Mụn Cám
Mụn cám là một trong những loại mụn phổ biến nhất, có thể gây ảnh hưởng đến mọi giới tính và độ tuổi. Dạng mụn này không gây đau đớn, đỏ da hoặc sưng viêm, nhưng cần được điều trị phù hợp để đảm bảo tính thẩm mỹ và ngăn ngừa các bệnh lý da liễu khác.
Định nghĩa
Mụn cám là những nốt mụn nhỏ li ti, thường xuất hiện ở các khu vực có nhiều tuyến bã nhờn, chẳng hạn như cằm và hai bên cánh mũi. Đây là một dạng mụn trứng cá nhẹ, có lớp sừng bên ngoài màu trắng hoặc đen, bên trong có nhân trắng đục. Nguyên nhân chính dẫn đến mụn cám là do bụi bẩn, tế bào chết hoặc các tác nhân khác gây tắc nghẽn các lỗ chân lông.
Mặc dù không gây đau đớn, viêm sưng, mưng mủ như các dạng mụn khác, tuy nhiên mụn cám rất phổ biến, gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Làn da bị mụn cám thường kém mịn màng, sần sùi, sạm màu và mất đi sự mềm mại tự nhiên.
Mụn cám là một thể mụn nhẹ, tuy nhiên, nếu không được điều trị phù hợp, mụn có thể phát triển thành các thể nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như mụn bọc, mụn đỏ hoặc mụn mủ. Trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc khi người bệnh nặn mụn thường xuyên, có thể dẫn đến viêm nhiễm và tổn thương cấu trúc da.
Hình ảnh
Triệu chứng
Mụn cám là những nốt mụn nhỏ, không bị viêm, đỏ hoặc sẹo mụn lớn. Loại mụn này có thể xuất hiện trên nhiều nơi trên khuôn mặt, chẳng hạn như cằm và mũi, tuy nhiên mụn cũng có thể gây ảnh hưởng đến vai, ngực hoặc lưng.
Cơ chế hình thành và các dấu hiệu phổ biến của mụn cám bao gồm:
- Tắc nghẽn lỗ chân lông: Các tuyến bã nhờn được bài tiết thông qua lỗ chân lông. Tuy nhiên, nếu tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hoặc khi các lỗ chân lông bị tắc nghẽn, có thể dẫn đến hình thành mụn ẩn, mụn cám và các dạng mụn khác.
- Tuyến bã nhờn hoạt động quá mức: Rối loạn hormone, đặc biệt là sự tăng cao của hormone testosterone có thể dẫn đến tăng sản xuất chất nhờn trên da và dẫn đến mụn.
- Nhiễm vi khuẩn Propionibacterium: Vi khuẩn Propionibacterium là nguyên nhân gây viêm nhiễm và khiến tình trạng tắc nghẽn tuyến bã nhờn trở nên nghiêm trọng hơn. Từ đó hình thành nhân mụn.
Ngoài ra, nếu không được chăm sóc đúng cách, mụn cám có thể dẫn đến một số dạng mụn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Mụn sẩn: Là các nốt mụn nhỏ li ti hoặc vết sưng trên da;
- Mụn đầu trắng và mụn đầu đen: Xảy ra khi các lỗ chân lông mở bị bịt kín.
Mụn cám là dạng mụn nhẹ nhưng có thể trở nên nghiêm trọng theo thời gian. Do đó, điều quan trọng là có kế hoạch chăm sóc, điều trị cũng như bảo vệ da phù hợp.
Nguyên Nhân
Hầu hết các trường hợp, nguồn gốc dẫn đến các loại mụn là do rối loạn nội tiết tố. Tuy nhiên, có một số nguyên nhân cũng như yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ hình thành mụn. Cụ thể các nguyên nhân dẫn đến mụn cám bao gồm:
1. Nguyên nhân nội tiết
Thay đổi hoặc rối loạn nội tiết tố tự nhiên có thể dẫn đến tiết nhiều bã nhờn hơn bình thường. Điều này khiến da bị quá tải và gây tắc nghẽn các lỗ chân lông. Tình trạng này là nguyên nhân chính dẫn đến nổi các nốt mụn li ti dày đặc ở mũi, trán hoặc cằm.
