Đau Gót Chân
Hiện tượng đau gót chân do nhiều nguyên nhân gây ra như đứng lâu, vận động sai tư thế, thường xuyên mang giày cao gót hoặc do bị béo phì... Tuy nhiên, nếu cơn đau ở gót chân kéo dài thì người bệnh nên thận trọng bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về cơ xương khớp cần được điều trị.
Định nghĩa
Đau gót chân là triệu chứng rất nhiều người gặp phải. Gót chân vốn là phần xương lớn nhất trên bàn chân và là khu vực chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể phía trên dồn nén xuống nên rất dễ bị tổn thương.
Cơn đau gót chân có thể chỉ diễn ra âm ỉ hoặc cũng có những trường hợp bị đau dữ dội, đau nhói bên trong. Cảm giác đau thường tăng nặng mỗi khi người bệnh di chuyển, đi lại, bưng bê đồ nặng hoặc dùng tay ấn vào vùng tổn thương.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây đau gót chân khá đa dạng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý về cơ xương khớp. Trong một số trường hợp, triệu chứng đau gót chân xảy ra do chấn thương hoặc áp lực lặp đi lặp lại trên gót chân.
Đau gót chân do các vấn đề về y tế
Nhiều vấn đề về sức khỏe có thể gây đau gót chân. Nếu tình trạng này kéo dài, bạn nên thận trọng đi khám để sớm phát hiện và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn. Vậy đau gót chân là bệnh gì?
1. Viêm cân gan bàn chân
Bệnh Viêm cân gan bàn chân còn có tên gọi khác là gai gót chân. Cân gan bàn chân là một dải chứa nhiều sợi mô mềm kéo dài từ chỏm xương bàn tới xương gót. Bộ phận này có chức năng duy trì đường cong sinh lý tự nhiên của bàn chân, giúp cho bàn chân có độ nhún mỗi khi vận động.
Do chịu nhiều áp lực và liên tục bị kéo căng quá mức, cân gan bàn chân có thể bị viêm. Tình trạng này nếu ảnh hưởng đến đoạn gân bám ở đầu gót chân thì người bệnh sẽ có biểu hiện sưng đau phần gót rõ ràng. Một số trường hợp cơn đau còn lan tỏa đến giữa bàn chân.
2. Gai xương gót chân
Gai xương gót chân được xem là hậu quả của bệnh lý viêm cân gan chân kéo dài. Khi cơ quan này bị viêm, cơ thể sẽ bù đắp canxi để sửa chữa tổn thương. Các tinh thể canxi có thể lắng đọng nhiều tại xương gót chân và hình thành nên gai xương.
Ở những người bị gai xương gót chân, cơn đau thường xảy ra sau khi vận động mạnh hoặc đứng lâu, ngồi nhiều. Lúc này, gai xương có thể gây tổn thương cho các phần mềm xung quanh khiến người bệnh có cảm giác đau nhói, khó chịu, thậm chí là sưng đỏ gót chân. Tuy nhiên, cũng có một số bệnh nhân bị gai xương gót chân nhưng lại không có biểu hiện đau gót do gai mới phát triển.
3. Hội chứng đường hầm cổ chân
Hội chứng này được đặc trưng bởi tình trạng chèn ép vào dây thần kinh chày sau do bị gãy xương hoặc có khối u. Người mắc hội chứng đường hầm cổ chân sẽ thường xuyên có cảm giác căng chặt hoặc bị đau ở gót chân hay vùng bàn chân. Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng như rối loạn cảm giác, tê rát ở gót chân, bàn chân...
4. Bệnh viêm bao hoạt dịch gót chân
Bao hoạt dịch ở gót chân là phần túi có chứa đầy chất lỏng hoạt động như một tấm đệm giảm áp lực cho hệ thống xương, gân hay cơ. Bộ phận này có thể bị viêm do vận động sai cách dẫn đến chấn thương hoặc do bị nhiễm trùng.
Trong trường hợp bị viêm bao hoạt dịch gót chân, người bệnh sẽ có cảm giác đau đớn dữ dội ở gót chân. Nếu tình trạng viêm ảnh hưởng đến các gân nằm sâu trong gót thì cơn đau càng âm ỉ kéo dài nghiêm trọng hơn.
