Cứng Khớp Gối

Cơ bản

Cứng khớp gối khiến bạn gặp khó khăn khi thực hiện một số vận động tại khớp, điều này đã gây ra nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Khi gặp phải tình trạng này, nếu không điều trị đúng cách sẽ khiến tình trạng cứng khớp chuyển biến nặng và phát sinh biến chứng. Để hiểu rõ hơn về tình trạng cứng khớp gối thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.

Định nghĩa

Cứng khớp là tình trạng xảy ra khá phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể gặp phải. Khớp gối là một trong những khớp lớn trên cơ thể và nắm giữ rất nhiều chức năng quan trọng. Do khớp gối phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể nên rất dễ bị tổn thương và gây ra một số vấn đề như cứng khớp, đau nhức, viêm sưng,...

Cứng khớp gối là hiện tượng khớp gối bị co cứng, không thể thực hiện một số vận động co duỗi. Điều này đã khiến cho người bệnh gặp khó khăn khi di chuyển và thực hiện một số vận động thường ngày. Các nguyên nhân gây cứng khớp gối thường gặp là lười vận động, chấn thương hoặc mắc bệnh lý xương khớp.

Với những trường hợp cứng khớp gối do bệnh lý sẽ có thêm một số triệu chứng đi kèm khác như đau nhức, viêm sưng,... Lúc này, bạn không được chủ quan trong việc điều trị để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động. Các biến chứng có thể gặp phải nếu không điều trị cứng khớp gối đúng cách là mất khả năng vận động, teo cơ chân, phá hủy khớp gối, bại liệt,...

Nguyên nhân

Để có thể đưa ra được phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cứng khớp gối mà bạn đang mắc phải thì việc xác định nguyên nhân là điều rất cần thiết. Chuyên gia cho biết, cứng khớp gối thường xảy ra nếu bạn quá lạm dụng khớp gối, bị chấn thương khớp gối hoặc đang mắc các bệnh lý xương khớp mãn tính. Cụ thể là:

+ Lười vận động: Lười vận động sẽ khiến khớp gối giảm tiết dịch nhờn, gây khô khớp và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Nếu tình trạng này diễn ra kéo dài sẽ khiến vận động tại khớp gối không còn trơn tru và gây ra tình trạng cứng khớp. Ngoài ra, tình trạng cứng khớp gối cũng có thể xảy ra ở những người thiếu vận động do tính chất công việc ngồi nhiều hoặc mang nẹp sau phẫu thuật.

+ Chấn thương: Gặp phải một số chấn thương tại khớp gối như vỡ mặt xương, đứt dây chằng đầu gối, vỡ sụn,... cũng nguyên nhân gây ra tình trạng cứng khớp gối thường gặp. Chấn thương khớp gối thường xảy ra khi bạn bị té ngã, va đập mạnh tại khớp gối, vận động mạnh,... Khi rơi vào trường hợp này, bạn cần đến bệnh viện để được xử lý đúng cách.

+ Thoái hóa khớp gối: Cứng khớp gối cũng có thể xảy ra khi khớp gối bị thoái hóa. Đây là tình trạng thường gặp ở người lớn tuổi do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa bên trong cơ thể. Thoái hóa đã khiến cho sụn và xương dưới sụn bị tổn thương và bào mòn. Lúc này, bạn sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như cứng khớp, sưng đau, hình thành gai xương tại khớp,...

 + Viêm khớp dạng thấp: Bệnh lý này xảy ra khi hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn, tự tấn công phá hủy khớp và mô khỏe mạnh. Điều này đã khiến cho khớp bị tổn thương và gây ra tình trạng viêm sưng, đau nhức, co cứng,... Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý có diễn biến phức tạp, nếu không kiểm soát tốt sẽ gây ảnh hưởng đến hàng loạt các cơ quan khác trong cơ thể.

+ Gout: Khi khớp gối bị tổn thương do gout sẽ có triệu chứng sưng đau, nóng đỏ, co cứng,... Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là rối loạn chuyển hóa nhân purin, điều này đã khiến cho quá trình đào thải acid uric bên trong cơ thể bị ảnh hưởng. Lúc này, nồng độ acid uric trong máu sẽ tăng cao, dần tích tụ tại khớp dưới dạng tinh thể muối và kích thích khởi phát phản ứng viêm.

+ Ung thư xương: Cứng khớp gối cũng có thể xảy ra khi bạn bị ung thư xương. Đây là bệnh lý nguy hiểm cần được điều trị đúng cách và kịp thời để ngăn ngừa di căn. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư xương là khớp bị sưng, cứng, đau nhức và nhạy cảm.