Ngoài ra, việc sử dụng thuốc nội tiết tố hoặc một số loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc tránh thai, có thể dẫn đến tăng lượng hormone một cách đột ngột. Điều này gây ra nhiều bã nhờn và hình thành mụn bọc hoặc mụn cám trên da.
2. Di truyền
Các chuyên gia da liễu cho biết, mụn trứng cá có yếu tố di truyền, tỷ lệ chiếm khoảng 50% các trường hợp. Di truyền là yếu tố khách quan, không thể phòng ngừa. Do đó bạn cần có kế hoạch chăm sóc phù hợp nếu trong gia đình có người bị mụn.
3. Vệ sinh da không phù hợp
Làm sạch da là điều cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với người thường xuyên trang điểm. Nếu tẩy trang không sạch, mỹ phẩm có thể tồn tại trên da, dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và mụn.
Trong trường hợp, da không được vệ sinh thường xuyên và đúng cách, có thể dẫn đến nhiễm khuẩn. Điều này cũng dẫn đến hình thành mụn.
4. Nhiễm trùng vi khuẩn
Vi khuẩn tồn tại trong không khí và có thể bám dính trên tay. Một số loại vi khuẩn có thể kích thích các tuyến bã nhờn hoạt động, gây tắc các lỗ chân lông và hình thành mụn cám. Bên cạnh đó, các thói quen, chẳng hạn như sờ tay lên mặt hoặc nặn mụn, có thể là khiến vi khuẩn lây truyền đến da và gây mụn.
Ngoài ra, một số vật dụng hàng ngày, chẳng hạn như khẩu trang, vỏ gối, vỏ chăn, có thể tồn tại vi khuẩn. Tiếp xúc với các vật dụng này có thể khiến vi khuẩn lây nhiễm vào da và dẫn đến mụn. Do đó, các bác sĩ da liễu khuyến cáo, mọi người nên thường xuyên vệ sinh đồ dùng cá nhân để phòng ngừa mụn.
5. Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng
Hiện tại có nhiều loại mỹ phẩm với thương hiệu, thành phần và công dụng khác nhau. Việc sử dụng mỹ phẩm không đúng công dụng hoặc lạm dụng có thể khiến các lỗ chân lông bị tắc nghẽn, hình thành mụn hoặc gây viêm da dị ứng ở mặt.
Trong trường hợp sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc chứa các thành phần gây kích ứng da, chẳng hạn như cortisone, có thể khiến da bị bào mòn và hư hỏng. Điều này khiến vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập vào da và gây hình thành mụn cám. Ngoài ra, các loại mỹ phẩm kém chất lượng có thể dẫn đến kích ứng da và gây ra nhiều nốt mụn nhỏ li ti, được gọi là mụn kích ứng.
6. Chế độ ăn uống thiếu khoa học
Những người có thói quen ăn nhiều dầu mỡ, chất béo hoặc uống nhiều rượu bia, thường có nguy cơ hình thành mụn cám cao hơn những người khác. Các chất kích ứng này có thể khiến tình trạng da trở nên xấu đi, dễ tổn thương và khiến mụn dễ hình thành.
7. Căng thẳng
Thường xuyên ở trong trạng thái căng thẳng, stress, áp lực, có thể khiến các cơ quan khác trong cơ thể hoạt động không bình thường. Chẳng hạn như quá trình trao đổi chất, tái tạo và phục hồi da có thể bị thay đổi khi người bệnh căng thẳng. Điều này khiến tình trạng da xấu đi, dễ bị tổn thương và hình thành mụn cám.
Ngoài ra, áp lực có thể làm tăng tình trạng tiết bã nhờn trên da. Điều này có thể dẫn đến rối loạn tiết bã nhờn, gây tắc lỗ chân lông và gây mụn.
Mụn trứng cá nói chung và mụn cám nói riêng thường phổ biến ở thanh thiếu niên. Tuy nhiên, người trưởng thành có phong cách sống thiếu khoa học, stress hoặc căng thẳng kéo dài, có thể dẫn đến hình thành mụn. Mụn ở người lớn thường khó trị và cần được chăm sóc phù hợp để duy trì sức khỏe da.
