Ngủ Dậy Đau Cổ
Ngủ dậy đau cổ có thể là hệ quả của việc nằm gối quá cao, nằm sai tư thế hoặc cũng là dấu hiệu ban đầu của một số vấn đề xương khớp ở cổ mà bạn tuyệt đối không được chủ quan. Thay đổi tư thế ngủ, lựa chọn loại gối phù hợp hoặc thăm khám bác sĩ nếu tình trạng đau nhức ngày càng tăng là điều bạn cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân
Tình trạng ngủ dậy đột nhiên bị đau cổ có thể gặp ở rất nhiều người, từ người trẻ đến người già, thậm chí trẻ con cũng có thể bị. Tuy nhiên phần lớn nguyên nhân gây đau cổ vai gáy sau khi ngủ dậy đều liên quan đến tư thế ngủ không phù hợp nên cũng biến mất khá nhanh chóng, không quá nguy hiểm.
Một số vấn đề xương khớp ở cổ vai gáy cũng được biểu hiện bằng những cơn đau kéo dài với mức độ ngày càng nặng thì cũng cần gặp bác sĩ để được điều trị y tế. Hầu hết nếu liên quan đến các vấn đề này thì thường gặp ở người già do chịu ảnh hưởng từ tuổi tác hay thói quen sinh hoạt sai cách trong thời gian dài.
Cụ thể, một số nguyên nhân gây ra tình trạng ngủ dậy bị đau cổ như
- Ảnh hưởng từ tư thế ngủ: nếu bạn thường có thói quen chuyển đổi tư thế, xoay đầu, cổ quá nhiều trong khi ngủ hoặc nằm sấp thì khi ngủ dậy sẽ thấy phần cổ, vai bị ê ẩm. Nguyên nhân là do việc chuyển tư thế quá nhiều khiến các mạch máu ở vùng cổ bị chèn ép nên không được cung cấp đủ oxy, đồng thời giải phóng nhiều axit lactic hơn, các tế bào cơ hoạt động kém hơn. Mặt khác khi cổ hoạt động cũng dễ dẫn đến căng cơ.
- Độ cao gối không phù hợp: Một số người có thói quen kê gối cao khi ngủ do ngạt mũi thì khi tỉnh dậy sẽ thấy vùng cổ vai bị ê ẩm ngay. Nguyên nhân là do gối quá cao sẽ khiến phần cột sống cổ bị lệch so với cấu trúc ban đầu khiến cơ bị căng cứng, không được thư giãn. Nằm gối quá cứng cũng có thể gây ra tình trạng này. Ngoài ra duy trì thói quen xấu này lâu dài còn làm tăng nguy cơ các vấn đề ở cột sống cổ.
- Hoạt động quá sức: một số người nếu làm các công việc mang vác hay vận động quá sức vào ban ngày, nếu không có các biện pháp giãn cơ và nằm ngủ đúng cách sẽ khiến cơ ở cổ, vai gáy không được thả lỏng, dẫn đến tình trạng ê ẩm đau nhức khi ngủ dậy.
- Đã có những chấn thương trước đó: Trong quá trình làm việc hay chơi thể thao đôi khi có những chấn thương nhỏ tại cổ, chẳng hạn như những người chơi bóng chuyền, bóng rổ.. Đôi khi các chấn thương này không được biểu lộ ngay mà sau khi ngủ dậy mới thấy cổ đột nhiên cứng lại, không thể chuyển động. Bạn có thể cảm nhận được những cơn đau nhói ở cổ cực kỳ khó chịu, cảm giác như không thể xoay cổ.
- Dấu hiệu các bệnh về xương khớp: ngủ dậy đau cổ hoàn toàn có thể là triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ hay hội chứng hẹp đốt sống cổ..Nguyên nhân gây ra các bệnh lý này thường do ảnh hưởng bởi tuổi tác hay những người thường xuyên hoạt động sai tư thế trong thời gian dài khiến độ cong cột sống cổ bị ảnh hưởng, các dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày, đĩa đệm trượt ra khỏi bao xơ.. Đây đều là những căn bệnh vô cùng nguy hiểm, tuyệt đối không được chủ quan và cần sớm đến thăm khám bác sĩ.
- Dấu hiệu các bệnh nhiễm trùng: nếu tình trạng đau cổ đến đột ngột ở mức độ nghiêm trọng và kèm theo các triệu chứng như sốt cao, buồn nôn, choáng váng, đi đứng không vững thì lại có thể là dấu hiệu của các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm như viêm màng não, não mô cầu.. Người bệnh cần nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu để tránh các hệ lụy xấu xuất hiện làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.
- Một số nguyên nhân khác: nằm ngủ xem TV, điện thoại hay rơi vào tình trạng stress trong thời gian dài cũng hoàn toàn có thể là nguyên nhân khiến cơ cổ bị căng cứng và gây đau nhức. Ngoài ra theo quan niệm dân gian thì đau cổ khi ngủ dậy cũng có thể là do trúng gió độc.