5. Đau gót chân do bệnh viêm cột sống dính khớp
Đây là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây biến dạng cột sống và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Bệnh gây tổn thương viêm mãn tính cho vùng cột sống, khớp cùng chậu và có thể ảnh hưởng đến các khớp ở chi dưới.
Bệnh nhân bị viêm cột sống dính khớp có triệu chứng khá đa dạng. Dấu hiệu xuất hiện rõ ràng nhất là các cơn đau lưng kéo dài, nhất là ở vùng thắt lưng. Đôi khi, cơn đau còn lan xuống mông, đầu gối hoặc gót chân.
6. Viêm gân Achilles
Bệnh viêm gân Achilles cũng là một trong những nguyên nhân gây đau gót chân thường gặp. Bệnh gây tổn thương, sưng viêm cho dải gân cứng nối liền cơ bắp chân với xương gót chân do hoạt động quá mức.
Ngoài triệu chứng đau gót chân, người bị viêm gân Achilles còn gặp một số dấu hiệu bất thường khác như cứng bắp chân, gót chân sưng to, nóng ấm. Cơn đau kéo dài khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn khi đi lại, uốn cong chân. Phạm vi hoạt động của bàn chân cũng bị giới hạn đáng kể.
7. Bong gân hoặc căng cơ gót chân
Đây là những chấn thương thường gặp do bị té ngã, tai nạn hoặc do vận động, chơi thể thao không đúng cách. Tình trạng căng cơ hay bong gân gót chân có thể diễn ra ở mức độ nhẹ đến nghiêm trọng nên đôi khi các triệu chứng mỗi bệnh nhân gặp phải cũng không giống nhau.
Bầm tím, sưng tấy hay đau quanh gót chân là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Tình trạng này khiến cho nhiều bệnh nhân không thể đi lại bình thường. Nghỉ ngơi kết hợp với chườm lạnh có thể giúp xoa dịu bớt cơn đau và giảm sưng tấy cho gót chân.
8. Tuần hoàn máu kém
Người mắc bệnh lý về tim mạch hoặc có chấn thương ở vùng thắt lưng, hông hay chân thường có khả năng tuần hoàn máu kém. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp máu nuôi dưỡng gót chân, từ đó khiến bộ phận này bị suy yếu, dễ gặp chấn thương hoặc bị đau.
9. Gãy xương gót chân
Nếu gót chân bị đau nhức đột ngột sau khi bị chấn thương, tai nạn thì khả năng bị gãy xương gót chân rất cao. Cơn đau có khuynh hướng trở nên nghiêm trọng hơn khi bệnh nhân di chuyển hoặc chạm vào vùng tổn thương. Một số bệnh nhân bị đau tới mức bất tỉnh.
10. Bệnh Sever
Căn bệnh này còn có tên gọi khác là viêm bao gân gót chân. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến các vận động viên thể thao hay trẻ em trong độ tuổi từ 7 - 15.
Bên cạnh các cơn đau thường xuyên xuất hiện ở gót chân, người bị bệnh Sever còn có biểu hiện đi lại khập khiễng, sưng đỏ gót chân hoặc cứng khớp bàn chân sau khi ngủ dậy.
11. Bệnh viêm khớp phản ứng gây đau gót chân
Đôi khi, tình trạng đau ở gót chân còn xảy ra do bệnh viêm khớp phản ứng. Bệnh phát triển sau khi bị nhiễm trùng ở các cơ quan khác. Vì vậy, bên cạnh triệu chứng tại khớp như sưng đau gót chân, đau lưng, đau bàn chân thì bệnh nhân còn xuất hiện các vấn đề khác như viêm mắt, viêm da, viêm đường tiết niệu hay nhiễm trùng phụ khoa...
12. Các bệnh lý khác gây đau gót chân
Các bệnh lý trên là những nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân. Trong một số trường hợp, cơn đau có thể xuất phát từ những vấn đề ít gặp hơn như:
- Đứt gân gót chân
- Bệnh gout
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm tủy xương
- U thần kinh
- Rách gân gót chân
- U nang xương
- Bệnh thần kinh ngoại biên
Nguyên nhân gây đau gót chân không do bệnh lý
Áp lực được lặp đi lặp lại có thể gây tổn thương cho xương gót chân và các mô mềm xung quanh, từ đó dẫn đến đau gót chân. Tình trạng này có thể xuất phát từ những nguyên nhân như:
- Vận động sai tư thế
- Đứng lâu hoặc ngồi xổm nhiều
- Chơi thể thao quá sức
- Làm việc trong môi trường thường xuyên phải mang vác vật nặng
- Thừa cân, béo phì
- Mang giày cao gót hoặc giày dép có kích cỡ không phù hợp.