Biến chứng
Mụn cám tuy là loại mụn nhẹ, nhưng nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng:
- Viêm nhiễm: Tích tụ bã nhờn, bụi bẩn tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển, khiến mụn cám trở nên sưng đỏ, đau nhức.
- Sẹo và thâm: Mụn viêm nặng hoặc nặn không đúng cách để lại sẹo lõm, sẹo lồi, thâm khó điều trị, ảnh hưởng thẩm mỹ lâu dài.
- Mụn nặng hơn: Mụn cám có thể tiến triển thành mụn bọc, mụn nang, gây đau đớn và tổn thương sâu hơn.
- Rối loạn sắc tố: Viêm nhiễm kích thích sản xuất melanin gây thâm, nám, tàn nhang, khiến da không đều màu.
- Tổn thương tâm lý: Mụn cám và biến chứng làm người bệnh tự ti, mặc cảm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Phòng ngừa
Mụn cám là tình trạng phổ biến và rất khó để phòng ngừa, đặc biệt là khi mụn liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế mụn bằng cách lưu ý, chẳng hạn như:
- Thường xuyên rửa mặt sạch sẽ bằng nước ấm và sữa rửa mặt dịu nhẹ;
- Bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên;
- Giữ tay sạch sẽ và hạn chế sờ tay lên khuôn mặt;
- Hạn chế trang điểm và cố gắng sử dụng các sản phẩm dành cho da mụn hoặc không gây mụn. Ngoài ra, tẩy trang vào cuối này để làm sạch các lỗ chân lông.
Biện pháp chẩn đoán
Quan sát trực tiếp:
- Vị trí: Mụn cám thường tập trung ở những vùng da tiết nhiều dầu như trán, mũi, cằm (vùng chữ T), má.
- Đặc điểm: Các nốt mụn thường nhỏ li ti, không gây đau, sưng, tấy đỏ. Khi sờ vào, bề mặt da sẽ có cảm giác sần sùi, không mịn màng.
- Màu sắc: Mụn cám có màu trắng hoặc vàng nhạt do chứa bã nhờn, tế bào chết và bụi bẩn. Nếu mụn có màu đen, thường là do mụn cám tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa.
Lấy thông tin từ bệnh nhân:
- Tiền sử bệnh: Bệnh nhân có tiền sử mụn trứng cá, da dầu hay không?
- Chế độ chăm sóc da: Bệnh nhân có thường xuyên vệ sinh da, tẩy tế bào chết, sử dụng các sản phẩm kiềm dầu không?
- Chế độ ăn uống, sinh hoạt: Bệnh nhân có ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ, thức khuya, stress không?
Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán:
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sử dụng các phương pháp sau để chẩn đoán chính xác hơn:
- Soi da: Sử dụng đèn soi da để quan sát kỹ hơn các nốt mụn, lỗ chân lông.
- Phân tích da: Kiểm tra độ pH, độ ẩm, lượng dầu trên da để đánh giá tình trạng da.
Phân loại mức độ mụn cám:
- Mức độ nhẹ: Mụn cám chỉ xuất hiện rải rác, không gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
- Mức độ trung bình: Mụn cám xuất hiện nhiều hơn, da sần sùi rõ rệt.
- Mức độ nặng: Mụn cám xuất hiện dày đặc, kèm theo các vấn đề khác như lỗ chân lông to, da xỉn màu.
Biện pháp điều trị
Có nhiều phương pháp điều trị mụn cám, bao gồm điều trị tại nhà với các phương pháp tự nhiên, thay đổi chế độ ăn uống hoặc đến phòng khám da liễu điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều quan trọng là nắm rõ tình trạng của da để có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
Tùy thuộc vào mức độ mụn, các biện pháp điều trị bao gồm:
1. Tẩy tế bào chết
Tẩy tế bào chết là bước làm sạch da quan trọng và cần thiết để điều trị mụn cám. Bạn có thể sử dụng các chất hóa học hoặc các biện pháp cơ học để loại bỏ các tế bào chết trên da. Tẩy tế bào chết có thể cải thiện mụn cám bằng cách loại bỏ các tế bào gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Tẩy tế bào chết cũng giúp tăng hiệu quả của các phương pháp trị mụn, bằng cách cho phép các phương pháp thâm nhập sâu vào da, khi lớp da trên cùng đã được loại bỏ.
