Mãn Kinh Sớm
Mãn kinh sớm ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe và cuộc sống của phụ nữ. Nhưng hầu hết chị em phụ nữ không thực sự hiểu rõ bệnh mãn kinh sớm là gì, dấu hiệu đặc trưng ra sao và cách đối phó với mãn kinh sớm như thế nào. Thấu hiểu những lo lắng và thắc mắc đó, chúng tôi sẽ làm rõ các vấn đề về mãn kinh sớm ngay sau đây.
Định nghĩa
Mãn kinh là thời kỳ buồng trứng ngừng sinh sản và dẫn đến nồng độ estrogen (hormon môn điều khiển chu kỳ sinh sản) suy giảm. Có thể nhận biết khi chị em hết kinh trong 12 tháng liên tiếp, không còn khả năng mang thai.
Đối tượng dễ xảy ra mãn kinh sớm như người hay căng thẳng, người hút thuốc, uống rượu bia, người phẫu thuật cắt bỏ tử cung, từng xạ trị bệnh, người suy giảm buồng trứng…
Đa số phụ nữ bắt đầu mãn kinh từ khoảng 45 đến 55 tuổi. Với chị em phụ nữ mãn kinh trước độ tuổi 45 hay thậm chí xuất hiện trước độ tuổi 40 được gọi là mãn kinh sớm.
Hình ảnh
Triệu chứng
Chị em phụ nữ có thể nhận biết hiện tượng mãn kinh sớm qua một số dấu hiệu sau đây.
- Suy giảm nội tiết tố: Âm đạo bị khô và có cảm giác đau rát khi quan hệ. Thậm chí, một số trường hợp bị chảy máu âm đạo.
- Vùng kín nóng rát: “Cô bé” bị nóng rát bất chợt đặc biệt là lúc “gần gũi”.
- Bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm: Vấn đề suy giảm estrogen dẫn đến bốc hỏa, cơ thể đổ mồ hôi do sự ảnh hưởng của estrogen đến vùng dưới đồi và não bộ.
- Suy giảm ham muốn: Chưa đến tuổi mãn kinh mà không còn cảm giác ham muốn thì chị em nên lưu ý đến dấu hiệu này.
- Tâm trạng thất thường, dễ nổi cáu: Giống như mãn kinh, bệnh mãn kinh sớm tạo ra những thay đổi trong tâm lý như mệt mỏi, chán nản, lo âu…
- Mất ngủ, ngủ không sâu giấc: Giấc ngủ bị rối loạn, thường trằn trọc về đêm và khó đi vào giấc ngủ.
Nguyên Nhân
Bệnh mãn kinh sớm ở mỗi người hình thành do những nguyên nhân khác nhau. Chị em cần tìm hiểu, nắm rõ để có hướng điều trị và phòng ngừa hiệu quả.
- Khiếm khuyết trên nhiễm sắc thể: Chẳng hạn những phụ nữ bị mắc hội chứng Turner không có nhiễm sắc thể X thứ hai hay không có nhiễm sắc thể X dẫn đến buồng trứng không bình thường và bị mãn kinh sớm.
- Di truyền: Gia đình có tiền sử mắc bệnh thì thế hệ sau cũng có khả năng cao bị mắc bệnh.
- Mắc bệnh tự miễn: Hệ thống miễn dịch không chỉ tấn công vào mầm bệnh mà còn tấn công nhầm vào những tế bào khỏe mạnh, làm tổn thương buồng trứng. Ngoài ra, bệnh tuyến giáp hay viêm khớp cũng dẫn đến vấn đề mãn kinh sớm ở nữ giới.
- Đã từng hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu: Khi hóa trị hoặc xạ trị có thể gây tổn thương cho buồng trứng. Phụ nữ vì vậy có khả năng mất kinh nguyệt hoặc mất khả năng sinh sản.
- Đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Khi phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng dễ khiến người phụ nữ mãn kinh nhanh hơn. Đối với những phụ nữ cắt tử cung nhưng còn buồng trứng thì kinh nguyệt vẫn không xuất hiện và không thể mang thai. Sau đó, họ có thể mãn kinh sớm hơn 1-2 năm so với bình thường.
Biến chứng
Nhiều phụ nữ lo lắng mãn kinh sớm có ảnh hưởng gì không. Thực tế, hiện tượng mãn kinh sẽ dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe, sinh lý và sắc đẹp sau đây.
Khả năng sinh sản
Nội tiết tố nữ estrogen và progesterone bị suy giảm gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Trong khi đó, kinh nguyệt lại gắn với chức năng sinh sản của buồng trứng. Vì vậy, mãn kinh sớm dẫn đến việc chấm dứt hoạt động của buồng trứng và không còn khả năng mang thai.
Sức khỏe và chất lượng cuộc sống
Nhiều chị em phụ nữ thắc mắc “mãn kinh sớm có tốt không”. Câu trả lời là không vì mãn kinh làm cơ thể bốc hỏa, đổ mồ hôi trộm ban đêm, khó đi vào giấc ngủ, chức năng bàng quang bị rối loạn… sau đó ảnh hưởng đến tâm sinh lý của hầu hết chị em.
Ngoài ra, mãn kinh còn gây ra các vấn đề như xương khớp yếu, viêm khớp, hình thành cholesterol xấu, các vấn đề về tim mạch… tác động nghiêm trọng đến sức khỏe.
Nhan sắc và cơ thể
Bước vào thời kỳ mãn kinh, làn da và cơ thể dễ xảy ra ra các vấn đề như khô sạm, nám, tàn nhang, làn da bị chảy xệ, cơ thể tăng cân, vòng 1 chảy xệ, kém sắc…
Ảnh hưởng đến sinh lý
Hầu hết phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh sớm có vùng kín khô và đau rát mỗi lần quan hệ, đồng thời ham muốn tình dục bị suy giảm hoặc thậm chí sợ quan hệ.