Chăm sóc tại nhà

Bên cạnh việc thực hiện điều trị bệnh dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, bạn cũng cần có các biện pháp chăm sóc tại nhà phù hợp giúp quá trình điều trị bệnh nhanh mang lại hiệu quả. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:

  • Khi tình trạng cứng khớp gối khởi phát kèm đau nhức, bạn nên để khớp gối được nghỉ ngơi giúp thư giãn khớp và hỗ trợ phục hồi. Cần hạn chế đi lại hoặc thực hiện động tác gập - duỗi khớp gối tại thời điểm này, ngăn ngừa tổn thương trở nên tồi tệ hơn
  • Tiến hành chườm nóng để làm thư giãn khớp gối và tăng tuần hoàn máu đến khu vực này. Từ đó, tình trạng cứng khớp sẽ dần được cải thiện và tăng khả năng vận động.
  • Nếu bị cứng khớp do chấn thương, bạn nên tiến hành chườm lạnh để cải thiện. Nhiệt độ thấp sẽ có tác dụng đẩy lùi triệu chứng viêm sưng và đau nhức, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn.
  • Tăng cường bổ sung vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3 như hạt lanh, dầu cá, cá béo,... Chất này có tác dụng kích thích khớp gối tăng tiết dịch bôi trơn, cải thiện tình trạng khô khớp và cứng khớp. Đồng thời, omega-3 còn có tác dụng giảm viêm đau khá hiệu quả.
  • Dành từ 30 - 60 phút mỗi ngày để vận động thể chất giúp cải thiện triệu chứng cứng khớp. Vận động có tác dụng làm thư giãn cơ và dây chằng, giúp xương khớp trở nên dẻo dai và linh hoạt hơn. Đồng thời, thói quen này còn có tác dụng tăng tiết dịch bôi trơn tại khớp và làm chậm quá trình thoái hóa.

Dấu hiệu nhận biết

Chuyên gia cho biết, cứng khớp gối có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên khớp gối. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, nếu không điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người bệnh cũng như khả năng vận động. Vì thế, ngay khi có dấu hiệu cứng khớp gối bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám. Bạn có thể nhận biết tình trạng này thông qua các dấu hiệu điển hình sau đây:

  • Gặp khó khăn khi thực hiện các cử động tại khớp gối như gập duỗi, đi lại, vận động,.. Triệu chứng này xảy ra khá rõ vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy. Nhiều trường hợp còn bị mất phạm vi cử động khớp.
  • Xuất hiện triệu chứng đau nhức tại vùng khớp bị ảnh hưởng, tình trạng này có thể kéo dài từ 15 - 30 phút hoặc lâu hơn. Ban đầu, cơn đau chỉ diễn ra với mức độ nhẹ rồi tăng dần lên và lan rộng ra xung quanh.
  • Dựa vào nguyên nhân gây cứng khớp mà bạn sẽ có thêm một số triệu chứng đi kèm khác như sưng đỏ tại khớp gối, đau nhức kéo dài, cơ thể mệt mỏi và suy nhược, co thắt cơ,...

Phương pháp điều trị

Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán tình trạng cứng khớp gối bằng cách kiểm tra biểu hiện bên ngoài khớp, đánh giá khả năng vận động của khớp và làm một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về nguyên nhân cũng như mức độ cứng khớp, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị phù hợp nhất. Dưới đây là các cách điều trị mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:

Dùng thuốc Tây y

Với những trường hợp cứng khớp gối do bệnh lý, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y. Dựa vào các triệu chứng mà bạn đang mắc phải cũng như mức độ bệnh trạng mà đơn thuốc điều trị ở mỗi trường hợp sẽ có sự khác nhau. Cụ thể là:

  • Bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid đường uống với những trường hợp bị cứng khớp gối kèm viêm sưng và đau nhức ở mức độ trung bình hoặc nhẹ. Thường dùng là Aspirin, Naproxen, Ibuprofen,... Không tự ý dùng thuốc này kéo dài trên 1 tuần để tránh gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Tiêm steroid được bác sĩ chỉ định thực hiện với những trường hợp cứng khớp gối kèm viêm sưng ở mức độ nghiêm trọng. Loại thuốc này có tác dụng chống viêm mạnh, sau khi tiêm vào khớp sẽ cải thiện nhanh chóng các triệu chứng khó chịu của bệnh. Tuy nhiên, thuốc chỉ có tác dụng tạm thời, người bệnh sẽ được yêu cầu tiêm lại nếu bệnh tái phát.
  • Nếu tình trạng cứng khớp xảy ra ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ yêu cầu tiêm dịch khớp để cải thiện. Cách này có tác dụng bổ sung chất nhờn cho đầu gối giúp bôi trơn khớp và hỗ trợ cải thiện khả năng vận động tại khớp. Đồng thời, tiêm dịch khớp còn có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh lý có liên quan như viêm khớp, thoái hóa khớp,...

