Sưng Đầu Gối
Sưng đầu gối khiến độ linh hoạt và chức năng của đầu gối bị suy giảm đáng kể. Nếu không tiến hành xử lý đúng cách, tình trạng sưng đầu gối có thể gây ra một số biến chứng không mong muốn. Dưới đây là các nguyên nhân gây bệnh thường gặp và cách điều trị bạn có thể tham khảo.
Định nghĩa
Trên cơ thể người, đầu gối là cơ quan có chức năng nâng đỡ cơ thể và thực hiện các vận động cần thiết. Sưng đầu gối là tổn thương cấp tính tại đầu gối thường gặp, tình trạng này có thể xảy ra do chấn thương hoặc ảnh hưởng từ các bệnh lý mãn tính khác. Vị trí sưng ở sẽ có sự khác nhau ở từng trường hợp, có thể là khớp hoặc mô mềm quanh khớp gối.
Nguyên nhân
Dưới đây là một số nguyên nhân gây sưng đầu gối thường gặp bạn có thể tham khảo:
1/ Chấn thương: Triệu chứng sưng đầu gối có thể xảy ra khi một hoặc nhiều cơ quan bên trong khớp gối bị chấn thương. Ví dụ như xương, khớp, dây chằng, bao khớp, sụn khớp,... Nếu tình trạng chấn thương xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, máu sẽ tràn vào bên trong khoang khớp gây bầm tím da kèm theo sưng nóng. Nếu không điều trị y tế đúng cách, có thể gây ra nhiều rủi ro không mong muốn. Các dạng chấn thương gây sưng đầu gối thường gặp là bong gân, trật khớp, tụ máu tại khớp,...
2/ Nhiễm trùng: Mắc phải một số bệnh lý nhiễm trùng như nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhiễm trùng Chlamydia,... cũng có thể kích thích đến phản ứng của hệ miễn dịch và gây ra triệu chứng sưng khớp gối. Ở những trường hợp này, triệu chứng sưng khớp có thể tự biến mất theo thời gian hoặc sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn. Nếu bị nhiễm trùng do vi khuẩn, bạn cần điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt chúng.
3/ Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Đây là hiện tượng túi bao hoạt dịch bên trong khớp gối bị viêm và mất đi chức năng vốn có. Khi người bệnh vận động, ma sát giữa xương với các mô mềm xung quanh sẽ tăng lên và gây ra triệu chứng đau nhức. Bệnh lý này cần được điều trị đúng cách ngay từ sớm, tránh để lâu gây nhiễm khuẩn và đe dọa đến tính mạng.
4/ Thoái hóa khớp gối: Bệnh khởi phát khi lớp sụn bên trong khớp gối bị bào mòn và gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của khớp gối. Lúc này, dịch khớp gối sẽ sản sinh ra nhiều bất thường và khiến khớp gối trở nên sưng tấy. Ngoài ra, người bệnh còn phải đối mặt với một số triệu chứng đi kèm khác như đau nhức, cứng khớp,... Tuy nhiên, tình trạng sưng do thoái hóa khớp thường chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể cải thiện bằng các mẹo chăm sóc tại nhà.
5/ Bệnh Gout: Bệnh lý này khởi phát khi acid uric tích tụ tại khớp dưới dạng tinh thể muối sắc nhọn và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng sưng tấy và đau nhức dữ dội tại khớp, đặc biệt là khi về đêm. Thông thường, bệnh lý này sẽ gây ảnh hưởng đến ngón chân cái, nhưng cũng có một số trường hợp sẽ gây ảnh hưởng đến đầu gối hoặc các khớp lân cận. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh gout chỉ ảnh hưởng đến một khớp trong một thời điểm.
