Viêm Khớp Vảy Nến

Triệu chứng và nguyên nhân

Viêm khớp vảy nến là một thể của viêm khớp ảnh hưởng chủ yếu đến bệnh nhân có tiền sử bị vảy nến. Bệnh gây sưng đau khớp, cứng khớp, làm xuất hiện các mảng da đỏ đóng vảy gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, khả năng vận động cũng như đời sống sinh hoạt của người bệnh.

Định nghĩa

Bệnh viêm khớp vảy nến là một dạng bệnh mãn tính gây sưng viêm khớp thường gặp ở những bệnh nhân bị vảy nến. Thống kê cho thấy, có khoảng 10 - 30% các trường hợp bị vảy nến kèm theo tình trạng viêm khớp.

Viêm khớp vảy nến có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là tình trạng sưng đau, viêm đỏ và cứng khớp. Một số khớp bị viêm có tính chất đối xứng gây khó khăn cho việc vận động, đồng thời khiến người bệnh chịu nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.

Khi không được kiểm soát tốt, bệnh viêm khớp vảy nến có khuynh hướng ngày càng tiến triển nặng hơn. Điều này dẫn đến tình trạng phá hủy khớp, mất chức năng vận động và nghiêm trọng hơn là tàn phế suốt đời.

Bệnh viêm khớp vảy nến được phân thành 5 thể chính dựa trên vị trí của khớp bị ảnh hưởng. Bao gồm:

+ Viêm khớp cột sống:

  • Bệnh gây tổn thương cho một phần hay toàn bộ cột sống
  • Xuất hiện cảm giác đau lưng, đau nhức cột sống tương tự như các trường hợp bị viêm cột sống dính khớp. Cơn đau tăng nặng khi vận động.
  • Các chi, cẳng chân hay hông cũng có thể bị ảnh hưởng.

+ Viêm khớp vảy nến đối xứng:

  • Tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 50%
  • Bệnh gây tổn thương, sưng viêm các khớp đối xứng ở hai bên. Chẳng hạn như khớp gối, khớp khuỷu tay...
  • Các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, bệnh viêm khớp vảy nến thường nhẹ hơn và ít gây biến chứng biến dạng khớp.
  • Trường hợp nghiêm trọng có thể gây tổn thương cho toàn bộ các khớp trên cơ thể.

+ Viêm khớp không đối xứng:

  • Bệnh chỉ ảnh hưởng đến khớp ở một bên cơ thể
  • Số lượng khớp bị viêm từ 4 khớp trở xuống
  • Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp không đối xứng chiếm khoảng 35% trong tổng số các trường hợp bị viêm khớp vảy nến.

+ Viêm các khớp xa ngón tay, ngón chân: 

  • Các khớp bị ảnh hưởng nằm gần nhất với móng tay, móng chân
  • Tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 10%.

+ Viêm khớp vảy nến phá hủy sụn:

  • Đây là thể bệnh có tính chất nghiêm trọng nhất
  • Lớp sụn khớp bị phá hủy dẫn đến biến dạng khớp, tàn phế.
  • Tỷ lệ mắc bệnh chiếm khoảng 5%.

Hình ảnh

Triệu chứng

Các dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm:

  • Sưng khớp: Khớp bị bệnh sưng to bất thường. Vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất là khớp gối, các khớp ngón tay -chân, khớp mắt cá chân hay thắt lưng.
  • Nóng đỏ khớp: Chạm tay vào vùng da quanh khớp có cảm giác nóng ấm do các mô bị viêm phát nhiệt.
  • Đau nhức âm ỉ ở khớp bị bệnh. Cơn đau thường có tính chất kéo dài và hay tái phát.
  • Cứng khớp gây khó khăn cho việc di chuyển. Triệu chứng này thường xuất hiện khi bạn ngủ dậy vào buổi sáng hoặc sau một thời gian dài nghỉ ngơi.
  • Móng tay hay móng chân có thể dày lên do các khớp ở gần bị tổn thương. Một số trường hợp còn bị bong tróc móng hoặc xuất hiện nhiều vết lõm trên bề mặt móng.
  • Sưng toàn bộ ngón tay, ngón chân.
  • Đau thắt lưng, đau mỏi cổ khi cột sống bị ảnh hưởng.
  • Dính khớp cùng chậu
  • Viêm kết mạc, viêm màng lót mí mắt hoặc xuất hiện các vấn đề ở mắt dẫn đến suy giảm thị lực và không nhìn rõ.
  • Đau nhức ở gót chân, dưới bàn chân hay khuỷu tay.
  • Gặp khó khăn khi cử động khớp, phạm vi vận động bị hạn chế.
  • Cơ thể mệt mỏi, sa sút về mặt tinh thần, mất tập trung trong công việc.
  • Biểu hiện ngoài da: Vùng da quanh khớp có nhiều mảng viêm đỏ. Bên trên đóng vảy dày, óng ánh bạc. Da khô, ngứa, nóng rát và có thể bị nứt nẻ, chảy máu.

