Tràn Dịch Khớp Gối Ở Trẻ Em
Tràn dịch khớp gối khi khởi phát ở trẻ em sẽ rất dễ để lại di chứng về sau và có nguy cơ bại liệt cao nếu không được điều trị đúng cách. Vì thế, bố mẹ cần có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh lý này để có thể chủ động đưa ra các biện pháp phòng ngừa cho trẻ. Bài viết dưới đây là tổng hợp những thông tin cần biết về bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em bạn có thể tham khảo.
Định nghĩa
Khớp gối là khớp lớn trên cơ thể và nắm giữ nhiều chức năng quan trọng như nâng đỡ cơ thể, hỗ trợ chuyển động đi lại,... Tại khớp gối, dịch nhờn luôn được tiết ra để bôi trơn khớp, hạn chế ma sát giữa các đầu xương và giúp khớp vận động linh hoạt hơn. Nếu dịch khớp tiết ra quá ít sẽ dẫn đến tình trạng khô khớp và đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Nhưng nếu chất này được sản xuất ra quá nhiều sẽ dẫn đến viêm nhiễm gây đau nhức nghiêm trọng.
Tràn dịch khớp gối ở trẻ em là hiện tượng dịch nhờn trong khớp gối tiết ra nhiều bất thường, không được hấp thụ hết và dần tích tụ tại khớp. Nếu sụn khớp đang bị tổn thương, dịch khớp sẽ tràn vào bên trong ổ khớp và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Khi trẻ bị tràn dịch khớp gối sẽ có triệu chứng sưng tấy và đau nhức, nếu không điều trị sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của cả hiện tại và tương lai.
Nhiều người cho rằng, bệnh lý này chỉ khởi phát ở người lớn nên khi thấy trẻ có các dấu hiệu của bệnh bạn đã chủ quan bỏ qua. Nếu để tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến sụn khớp gối bị bào mòn và hư tổn nặng nề, lúc này trẻ sẽ bị đau nhức nhiều và không muốn đi lại. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, bệnh tràn dịch khớp gối khởi phát ở trẻ em sẽ nguy hiểm hơn so với người trường thành do có tiến triển nhanh và dễ phát sinh biến chứng. Ban đầu, bệnh sẽ gây ra các cơn đau nhức dữ dội khiến khả năng vận động tại khớp suy giảm đáng kể và ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày. Nếu không tiến hành điều trị sẽ dần mất đi chức năng vận động tại khớp, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến bại liệt hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của xương khớp.
Hình ảnh
Triệu chứng
Khi bệnh tràn dịch khớp gối khởi phát ở trẻ em, các triệu chứng của bệnh cũng tương tự người lớn như sưng viêm, đau nhức,... Mẹ có thể nhận biết trẻ mắc bệnh thông qua các triệu chứng điển hình sau đây:
- Khớp gối bị sưng đỏ và phù nề, khi dùng tay sờ vào sẽ có cảm giác nóng rát. Quan sát hai bên đầu gối, bạn sẽ thấy đầu gối bị tràn dịch có kích thước to hơn bên còn lại
- Tình trạng đau nhức diễn ra kéo dài liên tục, cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi về đêm hoặc trời trở lạnh. Vì thế, trẻ thường xuyên quấy khóc và khó ngủ vào ban đêm.
- Nếu trẻ bị tràn dịch khớp gối do nhiễm khuẩn sẽ có triệu chứng sốt cao khi về đêm.
- Khả năng vận động của trẻ bị hạn chế, bước đi chậm chạp, khó khăn khi gập duỗi chân. Trẻ rất ít chạy nhảy, thường nằm một chỗ và lười vận động.
Khi thấy trẻ có các triệu chứng ở trên, bố mẹ không nên chủ quan trong việc đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám và điều trị. Ở giai đoạn đầu, bệnh chỉ hạn chế khả năng vận động nhưng về lâu dài cơ thể trẻ sẽ dần bị suy nhược. Đồng thời, bệnh còn tiến triển nặng theo thời gian gây khó khăn cho việc điều trị.
Nguyên Nhân
Bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em có thể xảy ra do tác động của rất nhiều nguyên nhân, nếu bố mẹ không quan tâm sẽ khó phát hiện ra. Việc nắm rõ nguyên nhân sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh cho trẻ. Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối ở trẻ em thường gặp, bố mẹ có thể tham khảo:
1. Chấn thương: Trẻ em rất hiếu động và thường xuyên chạy nhảy vui đùa với nhau. Khi trẻ không cẩn thận sẽ dễ bị vấp ngã dẫn đến chấn thương đầu gối gối. Xương khớp của trẻ em còn yếu và chưa phát triển hoàn thiện, nếu tình trạng này diễn ra lặp lại nhiều lần kèm theo việc ăn uống thiếu dưỡng chất sẽ khiến sụn khớp dần bị bào mòn. Điều này đã kích thích dịch nhờn tại khớp gối tiết ra ngày càng nhiều và gây ra bệnh tràn dịch khớp gối. Đồng thời, bệnh lý này cũng rất dễ khởi phát ở những trẻ hay chơi các bộ môn thể thao dễ gây tổn thương đến dây chằng và sụn khớp như thể thao đối kháng, đá bóng, vận động mạnh,...