6/ Viêm khớp dạng thấp: Đây là bệnh lý tự miễn mãn tính, bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch tự tạo ra kháng thể để tấn công và phá hủy khớp. Triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là sưng đau, đỏ khớp, cứng khớp,... Thông thường, bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến khớp bàn tay, bàn chân và cổ tay. Nhưng cũng có nhiều trường hợp gây tổn thương đến các khớp lớn trên cơ thể, điển hình là khớp gối. Tổn thương do viêm khớp dạng thấp gây ra có tính chất đối xứng, nghĩa là tình trạng viêm sưng sẽ xảy ra ở cả hai bên đầu gối.
+ Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh
- Tuổi tác cao khiến hệ xương khớp bị suy yếu và dễ bị tổn thương.
- Béo phì khiến khớp gối phải chịu áp lực rất lớn và làm gia tăng nguy cơ viêm.
- Tham gia các bộ môn thể thao vận động khớp gối nhiều như đá bóng, bóng rổ,...
Chăm sóc tại nhà
Nếu triệu chứng sưng đầu gối chỉ diễn ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, bạn có thể tự cải thiện bằng cách chăm sóc tại nhà. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Tiến hành chườm lạnh giúp giảm tuần hoàn máu đến khớp gối và cải thiện triệu chứng viêm sưng. Chườm lạnh còn có tác dụng làm chậm sản sinh dịch khớp gối, ngăn chặn truyền tín hiệu đau về não bộ. Mỗi khi khớp gối bị sưng, bạn nên chườm lạnh khoảng 20 phút/lần và thực hiện tối đa 4 lần/ngày.
- Dùng băng nén đầu gối giúp cải thiện triệu chứng viêm sưng. Chú ý, không băng nén quá chật khiến tuần hoàn máu bên trong cơ thể bị cản trở. Điều này sẽ gây phản tác dụng và khiến triệu chứng của bệnh trở nên ngày càng tồi tệ hơn.
- Massage đầu gối giúp tuần hoàn máu tại khớp gối diễn ra tốt hơn và giúp dịch tại khớp thoát ra dễ dàng hơn. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên thoa tinh dầu lên khớp trước khi tiến hành massage.
- Dành thời gian để nghỉ ngơi giúp thư giãn khớp gối, từ đó quá trình phục hồi và sửa chữa tổn thương diễn ra tốt hơn. Cần ngừng các hoạt động thể thao hoặc các động tác có liên quan đến khớp gối. Thay vào đó, bạn hãy cố gắng gập duỗi đầu gối một cách nhẹ nhàng giúp cải thiện phạm vi chuyển động của khớp.
- Khi nghỉ ngơi, bạn nên nâng cao đầu gối giúp giảm lượng máu lưu thông về đầu gối. Từ đó, triệu chứng đau nhức và sưng đau tại khớp gối sẽ được cải thiện đáng kể.
- Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng có tác dụng tăng cường cơ bắp và hỗ trợ đầu gối. Các bài tập được chuyên gia khuyến khích tập luyện là thể dục nhịp điệu, bơi lội,...
Chỉ sau khoảng 3 ngày, triệu chứng sưng đầu gối sẽ được cải thiện đáng kể. Nhưng nếu tình trạng đau vẫn tiếp tục diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và hướng dẫn điều trị.
Câu hỏi thường gặp
Sưng đầu gối có nguy hiểm không?
Tình trạng sưng đầu gối xảy ra do các nguyên nhân thông thường thì bạn không cần quá lo lắng. Lúc này, bạn chỉ cần chăm sóc đúng cách, triệu chứng sưng đầu gối sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau đó. Ngược lại, nếu tình trạng sưng đầu gối diễn ra kéo dài hoặc tái phát nhiều lần thì bạn không được chủ quan trong việc điều trị y tế. Nếu không sẽ gây ra các biến chứng sau đây:
- Sưng đầu gối khiến hoạt động của cơ cũng bị ảnh hưởng, lâu dần cơ đùi sẽ dần bị suy yếu và teo lại.
- Hình thành nên khối u nang phía sau đầu gối nếu tình trạng sưng khớp gối xảy ra do tích tụ chất lỏng bên trong khớp.
