Cứng Khớp

Cơ bản

Cứng khớp khiến việc vận động khớp trở nên khó khăn hơn bình thường và gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa. Bài viết dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây cứng khớp thường gặp và cách khắc phục bạn có thể tham khảo.

Định nghĩa

Cứng khớp là hiện tượng khớp không còn hoạt động linh hoạt, gây khó khăn khi thực hiện các cử động tại khớp. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do sụn khớp bị bào mòn và dịch khớp tiết ra không đủ để bôi trơn đầu xương. Khi vận động, các đầu xương sẽ không được bảo vệ mà cọ xát vào nhau gây đau nhức và tê bì. Khi bị cứng khớp, người bệnh thường có thêm một số triệu chứng đi kèm như viêm sưng, đau nhức, ngứa ran, tê bì,...

Tình trạng cứng khớp xảy ra khá phổ biến ở người lớn tuổi hoặc những người có lối sống thiếu khoa học. Khi gặp phải tình trạng này, người bệnh thường có thêm triệu chứng viêm đau và gặp khó khăn thực hiện các cử động tại khớp. Điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và chất lượng cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể nhận biết ra tình trạng này thông qua các dấu hiệu sau đây:

  • Cứng khớp khiến bạn không thể hoạt động khớp linh hoạt như bình thường. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào như khớp gối, khớp cổ, khớp ngón tay,...
  • Cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc đầu giờ chiều. Người bệnh cần phải nghỉ ngơi hoặc xoa bóp từ 15 - 20 phút mới có thể vận động bình thường trở lại.
  • Phạm vi vận động của khớp bị cứng sẽ bị hạn chế so với các khớp khỏe mạnh trên cơ thể.
  • Xuất hiện triệu chứng đau nhức ở những trường hợp cứng khớp do viêm xương khớp, chấn thương hoặc lạm dụng khớp quá mức. Nhiều trường hợp sẽ bị cứng khớp kèm theo mệt mỏi và đau nhức kéo dài.

Cứng khớp là dấu hiệu cho thấy sức khỏe xương khớp đang bắt đầu gặp vấn đề. Nếu không có biện pháp cải thiện đúng cách, khả năng vận động sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Nguyên nhân

Chuyên gia cho biết, viêm khớp và chấn thương là hai nguyên nhân gây cứng khớp phổ biến nhất hiện nay. Khi bị cứng khớp, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân để có thể đưa ra phương án xử lý cho phù hợp. Dưới đây là tổng hợp các nguyên nhân gây cứng khớp thường gặp bạn có thể tham khảo:

+ Chấn thương: Khớp bị chấn thương do té ngã, tai nạn giao thông hoặc vận động thể thao quá mức là nguyên nhân gây ra tình trạng cứng khớp thường gặp. Một số chấn thương có thể gặp là tổn thương sụn, trật khớp, gãy hoặc nứt xương, giãn dây chằng,... Nếu không xử lý đúng cách sau chấn thương, tình trạng cứng khớp sẽ chuyển biến sang giai đoạn mãn tính.

+ Phẫu thuật: Sau khi thực hiện phẫu thuật thay khớp hoặc bó bột để điều trị bệnh, nếu không phục hồi chức năng đúng cách sẽ khiến dây chằng và bao khớp bị co rút. Lúc này, bạn phải đối mặt với tình trạng cứng khớp diễn ra kéo dài.

+ Viêm xương khớp: Đây là hiện tượng sụn khớp bị bào mòn và mất đi chức năng bảo vốn có. Viêm xương khớp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nhưng thường gặp là đầu gối, lưng, ngón tay, cổ,... Cứng khớp là triệu chứng đầu tiên mà bạn phải đối mặt khi bị viêm xương khớp. Dựa vào mức độ nặng nhẹ mà bạn sẽ có thêm các triệu chứng khác như đau nhức, sưng tấy,... Khi bị viêm xương khớp, bạn cần điều trị để tránh gây tổn thương đến xương và khiến xương dễ gãy.