Nếu tình trạng cứng khớp gối xảy ra ở người lớn tuổi, bác sĩ sẽ yêu cầu bổ sung thêm Glucosamine thông qua viên uống bổ sung. Khi cơ thể được bổ sung đủ hoạt chất này sẽ giúp quá trình tái tạo và nuôi dưỡng sụn khớp diễn ra tốt hơn, hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau nhức và cứng khớp do thoái hóa. Liều lượng bổ sung phù hợp là 300 - 2000 mg/ngày, cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn.

Vật lý trị liệu

Ngoài dùng thuốc Tây y, bác sĩ còn yêu cầu người bệnh thực hiện kết hợp với vật lý trị liệu để cải thiện tình trạng cứng khớp gối. Đầu tiên, người bệnh sẽ được chỉ định tập gập duỗi khớp gối dưới sự hướng dẫn của chuyên gia giúp giảm đau nhức và cứng khớp, cải thiện phạm vi vận động và phòng ngừa teo cơ.

Sau khoảng 1 tuần, khi cơ thể đã thích nghi thì chuyên gia sẽ cho tập luyện với cường độ cao hơn. Lúc này, việc tập luyện sẽ nhằm mục đích loại bỏ triệu chứng cứng khớp, tăng cường sức mạnh cơ bắp giúp người bệnh có thể di chuyển một cách dễ dàng.

Phòng ngừa

Cứng khớp gối xảy ra do tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau và gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Để phòng ngừa tình trạng này thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Tuyệt đối không lạm dụng khớp gối hoặc thực hiện lặp lại một động tác tại khớp gối quá nhiều lần để tránh bị chấn thương. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế thực hiện các động tác gây áp lực không tốt lên khớp gối như nhảy cao, nhảy xa,...
  • Không nên ngồi một chỗ quá lâu hoặc duy trì tư thế tĩnh trong thời gian dài. Nếu tính chất công việc phải ngồi nhiều, bạn nên thường xuyên co duỗi khớp gối hoặc đứng lên đi lại nhẹ nhàng sau khoảng 60 phút làm việc.
  • Duy trì cân nặng ở mức hợp lý để tránh tạo áp lực không tốt lên khớp gối. Bạn có thể xoa bóp khớp gối mỗi ngày để làm tăng tuần hoàn máu đến khớp và kích thích bao hoạt dịch tăng tiết dịch bôi trơn.
  • Nếu đang mắc các bệnh lý về xương khớp, bạn cần điều trị chuyên khoa để kiểm soát tốt mức độ tiến triển của bệnh, ngăn ngừa biến chứng sang khớp gối và gây ra tình trạng cứng khớp.
  • Điều chỉnh lại chế độ ăn uống hàng ngày sao cho phù hợp. Các loại thực phẩm tốt cho xương khớp được chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng là hải sản, cá béo, dầu gan cá tuyết, sữa và chế phẩm từ sữa, rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, các loại hạt,...
  • Tập luyện thể dục thể thao cũng là cách giúp nâng cao sức khỏe cơ xương khớp và phòng ngừa cứng khớp gối khá tốt. Các bài tập tốt cho khớp gối là yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe, thể dục nhịp điệu,... Bạn nên dành khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày để tập luyện và nên tập từ 4 - 6 buổi/tuần.

Cứng khớp gối là tình trạng mà rất nhiều người gặp phải và gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Khi bị cứng khớp gối, việc cần làm là tìm ra nguyên nhân để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp. Nếu bị cứng khớp gối do bệnh lý, bạn cần điều trị chuyên khoa để tránh phát sinh biến chứng.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

  • Người bị đau khớp gối có thể đi bộ giúp cải thiện tình trạng bệnh. 
  • Tuy nhiên, cần thực hiện đi bộ đúng cách và tư vấn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Xem chi tiết

Người bị tràn dịch khớp gối có thể cải thiện triệu chứng bệnh bằng cách xoa bóp tại nhà nếu bệnh ở mức độ nhẹ. Xoa bóp đúng cách sẽ giúp kích thích tuần hoàn máu, giảm đau nhức khớp gối, đồng thời cải thiện khả năng vận động.

Trường hợp nhận thấy da có biểu hiện sưng tấy đỏ, nóng ấm, bạn tuyệt đối không nên xoa bóp, thay vào đó cần đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.

Xem chi tiết

Người bị thoái hóa khớp gối VẪN CÓ THỂ ĐI BỘ nếu thực hiện đúng cách.

Lợi ích:

  • Nuôi dưỡng sụn khớp, giảm ma sát và khô khớp.
  • Giảm đau, tăng cường chức năng khớp, ngăn ngừa cứng khớp.
  • Tăng cường sức mạnh cơ bắp quanh khớp gối.

Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý về cường độ, tư thế… Ngoài ra hạn chế đi lại khi bệnh nặng, thay thế bằng bơi lội, yoga.

Xem chi tiết

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android