nóng
Chườm nóng là cách đơn giản nhất để xoa dịu các cơn đau thượng vị từng cơn. Nhiệt độ có thể tác động đến các dây thần kinh ở dạ dày, giúp các mạch máu giãn nở tốt hơn, từ đó tăng cường lượng máu lưu thông và cải thiện cơn đau.
Mỗi lần chườm nóng, người bệnh chườm trong 10 – 15 phút. Ngoài ra, cần tránh để vật liệu nóng tiếp xúc trực tiếp với da, điều này có thể gây bỏng da.
5. Điều trị y tế
Nếu các triệu chứng đau thượng vị nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào chẩn đoán, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị như:
- Thuốc kháng acid: Các loại thuốc này thường có chứa muối nhôm và magiê, được kê đơn để cải thiện tình trạng viêm loét dạ dày bằng cách trung hòa acid trong dạ dày.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID thường được kê đơn để giảm đau vùng thượng vị. Thuốc cũng có thể điều trị sốt và viêm. Tuy nhiên, người bệnh viêm loét dạ dày không nên sử dụng NSAID để tránh các rủi ro không mong muốn.
- Thuốc chẹn thụ thể H2: Các loại thuốc này hoạt động bằng cách hạn chế quá trình sản xuất acid dạ dày, ngăn ngừa viêm và hình thành các vết loét.
Trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng đau thượng vị trở nên nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các loại thuốc điều trị. Đau thượng vị có thể gây tử vong nếu không được điều trị phù hợp.