+ Viêm bao hoạt dịch: Bao hoạt dịch là túi chất lỏng bên trong khớp. Chức năng chính của túi này là hấp thụ lực tại khớp mỗi khi vận động. Khi bao hoạt dịch bị viêm bạn sẽ đối mặt với triệu chứng đau nhức và cứng khớp rất khó chịu. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra tạm thời và thuyên giảm dần sau khi nghỉ ngơi hoặc chăm sóc đúng cách.

+ Viêm khớp dạng thấp: Cứng khớp là một trong những triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này. Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn thường xảy ra ở người từ 30 - 50 tuổi. Lúc này, kháng thể miễn dịch sẽ tấn công vào khớp khỏe mạnh trên cơ thể gây viêm đau và cứng khớp. Nếu không kiểm soát tốt bệnh lý, khớp sẽ dần bị bào mòn và gây biến dạng khớp.

+ Lupus ban đỏ: Cũng giống như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch ị rối loạn. Khi bệnh lupus ban đỏ gây ảnh hưởng đến khớp xương sẽ gây ra các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy và cứng khớp. Hiện nay, y khoa vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh lý này mà chỉ có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

+ Bệnh Gout: Gout thuộc nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa. Bệnh lý này xảy ra khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, gây tích tụ tinh thể muối urat tại khớp. Điều này đã kích thích phản ứng viêm xảy ra và hình thành nên cơn đau nhức ở mức độ dữ dội và đột ngột. Khớp ngón chân cái là vị trí dễ bị ảnh hưởng nhất trên cơ thể khi bị gout. Chuyên gia cho biết, đây là bệnh lý mãn tính nên cần phải điều trị và phòng ngừa suốt đời.

+ Ung thư xương: Ung thư xương cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng cứng khớp nhưng khá hiếm gặp. Ngoài ra, bệnh còn có thể gây ra một số triệu chứng khác như đau nhức và sưng viêm tại xương khớp, vùng gần khớp trở nên nhạy cảm hơn bình thường,.. Dựa vào vị trí hình thành khối u và kích thước của khối u mà phương pháp điều trị bệnh lý này sẽ có sự khác nhau. Ví dụ như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật,...

+ Nguyên nhân khác: Tình trạng cứng khớp cũng có thể xảy ra do một số thói quen xấu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày như lười vận động, nghỉ ngơi hoặc làm việc không đúng tư thế, sống trong môi trường lạnh ẩm, chế độ ăn uống nghèo nàn, bị thừa cân béo phì,... Ngoài ra, cứng khớp cũng có thể là tác dụng phụ của việc dùng kháng sinh hoặc ảnh hưởng từ quá trình lão hóa tự nhiên bên trong cơ thể.

Đối tượng có nguy cơ bị cứng khớp cao là:

  • Người trong độ tuổi trung niên, đặc biệt là nữ giới.
  • Tiền sử gia đình mắc các bệnh lý về xương khớp.
  • Phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con xong.
  • Hệ miễn dịch yếu kém.
  • Bị thừa cân béo phì.
  • Lạm dụng rượu bia và chất kích thích.

Điều trị

Khi tình trạng cứng khớp diễn ra kéo dài trên 30 phút sau khi ngủ dậy hoặc trở nên ngày càng nghiêm trọng theo thời gian, bạn cần đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán bệnh. Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra triệu chứng lâm sàng tại vùng khớp bị ảnh hưởng để đánh giá phạm vi cử động của khớp và xác định nguyên nhân cơ bản.

Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện thêm một số xét nghiệm cần thiết khác để đưa ra chẩn đoán xác định. Thường được áp dụng là xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh. Sau khi đã xác định được nguyên nhân cũng như mức độ cứng khớp, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh các phương pháp xử lý và điều trị sao cho phù hợp. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

Chườm nóng hoặc chườm lạnh

Khi bị cứng khớp, bạn có thể tiến hành chườm nóng hoặc chườm lạnh để cải thiện, giúp làm tăng khả năng vận động tại khớp. Để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên phối hợp cả chườm nóng và chườm lạnh.

Trước tiên, bạn cần chườm lạnh trong khoảng 20 phút rồi hãy chuyển qua chườm nóng. Chườm lạnh sẽ giúp đẩy lùi triệu chứng viêm sưng, làm tê liệt dây thần kinh giúp giảm cảm giác đau nhức. Sau đó, tiến hành chườm nóng để làm thư giãn cơ và khớp, tăng tuần hoàn máu đến khớp và chữa lành tổn thương.