Chăm sóc tại nhà
Để gót chân bớt đau, người bệnh có thể áp dụng một số cách sau:
- Nghỉ ngơi nhiều: Khi bị đau gót chân, người bệnh nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Hạn chế các hoạt động làm tăng áp lực lên gót chân và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như ngồi xổm, đứng lâu, bưng bê đồ nặng... Thỉnh thoảng nên đi lại nhẹ nhàng và mát xa chân để không bị cứng khớp.
- Chườm đá lạnh: Phương pháp này có tác dụng gây tê, giảm sưng đau gót chân nhanh chóng cho các trường hợp mới bị chấn thương. Người bệnh chỉ cần lấy cục đá bọc lại trong một cái khăn mỏng rồi chườm trực tiếp lên gót chân bị đau trong 15 phút. Lặp lại sau mỗi 3 - 4 tiếng nếu cơn đau vẫn còn.
- Băng nẹp gót chân: Sử dụng băng nẹp y tế giữ cố định lại gót chân sẽ giúp hạn chế được những tác động từ bên ngoài đến khu vực bị ảnh hưởng. Hoạt động này cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho tổn thương bên trong nhanh lành hơn.
- Lựa chọn giày dép phù hợp: Phụ nữ đang bị đau gót chân không nên mang giày cao gót. Ngoài ra, khi mua giày dép cần chú ý lựa chọn đôi có kích cỡ phù hợp, mang vào thấy thoải mái và êm chân.
- Mặc trang phục rộng rãi: Tránh mặc quần áo bó sát làm ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu đến gót chân.
- Nâng cao chân khi nằm: Đặt một cái gối dưới gót chân để nâng chân cao hơn tim trong khi nằm sẽ giúp ngăn chặn được tình trạng tích tụ máu và dịch, giảm sưng đau gót chân.
- Ngâm chân vào nước muối Epsom: Phương pháp này có tác dụng giảm sưng đau ở gót chân, cải thiện tình trạng nhiễm trùng, đồng thời kích thích lưu thông máu và giúp làm thư giãn gân, cơ cùng dây thần kinh. Người bệnh chỉ cần lấy 3 thìa muối pha với một ít nước ấm. Sau đó ngâm gót chân vào 15 - 20 phút. Thực hiện vào buổi tối trước khi đi ngủ còn giúp ngủ ngon giấc hơn.
- Giảm cân: Trọng lượng cơ thể giảm sẽ giúp giải phóng áp lực cho vùng gót chân và giúp bệnh nhân bớt đau đớn. Trường hợp đang bị thừa cân, béo phì người bệnh nên có kế hoạch ăn uống và tập luyện khoa học để đưa cân nặng trở về mức khỏe mạnh.
Triệu chứng
Đôi khi, cơn đau còn xuất hiện kèm theo nhiều triệu chứng khác như:
- Sưng gót chân
- Nóng đỏ bên ngoài vùng da xung quanh gót chân
- Đi lại khập khiễng, khó khăn
- Cứng xương bàn chân...
Những cơn đau gót chân nhẹ, xuất hiện thoáng qua thường không đáng lo ngại và sẽ tự biến mất sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, một số bệnh nhân gót chân có biểu hiện đau nhức dữ dội và kéo dài cả ngày lẫn đêm làm ảnh hưởng đến khả năng đi lại, lao động cũng như chất lượng giấc ngủ của người bệnh.
Phương pháp chẩn đoán
Quá trình chẩn đoán bệnh được thực hiện nhằm mục đích xác định nguyên nhân gây đau gót chân và mức độ tổn thương bên trong để lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả. Bạn nên tới bệnh viện khám khi có các dấu hiệu nghiêm trọng như:
- Bị đau gót chân kéo dài dù đã nghỉ ngơi và áp dụng các mẹo giảm đau tự nhiên
- Cơn đau ngày càng tăng nặng
- Đau gót chân dữ dội, đột ngột
- Gót chân sưng phù, nóng đỏ
- Phạm vi cử động, đi lại bị hạn chế
Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số kỹ thuật cận lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây đau gót chân. Bao gồm:
- Chụp X-quang: Giúp phát hiện gai gót chân, nứt gãy xương gót chân hay các sự thay đổi bất thường trong cấu trúc của xương gót chân và các cơ xung quanh.
