Rối Loạn Tiền Mãn Kinh
Đa phần nữ giới khi bước sang độ tuổi 40 sẽ bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu của rối loạn tiền mãn kinh và đây là giai đoạn phát triển sinh lý hoàn toàn tự nhiên. Nó đánh dấu bước chuyển tiếp từ trạng thái bình thường sang chấm dứt chu kỳ kinh và không còn khả năng sinh sản.
Định nghĩa
Mãn kinh là giai đoạn thứ 3 trong quá trình phát triển về sinh lý của người phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, mãn kinh có thể xảy ra sớm hơn hoặc muộn hơn những người khác mà không có sự đồng nhất về độ tuổi cụ thể.
Độ tuổi mãn kinh trung bình và phổ biến nhất là từ 45 - 55 tuổi, lúc này hoạt động của buồng trứng giảm sút đáng kể. Hai loại hormone nữ là estrogen và progesterone cũng ít dần gây nên tình trạng mất cân bằng nội tiết tố. Chính vì vậy mà hiện tượng rụng trứng diễn ra thất thường, không theo chu kỳ và gây ra rối loạn kinh nguyệt thời kỳ tiền mãn kinh.
Trong đó, có một số yếu tố làm cho giai đoạn tiền mãn kinh xảy ra nhanh hơn như là:
- Lạm dụng chất kích thích: Hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích,...
- Do di truyền: Những phụ nữ trong gia đình thường có xu hướng trải nghiệm giai đoạn tiền mãn kinh như nhau.
- Không sinh con.
- Các yếu tố khác: Ngoài ra còn có các yếu tố khác tác động như điều trị ung thư, từng phẫu thuật cắt bỏ tử cung,...
Hình ảnh
Triệu chứng
Tất cả phụ nữ đều phải trải qua giai đoạn tiền mãn kinh, theo thống kê có đến hơn 20% phụ nữ phải sử dụng tới các phương pháp trị liệu để vượt qua các triệu chứng khó chịu, mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần khi bước vào thời kỳ tiền mãn kinh. đó những rối loạn dễ gặp phải trong giai đoạn này là:
- Rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh: Vòng kinh bình thường của chị em sẽ thay đổi, có thể kéo dài và thưa dần thay vì chu kỳ 1 tháng 1 lần đều đặn như trước đây. Thời gian có thể tăng lên từ 1 tháng rưỡi cho đến 2, 3 tháng mới xuất hiện. Trong nhiều trường hợp lại có chu kỳ ngắn hơn (dưới 3 tuần) khi nàng có nang noãn sớm trưởng thành, lúc này giai đoạn tiền mãn kinh sẽ được rút ngắn lại.
- Rong kinh: Là hiện tượng ra máu kéo dài từ 7 ngày trở lên trong một chu kỳ kinh, nó bắt nguồn từ việc rối loạn kinh nguyệt tiền mãn kinh. Ngoài ra còn có thể xuất phát từ một vài bệnh lý khác ở tử cung hoặc buồng trứng như polyp tử cung, viêm niêm mạc tử cung, u xơ tử cung,... Trường hợp này được xếp vào dạng rong kinh thực thể cũng hay gặp ở phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh.
- Khó thụ thai tự nhiên: Những rối loạn tiền mãn kinh về kinh nguyệt cũng khiến cho ngày rụng trứng của chị em thay đổi, việc tính ngày rụng trứng để thụ thai cũng trở nên khó khăn hơn.
- Bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm: Có tới ⅔ phụ nữ gặp phải chứng bốc hỏa khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Nó được hiểu là cảm giác nóng đột ngột xuất hiện chủ yếu ở mặt và phần trên của cơ thể. Còn đối với đổ mồ hôi về đêm, giấc ngủ của bạn có thể bị gián đoạn do cơ thể ướt đẫm mồ hôi như vừa bị dội nước.
- Trầm cảm nhẹ, lo âu, thay đổi tâm trạng: Nguyên nhân là do nồng độ hormone trong cơ thể suy giảm đột ngột, tác động trực tiếp tới những thay đổi của não bộ và hệ thần kinh.
- Thay đổi da và vóc dáng: Hormone estrogen suy giảm khiến làn da của nữ giới lão hóa nhanh chóng, nhiều người xuất hiện dấu chân chim trên khóe mắt, nếp nhăn quanh trán và miệng,... Ngoài ra, nội tiết tố thay đổi còn khiến mỡ bị dồn vào bụng, kết hợp cùng những căng thẳng, lo lắng, tình trạng mất ngủ thường xuyên khiến mỡ trắng tích tụ càng nhiều, gây béo phì và tăng cân mất kiểm soát.
