Đau Xương Cụt
Đau xương cụt là hiện tượng đau nhức xảy ra bên trong cấu trúc hoặc xung quanh phần xương cụt. Cơn đau thường khởi phát khi bạn ngồi cố định một chỗ trong thời gian dài. Tính chất cơn đau có thể là âm ỉ hoặc đau nhói, gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.
Định nghĩa
Xương cụt hay còn được gọi là xương cùng, đây là phần xương nằm ở cuối cùng của cột sống. Tại xương cụt, các đốt sống có kích thước khá nhỏ và chúng dính liền với nhau. Chức năng chính của xương cụt là phối hợp với khung chậu để nâng đỡ cơ thể, giữ thăng bằng khi ngồi, ổn định cột sống, hỗ trợ thực hiện các động tác như đi đứng,...
Đau xương cụt là hiện tượng đau nhức xảy ra ở gần vị trí mông và hông. Ở những trường hợp nặng, cơn đau sẽ phát triển lan rộng đến cả háng và chân. Thống kê y khoa cho thấy, nữ giới là đối tượng có nguy cơ bị đau xương cụt cao gấp 5 lần so với nam giới. Cơn đau thường khởi phát sau khi vùng xương này bị chấn thương, do thói quen ngồi lâu, ảnh hưởng từ việc sinh nở,...
Nguyên nhân
Tình trạng đau xương cụt có thể khởi phát do tác động từ rất nhiều nguyên nhân. Bạn cần phải xác định chính xác nguyên nhân gây đau thì mới có thể lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Dưới đây là các nguyên nhân gây đau xương cụt thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
+ Lão hóa: Khi đã bước qua độ tuổi trung niên, quá trình lão hóa xương khớp sẽ diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Lúc này, mô sụn sẽ dần bị bào mòn và làm gia tăng mức độ cọ xát tại các đầu xương mỗi khi vận động. Điều này đã kích thích phản ứng viêm tại cột sống và gây ra triệu chứng đau nhức. Tình trạng này có thể xảy ra ở cột sống cổ, cộ sống lưng và cả cột sống đáy chậu.
+ Chấn thương: Cột sống chịu tác động mạnh khi chơi thể thao hoặc ngã tiếp xúc mông cũng sẽ khiến xương cụt bị tổn thương. Nếu chấn thương diễn ra với mức độ nhẹ thì chỉ có triệu chứng bầm tím da. Nhưng nếu bị chấn thương nghiêm trọng thì sẽ gây ra tình trạng trật khớp hoặc gãy xương. Lúc này người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức dữ dội tại vùng xương này.
+ Mang thai: Khi mang thai, hoạt động của xương khớp trở nên kém linh hoạt hơn do sự gia tăng của nồng độ hormone relaxin và estrogen. Đồng thời, với sự phát triển quá mức của thai nhi vào cuối thai kỳ còn khiến cơ và dây chằng xung quanh xương cụt bị căng giãn quá mức, điều này đã gây kích thích không tốt đến xương cụt và khiến mẹ bầu phải đối mặt với triệu chứng đau nhức khá khó chịu.
+ Sinh con: Khi phụ nữ sinh con qua đường âm đạo, thai nhi sẽ chèn ép quá mức lên xương cụt và khiến chức năng của sàn chậu bị rối loạn. Điều này cũng đã kích thích khởi phát cơn đau nhức ở xương cụt sau khi sinh.
+ Tư thế xấu: Việc duy trì các tư thế vận động xấu khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau xương cụt thường gặp. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến ở nhân viên văn phòng, tài xế lái xe,...
