Gai Cột Sống Chèn Dây Thần Kinh
Gai cột sống chèn dây thần kinh là một trong những biến chứng của bệnh gai cột sống nặng. Các biểu hiện của bệnh ra bên ngoài ở mức độ nhẹ hay nặng tùy thuộc vào mức độ tổn thương tại cột sống cũng như mức độ chèn ép lên dây thần kinh. Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt để tránh phát sinh rủi ro không mong muốn.
Định nghĩa
Gai cột sống là sự xuất hiện bất thường của các gai xương trên cột sống. Bệnh lý này xảy ra khá phổ biến ở những người ngoài độ tuổi 50 với triệu chứng đặc trưng là đau nhức lưng. Gai cột sống chèn ép dây thần kinh là một trong những biến chứng của bệnh gai cột sống. Tình trạng này xảy ra khi gai cột sống phát triển với kích thước quá lớn, chèn ép lên dây thần kinh xung quanh gây viêm đau. Đồng thời, sự phát triển của gai xương còn có thể làm thu hẹp ống thần kinh, khiến rễ thần kinh bị chèn ép và gây rối loạn tín hiệu dẫn truyền. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chịu sự chi phối của dây thần kinh này.
Khi bị gai cột sống kèm theo triệu chứng đau nhức hoặc ngứa ran thì rất có thể bệnh đã biến chứng sang gai cột sống chèn dây thần kinh. Nếu bệnh gây viêm tại dây thần kinh, cơn đau nhức sẽ diễn ra ở mức độ dữ dội hơn. Biến chứng này rất dễ xảy ra ở những người phải làm việc ở một tư thế trong thời gian dài, vận động sai tư thế, bị béo phì,... Dựa vào vị trí của tổn thương mà y khoa chia bệnh lý này thành 3 dạng là:
- Gai cột sống cổ chèn dây thần kinh: Đây là thể bệnh nghiêm trọng nhất do khu vực cổ chứa rất nhiều dây thần kinh và mạch máu quan trọng. Khi gai cột sống cổ chèn dây thần kinh ở cổ sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của não và các các cơ quan xung quanh như vai, gáy,... Nếu bệnh gây ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển máu và oxy lên não sẽ gây rối loạn tuần hoàn não, tăng giảm huyết áp, chóng mặt, đau đầu,....
- Gai cột sống ngực chèn dây thần kinh: Triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là đau sâu bên trong lồng ngực, xương ức và dây thần kinh liên sườn. Cơn đau sẽ diễn ra kéo dài theo từng đợt và trở nên nghiêm trọng khi hít thở mạnh hoặc ho. Rất nhiều người đã nhầm lẫn bệnh lý này với các bệnh lý về phổi hoặc tim mạch
- Gai cột sống lưng chèn dây thần kinh: Đây là thể bệnh phổ biến và ít nguy hiểm nhất. Thường xảy ra ở những người có tính chất công việc ngồi một chỗ trong thời gian dài hoặc lao động tay chân nặng nhọc. Khi các dây thần kinh ở cột sống lưng bị chèn ép sẽ gây đau nhức lan rộng đến lưng hông kèm theo rối loạn chức năng cơ quan sinh dục hoặc đường tiết niệu. Ở những trường hợp nặng còn gây ra tình trạng tê bì chân tay và yếu cơ, khiến người bệnh gặp khó khăn trong cử động chân và đi loại.
Hình ảnh
Triệu chứng
Sự hình thành của gai xương trên cột sống đã tạo ra áp lực lên các cơ quan xung quanh như mô, sụn, đĩa đệm, dây thần kinh,... Đây là tình trạng thường xảy ra ở những người đã bước qua độ tuổi trung niên, khi mà quá trình lão hóa xương khớp diễn ra quá mạnh mẽ. Gai cột sống chèn ép lên dây thần kinh là thể bệnh nặng, cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh phát sinh rủi ro. Bạn có thể nhận biết ra bệnh lý này thông qua các triệu chứng điển hình sau đây:
- Xuất hiện cơn đau nhức âm ỉ ở vùng cột sống bị ảnh hưởng như cổ hoặc thắt lưng. Sau đó, cơn đau sẽ lan tỏa đến các khu vực xung quanh như dây thần kinh tọa.
