Đau Gót Chân Khi Ngủ
Hiện tượng đau gót chân khi ngủ dậy do nhiều nguyên nhân gây ra như đi lại nhiều, đứng lâu vào ngày hôm trước, mang giày cao gót hoặc bị chấn thương. Đôi khi, đây còn là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về cơ xương khớp, bệnh da liễu hay bệnh ở dây thần kinh.
Định nghĩa
Nhiều người than phiền về tình trạng đau gót chân khi ngủ dậy. Hiện tượng này có thể diễn ra thường xuyên hoặc phát sinh sau khi bị chấn thương, té ngã… Lúc này, gót chân có thể chỉ bị đau thoáng qua, đau âm ỉ hoặc đau có tính chất dữ dội. Cơn đau tăng nặng khi đứng hay khi di chuyển và thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi. Đặc biệt, người bệnh còn có cảm giác đau buốt hoặc đau nhói khi đứng trên gót chân.
Kèm theo cảm giác đau gót chân, người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Sưng phù, viêm đỏ gót chân hoặc gan bàn chân
- Chạm vào khu vực bị đau thấy nóng ấm
- Có thể bị nóng sốt
- Căng cứng gót chân…
Nguyên nhân
Hiện tượng đau gót chân khi ngủ dậy xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong một số trường hợp đây còn là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý, bạn không nên xem nhẹ.
Đau gót chân khi ngủ dậy do nguyên nhân bệnh lý
Triệu chứng đau gót chân sau khi ngủ dậy thường được bắt gặp trong các bệnh lý sau:
Viêm cân gan bàn chân:
Bệnh ảnh hưởng đến dải gân nằm dưới lòng bàn chân, nối dài từ gót chân cho đến nền các ngón chân. Khi bị viêm cân gan bàn chân, vùng gót chân hay gan bàn chân có biểu hiện sưng, đau. Cảm giác đau thường trở nên rõ ràng khi bạn thực hiện những công việc gây áp lực lên bàn chân nhiều, chẳng hạn như đi bộ, chạy hoặc đứng dậy sau một thời gian dài nghỉ ngơi.
Cơn đau thốn ở gót chân cũng có thể xuất hiện đột ngột vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Một số trường hợp còn bị bầm tím ở gan bàn chân, gót chân. Chụp X quang có thể xuất hiện gai gót chân.
Viêm gân Achilles (viêm gân gót chân)
Tình trạng nhiễm khuẩn, chấn thương, áp lực lặp đi lặp lại ở gót chân hay thoái hóa có thể dẫn đến bệnh viêm gân Achilles. Các triệu chứng có thể gặp khi mắc căn bệnh này bao gồm:
- Đau thắt hoặc đau rát từng cơn ở xương gót chân. Cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, ngay cả khi vừa mới ngủ dậy.
- Sưng nhẹ ở các mô mềm quanh gân
- Gót chân hoặc bắp chân có biểu hiện căng cứng, nhất là vào buổi sáng khi mới thức dậy.
Gãy xương gót chân
Gãy xương gót chân là một chấn thương thường gặp khi bị tai nạn giao thông, té ngã hoặc chơi thể thao quá sức. Lúc này, bạn có thể gặp các cơn đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở gót chân. Cảm giác đau chỉ xuất hiện khi vận động hoặc đôi khi còn xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc khi mới thức giấc.
Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm:
- Sưng phù gót chân
- Khu vực bị gãy xương trở nên bầm tím, tụ máu
- Khó giữ thăng bằng cho cơ thể khi đứng dậy và không thể đi lại bình thường.
Hội chứng ống cổ chân:
Ở những người bị hội chứng ống cổ chân, dây thần kinh chày nằm bên trong ống xương bị chèn ép dẫn đến hiện tượng tê chân, đau đớn ở các khu vực như gót chân, mắt cá chân, lòng bàn chân hay đôi khi là ở cả các ngón chân.
Mặc dù cơn đau có thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi nhưng nó có thể bùng phát trở lại ngay sau khi ngủ dậy. Các trường hợp mắc hội chứng ống cổ chân cũng thường xuyên bị chuột rút lòng bàn chân.
Bệnh sẩn
Bệnh sẩn gây ra tổn thương ở phía bên gót chân dưới dạng các vết sưng mềm, màu vàng nhạt đến vàng. Nguyên nhân gây bệnh là do các mô liên kết mỏng manh tạo điều kiện cho chất béo xâm nhập vào tới lớp trên của da hoặc do bị khuyết tật collagen bẩm sinh. Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu máu cục bộ và gây đau gót chân khi ngủ dậy.