+ Thừa hoặc thiếu cân: Tình trạng đau xương cụt cũng có thể khởi phát nếu bạn bị thừa hoặc thiếu cân. Thừa cân sẽ làm gia tăng áp lực lên xương cụt, thiếu cân sẽ làm gia tăng cọ xát giữa xương cụt với mô xung quanh. Cả hai yếu tố trên đều là điều kiện thuận lợi để khởi phát cơn đau nhức ở vùng xương cụt
+ Táo bón, trĩ: Khi bị táo bón, bạn phải dùng nhiều sức để rặn mỗi khi đi tiêu giúp đẩy phân ra bên ngoài. Thói quen rặn mạnh này đã gây áp lực không tốt lên xương cụt và kích thích khởi phát cơn đau. Ngoài ra, táo bón hay trĩ đều khiến ổ bụng phải chịu áp lực rất lớn và hình thành nên cơn đau nhức ở xương cụt.
+ Bệnh lý: Đau xương cụt cũng có thể khởi phát do tác động từ một số bệnh lý khác như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa đốt sống cùng, loãng xương,... Nếu tình trạng này xảy ra ở nữ giới thì cũng có thể là dấu hiệu của bệnh phụ khoa, viêm đường tiết niệu hoặc hệ quả của việc đặt vòng tránh thai.
+ Ung thư: Đau xương cụt là dấu hiệu hiếm gặp của bệnh ung thư hoặc ung thư đã bước vào giai đoạn di căn. Đây là bệnh lý nguy hiểm và đe dọa trực tiếp đến mạng sống của người bệnh.
Chăm sóc tại nhà
Nếu tình trạng đau nhức chỉ mới khởi phát và có mức độ không quá nghiêm trọng, bạn hoàn toàn có thể tự cải thiện bằng các mẹo đơn giản tại nhà. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết bạn có thể tham khảo
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi giúp làm thư giãn đốt xương và hệ thống dây chằng xung quanh. Từ đó, triệu chứng đau nhức sẽ dần được cải thiện. Người bệnh nên nằm nghỉ trên ghế mềm và có lưng tựa.
- Ngồi làm việc đúng tư thế, sử dụng đệm được thiết kế dành riêng cho người bị đau xương cụt giúp hạn chế gây áp lực lên xương khi ngồi. Tránh ngồi lâu hoặc duy trì một tư thế tĩnh trong thời gian dài, nên thường xuyên đứng dậy để vận động cơ thể.
- Tiến hành chườm nóng hoặc tắm nước ấm giúp tăng lưu thông máu, giảm viêm sưng và giảm đau. Ngoài ra, tắm nước ấm còn giúp bạn ngủ ngon hơn và giải tỏa căng thẳng khá tốt.
- Áp dụng phương pháp chườm lạnh với những trường hợp bị đau xương cụt do chấn thương. Chườm lạnh có tác dụng làm co mạch, ngăn chặn truyền tính hiệu đau về não bộ.
- Xoa bóp vùng xương cụt giúp tăng tuần hoàn máu đến khu vực này, làm thư giãn dây chằng và cơ bắp, mang lại hiệu quả giảm đau. Đồng thời, massage còn có tác dụng làm dịu tổn thương tại dây thần kinh, giúp người bệnh thư giãn và dễ ngủ hơn.
- Sử dụng trang phục rộng rãi và thoải mái, không nên mặc quần áo bó để tránh gây áp lực không tốt lên xương sống.
Triệu chứng
Chuyên gia cho biết, đau xương cụt là triệu chứng không quá nguy hiểm và có thể cải thiện chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng. Nhưng nếu tình trạng đau nhức diễn ra kéo dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết tình trạng đau xương cụt bạn có thể tham khảo:
- Xuất hiện cơn đau nhức hoặc đau nhói ở vùng xương gần mông hoặc hông. Cơn đau có tính chất âm ỉ hoặc đau nhói như điện giật, đau nhói thường xảy ra khi có va chạm hoặc khi vận động
- Cơn đau nhức tại xương cụt sẽ trở nên nặng hơn khi người bệnh thực hiện một số vận động như ngồi xuống, đứng lên, đi đại tiện, quan hệ tình dục,... Nếu bạn nghỉ ngơi, cơn đau sẽ thuyên giảm đáng kể.