2. Mắc bệnh viêm nhiễm: Trẻ em là đối tượng có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên rất dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Nếu không điều trị dứt điểm, tác nhân gây hại sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan khác để tấn công gây bệnh. Các chủng vi khuẩn dễ gây ra bệnh tràn dịch khớp gối có thể kể đến là vi khuẩn lao, Staphylococcus aureus,... Khi số lượng vi khuẩn này trong khớp quá nhiều, chúng sẽ tấn công hủy hoại bao hoạt dịch và dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối. Tràn dịch khớp gối do vi khuẩn gây ra thường có tiến triển nhanh chóng và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ.
3. Béo phì: Chuyên gia cho biết, trẻ bị béo phì sẽ có nguy cơ mắc các bệnh lý xương khớp cao hơn bình thường, điển hình là tràn dịch khớp gối. Khớp gối là phần khớp phải chịu áp lực rất lớn từ cơ thể. Trẻ béo phì sẽ khiến khớp gối chịu áp lực lớn hơn bình thường, nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến sụn khớp dần bị bào mòn và tạo cơ hội cho bệnh tràn dịch khớp gối khởi phát.
4. Bệnh lý xương khớp: Tràn dịch khớp gối rất dễ khởi phát ở trẻ em đang mắc các bệnh lý xương khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm bao hoạt dịch,... Tuy nhiên, đây là nguyên nhân gây ra bệnh ít gặp ở trẻ. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý này là di truyền, chấn thương khớp gối, ăn uống thiếu dưỡng chất,...
Phòng ngừa
Việc điều trị bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ khó khăn hơn rất nhiều so với người lớn, do lúc này cơ địa của trẻ còn khá nhạy cảm, không thích hợp để dùng thuốc giảm viêm hay giảm đau. Đồng thời, việc điều trị bệnh không đúng cách hoặc không đúng thời điểm cũng rất dễ để lại di chứng về sau. Tốt nhất, mẹ nên chủ động có các biện pháp phòng tránh bệnh lý này cho trẻ ngay từ sớm. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Lên thực đơn ăn uống phù hợp với trẻ em, chú ý bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu cho trẻ. Để trẻ có một hệ xương khớp khỏe mạnh, canxi và vitamin D là hai yếu tố vi lượng không thể thiếu trong thực đơn ăn uống của trẻ.
- Nên hạn chế cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của trẻ và làm gia tăng nguy cơ béo phì như đồ chiên xào nhiều dầu, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều chất béo,...
- Nếu chế độ dinh dưỡng không thể bổ sung đầy đủ canxi cho trẻ, mẹ có thể cho trẻ sử dụng thêm sữa canxi hoặc thuốc canxi dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
- Nên cho bé tham gia các bộ môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe và ít gây tổn thương đến khớp gối. Cần tránh các bộ môn thể thao vận động mạnh hoặc môn thể thao có tính đối kháng cao.
- Kiểm soát cân nặng của trẻ ở mức ổn định để tránh gây áp lực không tốt lên khớp gối. Nếu trẻ đang thừa cân béo phì, bố mẹ nên khuyến khích trẻ tiến hành giảm cân bằng cách ăn uống và vận động khoa học.
- Nếu trẻ thường xuyên bị đau nhức đầu gối, bố mẹ không được chủ quan trong việc đưa trẻ đi thăm khám và điều trị. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý xương khớp hoặc chấn thương khớp gối.
Biện pháp điều trị
Để đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh lý mà trẻ đang mắc phải, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, hỏi về tiền sử bệnh lý của trẻ, làm xét nghiệm cận lâm sàng,... Các loại xét nghiệm thường được chỉ định thực hiện là chụp x-quang, chụp MRI, siêu âm khớp, xét nghiệm máu, phân tích dịch khớp,... Trong đó, chụp MRI là phương pháp chẩn đoán bệnh có độ chính xác cao và có thể xác định được chính xác mức độ bệnh trạng mà trẻ đang mắc phải.