Có nhiều phương pháp cũng như sản phẩm tẩy tế bào chết khác nhau, bao gồm tẩy cơ học và hóa chất. Tuy nhiên, tẩy tế bào chết cơ học có thể gây kích ứng và tổn thương da. Do đó, bác sĩ thường khuyến khích bạn tẩy tế bào chết nhẹ nhàng với các sản phẩm có gốc axit salicylic hoặc glycolic.
2. Các biện pháp tự nhiên trị mụn cám
Mụn cám thường đáp ứng tốt các phương pháp tự điều trị tại nhà. Các mẹo đơn giản gồm:
- Mặt nạ mật ong và quế: Mật ong và quế có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và có thể ngăn ngừa mụn phát triển. Bạn chỉ cần trộn 2 thìa mật ong nguyên chất và 1 thìa quế để tạo thành hỗn hợp sệt. Rửa mặt sạch sẽ sau đó thoa hỗn hợp này lên da, để yên trọng 10 - 15 phút và rửa mặt lại với nước sạch.
- Tinh dầu tràm trà: Tình dầu tràm trà có khả năng chống vi khuẩn và giảm viêm da. Thoa tinh dầu này lên da có thể cải thiện mụn cám và một số loại mụn trứng các khác. Để thực hiện phương pháp này, bạn trộn 1 phần tinh dầu với 9 phần nước, dùng tăm bông thấm vào hỗn hợp và thoa nhẹ lên vùng da mụn 1 - 2 lần mỗi ngày.
- Thoa trà xanh lên da: Trà xanh có nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm vi khuẩn gây ra mụn. Bạn có thể ngâm trà xanh trong nước khoảng 3 - 4 phút, để trà nguội, dùng bông gòn nhúng nước trà và thoa lên vùng da mụn.
- Dưỡng ẩm với nha đam: Nha đam thường được sử dụng để điều trị trầy xước, phát ban, bỏng và các tính trạng da khác. Trong nha đam có chứa axit salicylic và lưu huỳnh giúp hỗ trợ điều trị mụn. Bạn có thể sử dụng thìa để cạo phần gel trong suốt từ lá nha đam, thoa trực tiếp lên da 1 - 2 lần mỗi ngày để giảm mụn cám.
- Bôi giấm táo: Giấm táo có tác dụng chống lại nhiều loại vi khuẩn và nấm, bao gồm vi khuẩn gây mụn. Giấm táo cũng chứa axit lactic, có thể cải thiện tình trạng sẹo mụn. Bạn có thể trộn 1 phần giấm táo với 3 phần nước, thoa nhẹ nhàng lên vùng da mụn, để yên trong 5 - 10 giây, sau đó lau khô da. Lặp lại quá trình 1 - 2 lần nếu cần thiết.
3. Sử dụng thuốc không kê đơn
Có nhiều sản phẩm trị mụn cám không kê đơn, từ nhẹ đến trung bình, bao gồm kem làm sạch, gel, sữa rửa mặt và các loại kem trị mụn khác. Tùy thuộc vào thành phần hoạt tính, các sản phẩm trị mụn có thể tiêu diệt vi khuẩn, làm sạch da và tăng tốc độ chữa lành cũng như tái tạo da mới.
Một số sản phẩm trị mụn không kê đơn bao gồm:
- Benzoyl peroxide: Đây là thành phần tiêu diệt vi khuẩn gây mụn, loại bỏ dầu thừa gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Tuy nhiên, sản phẩm có thể gây khô da, đóng vảy, đỏ rát và châm chích.
- Axit salicylic: Thành phần này có thể làm thông thoáng các lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn. Tác dụng phụ bao gồm châm chích và kích ứng nhẹ.