Tùy theo từng nguyên nhân mà mức độ nguy hiểm của từng vấn đề sẽ khác nhau. Nếu bạn chỉ thấy hơi êm ẩm nhẹ, vẫn có thể di chuyển đầu cổ bình thường sẽ không quá nguy hiểm. Tuy nhiên nếu tình trạng này đã xuất hiện trong thời gian dài, mức độ đau nhức ê ẩm cũng ngày tăng thì nên thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để phát hiện được nguyên nhân và sớm có biện pháp điều trị.
Chăm sóc tại nhà
Nếu liên quan đến các vấn đề bệnh lý thì người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám chi tiết, hiểu rõ được nguyên nhân, mức độ, từ đó mới có thể đưa ra cách giải quyết phù hợp. Bài viết sau đây sẽ chỉ đề cập đến các phương pháp giảm đau tại chỗ tạm thời để giúp tình trạng đau nhức ê ẩm giảm, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt hằng ngày.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Một cách cực kỳ đơn giản mà luôn đem lại hiệu nghiệm với những cơn đau nhức, ê ẩm xương khớp từ nhẹ đến nặng chính là chườm nóng hoặc chườm lạnh. Phương pháp này có thể áp dụng với cả nguyên nhân đau cổ khi ngủ dậy do thói quen sinh hoạt hay liên quan đến các bệnh lý xương khớp. Bạn cũng có thể áp dụng cách giảm đau này nhiều lần mà không gây ra tác dụng phụ.
Chườm lạnh sẽ giúp làm tê tạm thời các dây thần kinh nhờ đó ngăn chặn việc dẫn truyền cảm giác đau đến não bộ nên sẽ giúp bạn không thấy đau nhức nhanh chóng. Trong khi đó chườm nóng lại làm giãn nở các mạch máu, hỗ trợ các dây thần kinh bị chèn ép nên cũng vùng cổ nhanh chóng thoải mái hơn hẳn.
Cách thực hiện cũng rất đơn giản, với chườm lạnh bạn chỉ cần dùng vài viên đá lạnh bọc lại trong khăn hoặc túi nilon rồi chườm lên vùng cổ bị đau. Với chườm nóng thì dùng túi chườm hay đổ nước nóng vào một chai thủy tinh, lăn trên cổ. Mỗi phương pháp chỉ nên thực hiện từ 10- 15 phút, không nên thực hiện quá lâu nhưng có thể thực hiện nhiều lần trong ngày.
Để cổ nghỉ ngơi
Ngủ dậy bị đau cổ nếu bạn tiếp tục đi lại, hoạt động mạnh thì sẽ càng khiến cổ đau nhức, tê cứng hơn. Vì vậy lúc này bạn nên dành khoảng 15 phút nghỉ ngơi thêm trước khi ngồi dậy làm việc như bình thường. Cách đơn giản nhất là bạn nằm xuống dưới một chiếc gối có độ cao phù hợp, thả lỏng cơ thể để thư giãn.
Chiều cao gối phù hợp là từ 6-10cm, tương tự khoảng hơn một nắm tay của người đó. Nằm đúng cách sẽ kích thích máu huyết lưu thông ổn định trở lại, từ đó giảm nhanh hiệu quả tình trạng đau nhức ê ẩm ở cổ vai gáy.
Massage thư giãn cho cổ
Massage cổ là cách đơn giản nhất giúp mạch máu lưu thông, kích thích tuần hoàn máu, đả thông khí huyết đang bị tắc nghẽn để giảm đau nhức nhanh chóng. Cách làm thì siêu đơn giản, bạn chỉ cần dùng nhóm tay hay bàn tay xoa bóp vùng cổ theo chuyển động tròn trong vài lần sẽ thấy tình trạng cải thiện ngay sau đó.
Sử dụng một số thảo dược
Nếu sau khi sử dụng các cách trên mà bạn vẫn cảm thấy cổ đau nhức ê ẩm thì có thể tham khảo cách sử dụng một số thảo dược để tăng hiệu quả. Cách làm các bài thuốc này cũng rất đơn giản, các thảo dược được dùng cũng đều rất quen thuộc, có sẵn trong vườn nhà hoặc dễ dàng mua ở bất cứ đâu nên ai cũng có thể thực hiện.
Đơn giản nhất là bạn có thể sử dụng một số dược liệu như lá lốt hay ngải cứu rửa sạch, thái nhỏ, giã nát rồi đem sao khô với một ít muối hột. Bọc hỗn hợp này vào khăn, đợi nguội bớt rồi áp trực tiếp lên vùng cổ bị đau nhức sẽ giúp máu huyết tuần hoàn hiệu quả. Nếu không có muối hột bạn có thể đun thảo dược với một ít nước cho sôi, sau đó cũng bọc lại và đắp lên cổ.
Ngủ dậy đau cổ hãy tắm nước ấm
Ngâm mình với nước ấm cũng là một cách đơn giản để vùng cổ được thư giãn, kích thích máu huyết lưu thông tuần hoàn để giảm đau nhức tê mỏi nhanh chóng. Bên cạnh đó việc tắm nước ấm vào buổi sáng cũng giúp bạn có một tinh thần tích cực, tràn đầy năng lượng để khởi đầu ngày mới tuyệt vời hơn.
