Viêm Khớp Tự Phát Thiếu Niên
Viêm khớp tự phát thiếu niên là tình trạng viêm khớp gây ảnh hưởng đến trẻ dưới 16 tuổi. Bệnh gây ra các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy và cứng khớp. Nếu không can thiệp đúng cách ngay từ sớm, tổn thương tại khớp sẽ trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng vận động của trẻ sau này.
Định nghĩa
Viêm khớp tự phát thiếu niên thuộc nhóm bệnh tự miễn mãn tính, thường xảy ra ở trẻ em và trẻ vị thành niên. Các triệu chứng mà trẻ phải đối mặt khi bệnh khởi phát là đau nhức, sưng tấy và cứng khớp. Tổn thương do bệnh gây ra thường diễn ra kéo dài tối thiểu trong 6 tuần nhưng cũng có thể là suốt đời. Hiện tại, bệnh lý này vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, mục đích điều trị chỉ có thể cải thiện hoạt động thể chất và độ linh hoạt của khớp, hỗ trợ cải thiện các vấn đề về tâm lý ở trẻ,…
Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên được y khoa chia thành nhiều thể khác nhau và khác với bệnh viêm khớp ở người lớn về cả nguyên nhân lẫn tiên lượng. Một số thể bệnh sẽ chuyển biến nặng theo thời gian và phát sinh biến chứng. Vì thế, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để phòng ngừa các tổn thương có liên quan khác. Chuyên gia cho biết, tiên lượng viêm khớp tự phát ở trẻ em đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây khi phương pháp điều trị sinh học và điều trị tích cực được áp dụng.
Hình ảnh
Triệu chứng
Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên là gây đau nhức dai dẳng, sưng tấy và khó cử động tại các khớp bị ảnh hưởng. Tổn thương có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là khớp gối và khớp mắt cá chân. Trường hợp viêm đa khớp sẽ gây ảnh hưởng đến khớp bàn tay và khớp bàn chân. Hiện tại, bệnh lý này được y khoa chia thành nhiều thể khác nhau, mỗi thể bệnh sẽ có các triệu chứng đặc trưng và phương pháp điều trị khác nhau. Cụ thể là:
+ Viêm khớp tự phát thiếu niên thể viêm ít khớp: Thể bệnh này thường xảy ra ở trẻ từ 2 – 5 tuổi, phổ biến hơn ở bé gái. Viêm khớp tự phát thiếu niên thể viêm ít khớp được xác định là tình viêm xảy ra dưới 4 khớp trên cơ thể. Thể bệnh này được chia thành 2 dạng là giới hạn và mở rộng. Ở trường hợp viêm ít khớp thể giới hạn, số lượng khớp bị viêm sẽ không tăng lên trong suốt thời gian bệnh tiến triển. Còn trường hợp viêm ít khớp thể mở rộng, số lượng khớp tổn thương sẽ tăng lên 5 sau khoảng 6 tháng tiến triển.
Các triệu chứng đặc trưng của thể bệnh này là tổn thương và đau nhức dữ dội tại khớp, gây viêm không đối xứng, có thể biến chứng sang viêm màng bồ đào, triệu chứng của bệnh thường thuyên giảm sau 4 – 5 năm,… Ở một số trường hợp, bệnh sẽ tiến triển nặng và biến chứng sang viêm đa khớp.
+ Viêm khớp tự phát thiếu niên thể viêm nhiều khớp: Thể bệnh này được xác định khi tình trạng viêm xảy ra trên 5 khớp. Y học cũng chia thể bệnh này thành 2 dạng là RF âm tính và RF dương tính.