Không phải trường hợp nào cũng gặp tất cả các triệu chứng kể trên. Điều này còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và loại viêm khớp vảy nến.

Nguyên Nhân

Viêm khớp vảy nến được xếp vào nhóm các bệnh lý có tính chất tự miễn. Bệnh khởi phát khi hệ miễn dịch nhầm lẫn các mô khỏe mạnh ở khớp và da là tác nhân gây bệnh nên giải phóng nhiều kháng thể tấn công vào chúng. Hậu quả là khớp không chỉ bị sưng đỏ, đau nhức mà còn kích thích sự tăng sinh quá mức của các tế bào da dẫn đến các triệu chứng của bệnh vảy nến.

Đến nay, nguyên nhân gây bệnh viêm khớp vảy nến vẫn chưa được khẳng định một cách chính xác. Mặc dù vậy, các nhà y học cũng đã phát hiện ra nhiều bằng chứng cho thấy bệnh có liên quan đến các yếu tố sau:

Di truyền:

Bệnh viêm khớp vảy nến có tính chất di truyền. Khoảng 40% các trường hợp mắc căn bệnh này có người thân từng bị vảy nến hay viêm khớp. Như vậy, nếu trong gia đình bạn có ông bà, cha mẹ hay anh chị em bị viêm khớp vảy nến thì hãy thận trọng vì nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Tuổi tác:

Nguy cơ bị viêm khớp vảy nến ở nam giới và phụ nữ tương tự nhau. Tuy nhiên, số lượng bệnh nhân nằm trong độ tuổi từ 30 - 50 chiếm tỷ lệ nhiều nhất.

Môi trường sống và làm việc:

Môi trường sống bị ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất hay các chất phóng xạ độc hại có thể khiến hệ thống miễn dịch bị rối loạn, suy yếu. Đây có thể là yếu tố kích thích hoạt động quá mẫn của hệ miễn dịch và dẫn đến bệnh viêm khớp vảy nến.

Nhiễm trùng:

Bệnh viêm khớp vảy nến có thể khởi phát sau khi bị nhiễm trùng virus, vi khuẩn hay nấm. Lúc này, thay vì tấn công các tác nhân gây bệnh, hệ miễn dịch lại tiêu diệt luôn cả các mô và tế bào khỏe mạnh ở da, khớp. Bệnh viêm khớp vảy nến chính là một hậu quả tất yếu.

Yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm khớp vảy nến có thể xảy ra ở mọi đối tượng, bao gồm cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất tập trung ở các nhóm đối tượng dưới đây:

  • Bệnh nhân bị vảy nến
  • Người có tiền sử bị vảy nến hay viêm khớp vảy nến trong gia đình
  • Nam, nữ nằm trong độ tuổi từ 30 - 50
  • Đối tượng làm việc hay sống trong môi trường bị ô nhiễm.

Biến chứng

Viêm khớp vảy nến là bệnh mãn tính nên thường kéo dài và có thể tái phát nhiều đợt trong năm làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe của bệnh nhân. Người bệnh thường xuyên phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu nên khá hoang mang, lo lắng. Các mảng sần sùi, bong tróc trên da kèm theo sự thay đổi của móng tay, móng chân khiến cho bệnh nhân trở nên mất tự tin khi giao tiếp.

Một số trường hợp còn gặp biến chứng do không kiểm soát tốt bệnh. Bao gồm:

+ Biến chứng ở cơ - xương - khớp:

  • Viêm đa khớp
  • Viêm Dactyl
  • Biến dạng khớp
  • Viêm dây chằng và các gân xung quanh khớp

+ Biến chứng ở hệ miễn dịch:

Hệ miễn dịch bị rối loạn làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng da, viêm họng liên cầu khuẩn...

+ Biến chứng ở mắt:

  • Viêm màng bồ đào
  • Mất thị lực vĩnh viễn.

+ Biến chứng ở đường tiêu hóa:

  • Bệnh Crohn
  • Viêm ruột...