Dùng một số sản phẩm hỗ trợ
Để giảm đau nhức và tê bì vùng cổ nhanh chóng hơn bạn cũng có thể sử dụng một vài sản phẩm hỗ trợ khác như dầu nóng, thuốc xoa bóp hay các miếng dán giảm đau. Các sản phẩm này cũng mang tính chất kích thích làm nóng vùng vai cổ gáy để giúp máu huyết lưu thông nhanh, nhờ đó đem đến cảm giác dễ chịu thư giãn hơn cho cổ.
Tuy nhiên không nên lạm dụng các sản phẩm này quá nhiều. Đặc biệt với các loại thuốc xoa bóp hay dầu nóng nếu lạm dụng quá mức có thể làm da bị nóng rát, khó chịu thậm chí là dị ứng nên cần thực sự thận trọng. Nếu da đang có các vết thương hở tại các vị trí này thì cũng không nên sử dụng.
Phòng ngừa
Thay đổi thói quen sinh hoạt lành mạnh hơn mỗi ngày, đặc biệt kiểm soát đúng tư thế ngủ sẽ không chỉ giúp bạn loại bỏ được tình trạng ngủ dậy đau cổ mà còn nâng cao chất lượng giấc ngủ. Chỉ khi có một giấc ngủ đủ thì mới có thể nạp đủ năng lượng cho cơ thể và giúp ngày hôm sau bạn tỉnh táo, khỏe mạnh, học tập và làm việc hiệu quả hơn.
Một số phương pháp giúp phòng ngừa nguy cơ ngủ dậy bị đau cổ đơn giản mà bạn có thể tham khảo như
- Thay đổi một chiếc gối phù hợp, nên chọn các sản phẩm từ cao su non để có độ đàn hồi ổn định hay các loại gối massage chuyên biệt, có độ cao từ 6-10 cm. Bạn cũng có thể tham khảo các loại gối cho người đau cổ vai gáy chuyên biệt để có một giấc ngủ ngon nhất.
- Thay đổi tư thế ngủ cho người thoái hóa đốt sống cổ hoặc các bệnh lý tương tự. Theo đó bạn nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng nhưng vẫn nên đảm bảo giữ được độ cong tự nhiên của cột sống cổ, tuyệt đối không nằm co quắp hay cúi cổ xuống quá nhiều, không được nằm sấp
- Cố gắng kiểm soát được tư thế ngủ đúng, sử dụng các loại gối có thiết kế đặc biệt để duy trì độ cong tự nhiên của cột sống cổ có thể giúp ích cho những người có thói quen chuyển động cơ thể khi ngủ quá nhiều
- Tránh để điều hòa hay quạt gió thổi thẳng vào mặt hay đầu cổ, điều này có thể khiến bạn dễ bị trúng gió, đau đầu, đau cổ chóng mặt khi ngủ dậy
- Nên đi ngủ sớm trước 11h đêm, tránh sử dụng đồ uống có cồn, hút thuốc lá hay chất kích thích trước khi ngủ
- Tắm nước ấm trước khi ngủ cũng là một cách giúp cơ thể thư giãn thoải mái hơn, tránh được tình trạng cơ bị co cứng khi ngủ
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để căng cường sự dẻo dai cho hệ thống xương khớp. Những người bị đau cổ có thể tham khảo luyện tập yoga, thiền, dưỡng sinh hay các bộ môn nhẹ nhàng để cải thiện dần tình trạng này
- Thay đổi tư thế nằm hay ngồi, tránh thói quen nằm xem Tv hay điện thoại quá nhiều
- Cân bằng thời gian làm việc và sinh hoạt hằng ngày, tránh thường xuyên mang vác quá nặng
- Với những người làm việc văn phòng cũng cần giữ tư thế đúng, có thể sử dụng các loại gối chữ u nếu ngủ trên ghế để tránh đau nhức cổ. Làm việc từ 1- 2 tiếng nên đứng dậy đi lại vài vòng để máu huyết và các cơ được thư giãn
- Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày, từ 2- 2,5 lít nước kết hợp thêm nước ép trái cây hay các loại nước rau củ
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng hằng ngày, đặc biệt là canxi, vitamin D, kali, Magie để nâng cao chất lượng hệ thống xương khớp, phòng tránh nguy cơ cá bệnh lý khác xuất hiện
- Thăm khám bác sĩ định kỳ hoặc ít nhất 1 năm một lần để hiểu rõ tình trạng sức khỏe và có biện pháp cải thiện kịp thời
Hầu hết tình trạng ngủ dậy đau cổ thường không quá nguy hiểm nhưng cũng không được chủ quan. Thay đổi một thói quen sống lành mạnh, duy trì tư thế ngủ đúng kết hợp với việc ăn uống điều độ sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe mỗi ngày nên cần thực hiện từ ngay bây giờ.