- Gai xương gây chèn ép lên dây thần kinh đã cản trở quá trình dẫn truyền thần kinh lên não. Lúc này, bạn sẽ có triệu chứng tê bì ở tay, chân hoặc một số cơ quan khác. Trường hợp gai cột sống cổ chèn ép lên dây thần kinh sẽ gây ra triệu chứng đau nhức và cứng cổ sau khi ngủ dậy.
- Nếu dây thần kinh bị chèn ép ở mức độ nghiêm trọng, người bệnh sẽ không kiểm soát được hoạt động của tay chân.
- Trường hợp gai cột sống gây tổn thương đến ống sống sẽ khiến hoạt động của thần kinh và tủy sống bị ảnh hưởng. Lúc này, người bệnh có triệu chứng chứng đau nhức, rối loạn chức năng tủy sống, yếu cơ hoặc liệt cơ.
Nguyên Nhân
Gai cột sống chèn dây thần kinh xảy ra khi không tiến hành điều trị bệnh gai cột sống ngay từ đầu, để bệnh diễn ra kéo dài và tiến triển nặng. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là do ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa xương khớp cùng với chế độ ăn uống và sinh hoạt thiếu khoa học. Dưới đây là các nguyên nhân gây ra bệnh thường gặp bạn có thể tham khảo:
- Lão hóa xương khớp: Khi bước qua độ tuổi trung niên, quá trình lão hóa xương khớp diễn ra rất mạnh mẽ. Nếu bạn không có các biện pháp duy trì sức khỏe xương khớp thì cấu trúc cột sống sẽ dần bị biến đổi, yếu dần và tổn thương. Điều này đã tạo cơ hội cho các gai xương hình thành.
- Ăn uống thiếu dưỡng chất: Chế độ ăn uống không bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể sẽ khiến xương khớp bị yếu dần, tạo cơ hội cho bệnh hình thành. Ví dụ như canxi, vitamin D, kẽm, magie, vitamin nhóm B,...
- Tính chất công việc: Gai cột sống chèn dây thần kinh cũng rất dễ khởi phát ở những người có tính chất công việc phải thường xuyên khuân vác nặng, ngồi làm việc duy nhất một tư thế trong thời gian dài,...
- Do chấn thương: Bị chấn thương cột sống do va đập, tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông,... cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh lý này hình thành. Lúc này, cơ thể sẽ đẩy mạnh việc sản xuất tế bào xương mới để phục hồi tổn thương. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ hình thành nên các gai xương mới trên cột sống với kích thước ngày càng gia tăng.
- Bị viêm cột sống: Khi bị viêm cột sống, cơ thể sẽ kích thích sản sinh ra các tế bào xương mới để bù đắp lên vùng bị viêm. Điều này đã khiến cho bề mặt xương cột sống bị nhô ra và hình thành nên gai xương.
Biến chứng
Gai cột sống chèn dây thần kinh là dấu hiệu cho thấy bệnh gai cột sống đã chuyển biến nặng. Ở trường hợp này, bạn cần nhanh chóng thăm khám và điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh ra các biến chứng nguy hiểm khác. Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị bệnh sẽ để lại các hậu quả sau đây:
- Co giật, đau nhức: Biến chứng này xảy ra khi gai xương chèn ép lên các dây thần kinh giao cảm ở vùng cổ. Lúc này, người bệnh sẽ có triệu chứng co giật, khó thở, đau nhức ở vùng tim và xương ức.
- Rối loạn vận động: Nếu không tiến hành điều trị, dây thần kinh bị chèn ép với mức độ nặng sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của phần thân trên. Lúc này, bạn sẽ gặp khó khăn khi thực hiện một số động tác như cúi người, xoáy ngang hoặc nghiêng đầu.
