Ho

Cơ bản

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể để giữ cho đường thở của bạn được thông thoáng. Bạn có thể bị ho do một căn bệnh về đường hô hấp chẳng hạn như hen suyễn, viêm họng, viêm phổi, cúm,... Bác sĩ có thể giúp bạn tìm ra nguyên nhân gây bệnh và hướng dẫn bạn cách chăm sóc sức khỏe tại nhà, nhằm giảm thiểu cơn ho một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Định nghĩa

Ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các chất kích thích ra khỏi đường hô hấp trên (cổ họng) và dưới (phổi). Có nhiều loại ho khác nhau. Người ta phân biệt chúng dựa vào âm thanh, thời gian ho và các vấn đề liên quan đến chất nhầy. Cụ thể như sau;

Các loại ho liên quan đến thời gian

  • Ho cấp tính: Kéo dài từ 2-3 tuần, diễn ra đột ngột và có thể tự khỏi.
  • Ho bán cấp tính: Kéo dài từ 3-8 tuần do người bệnh bị nhiễm trùng đường thở.
  • Ho mãn tính: Kéo dài hơn 8 tuần, ho lâu ngày không khỏi.
  • Ho dai dẳng: Ho mãn tính không đáp ứng với các phương pháp điều trị.

Các loại ho liên quan đến chất nhầy

  • Ho có đờm: Ho có chất nhầy hoặc đờm.
  • Ho khan: Ho không có chất nhầy hoặc đờm.

Phân loại ho theo âm thanh phát ra

  • Ho gà: Đây là bệnh nhiễm trùng gây ra tiếng ho khục khục như tiếng gà kêu. 
  • Ho như tiếng chó sủa: Tiếng ho này có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị viêm thanh khí phế quản.
  • Hò khò khè: Tiếng ho này xảy ra khi bạn bị tắc đường thở, có thể liên quan đến các bệnh như nhiễm trùng, cảm lạnh, hen suyễn,...

Các loại ho liên quan đến thời điểm ho

  • Ho ban ngày.
  • Ho vào ban đêm.
  • Ho kèm theo nôn mửa thường xảy ra với trẻ nhỏ, ho dữ dội đôi khi kèm theo nôn mửa.

Nhìn chung, ho là trạng thái bình thường của cơ thể. Tuy nhiên nếu bạn ho kéo dài hoặc ho ra chất nhầy đổi màu hoặc có máu có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nào đó. Đôi khi, ho có thể gây mệt mỏi, mất ngủ, chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu, tiểu không tự chủ, nôn mửa và thậm chí gãy xương sườn. Vì vậy bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra sức khỏe và can thiệp y tế kịp thời.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn bị ho, một số có thể kể đến như:

Do chất kích thích hoặc chất gây dị ứng

  • Khói thuốc.
  • Mùi mạnh (như chất tẩy rửa và nước hoa).
  • Mốc.
  • Bụi bẩn.
  • Phấn hoa.
  • Lông thú cưng.
  • Chất nhầy.
  • Thức ăn.
  • Một số loại thuốc.
  • Dị vật khác trong cổ họng.

Ho là phản xạ giúp đẩy dị vật và khỏi đường thở
Ho là phản xạ giúp đẩy dị vật và khỏi đường thở

Do bệnh lý đường hô hấp 

  • Cảm lạnh.
  • Cảm cúm.
  • Viêm phế quản.
  • Viêm tiểu phế quản cấp và mãn tính.
  • Viêm phổi.
  • Viêm xoang.
  • Dị ứng.
  • Hen suyễn.
  • Bệnh lao.
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
  • Ung thư phổi.
  • Thuyên tắc phổi.

Do bệnh lý khác

  • Chảy dịch mũi sau.
  • Suy tim.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
  • Rối loạn dây thanh âm.
  • Bệnh xơ nang.
  • COVID-19.

Chăm sóc tại nhà

Khi bạn hoặc những người thân gặp phải tình trạng ho kéo dài, bạn có thể tham khảo một số phương pháp giúp cải thiện bệnh tại nhà dưới đây.

  • Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng, chống chọi lại với bệnh tật. Đặc biệt nên ăn nhiều rau củ quả để đẩy lùi cơn ho được nhanh hơn.
  • Uống nhiều nước vì khi thiếu nước sẽ làm giảm sản xuất chất nhầy để giữ cho cổ họng được bôi trơn một cách tự nhiên. 
  • Súc miệng bằng nước muối góp phần giúp làm giảm ho, kháng khuẩn vùng hầu họng.
  • Nên chế biến thực phẩm dưới dạng lỏng như súp, cháo, canh, sinh tố, không nên dùng các loại đồ ăn cứng, có góc cạnh sẽ khiến cổ họng bị tổn thương.
  • Có thể sử dụng một số loại kẹo ngậm ho vị bạc hà hoặc mật ong để làm dịu cơn đau họng.
  • Nên uống đồ uống nóng, đặc biệt là các loại trà thảo mộc như: Trà hoa cúc, trà gừng, trà sả, trà cam thảo,...
  • Khi ngủ nên kê gối cao hơn để giảm cơn ho.
  • Một số nguyên liệu tại nhà có thể giúp giảm ho như: Mật ong, gừng, chanh, đường phèn, quất, lá hẹ, húng chanh, diếp cá,...

Gừng, mật ong, chanh đều có tác dụng giảm ho hiệu quả
Gừng, mật ong, chanh đều có tác dụng giảm ho hiệu quả

Khi nào đi khám bác sĩ?