Hội chứng miếng đệm gót chân
Nếu thường xuyên bị đau gót chân khi ngủ dậy, bạn nên thận trọng với hội chứng miếng đệm gót chân. Bệnh xảy ra khi miếng đệm gót chân bị viêm nhiễm, tổn thương hay bị teo nhỏ. Cơn đau chủ yếu xuất hiện ở giữa gót chân.
Viêm tủy xương gót chân
Bệnh viêm tủy xương gót chân thường phát triển sau khi bị nhiễm trùng ở các mô mềm xung quanh. Bệnh nhân có thể thường xuyên bị đau thốn gót chân ngay cả khi ngồi, nằm, khi di chuyển hay lúc mới ngủ dậy.
Một số triệu chứng khác của bệnh viêm tủy xương gót chân:
- Sốt
- Sưng tấy gót chân
- Vùng nhiễm trùng nóng đỏ.
Dị tật Haglund (Phì đại góc sau trên xương gót)
Căn bệnh này khiến cho phần phía sau gót chân bị sưng lên và gây đau. Bệnh ảnh hưởng nhiều hơn đến những người phụ nữ còn trẻ tuổi. Nguyên nhân là do mang giày dép không vừa vặn, nhiễm khuẩn, chấn thương, tổn thương thần kinh hay do xơ vữa mạch máu chi dưới.
U xương gót chân
Một số trường hợp bị đau gót chân khi ngủ dậy do u xương. Bệnh hiếm gặp nhưng gây ra các cơn đau sâu và kéo dài. Cảm giác đau nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
Hội chứng sinus tarsi
Sinus tarsi là tên một hội chứng bệnh có thể gây ra sự mất ổn định các khớp ở bàn chân, mắt cá chân, nhất là khi chạy nhảy hoặc di chuyển trên bề mặt không bằng phẳng. Bệnh nhân còn bị đau ở gót chân vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Bệnh gout
Bệnh gout gây tích tụ nhiều axit uric khiến cho gót chân bị viêm. Khi bị đau gót chân do bệnh gout, cơn đau thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm hay buổi sáng khi ngủ dậy, có tính chất dữ gội đến mức không thể đi lại được . Người bệnh còn bị sưng phù, nóng đỏ gót chân, mắt cá chân hay bàn chân.
Các bệnh lý ngoài xương khớp:
- Đau dây thần kinh tọa
- Viêm dây thần kinh ngoại biên
- Viêm da hoặc nấm gót chân
- Tiểu đường
- Viêm cột sống dính khớp
- Viêm khớp dạng thấp
- Viêm khớp phản ứng.
Các nguyên nhân khác gây đau gót chân khi ngủ dậy
Không phải trường hợp nào bị đau gót chân sau khi ngủ dậy cũng là do bệnh lý. Đôi khi, hiện tượng này còn xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- Phụ nữ mang giày cao gót thường xuyên hoặc nam giới đi giày dép quá chật.
- Đứng lâu hoặc đi lại nhiều vào ngày hôm trước
- Khiêng vác đồ nặng gây dồn trọng lực vào bàn chân, gót chân nhiều
- Béo phì làm gia tăng áp lực lên vùng gót chân và khiến khu vực này bị tổn thương, sưng đau.
- Ngủ không đúng tư thế khiến gót chân bị tì đè trong thời gian dài hoặc giảm lưu lượng máu đến vùng gót chân.
- Đi chân trần trên bề mặt cứng.
Chăm sóc tại nhà
Một số mẹo tự nhiên có thể giúp xoa dịu cơn đau gót chân ở mức độ nhẹ. Thay vì sử dụng thuốc, bạn có thể áp dụng những cách dưới đây để cắt đứt cơn đau.
Massage gót chân
- Thoa một ít tinh dầu gừng hoặc tinh dầu oải hương lên vùng gót chân bị đau
- Xoa bóp nhẹ nhàng quanh gót chân và mở rộng phạm vi massage đến cổ chân, gan bàn chân và các ngón chân.
- Thực hiện trong khoảng 10 phút.
Phương pháp này có tác dụng làm thư giãn các gân, cơ và dây thần kinh, giảm co thắt cơ và giúp người bệnh bớt đau. Bên cạnh đó, động tác massage còn làm tăng tuần hoàn máu, giảm sưng viêm gót chân, giúp tổn thương bên trong nhanh được chữa lành.
Chườm lạnh:
Chườm đá lạnh cũng giúp giảm đau gót chân khi ngủ dậy nhanh chóng bằng cách gây tê dây thần kinh cảm giác. Đối với các trường hợp đang bị viêm gót chân hay viêm cân gan bàn chân, giải pháp này còn giúp giảm sưng hiệu quả.