- Ở thể âm tính, tổn thương xảy ra tại ít nhất 5 khớp trong 6 tháng đầu, xét nghiệm RF trong 3 tháng cho kết quả âm tính ít nhất 2 lần. Trẻ 2 tuổi và trước độ tuổi trưởng thành là đối tượng dễ mắc phải thể bệnh này nhất. Tổn thương đặc trưng của thể âm tính là viêm ít nhất 5 khớp (thường gặp ở khớp lớn và ít gặp ở khớp nhỏ), tổn thương không có tính chất đối xứng, có hiện tượng bào mòn xương,…
- Ở thể dương tính, tổn thương cũng xảy ra tại ít nhất 5 khớp trong 6 tháng đầu, xét nghiệm RF cho kết quả dương tính ít nhất 2 lần trong 3 tháng đầu. Trẻ trên 10 tuổi là đối tượng dễ mắc phải thể bệnh này nhất, phổ biến ở nữ hơn nam. Tổn thương đặc trưng của thể dương tính là viêm xảy ra ở cả khớp lớn nhỏ và có tính chất đối xứng nhau, tỷ lệ biến chứng viêm bồ đào thấp, có nguy cơ hủy khớp,… Trẻ còn phải đối mặt với nhiều triệu chứng toàn thân khác như như chán ăn, gầy sút cân, mệt mỏi,…
+ Viêm khớp dạng thấp có điểm bám gân: Viêm khớp dạng thấp có điểm bám gân được xem là một dạng của bệnh viêm cột sống dính khớp. Thể bệnh này cũng xảy ra khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là bé trai trên 6 tuổi. Các biểu hiện đặc trưng của thể bệnh này là viêm tại điểm bám gân và nơi bám vào xương, tổn thương không có tính chất đối xứng. Thể bệnh này có nguy cơ xuất hiện HLA-B27 và viêm bồ đào mãn tính là rất cao.
+ Viêm khớp dạng thấp thể viêm khớp vảy nến: Hay còn được gọi là viêm khớp mạn tính thiếu niên, thường xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi (phổ biến nhất là trẻ từ 2 – 3 tuổi và trẻ từ 10 -12 tuổi). Dấu hiệu đặc trưng nhất của thể bệnh này là viêm khớp kèm theo vảy nến, tình trạng viêm có thể xảy ra trước hoặc cùng lúc với vảy nến. Khi mới khởi phát, bệnh gây tổn thương ở cả khớp nhỏ và khớp lớn nhưng không có tính chất đối xứng. Khi bệnh tiến triển nặng sẽ gây ra biến chứng ngón tay hình khúc dồi. Làm xét nghiệm chuyên khoa cho kết quả RF âm tính.
+ Viêm khớp thiếu niên thể hệ thống: Thể bệnh này khởi phát ở trẻ em từ giai đoạn khá sớm (1 – 2 tuổi). Tổn thương đặc trưng của bệnh viêm khớp thiếu niên thể hệ thống là viêm một hoặc vài khớp và chia thành nhiều đợt khác nhau (mỗi đợt viêm sẽ kéo dài khoảng 2 tuần), trẻ bị sốt trên 2 tuần, phát ban ngoài da, gây tổn thương đến cơ quan nội tạng,… Bệnh lý này cần được chẩn đoán phân biệt với tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân và bệnh bạch cầu cấp.
+ Viêm khớp thể không phân loại: Bệnh gây ra tình trạng viêm khớp kéo dài nhưng không đủ tiêu chuẩn để xếp vào các thể bệnh trên thì sẽ được chẩn đoán là viêm khớp thể không phân loại. Nếu chẳng may mắc phải thể bệnh này bạn cần được theo dõi, làm xét nghiệm và đánh giá lại thường xuyên.
Nguyên Nhân
Hiện tại, y khoa vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên. Tuy nhiên, bệnh lý này được xác định là một dạng rối loạn miễn dịch, bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tự tạo ra kháng thể tấn công vào các tế bào khỏe mạnh trên cơ thể. Hệ miễn dịch bị rối loạn có thể là do đột biến gan hoặc ảnh hưởng từ một số yếu tố bên ngoài môi trường.
Biến chứng
Viêm khớp tự phát thiếu niên nếu không được xử lý đúng cách ngay từ sớm sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác. Điểu hình là phá hủy sụn khớp và xương. Ngoài ra, bệnh còn có thể để lại một số rủi ro sau đây:
- Tốc độ tăng trưởng của trẻ chậm hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Tình trạng này thường diễn ra nghiêm trọng khi bệnh viêm khớp gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng khác trên cơ thể. Nếu trẻ dùng thuốc corticosteroid trị viêm khớp trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng co rút khớp hoặc yếu cơ.
- Viêm khớp tự phát thiếu niên nếu không được điều trị sẽ biến chứng sang viêm màng bồ đào, đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh lý này. Nếu không can thiệp y tế đúng cách sẽ gây tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, thậm chí là mù lòa.