Phòng ngừa
Mãn kinh là hiện tượng sinh lý tự nhiên không thể không xảy ra nhưng chị em có thể áp dụng một số phương pháp để hạn chế những triệu chứng và trì hoãn mãn kinh dưới đây.
Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thể thao điều độ là phương pháp trì hoãn mãn kinh được khuyến khích. Hoạt động thể chất có tác dụng điều chỉnh hoóc môn và duy trì lượng mỡ bên trong cơ thể. Nhưng bạn không nên luyện tập quá sức dễ gây tác dụng phụ như mất cân bằng hoóc môn và rụng trứng sớm hơn.
Không hút thuốc lá
Nghiên cứu của Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ đã chứng minh thuốc lá là một trong số lý do dẫn đến hiện tượng mãn kinh sớm. Một số hóa chất bên trong thuốc lá như nicotine, xianua có thể làm tổn thương trứng nhanh chóng và không có khả năng tái tạo. Do đó hãy bỏ thói quen này và tránh những nơi có người hút thuốc lá.
Không tiêu thụ cafein hay cồn
Uống quá nhiều rượu và tiêu thụ cồn, cafein rất dễ dẫn đến vấn đề mãn kinh. Bạn không nên tiêu thụ hơn một cốc cà phê mỗi ngày hoặc hai cốc thức uống có cồn mỗi tuần.
Khám sức khỏe sản phụ khoa định kỳ
Đây là việc làm vô cùng cần thiết đối với chị em phụ nữ. Việc thăm khám định kỳ sẽ giúp chị em theo dõi được các chỉ số trong cơ thể. Nếu có bất thường, dấu hiệu mãn kinh trước độ tuổi trung bình bác sĩ sẽ đưa ra hướng giải quyết đúng đắn, kịp thời.Phụ nữ có mong muốn đối phó với mãn kinh sớm có thể trực tiếp trao đổi và thảo luận vấn đề này với bác sĩ hoặc chuyên gia để nâng cao chất lượng sức khỏe và đời sống.
Biện pháp điều trị
Để khắc phục các triệu chứng mãn kinh sớm và những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng này, bạn có thể áp dụng một số cách điều trị sau đây để tránh một số nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến những vấn đề sức khỏe khác.
Thay đổi thói quen sinh hoạt khoa học
Một lối sống lành mạnh và khoa học sẽ giúp giảm các triệu chứng mãn kinh như luyện tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, ngủ đủ giấc 7-8 tiếng mỗi ngày và duy trì chỉ số cơ thể BMI ở mức bình thường.
Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng hạn chế các ảnh hưởng của mãn kinh sớm
Phụ nữ ở tuổi mãn kinh thường dễ mắc các bệnh về xương khớp đặc biệt là loãng xương. Do đó, bạn có thể ngăn chặn tiến trình này bằng cách cân bằng nội tiết tố estrogen và bổ sung thêm canxi, vitamin D từ chế độ ăn uống hằng ngày.
Thông thường một người phụ nữ ở độ tuổi 19-50 nên bổ sung khoảng 1.000 miligam canxi mỗi ngày. Trên 51 tuổi, bạn nên dung nạp 1.200 miligam canxi mỗi ngày. Vitamin được khuyến nghị khoảng 600 IU / ngày thông qua thực phẩm hoặc các chất bổ sung.
Bên cạnh đó, chị em cũng nên tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin E, omega-3, thực phẩm giàu chất xơ, chất chống oxy hóa, uống nhiều nước để cải thiện tình trạng bốc hỏa và các biểu hiện về sức khỏe khác.
Sử dụng thuốc điều trị triệu chứng
Chị em để cải thiện các biểu hiện bệnh qua các loại thuốc đặc trị được bác sĩ kê đơn. Thuốc này có khả năng kiểm soát, làm giảm mức độ, giảm mệt mỏi, khó chịu.
- Phương pháp estrogen âm đạo: Bạn có thể dùng kem âm đạo để giảm hiện tượng khô, đau rát. Phương pháp này có khả năng giải phóng lượng nhỏ estrogen hấp thụ bởi mô âm đạo. Từ đó, âm đạo bớt khô và giảm cảm giác khó chịu mỗi khi gần gũi.
- Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Giảm chứng bốc hỏa, ổn định tâm trạng, giảm nguy cơ trầm cảm.
- Thuốc, viên uống canxi: Tác dụng cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp, loãng xương do thiếu hụt canxi gây ra.
Phụ nữ có mong muốn mang thai nhưng mắc chứng vô sinh sau khi bị mãn kinh sớm có thể cân nhắc thụ tinh ống nghiệm. Ngoài ra, bạn có thể đến gặp bác sĩ tâm lý để giải tỏa cảm xúc, căng thẳng giúp vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn.
Câu hỏi thường gặp
Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh không thể mang thai tự nhiên do buồng trứng ngừng hoạt động hoàn toàn, chu kỳ kinh nguyệt đã kết thúc.
Xem chi tiếtPhụ nữ mãn kinh VẪN CÓ THỂ THỤ TINH NHÂN TẠO (IVF), tuy nhiên tỷ lệ thành công sẽ thấp hơn so với phụ nữ trẻ tuổi. Lý do là vì:
- Buồng trứng của phụ nữ mãn kinh không còn sản xuất trứng.
- Chất lượng nội mạc tử cung của phụ nữ mãn kinh giảm sút, ảnh hưởng đến khả năng làm tổ của phôi thai.
- Phụ nữ mãn kinh có nguy cơ cao mắc các bệnh lý khác nhau như cao huyết áp, tiểu đường, và loãng xương. Những bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi và mẹ bầu.