Cách thực hiện:
- Bạn bỏ đá lạnh vào trong túi chườm
- Quần thêm một lớp khăn mỏng bên ngoài rồi chườm lên vùng gót chân bị sưng đau. Có thể để túi đá dưới sàn rồi đặt gót chân lên hoặc ngâm gót chân vào trong thau nước đá có độ lạnh vừa phải.
- Thực hiện trong 20 phút. Lặp lại 3 – 4 lần trong ngày nếu vẫn còn bị đau.
Giảm cân
Giảm cân là việc làm cần thiết đối với các trường hợp bị đau gót chân có liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì. Việc duy trì chỉ số cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp giảm bớt áp lực lên chi dưới, nhất là phần gót chân. Điều này góp phần tích cực vào việc giảm đau và giảm nguy cơ bị chấn thương hay mắc các bệnh lý ở gót chân.
Ngâm chân vào nước muối Epsom
Nước muối Epsom có tác dụng sát trùng, tiêu viêm, giảm đau, tăng cường lưu thông máu đến chữa lành tổn thương ở gót chân. Nếu thường xuyên bị đau gót chân khi ngủ dậy, bạn nên ngâm chân mỗi ngày bằng nước muối ấm trước lúc đi ngủ vào buổi tối. Thói quen này cũng giúp bạn ngủ ngon giấc hơn.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày:
- Mang giày dép có kích cỡ phù hợp, tránh mang giày có gót quá cao
- Không cố gắng khiêng vác, bưng bê đồ nặng quá mức
- Nằm ngủ đúng tư thế, tránh nằm đè lên một bên chân quá lâu. Bạn có thể nằm ngửa và kê một cái gối để nâng cao gót chân khi nằm, giúp giảm sưng đau khi ngủ dậy.
- Tập thể dục mỗi ngày. Lựa chọn các môn thể thao vừa sức kết hợp rèn luyện các bài căng duỗi bắp chân, đáy bàn chân để giảm hiện tượng co cơ, xoa dịu cơn đau và giúp các cơ có sức chịu lực tốt hơn.
Chẩn đoán
Trong một số trường hợp, cơn đau ở gót chân có thể biến mất trong thời gian ngắn hoặc cảm giác đau khá nhẹ, không đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài thì tình trạng này có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý cần được chẩn đoán và điều trị.
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu:
- Thường xuyên bị đau gót chân khi ngủ dậy
- Cơn đau kéo dài quá vài ngày không thuyên giảm
- Bạn bị đau gót chân dữ dội hoặc cảm giác đau ngày càng tăng nặng
- Cơn đau gây cản trở việc đi lại
- Có dấu hiệu của nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt, nóng đỏ ở vùng da quanh gót chân.
Tại phòng khám chuyên khoa, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng, thăm khám ngoài gót chân kết hợp với các phương pháp cận lâm sàng như xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp MRI… để chẩn đoán nguyên nhân gây đau gót chân khi ngủ gây và tình trạng tổn thương ở gót chân.
Điều trị
Nếu không đáp ứng được với các phương pháp giảm đau tại nhà, bạn nên đi khám để được điều trị bằng y tế. Tùy theo nguyên nhân, mức độ đau và tình trạng tổn thương ở gót chân, bác sĩ có thể chỉ định những cách sau:
Dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau thông thường: Paracetamol
- Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid: Diclofenac, Diclofenac hay Meloxicam…
- Tiêm corticoid tại chỗ
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc kháng sinh…
Vật lý trị liệu:
- Thực hiện các bài tập phục hồi chức năng, bài tập tăng cường sức mạnh cho hệ thống cơ bắp ở chân.
- Điều trị bằng siêu âm
- Chiều đèn hồng ngoại
- Sóng ngắn trị liệu…
Phẫu thuật chữa đau gót chân khi ngủ dậy
Một số bệnh nhân được chỉ định mổ khi:
- Bị đau gót chân kéo dài ảnh hưởng đến khả năng vận động, làm giảm chất lượng sống của người bệnh.
- Không đáp ứng được với các phương pháp điều trị bảo tồn
- Có chấn thương nghiêm trọng ở gót chân, chẳng hạn như đứt gân, gãy xương gót…
Khi làm phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ các mô bị viêm, khâu lại vị trí bám của gân can bàn chân ở gót hay nối xương tùy theo nguyên nhân gây đau.
Các phương pháp điều trị bổ sung:
- Châm cứu
- Xoa bóp bấm huyệt
- Mang đai nẹp cố định gót chân…
Như vậy, tình trạng đau gót chân khi ngủ dậy là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn. thường xuyên bị đau hoặc cơn đau có tính chất kéo dài, bạn nên thận trọng tìm đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị từ sớm.