- Chóng mặt: Sự suy giảm hormone sinh lý nữ là tác nhân hàng đầu khiến chị em buồn nôn, đau đầu, chóng mặt. Nhiều trường hợp có thể bị đau ở mức dữ dội, thậm chí là càn bác sĩ can thiệp để được xử lý kịp thời.
Nguyên Nhân
Rối loạn tiền mãn kinh làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ, khiến cho tình trạng sức khỏe, sắc đẹp và cả chức năng sinh lý của chị em tụt dốc không phanh. Để hạn chế các tác động tiêu cực của nó, chúng ta cần nắm rõ một số nguyên nhân gây ra tình trạng này như:
- Kích thích tố sinh sản suy giảm: Những năm cuối của tuổi 30, cơ thể phụ nữ tạo ra ít estrogen và progesterone hơn, kéo theo khả năng sinh sản giảm đi. Ở độ tuổi 40, các dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt xuất hiện. Cho đến tuổi 50 thì buồng trứng đã ngừng sản xuất trứng và phụ nữ không còn hành kinh nữa.
- Thoái hoá nang noãn gây trễ kinh, chậm kinh: Phụ nữ khi bước sang tuổi trung niên thường gặp tình trạng kinh thưa hoặc tắc kinh, nguyên nhân là do nang noãn bị thoái hoá sớm, không xảy ra chu trình rụng trứng như bình thường.
- Nang noãn phát triển nhanh làm kinh nguyệt đến sớm: Phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh, xuất hiện kinh mau do nang noãn sớm trưởng thành, chu kỳ rụng trứng ngắn.
- Bệnh phụ khoa: Phụ nữ mắc các bệnh như rong huyết tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh nhưng vẫn ra máu, cường kinh,... là những cảnh báo cho bệnh u xơ tử cung, u nang buồng trứng, đa nang buồng trứng, ung thư buồng trứng, ung thư cổ tử cung,...
- Cắt bỏ tử cung và buồng trứng: Gây ra thời kỳ mãn kinh ngay lập tức, phụ nữ có khả năng bị bốc hỏa kèm theo các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh khác. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hơn bình thường vì những thay đổi nội tiết diễn ra quá đột ngột.
- Hóa trị và xạ trị: Các liệu pháp điều trị ung thư đều có thể gây nguy cơ rối loạn tiền mãn kinh, dẫn đến các triệu chứng như nóng ran hoặc nóng ngay sau khi điều trị.
- Suy buồng trứng: Khi buồng trứng không thể tạo ra các kích thích tố sinh sản ở mức bình thường để cung cấp cho cơ thể (xuất phát từ yếu tố di truyền hoặc tự miễn dịch) sẽ gây ra hiện tượng rối loạn tiền mãn kinh.
- Tác động của chế độ dinh dưỡng, lối sống: Ăn uống thiếu chất, không cung cấp đủ dinh dưỡng, thiếu ngủ, căng thẳng kéo dài, sử dụng chất kích thích,... cũng là những tác nhân làm giai đoạn tiền mãn kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Biện pháp điều trị
Đối với nữ giới, tiền mãn kinh và mãn kinh là hai giai đoạn xảy ra hoàn toàn tự nhiên, trong một số trường hợp chúng đến rất bình thường mà không kèm theo triệu chứng nào. Nhưng đa phần tiền mãn kinh xảy ra sớm và kéo dài mang lại rất nhiều bất tiện, ảnh hưởng tới tâm lý, sức khỏe, ngoại hình và đời sống của phụ nữ.
Trong đó, sự suy giảm nội tiết tố nữ estrogen chính là thủ phạm hàng đầu gây ra những ảnh hưởng tiêu cực kể trên. Do vậy, muốn mọi thứ trở về đúng quỹ đạo thì chị em cần có các biện pháp điều trị rối loạn tiền mãn kinh phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp an toàn, hiệu quả và dễ thực hiện mà chị em có thể tham khảo:
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Chế độ ăn uống hàng ngày ảnh hưởng rất lớn tới nồng độ nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ. Do vậy thay vì ăn uống theo sở thích cá nhân, chị em cần có những điều chỉnh nhất định, bổ sung các dưỡng chất cần thiết như:
- Chất đạm: Khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, lượng cơ bắp sẽ giảm xuống. Do đó nữ giới cần tăng cường protein trong khẩu phần ăn vì bó có khả năng duy trì khối lượng cơ. Ngoài ra nó còn giúp điều chỉnh cảm giác thèm ăn, giúp lượng đường trong máu ở mức ổn định, đồng thời cân bằng lượng hormone trong cơ thể. Các nguồn cung cấp protein tốt phải kể đến như thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, cá, các loại đậu,...