- Với những trường hợp bệnh nặng, cơn đau có thể lan rộng ra hết vùng mông rồi đến lưng, hông và chân.
- Dựa vào nguyên nhân gây đau nhức mà người bệnh sẽ có thêm một số triệu chứng đi kèm khác như yếu cơ, yếu chi, tê bì, buồn nôn và nôn, đau quặn bụng, khó chịu khi đến kỳ kinh nguyệt,...
Cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ nếu rơi vào các trường hợp sau đây:
- Tình trạng đau nhức không có dấu hiệu thuyên giảm mà trở nên ngày càng nặng.
- Xuất hiện triệu chứng đau nhức mỗi khi đứng lên, ngồi xuống hoặc cúi người.
- Có thêm một số triệu chứng toàn thân như nóng sốt, chán ăn, mệt mỏi, chảy máu,...
Thực tế, đa số các trường hợp bị đau xương cụt đều khởi phát do nguyên nhân chấn thương vật lý nên bạn không cần phải quá lo lắng. Ở những trường hợp này, bạn chỉ cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và hạn chế vận động, từ đó triệu chứng của bệnh sẽ thuyên giảm đáng kể. Còn trường hợp đau xương cụt do bệnh lý thì cần điều trị đúng cách để tránh phát sinh ra các biến chứng như hạn chế vận động, teo cơ, liệt chi,...
Điều trị
Khi bị đau xương cụt bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh lý, kiểm tra triệu chứng và yêu cầu làm xét nghiệm cận lâm sàng giúp xác định nguyên nhân cũng như mức độ tổn thương tại xương. Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là các cách điều trị đau xương cụt được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:
Dùng thuốc Nam trị bệnh
Sử dụng các cây thuốc Nam trong vườn nhà để cải thiện tình trạng đau xương cụt có độ an toàn cao và mang lại hiệu quả khá tốt với những trường hợp bệnh nhẹ. Tuy nhiên, phương pháp trị bệnh này mang lại hiệu quả khá chậm, bạn cần phải kiên trì thực hiện trong thời gian dài thì tình trạng bệnh mới có chuyển biến tốt. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn có thể tham khảo:
- Dùng lá lốt: Lấy khoảng 5 - 10 gram lá lốt khô đem đi rửa sạch rồi sắc cùng với 3 bát nước trên lửa nhỏ. Khi nước cạn còn 1 bát thì tắt bếp, chắt lấy lượng nước sắc thu được chia thành hai phần để sử dụng vào mỗi buổi sáng và chiều.
- Dùng ngải cứu: Ngải cứu sau khi mua về đem rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo sao nóng cùng với muối hạt. Sau đó, bọc hỗn hợp trên trong túi vải sạch rồi chườm trực tiếp lên vùng xương cụt từ 5 - 10 phút. Nếu hỗn hợp nguội, bạn có thể đem đi sao nóng trở lại rồi tiếp tục chườm. Thực hiện cách này khoảng 2 lần/ngày là được.
- Dùng dây đau xương: Dây đau xương đem rửa sạch, dùng dao thái nhỏ rồi sao nóng. Cho dược liệu đã sơ chế vào lọ thủy tinh sạch rồi để rượu vào theo tỉ lệ 1:5. Ngâm hỗn hợp trên trong khoảng 1 tháng là có thể lấy ra dùng. Mỗi lần sử dụng, bạn chỉ cần chắt lấy 15ml rượu rồi uống trong bữa ăn, sử dụng khoảng 3 lần/ngày là được.
Điều trị y tế
Nếu tình trạng đau xương cụt không thể cải thiện bằng các mẹo ở trên, bạn cần thăm khám chuyên khoa và điều trị y tế. Dùng thuốc Tây y và vật lý trị liệu là phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến nhất. Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu làm phẫu thuật.