+ Biến chứng ở hệ hô hấp:

  • Viêm phổi mô kẽ
  • Khó thở
  • Ho nhiều...

+ Biến chứng ở hệ tim mạch:

  • Tăng huyết áp
  • Tiểu đường
  • Xơ cứng thành mạch
  • Đột quỵ...
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm và bảo tồn chức năng vận động, bạn nên thăm khám để được chẩn đoán cũng như điều trị bệnh viêm khớp vảy nến càng sớm càng tốt.

Bên cạnh các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh và loại trừ các nguyên nhân gây sưng đau khớp. Bao gồm:

  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang, cộng hưởng từ.
  • Xét nghiệm dịch tiết: Kiểm tra dịch tiết tại khớp để chẩn đoán phân biệt viêm khớp vảy nến với viêm khớp nhiễm trùng hay bệnh gout.
  • Xét nghiệm máu: Bệnh nhân có thể được làm xét nghiệm máu để tìm yếu tố dạng thấp (RF). Loại kháng thể này thường chỉ có trong máu của bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp chứ không có ở người bị viêm khớp vảy nến.

Biện pháp điều trị

Bệnh viêm khớp vảy nến được điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Một số trường hợp được kê đơn thuốc chữa bệnh, làm vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.

1. Thuốc trị viêm khớp vảy nến

Bệnh nhân được chỉ định các loại thuốc chỉ định các loại thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng và ức chế bệnh phát triển.

  • Thuốc NSAIDs: Các thuốc kháng viêm không steroid chứa thành phần ibuprofen hay naproxen có thể giúp giảm nhẹ cơn đau, cải thiện tình trạng viêm khớp, viêm đỏ ngoài da. Bệnh nhân nên uống thuốc sau khi ăn no và không lạm dụng quá mức để tránh gây kích ứng cho dạ dày, đồng thời giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng khó chịu khác.
  • Thuốc DMARDs: Nhóm thuốc này có tên gọi là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm. Thuốc giúp ức chế sự tiến triển của bệnh viêm khớp vảy nến, ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn cho khớp. Người bệnh có thể dùng Methotrexate, Arava hay Sulfasalazine...
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Giúp làm giảm phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, qua đó ngăn chặn bệnh phát triển. Các thuốc trị viêm khớp vảy nến thuộc nhóm ức chế miễn dịch được chỉ định phổ biến nhất là Azathioprine, Gengraf hay Sandimmune...
  • Thuốc Apremilast (Otezla): Làm giảm hoạt động của các enzym gây viêm. Khi sử dụng thuốc, cần thận trọng với các tác dụng phụ như nhức đầu, tiêu lỏng nhiều lần trong ngày, buồn nôn.
  • Thuốc kích thích phản ứng sinh học: Chẳng hạn như Abatacept, Humira, hay Golimumab...
  • Tiêm Corticosteroid nội khớp: Thuốc được chỉ định cho bệnh nhân không đáp ứng được với NSAIDs.

2. Các phương pháp chữa viêm khớp vảy nến khác

Ngoài thuốc, các phương pháp điều trị viêm khớp vảy nến khác cũng có thể được lựa chọn.

  • Vật lý trị liệu giảm đau, phục hồi chức năng vận động cho khớp
  • Châm cứu
  • Xoa bóp bấm huyệt
  • Phẫu thuật thay khớp nhân tạo hoặc sửa chữa tổn thương trong khớp
  • Điều trị tại nhà: Chườm nóng hoặc chườm lạnh giảm đau, massage, mang nẹp cố định khớp...

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Để đẩy nhanh hiệu quả điều trị viêm khớp vảy nến, người bệnh cần chú ý:

  • Nghỉ ngơi nhiều khi khớp đang bị sưng đau nghiêm trọng. Thỉnh thoảng có thể đi lại, vận động nhẹ nhàng để tránh bị teo cơ.
  • Không làm việc quá sức hoặc bưng bê đồ nặng tạo áp lực cho khớp.
  • Tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng để kích thích lưu thông máu, giảm đau, ngăn ngừa cứng khớp.
  • Ngủ đủ giấc, tránh stress để tổn thương ở khớp và da nhanh được chữa lành.
  • Kiêng uống bia rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích khác. Hạn chế ăn đồ cay nóng, đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn hay các món ăn nhiều dầu mỡ.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, hoa quả tươi vào thực đơn để cải thiện khả năng miễn dịch, giúp bệnh viêm khớp vảy nến nhanh hồi phục.
Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android