- Axit béo omega 3: Đây là hoạt chất liên quan đến việc giảm viêm, cải thiện tâm trạng và ngăn ngừa chứng trầm cảm. Do đó, phụ nữ rất cần bổ sung omega 3 từ các loại cá béo (cá thu, cá trích, cá ngừ,...) trong khẩu phần ăn của mình. Bên cạnh đó thì viên uống dầu cá cũng là giải pháp hiệu quả nếu lượng cá béo mà chị em ăn là chưa đủ.
- Chất xơ: Chứa nhiều trong các loại rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu,... Giúp nữ giới cảm thấy no lâu hơn, từ đó loại bỏ cảm giác thèm ăn và duy trì được cân nặng. Điều này vô cùng cần thiết cho những ai bị rối loạn tiền mãn kinh dễ bị tăng cân do tốc độ trao đổi chất chậm lại. Mặt khác, chất xơ còn được chứng minh có khả năng làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh lão hóa như tim mạch, đột quỵ, ung thư.
- Canxi: Tiền mãn kinh kéo theo nguy cơ loãng xương tăng cao, do đó nữ giới cần tăng lượng canxi lên 1.200mg/ngày.
- Thực phẩm giàu isoflavones, phytosterols: Có nhiều trong cá và đậu tương, rất tốt cho phụ nữ rối loạn tiền mãn kinh. Bởi chúng đóng vai trò tương tự như estrogen, bổ sung lượng estrogen thiếu hụt cho cơ thể.
- Uống đủ nước: Nữ giới nên uống đủ từ 1,5 - 2 lít nước mỗi ngày.
Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung thì cũng có nhiều thực phẩm nên hạn chế hoặc loại bỏ trong bữa ăn hàng ngày của chị em như:
- Thực phẩm giàu chất béo bão hoà, chứa nhiều cholesterol như mỡ động vật, phô mai, các chế phẩm từ sữa như bơ,...
- Thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế cao như mì, bánh mì trắng, bánh ngọt, kem, kẹo ngọt,...
- Thức uống chứa caffeine, nước ngọt có gas, bia rượu, thuốc lá, chất kích thích,...
- Các món ăn, gia vị cay nóng để tránh gây ra những cơn bốc hỏa, nóng trong.
Nghỉ ngơi, thư giãn
Song song với chế độ dinh dưỡng phù hợp thì việc xây dựng một lối sống, chế độ nghỉ ngơi, hợp lý cũng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị các triệu chứng của rối loạn tiền mãn kinh. Cụ thể:
- Sắp xếp lại lịch làm việc sao cho khoa học nhất, dành nhiều thời gian hơn cho việc nghỉ ngơi, thư giãn.
- Tìm các phương pháp cải thiện giấc ngủ như: Uống nước mát trước khi đi ngủ để hạn chế bốc hỏa, không vận động mạnh trước khi đi ngủ, giữ cho phòng ngủ luôn sạch sẽ, thoáng mát, ăn mặc thoải mái,...
- Tập thói quen ngủ sớm từ khoảng 9 - 11 giờ tối, và thức dậy trong một khoảng giờ nhất định vào buổi sáng hôm sau.
- Tránh căng thẳng, stress kéo dài, có thể giải tỏa bằng cách nghe nhạc, đọc sách, xem phim, đi dạo, ngồi thiền, nói chuyện với bạn bè,...
- Tâm sự với người thân, bạn bè, người tin cậy khi có cảm giác căng thẳng, lo âu, stress.
- Tạo thói quen suy nghĩ tích cực, nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Chế độ tập luyện phù hợp
Có rất nhiều bài tập đơn giản, có thể thực hiện ngay tại nhà giúp cải thiện các triệu chứng mà rối loạn tiền mãn kinh gây ra. Mặt khác nó còn giúp nữ giới tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, duy trì sự dẻo dai của cơ và xương, hỗ trợ quá trình lưu thông máu trên khắp cơ thể, ngủ ngon giấc hơn. Chưa hết, nếu tập luyện đúng phương pháp còn mang đến cho chị em một vóc dáng săn chắc, quyến rũ hơn dù đã bước sang tuổi trung niên.
Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc về việc lựa chọn bài tập và tần suất tập để tránh tình trạng quá độ gây đau nhức, ảnh hưởng tới xương và sức khỏe. Tốt nhất chị em nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, vừa sức như: Thiền, Yoga, bơi lội, chạy bộ, đi bộ nhanh,...
Sử dụng thuốc điều trị rối loạn tiền mãn kinh
Hiện nay các loại thuốc điều trị rối loạn tiền mãn kinh khá đa dạng, từ Đông y cho tới Tây y, tùy thuộc vào triệu chứng mà cũng sẽ có các loại thuốc đặc trị khác nhau.
Đối với thuốc Tây y, một số dạng thuốc mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị rối loạn tiền mãn kinh như:
- Thuốc điều hòa kinh nguyệt: Có tác dụng làm cho thời gian hành kinh đều đặn và ổn định, lượng máu đều hơn, giảm cảm giác đau khi tới ngày. Tuy nhiên nó cũng sẽ gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến khả năng thụ thai trong thời kỳ tiền mãn kinh. Nếu lạm dụng hoặc dùng quá liều lượng có thể dẫn đến việc có thai ngoài tử cung.
- Thuốc hỗ trợ điều trị bốc hỏa: Thuốc có tác dụng giảm đau thần kinh, làm dịu nhanh các cơn bốc hỏa thường được uống vào sáng hoặc tối. Mặt khác, thuốc còn giúp nữ giới cải thiện tình trạng căng thẳng, stress, cáu gắt do tiền mãn kinh gây ra. Thế nhưng nó lại không có hiệu quả cao với các trường hợp suy giảm trí nhớ, mất ngủ, chán nản.
- Thuốc chống trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng cho phụ nữ bị rối loạn tiền mãn kinh như Sertralin, Paroxetin, Fluoxetin. Chúng đều có tác dụng làm giảm nhanh các triệu chứng như mất ngủ, chán nản, lo âu, bốc hỏa, đau đầu, chóng mặt.
- Thuốc cải thiện hormone sinh lý nữ: Nhóm thuốc này đa phần là các loại thực phẩm chức năng được điều chế từ các thành phần thảo dược, có khả năng hỗ trợ cơ thể cân bằng nội tiết tố, tăng cường sinh lý nữ và cải thiện một số triệu chứng do suy giảm hormone gây ra.
- Thuốc chống lão hóa: Đây là các loại thuốc hoặc sản phẩm chăm sóc da có tác dụng bảo vệ và cải thiện tình trạng lão hoá da cả từ bên trong và bên ngoài. Trong đó những sản phẩm mang lại hiệu quả cao và được sử dụng rộng rãi như collagen, coenzyme Q10, vitamin C, vitamin A, vitamin E, Kẽm, Axit béo Omega 3, Curcumin, Apigenin.
Bên cạnh các sản phẩm thuốc Tây y kể trên thì thuốc Đông y cũng được nhiều chị em tin dùng nhờ vào độ lành tính, thành phần thảo dược tự nhiên, an toàn cho sức khỏe, ít gây tác dụng phụ. Trong đó, một số loại thuốc mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị rối loạn tiền mãn kinh phải kể đến như:
- Thể âm hư nội nhiệt: Trị rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đau, khô miệng, đổ mồ hôi. Bài thuốc gồm các thành phần thục địa, sơn thù, hoàng bá, trạch tả, sinh địa, long cốt, địa bì, tri mẫu, quy bản.
- Thể âm hư can vượng: Điều trị rối loạn kinh nguyệt, đau nhức ngực và sườn, chứng tay chân run, chóng mặt, dễ cáu gắt. Bài thuốc gồm các thành phần bạch thược, đan bì, bạch linh, cúc hoa, hoài sơn, kỷ tử, trạch tả, sài hồ, hạ khô thảo.
Như vậy, chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu qua những thông tin quan trọng nhất về rối loạn tiền mãn kinh, từ nguyên nhân, triệu chứng cho tới phương pháp điều trị hiệu quả. Hy vọng rằng với nội dung mà bài viết mang lại có thể giúp bạn kéo dài thời gian mãn kinh và vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng nhất.