- Siêu âm hay chụp cộng hưởng từ MRI: Giúp quan sát rõ hơn về tình trạng viêm, mức độ viêm ở cân gan chân và nhiều vấn đề khác xảy ra ở bàn chân, gót chân.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được lấy máu làm xét nghiệm khi có nghi ngờ nhiễm trùng. Xét nghiệm công thức máu cũng giúp phát hiện một số nguyên nhân gây đau gót chân khác như bệnh viêm khớp dạng thấp hay bệnh gout.
Điều trị
Phương pháp chữa đau gót chân được lựa chọn tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau. Thông thường, các phương pháp điều trị nội khoa như dùng thuốc kết hợp với các mẹo giảm đau tự nhiên tại nhà thường được áp dụng trong giai đoạn đầu điều trị. Một số bệnh nhân được yêu cầu làm phẫu thuật để khắc phục các vấn đề liên quan, giúp tình trạng đau gót chân được khắc phục triệt để.
Dùng thuốc trị đau gót chân
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ kê đơn để cắt đứt cơn đau, đồng thời khắc phục nguyên nhân và các triệu chứng đi kèm. Dưới đây là các loại thuốc điều trị đau gót chân thường được chỉ định:
- Thuốc giảm đau: Trường hợp gót chân bị đau nhiều và các giải pháp tự nhiên không mang lại hiệu quả thì người bệnh có thể được đề nghị dùng các loại thuốc giảm đau như Acetaminophen, Paracetamol, Aspirin... Các thuốc giảm đau thuộc nhóm Opioid ít khi được chỉ định do có tính gây nghiện.
- Thuốc corticosteroid: Một số bệnh nhân được tiêm corticosteroid trực tiếp vào trong gót chân. Loại thuốc này có tác dụng chống viêm mạnh nên giúp hỗ trợ giảm sưng đau gót chân nhanh.
- Thuốc kháng viêm không steroid: Thuốc vừa có tác dụng kháng viêm, vừa giúp giảm đau gót chân. Thận trọng khi sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid cho bệnh nhân có vấn đề về dạ dày.
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này chỉ được bác sĩ kê đơn cho những bệnh nhân bị đau gót chân liên quan đến nhiễm trùng.
Chọc hút dịch chữa đau gót chân
Trường hợp bị đau gót chân do viêm bao hoạt dịch gót chân nặng, người bệnh có thể được chọc hút dịch kết hợp tiêm steroid để giảm đau và ức chế phản ứng viêm nhiễm bên trong. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim nhỏ để hút bớt dịch tích tụ trong bao hoạt dịch ra ngoài.
Phương pháp chọc hút dịch cần được thực hiện trong phòng vô khuẩn của các cơ sở y tế để tránh bị nhiễm trùng.
Điều trị đau gót chân bằng phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được đề nghị cho các đối tượng không đáp ứng với điều trị đau gót chân bằng nội khoa. Trong ca mổ, bác sĩ có thể loại bỏ gai xương cùng các mô bị tổn thương hoặc tách phần sụn chân ra khỏi xương gót chân... Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ mất một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, tập phục hồi chức năng để vết mổ hồi phục hoàn toàn trước khi trở lại làm việc.
Phòng tránh
Để giảm nguy cơ bị đau gót chân, bạn có thể thực hiện một số giải pháp đơn giản dưới đây:
- Mang giày dép có độ cao và kích cỡ phù hợp. Không mang giày có đế quá cứng.
- Không đứng hoặc ngồi liên tục trong nhiều giờ đồng hồ làm tăng áp lực cho gót chân. Trong trường hợp phải đứng lâu, ngồi nhiều, bạn nên dành ra vài phút sau mỗi tiếng làm việc để đứng lên đi lại, vận động nhẹ nhàng và mát xa cho bàn chân, gót chân.
- Không để chân trần đi trên nền cứng
- Kiểm soát tốt cân nặng, tránh để bị béo phì
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin D và canxi trong thực đơn để hệ cơ xương khớp phát triển khỏe mạnh, làm tăng sức chịu lực cho xương gót chân và cân gan bàn chân.
- Khám sức khỏe định kỳ và kiểm soát tốt các bệnh lý có thể gây đau gót chân.