Sau khi đã xác định chính xác bệnh lý mà trẻ đang mắc phải, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Việc điều trị bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em cũng tương tự như người lớn. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
Dùng thuốc Tây y
Đây là phương pháp trị bệnh được ưu tiên áp dụng cho trẻ do có tác dụng nhanh và cách sử dụng đơn giản. Dùng thuốc Tây y điều trị tràn dịch khớp khối nhằm mục đích kiểm soát cơn đau giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Một số nhóm thuốc thường được kê đơn điều trị cho trẻ là:
- Thuốc giảm đau thông thường: Đây là nhóm thuốc được sử dụng khá phổ biến nhất giúp đẩy lùi cơn đau nhức một cách nhanh chóng. Thường dùng là paracetamol.
- Thuốc chống viêm không steroid: Đây là nhóm thuốc trị bệnh được ưu tiên kê đơn cho trẻ em do có tác dụng giảm đau và giảm sưng viêm nhanh chóng nhưng ít tác dụng phụ. Được sử dụng phổ biến là Diclofenac, Ibuprofen, Meloxicam,...
- Thuốc Corticosteroid: Được sử dụng để điều trị với những trường hợp tổn thương nặng nề đến khớp gây đau nhức nghiêm trọng. Thuốc Corticosteroid được sử dụng bằng cách tiêm trực tiếp vào khớp giúp giảm viêm nhanh chóng. Tuy nhiên, loại thuốc này không được khuyến khích sử dụng để trị bệnh cho trẻ em.
- Kháng sinh: Với những trẻ bị tràn dịch khớp gối do nhiễm trùng hoặc biến chứng sang nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng kháng sinh. Kháng sinh có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn gây hại và dần loại bỏ chúng, ngăn ngừa nhiễm trùng lan rộng. Cần dùng kháng sinh trị bệnh theo đúng chỉ định để tránh tình trạng kháng kháng sinh
- Thuốc chống thấp khớp: Nhóm thuốc này được kê đơn điều trị nếu trẻ bị tràn dịch khớp gối do có liên quan đến bệnh lý thấp khớp
Dùng thuốc Tây y điều trị tràn dịch khớp gối ở trẻ em cần được tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Việc tự ý mua thuốc về cho trẻ sử dụng sẽ dẫn đến quá liều và phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.
Can thiệp ngoại khoa
Với những trường hợp không đáp ứng điều trị bằng phương pháp nội khoa, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện chọc hút dịch khớp để đẩy lùi các triệu chứng khó chịu của bệnh. Nhưng đây là phương pháp trị bệnh có nguy cơ tái phát rất cao. Còn với những trường hợp nặng hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu mổ nội soi để loại bỏ phần sụn khớp bị tổn thương và kích thích phục hồi tế bào mới.
Phẫu thuật cần được hạn chế áp dụng để điều trị bệnh tràn dịch khớp gối ở trẻ em do tiềm ẩn nhiều rủi ro trong và sau phẫu thuật. Đồng thời, sau phẫu thuật chức năng vận động của trẻ không thể cải thiện được 100%. Ở những trường hợp bắt buộc phải phẫu thuật điều trị, mẹ nên cho trẻ phẫu thuật tại các bệnh viện chuyên khoa xương khớp uy tín để đảm bảo an toàn.
Hỗ trợ điều trị
Bên cạnh việc thực hiện điều trị bệnh cho trẻ theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, bạn có thể áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà cho trẻ như chườm ấm hoặc lạnh, massage,... Các mẹo này có tác dụng hỗ trợ đẩy lùi cơn đau nhức và ổn định tình trạng bệnh, từ đó bé sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh có tác dụng làm tê liệt dây thần kinh ở vùng khớp gối, sau khoảng 15 phút thực hiện cơn đau sẽ dần được kiểm soát. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần cho vài viên đá lạnh vào một cái khăn mỏng sạch, sau đó dùng để chườm trực tiếp lên vùng đầu gối bị đau nhức.
- Chườm ấm: Nên áp dụng khi đầu gối có dấu hiệu sưng đỏ. Chườm nóng sẽ kích thích tuần hoàn máu đến cơ quan này, đánh tan huyết ứ và mang lại hiệu quả giảm sưng. Lúc này, bố mẹ chỉ cần cho nước ấm vào túi chườm rồi chườm trực tiếp lên vùng đầu gối bị tổn thương của trẻ.
- Massage: Mẹ có thể thoa một lớp dầu nóng lên đầu gối của trẻ rồi tiến hành massage nhẹ nhàng mỗi khi cơn đau nhức khởi phát. Cách này có tác dụng tăng tuần hoàn máu đến khớp gối để nuôi dưỡng sụn khớp bị tổn thương và đẩy lùi cơn đau nhức.
- Chuyên gia
- Cơ sở