- Rối loạn tiền đình: Đây là biến chứng của bệnh gai cột sống cổ chèn ép lên dây thần kinh vùng cổ. Lúc này, quá trình lưu thông máu lên não sẽ bị ứ tắc và gây ra triệu chứng rối loạn tiền đình, mất ngủ, mệt mỏi.
- Rối loạn tay chân: Biến chứng này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và khả năng lao động của người bệnh. Khi dây thần kinh bị chèn ép quá mức sẽ gây ra tình trạng rối loạn tín hiệu dẫn truyền. Lúc này, người bệnh sẽ không thể hoạt động tay chân theo ý muốn, nguy hiểm hơn sẽ dẫn đến bại liệt.
Phòng ngừa
Gai cột sống xảy ra do ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa tự nhiên diễn ra bên trong cơ thể nên không thể có biện pháp phòng ngừa bệnh hoàn toàn. Nhưng để hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng gây chèn ép lên dây thần kinh thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Điều chỉnh lại tư thế làm việc sao cho phù hợp để tránh tạo áp lực không tốt lên cột sống. Khi ngồi làm việc không nên cúi người về phía trước, thay vào đó bạn hãy sử dụng ghế làm việc hỗ trợ lưng đùi. Đồng thời, sau 1 tiếng làm việc nên đứng lên vận động nhẹ nhàng để tăng cường tuần hoàn máu đến cột sống.
- Nâng vật nặng sai cách cũng sẽ khiến cột sống bị tổn thương và hình thành nên gai xương. Vì thế, bạn cần chú ý điều chỉnh lại tư thế nâng đồ vật sao cho đúng. Đầu tiên, bạn cần hạ đầu gối rồi dùng sức ở hông và chân để nâng đồ, tuyệt đối không được uốn cong lưng.
- Sau khi thực hiện các vận động có liên quan đến cột sống lưng, nên dành thời gian để nghĩ ngơi giúp thư giãn cột sống. Lúc này, bạn nên đứng thẳng người để phục hồi mô cột sống và tái tạo hình dáng phù hợp.
- Điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt hàng ngày theo hướng tích cực như cân bằng giữa thời gian làm việc và nghĩ ngơi, tránh lao động quá sức, kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý, sử dụng nệm ngủ cứng, nữ giới nên tránh mang giày cao gót,....
- Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe cơ bắp, hạn chế gây áp lực lên cột sống. Người bệnh nên thực hiện các bài tập đơn giản và nhẹ nhàng như đi bộ nhanh, bơi lội, yoga,...
- Chế độ ăn uống hàng ngày phải cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể để bảo vệ xương khớp và cột sống như vitamin, khoáng chất, canxi,... Tránh sử dụng các nhóm thực phẩm làm gia tăng nguy cơ mất xương như đồ ăn mặn, đồ ăn nhiều dầu, thực phẩm chế biến sẵn,...
- Luôn giữ tinh thần thoải mái và lạc quan là cách hỗ trợ điều trị bệnh rất tốt. Tinh thần thoải mái sẽ hỗ trợ giải tỏa áp lực tại cột sống và ngăn ngừa sự phát triển của gai xương.
Biện pháp điều trị
Khi thấy cơ thể có các dấu hiệu của bệnh gai cột sống chèn dây thần kinh, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa càng sớm càng tốt. Nếu chủ quan để bệnh diễn ra kéo dài sẽ phát sinh ra nhiều biến chứng không mong muốn, thậm chí là mất đi khả năng vận động thông thường. Dưới đây là các phương pháp điều trị gai cột sống chèn dây thần kinh mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Sử dụng thuốc Tây y
Ở những trường hợp bệnh gây đau nhức nghiêm trọng và không thể cải thiện bằng các biện pháp ở trên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hướng dẫn dùng thuốc. Thành phần dược tính trong thuốc Tây y có tác dụng giảm viêm đau nhanh chóng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Các loại thuốc Tây y thường được sử dụng để điều trị gai cột sống chèn dây thần kinh là:
- Thuốc giảm đau Ibuprofen, Aspirin và Naproxen
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau theo toa
- Thuốc corticosteroid đường uống
- Vitamin nhóm B
Dùng thuốc Tây y điều trị gai cột sống chèn dây thần kinh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Thành phần dược tính trong thuốc rất cao, nếu bạn sử dụng không đúng cách sẽ dẫn đến quá liều và phát sinh ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn như đau dạ dày, viêm loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa,...