Trong trường hợp bạn đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà trên nhưng vẫn không thấy bệnh tình có sự chuyển biến. Cơn ho vẫn kéo dài dai dẳng kèm theo các dấu hiệu khó chịu khác, Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị ho kéo dài kèm theo những dấu hiệu sau:

  • Thở khò khè hoặc có tiếng rít.
  • Sốt trên 38.5℃ kéo dài hơn 2-3 ngày
  • Đổ mồ hôi ban đêm.
  • Ớn lạnh.
  • Ho có đờm đặc màu vàng, xanh.
  • Ho ra máu.
  • Cảm giác nghẹt thở, khó thở.
  • Bị đau ngực dữ dội. 
  • Cơ thể tím tái mỗi lần ho.
  • Co giật ở trẻ nhỏ.
  • Ngủ li bì.
  • Bị ngất xỉu.
  • Sưng mắt cá chân.
  • Giảm cân không rõ lý do.
  • Nghẹn hoặc nôn.

Câu hỏi thường gặp

Những thắc mắc thường gặp về ho sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này:

Những ai dễ bị ho?

Ai cũng có thể bị ho, tuy nhiên tình trạng này sẽ xuất hiện nhiều ở các đối tượng như:

  • Thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử, dùng chất kích thích.
  • Bị bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh liên quan đến phổi.
  • Có cơ địa dị ứng.
  • Trẻ nhỏ do có hệ miễn dịch non nớt nên dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp.
  • Người có tuổi có hệ hô hấp bị suy yếu.
  • Công nhân làm việc trong môi trường khói bụi, tiếp xúc với nhiều hóa chất, bụi bẩn.

Ho có lây không?

Nếu người bệnh bị ho do bị nhiễm virus như: Virus cúm A, B, C, virus cúm gia cầm, virus Corona… thì trường hợp này có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người bình thường. Còn những trường hợp bị ho do vi khuẩn hoặc do các bệnh lý trào ngược dạ dày, ung thư phổi,... thì không có sự lây nhiễm.

Mang thai có bị ho không?

Mang thai không gây ho nhưng đa phần phụ nữ mang thai đều có hệ miễn dịch suy yếu nên dễ mắc phải các bệnh lý về đường hô hấp như cúm, viêm họng, viêm amidan,... Điều này thường gây ra những cơn ho kéo dài dai dẳng cho thai phụ.

Bên cạnh đó bà bầu bị ho còn do sự thay đổi của hormone trong cơ thể. Dẫn đến axit trong dạ dày bị trào ngược lên vùng hầu họng và gây ho. Một số loại hormone nếu tăng đột ngột sẽ gây trào ngược dạ dày như hormone progesterone hoặc hormone relaxin.

Ho ra máu là bệnh gì?

Ho ra máu ở người trưởng thành là hiện tượng khá nguy hiểm. Nó có thể là dấu hiệu của những căn bệnh như viêm phế quản, lao, giãn phế quản, hoại tử phổi, áp xe phổi, thậm chí là ung thư phổi. Còn nếu trẻ em bị ho ra máu rất có thể là dấu hiệu của hiện tượng nhiễm trùng đường hô hấp dưới hoặc bị mắc dị vật trong đường thở.

Chẩn đoán ho bằng cách nào?

Khi cơn ho kéo dài trên 3 tuần kèm theo các triệu chứng khó chịu như tức ngực, khó thở, ho ra máu,... bạn cần đến gặp bác sĩ để thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán như sau:

  • Chụp X-quang phôi để giúp bác sĩ phát hiện phổi và phế quản của bạn có bị tổn thương không.
  • Xét nghiệm đờm AFB để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng và xem bạn có bị lao phổi hay không.
  • Đo hô hấp ký để xác định đường thở của bạn có bị tắc nghẽn hay không, xét nghiệm này được chỉ định để chẩn đoán bệnh hen suyễn hoặc khí phế thủng.

Phòng ngừa cơn ho như thế nào?

Khi niêm mạc họng bị kích thích, cơn ho sẽ xảy ra. Vì vậy để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần giữ cho cổ họng luôn được khỏe mạnh. Một số phương pháp có thể tham khảo thực hiện như sau:

  • Tránh sử dụng các chất kích thích có hại cho hệ hô hấp, đặc biệt là thuốc lá, rượu bia.
  • Giữ ấm vùng mũi, họng vào mùa đông bằng cách mặc quần áo ấm, quàng khăn, uống đồ nóng.
  • Hạn chế uống nước lạnh hoặc các đồ ăn lạnh khác.
  • Tránh để mắc các bệnh như cảm cúm, cảm lạnh, viêm xoang, viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản,... có thể dẫn đến ho.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để sớm phát hiện những bất thường về sức khỏe để điều trị kịp thời.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để khử trùng.
  • Đánh răng và vệ sinh lưỡi hàng ngày để bảo vệ răng miệng khỏi vi khuẩn.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe để kịp thời điều trị.

Bị ho thường không có gì quá nghiêm trọng. Ho là một trạng thái bình thường của cơ thể giúp loại bỏ những dị vật trong cổ họng và đường hô hấp, gây khó chịu hoặc khiến bạn khó thở hơn. Nếu bạn xuất hiện các triệu chứng khác như khó thở, sốt, khó ăn hoặc khó ngủ, ho ra đờm có máu hoặc có màu, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android