Cần đến bệnh viện làm kiểm tra nếu thấy bản thân có các triệu chứng sau đây:
- Đầu gối bị sưng nghiêm trọng hoặc kéo dài trên 3 ngày
- Không thể duỗi hoặc uốn cong đầu gối
- Sưng đầu gối không đáp ứng điều trị nội khoa
- Da đầu gối bị nóng đỏ, đổi màu
- Sốt cao trên 38 độ
Điều trị
Với những trường hợp bị đau nhức nghiêm trọng hoặc đau kéo dài, bạn cần điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn. Hai phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến trong y khoa là dùng thuốc Tây y và phẫu thuật.
+ Dùng thuốc Tây y
Đây là phương pháp trị bệnh được ưu tiên áp dụng. Thành phần dược tính trong thuốc Tây y có tác dụng giảm nhanh triệu chứng sưng đau tại đầu gối cũng như các triệu chứng có liên quan khác. Các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc bôi ngoài da,...
Khi dùng thuốc Tây y để điều trị, bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng của thuốc hoặc tự ý mua thuốc về dùng. Điều này có thể không mang lại hiệu quả điều trị, ngược lại còn phát sinh biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
+ Can thiệp ngoại khoa
Phương pháp này được chỉ định thực hiện với những trường hợp sưng đầu gối do bệnh lý nghiêm trọng và không đáp ứng điều trị bằng phương pháp nội khoa. Các phương pháp can thiệp ngoại khoa thường được chỉ định thực hiện để điều trị bệnh sưng đầu gối là chọc hút dịch, nội soi khớp loại bỏ mô tổn thương, phẫu thuật thay khớp gối.
Các phương pháp điều trị bằng cách can thiệp ngoại khoa mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Vì thế, chúng chỉ được chỉ định thực hiện khi thực sự cần thiết. Người bệnh cần tìm hiểu kỹ về các phương pháp điều trị bệnh này và tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi áp dụng.
Biện pháp phòng ngừa
Như được nhắc ở trên, sưng đầu gối thường xảy ra do chấn thương hoặc ảnh hưởng từ các vấn đề về sức khỏe khác. Để phòng ngừa bệnh và hạn chế phát sinh biến chứng, bạn cần tránh để đầu gối bị chấn thương và có các biện pháp cải thiện sức khỏe tổng thể. Một số biện pháp phòng ngừa sưng đầu gối mà bạn có thể áp dụng tại nhà là:
- Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp cải thiện sức mạnh cơ quanh khớp, khi vận động sẽ hạn chế gây áp lực lên đầu gối. Ưu tiên thực hiện các bài tập tác động thấp như thể dục nhịp điệu dưới nước, bơi lội,...
- Sử dụng đồ bảo hộ mỗi khi chơi thể thao giúp bảo vệ khớp gối. Nên chơi thể thao và làm việc vừa sức, không nên đứng một chỗ hoặc ngồi quá lâu.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý để tránh gây áp lực lên khớp gối và làm chậm tốc độ thoái hóa khớp. Lên kế hoạch giảm cân khoa học khi bị thừa cân, béo phì.
- Tăng cường bổ sung vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày các loại thực phẩm giàu protein, canxi, vitamin D,... Đây đều là những thành phần dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe xương khớp.
Sưng đầu gối khiến độ linh hoạt cũng như chức năng của đầu gối bị suy giảm đáng kể. Ở trường hợp này, bạn cần thăm khám chuyên khoa tìm ra nguyên nhân để có thể lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị bệnh lý có thể để lại nhiều rủi ro không mong muốn.
Câu hỏi thường gặp
Người bị tràn dịch khớp gối có thể cải thiện triệu chứng bệnh bằng cách xoa bóp tại nhà nếu bệnh ở mức độ nhẹ. Xoa bóp đúng cách sẽ giúp kích thích tuần hoàn máu, giảm đau nhức khớp gối, đồng thời cải thiện khả năng vận động.
Trường hợp nhận thấy da có biểu hiện sưng tấy đỏ, nóng ấm, bạn tuyệt đối không nên xoa bóp, thay vào đó cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.
Xem chi tiết