- Axit alpha hydroxy: Sản phẩm này có thể loại bỏ tế bào chết, giảm viêm và kích thích tái tạo da mới, mịn màng hơn.
- Lưu huỳnh: Lưu huỳnh có tác dụng tẩy các tế bào da chết, tránh gây tắc nghẽn lỗ chân lông và hỗ trợ loại bỏ dầu thừa trên da. Tác dụng phụ bao gồm khô da và một số sản phẩm đôi khi có mùi khó chịu.
4. Đông y hỗ trợ điều trị mụn cám
Đông y mang đến một phương pháp điều trị mụn cám toàn diện, tập trung vào việc giải quyết tận gốc nguyên nhân gây mụn từ bên trong cơ thể, đồng thời hỗ trợ làm dịu và cải thiện tình trạng da từ bên ngoài.
- Phân loại: Đông y không chỉ đơn thuần coi mụn cám là một vấn đề về da, mà xem xét tình trạng cụ thể của từng người để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Mụn cám có thể do nhiều nguyên nhân như nóng trong, can thận âm hư, hoặc tỳ vị hư yếu.
- Điều trị từ gốc: Thay vì chỉ loại bỏ mụn trên bề mặt da, Đông y tập trung vào việc điều hòa nội tiết, tăng cường chức năng gan, cải thiện hệ tiêu hóa, từ đó ngăn ngừa mụn tái phát.
- Kết hợp trong uống ngoài bôi: Đông y sử dụng các bài thuốc uống kết hợp với các phương pháp tác động bên ngoài như bôi thuốc, đắp mặt nạ, xông hơi từ thảo dược,... giúp tăng hiệu quả điều trị.
Thuốc uống:
- Bài thuốc "Bát vị tiêu phong ẩm": Giúp thanh nhiệt giải độc, lương huyết, tiêu viêm, thường dùng cho trường hợp mụn cám do nóng trong. Thành phần gồm: Bạch truật, bạch linh, phòng phong, bạch thược, xuyên khung, đương quy, cam thảo, sinh địa. Mỗi ngày người bệnh sắc uống 1 thang, chia nhỏ thuốc để dễ uống hơn.
- Bài thuốc "Nhị trần thang": Chuyên trị mụn cám do tỳ vị hư yếu, giúp kiện tỳ, hóa thấp, tiêu viêm. Thành phần gồm: Hoàng cầm, hoàng liên, chi tử, trần bì. Mỗi ngày người bệnh sắc uống 1 thang, chia nhỏ thuốc để dễ uống hơn.
- Bài thuốc "Gia giảm tả can hoàn": Dùng khi mụn cám do can thận âm hư, có tác dụng bổ âm, thanh can, dưỡng huyết, nhuận da. Thành phần: Đương quy, bạch thược, thục địa, sơn thù du, sơn dược, phục linh, trạch tả, mẫu đơn bì. Người bệnh có thể dùng dạng sắc uống như trên hoặc dạng viên hoàn.
Châm cứu, bấm huyệt:
Tác động vào các huyệt đạo giúp điều hòa kinh lạc, tăng cường tuần hoàn máu, đẩy nhanh quá trình đào thải độc tố, giảm viêm nhiễm. Các huyệt đạo thường được sử dụng để trị mụn cám bao gồm: Hợp cốc, khúc trì, thái xung, nội đình,...
Mụn cám tuy không nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và sự tự tin của mỗi người. Hiểu rõ nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng mụn cám hiệu quả, sở hữu làn da sạch khỏe, rạng rỡ. Đừng để mụn cám làm phiền bạn, hãy chủ động chăm sóc da và tìm đến sự tư vấn của chuyên gia nếu cần thiết.
Câu hỏi thường gặp
- Mụn bọc không thể tự hết. Càng để lâu, mụn càng chai, điều trị cũng ngày càng khó khăn, nguy cơ để lại sẹo trên da cao hơn.
- Thông thường nếu được điều trị đúng cách mụn bọc sẽ biến mất hoàn toàn khoảng sau ít nhất 3 tháng
- Nên vệ sinh da mặt đúng cách để ngăn ngừa mụn bọc
- Chuyên gia
- Cơ sở