- Hội chứng kích thích đại thực bào là biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh lý này. Hội chứng này có thể gây kích thích hệ miễn dịch và gây ra tình trạng nhiễm trùng huyết. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với các triệu chứng như sốt cao, sưng hạch bạch huyết, tổn thương tim mạch,…
- Bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên cũng có thể gây ra các biến chứng như hư khớp, dị dạng khớp, còi xương, bị thiếu máu, gặp vấn đề về tim phổi, cao huyết áp,…
Biện pháp chẩn đoán
Triệu chứng của bệnh viêm khớp tự phát khá giống với các bệnh lý xương khớp khác, điều này đã khiến bạn gặp khó khăn trong việc phát hiện bệnh. Đồng thời, y học vẫn chưa có phương pháp xét nghiệm giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý này. Tuy nhiên, một số xét nghiệm chuyên khoa sẽ hỗ trợ bác sĩ trong việc loại trừ các bệnh lý tương tự. Các xét nghiệm thường được chỉ định thực hiện để chẩn đoán bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên là:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra tốc độ lắng máu, protein phản ứng C, tìm kháng thể kháng nhân, yếu tố dạng thấp,…
- Xét nghiệm hình ảnh: Giúp bác sĩ quan sát được các tổn thương đang diễn ra tại khớp và theo dõi sự phát triển của xương.
- Kiểm tra tủy xương: Được chỉ định thực hiện giúp loại trừ các nguyên nhân gây viêm khớp hiếm gặp khác.
Thông thường, trẻ sẽ được chẩn đoán viêm khớp tự phát thiếu niên nếu bị viêm khớp kéo dài trên 6 tuần, triệu chứng của bệnh xuất hiện trước khi trẻ 16 tuổi và không có nguyên nhân gây viêm đau khác.
Biện pháp điều trị
Thông thường, việc điều trị bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên sẽ nhằm mục đích kiểm soát triệu chứng của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống và giúp trẻ có thể tham gia các hoạt động sống hàng ngày một cách độc lập. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Điều trị y tế
Đa số các trường hợp bệnh đều được kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y. Thuốc Tây không có khả năng cải thiện dứt điểm tình trạng viêm khớp nhưng có thể giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh và hạn chế tổn thương tại khớp. Dựa vào mức độ bệnh trạng ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị bằng thuốc sao cho phù hợp. Người bệnh không tự ý mua thuốc về dùng để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến là:
- Thuốc giảm đau thông thường
- Thuốc điều trị cơ bản
- Thuốc kháng viêm không steroid
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm
- Liệu pháp sinh học
- Thuốc steroid
Ngoài dùng thuốc Tây y, người bệnh còn được bác sĩ yêu cầu làm vật lý trị liệu giúp cải thiện tình trạng viêm đau, tăng cường sức mạnh cơ bắp và sức khỏe tim phổi, giúp vận động linh hoạt hơn. Thông thường, bác sĩ sẽ dựa vào tình trạng bệnh của trẻ để xây dựng chương trình tập luyện sao cho phù hợp.
Với những trường hợp bệnh nặng khiến khớp bị tổn thương nặng nề, bác sĩ sẽ đề nghị làm phẫu thuật để phục hồi chức năng khớp và tránh các rủi ro không mong muốn. Đây là phương pháp điều trị được áp dụng cuối cùng khi mà tất cả các phương pháp điều trị khác đều không mang lại hiệu quả tích cực.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Bên cạnh việc điều trị y tế theo phác đồ chuyên khoa, bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh áp dụng thêm một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà, giúp nhanh chóng kiểm soát tình trạng bệnh. Cụ thể là:
- Dành thời gian tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện độ linh hoạt của xương khớp. Một số bộ môn thể thao tốt cho người bệnh là bơi lội, đi bộ, chạy bộ ngắn,…
- Nẹp cố định khớp bị tổn thương giúp quá trình phục hồi diễn ra tốt hơn và hỗ trợ hoạt động khớp kéo dài. Ở những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng lót chân hoặc đệm chân để hỗ trợ phần mắt cá chân.
- Điều chỉnh thói quen ăn uống hàng ngày sao cho phù hợp. Nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm giàu canxi giúp xương luôn chắc khỏe, phòng ngừa tình trạng yếu xương do viêm khớp.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý để tránh gây áp lực lên hệ xương khớp. Tiến hành giảm cân khoa học bằng cách tập luyện và ăn uống lành mạnh nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì.
- Đưa trẻ đi thăm khám định kỳ 6 tháng/lần giúp theo dõi tình trạng bệnh, sớm phát hiện dấu hiệu bất thường để có thể đưa biện pháp can thiệp đúng cách và kịp thời.
- Chuyên gia
- Cơ sở