Sử dụng thuốc Tây y

Nếu tình trạng cứng khớp diễn ra kéo dài khiến bạn gặp phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, bạn có thể sử dụng thuốc chống viêm không kê đơn để cải thiện. Được sử dụng nhiều là aspirin, naproxen, ibuprofen,... Công dụng chính của nhóm thuốc này là kháng viêm và giảm cứng khớp. Chú ý, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ hoặc hướng dẫn in trên bao bì để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.

Với những trường hợp bị viêm sưng và cứng khớp ở mức độ nghiêm trọng thì bác sĩ sẽ chỉ định tiêm thuốc steroid vào khớp. Loại thuốc này mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng chỉ có tác dụng tức thời trong một khoảng thời gian ngắn. Nếu bạn dùng nhiều lần hoặc quá lạm dụng sẽ dẫn đến lờn thuốc, không mang lại hiệu quả. Vì thế, tiêm steroid không thích hợp sử dụng để điều trị khi bệnh mới khởi phát.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng thêm viên uống bổ sung Glucosamine Sulfate để hỗ trợ cải thiện và phòng ngừa tái phát triệu chứng cứng khớp. Chuyên gia cho biết, Glucosamine Sulfate là chất lỏng xung quanh khớp có tác dụng tái tạo sụn khớp. Nếu cơ thể được cung cấp đầy đủ hoạt chất này sẽ giúp quá trình tái tạo sụn khớp diễn ra tốt hơn. Với những người đang bị viêm sưng và cứng khớp thì nên dùng Glucosamine Sulfate với liều lượng từ 300 - 2000 mg/ngày. Để đảm bảo an toàn thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng.

Tập thể dục

Tập thể dục hoặc vật lý trị liệu là phương pháp giảm cứng khớp rất an toàn và hiệu quả. Các vận động thể chất này sẽ có tác dụng hạn chế gây áp lực lên khớp và cải thiện các triệu chứng có liên quan. Nếu bị cứng khớp gây khó khăn cho việc tập thể dục hoặc vận động trị liệu, bạn nên đến gặp chuyên gia để được hướng dẫn tập luyện cho phù hợp.

Ngoài ra, việc duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường sức đề kháng, cải thiện độ chắc khỏe của xương, duy trì vóc dáng cân đối và ổn định,...

Phòng ngừa

Cứng khớp khiến bạn gặp nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng đến năng suất lao động. Để phòng ngừa tình trạng này thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Chú ý kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý để hạn chế gây áp lực quá mức lên hệ thống xương khớp, đặc biệt là vùng khớp gối. Điều này sẽ có tác dụng phòng ngừa cứng khớp cũng như các bệnh lý có liên quan.
  • Nên hình thành cho bản thân thói quen sinh hoạt tích cực như tập thể dục mỗi ngày, ăn uống khoa học, tránh căng thẳng kéo dài, ngủ đúng tư thế và đúng giờ, không thức khuya, giữ ấm cơ thể vào những ngày trời lạnh,...
  • Cần hạn chế thực hiện các hoạt động gây ảnh hưởng không tốt đến khớp như duy trì tư thế tĩnh trong thời gian dài, tập luyện hoặc làm việc quá sức gây chấn thương khớp,...
  • Chế độ ăn uống cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho xương khớp như vitamin D, canxi, collagen,... Người cao tuổi nên uống thêm 2 - 3 ly sữa mỗi ngày để cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể.
  • Nếu bị cứng khớp kèm theo các triệu chứng bất thường như đau nhức khớp dữ dội, biến dạng khớp, đỏ nóng khớp,... bạn cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý đúng cách.

Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin về tình trạng cứng khớp bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Cứng khớp là dấu hiệu cho thấy hệ xương khớp bên trong cơ thể đang gặp vấn đề, bạn cần xác định nguyên nhân để đưa ra biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chủ động đưa ra biện pháp phòng ngừa, tránh để tình trạng này tái phát trở lại gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android