Phẫu thuật
Trường hợp gai cột sống chèn ép dây thần kinh diễn ra với mức độ nghiêm trọng, không đáp ứng điều trị bằng phương pháp bảo tồn thì bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện phẫu thuật. Phẫu thuật nhằm loại bỏ gai xương, đẩy lùi các triệu chứng của bệnh để tránh gây ảnh hưởng đến khả năng vận động. Hiện nay, y khoa có rất nhiều liệu pháp phẫu thuật điều trị gai cột sống chèn dây thần kinh như:
- Loại bỏ gai xương: Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên khoa để loại bỏ gai xương trên đốt sống và cắt bỏ mảnh xương ở phía trên rễ thần kinh bị ảnh hưởng.
- Phẫu thuật laminectomy: Phương pháp phẫu thuật này được tiến hành nhằm mục đích loại bỏ một phần đốt sống bị ảnh hưởng, mở rộng không gian cho tủy sống để tránh gây áp lực lên rễ thần kinh.
- Phẫu thuật mở rộng lỗ liên hợp (Foraminotomy): Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ hoặc cạo bớt lỗ trống ở giữa hai đốt sống liền kề để nới rộng không gian chứa rễ thần kinh. Điều này sẽ hạn chế được sự chèn ép của gai xương lên rễ thần kinh và giảm đau nhức.
Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám để kiểm tra mức độ tổn thương tại cột sống cũng như các triệu chứng có liên quan. Dựa vào đó mới có thể tư vấn cho người bệnh liệu pháp phẫu thuật phù hợp với tình trạng bệnh. Phẫu thuật giúp cải thiện nhanh chóng các triệu chứng có liên quan nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn, bạn nên trao đổi thật kỹ với bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Khi cơn đau nhức xuất hiện mà chưa thể đến bệnh viện, bạn có thể tự xử lý tại nhà bằng cách mẹo đơn giản giúp giảm đau và tránh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Cụ thể là:
- Nên điều chỉnh lại tư thế ngồi hoặc đứng sao cho bản thân cảm thấy ít đau nhất, chú ý giữ thẳng lưng để tránh gây tổn thương đến cột sống. Đồng thời, người bệnh cũng nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và hạn chế vận động mạnh cho đến khi triệu chứng của bệnh thuyên giảm hoàn toàn.
- Cố định vị trí đau cũng là một trong những cách nên làm khi bị gai cột sống chèn ép dây thần kinh. Việc làm này có tác dụng để cho cột sống nghỉ ngơi và bảo vệ cột sống. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần dùng nẹp để cố định lại khu vực cột sống bị ảnh hưởng.
- Chườm nóng và chườm lạnh là hai cách giảm đau khá hiệu quả. Chườm nóng sẽ có tác dụng làm thư giãn dây thần kinh bị chèn ép, kích thích tuần hoàn máu đến cột sống bị tổn thương để sửa chữa tổn thương. Còn chườm lạnh thì có tác dụng giảm sưng viêm giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên tiến hành chườm lạnh rồi đến chườm nóng.
- Thực hiện kéo giãn cột sống bằng một số tư thế trong yoga như tư thế trẻ em, căng đầu gối đến ngực,... Các động tác này có tác dụng làm thư giãn dây thần kinh, giải phóng chèn ép và giảm nhẹ triệu chứng của bệnh.
- Sử dụng các loại thảo dược lành tính trong tự nhiên để cải thiện triệu chứng viêm đau như chườm hỗn hợp ngải cứu rang muối hạt, uống nước sắc lá lốt và đinh lăng,....
- Chuyên gia
- Cơ sở