+ Dùng thuốc Tây y
Dùng thuốc Tây y theo đơn kê giúp kiểm soát nhanh chóng triệu chứng đau nhức khó chịu do bệnh gây ra. Dựa vào mức độ đau nhức cũng như nguyên nhân gây đau nhức, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Các loại thuốc thường được sử dụng là:
- Thuốc giảm đau
- Thuốc chống viêm NSAIDs
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau thần kinh
Dùng thuốc Tây y trị bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh ra các tác dụng phụ. Không tự ý mua thuốc về dùng hoặc thay đổi liều lượng khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
+ Vật lý trị liệu
Các liệu pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng để cải thiện tình trạng đau xương cụt là nhiệt trị liệu, điện trị liệu, châm cứu bấm huyệt,... Ngoài ra, chuyên gia còn yêu cầu người bệnh tập luyện thêm một số bài tập có tác dụng tới khung xương chậu và giảm cảm giác đau nhức tại xương cụt.
+ Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định thực hiện với những người hợp đau xương cụt do biến chứng của các bệnh lý như viêm khớp cùng chậu, thoát vị đĩa đệm,... Lúc này, các bệnh lý này đã chuyển biến nặng, chèn ép lên thần kinh và tủy sống, tăng tốc độ phá hủy sụn khớp.
Phương pháp này có tác dụng điều trị dứt điểm bệnh lý nhưng khá tốn kém và cần nhiều thời gian để phục hồi. Đồng thời, trong và sau khi phẫu thuật cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không mong muốn.
Phòng ngừa
Đau xương cụt có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là những người có tính chất công việc ngồi nhiều. Để hạn chế khởi phát cơn đau và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bạn cần chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa sao cho phù hợp. Cụ thể là:
- Điều chỉnh tư thế ngồi cho đúng để tránh gây áp lực lên cột sống. Không nên ngồi bắt chéo chân hoặc ngồi nghiêng trong một bên. Thường xuyên vận động cơ thể giúp máu huyết lưu thông, tránh ngồi lâu một chỗ.
- Sử dụng gối chuyên dụng dành cho người bị đau xương cụt giúp giảm đau nhức và phòng ngừa cơn đau khởi phát. Không nên ngồi quá lâu lên bề mặt cứng. Nếu cơn đau xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, bạn nên hướng người về phía trước hoặc cong lưng lại mỗi khi đứng lên.
- Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, tránh tình trạng thừa cân béo phì. Với những người bị thừa cân, nên tiến hành giảm cân khoa học bằng cách ăn uống lành mạnh và tập luyện thể dục thể thao. Tránh giảm cân quá nhanh hoặc áp dụng các biện pháp giảm cân thiếu khoa học.
- Điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho phù hợp. Mang vác vật nặng đúng tư thế, hạn chế mang vác vật quá nặng. Cân bằng giữa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Phòng ngừa táo bón, không nên rặn mạnh mỗi khi đi đại tiện
- Bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ. Hạn chế tiêu thụ đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ,... Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày bằng nước lọc, sữa, nước trái cây tươi,... Nói không với đồ uống có cồn và đồ uống chứa chất kích thích.
- Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao giúp cải thiện sức khỏe xương khớp. Bạn cũng cần tránh tham gia các hoạt động thể thao gây ảnh hưởng không tốt đến xương cụt như đạp xe, đua thuyền,...
- Ngay khi có các triệu chứng bất thường tại vùng xương cụt mà không rõ nguyên nhân, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám chuyên khoa để xác định tình trạng bệnh và được hướng dẫn điều trị đúng cách.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng đau xương cụt bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Ngay khi có các dấu hiệu đau nhức, bạn cần điều trị dứt điểm và đưa ra các biện pháp phòng tránh cho phù hợp. Tuyệt đối không để tình trạng này diễn ra kéo dài, chuyển biến sang giai đoạn mãn tính, gây đau nhức dai dẳng.