Đau Nhức Xương Khớp Ở Bà Bầu
Đau nhức xương khớp ở bà bầu do thay đổi hormone hoặc do tăng cân quá nhanh trong thai kỳ. Nghiêm trọng hơn, triệu chứng này còn cảnh báo nhiều vấn đề về xương khớp cần được điều trị. Việc tìm ra được phương pháp giảm đau nhức xương khớp nhanh và an toàn là mối bận tâm chung của nhiều chị em.
Định nghĩa
Đau nhức xương khớp là tình trạng xảy ra khá phổ biến ở bà bầu. Có đến 80% các trường hợp than phiền về tình trạng đau lưng, đau xương chậu, khớp háng, khớp gối hay các khớp khác trên cơ thể, nhất là trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ ba.
Đau nhức xương khớp ở bà bầu có những triệu chứng như:
- Cơn đau chỉ ảnh hưởng đến một vài vị trí trên cơ thể hoặc bị đau nhức xương khớp toàn thân.
- Đau tăng lên khi vận động hoặc khi thời tiết thay đổi.
- Một số bà bầu thường xuyên bị đau nhức xương khớp về đêm dẫn đến mất ngủ kéo dài, rối loạn giấc ngủ.
- Cảm giác đau có mức độ từ nhẹ đến nghiêm trọng. Cơn đau xuất hiện thoáng qua, đau âm ỉ hay đau dữ dội.
- Vị trí bị ảnh hưởng chủ yếu là vùng thắt lưng, xương chậu, khớp háng hay xương đùi.
- Đôi khi, cảm giác đau nhức còn xuất hiện kèm theo các triệu chứng khác như đau lưng, cứng khớp, sưng đỏ khớp, sốt, mệt mỏi, yếu cơ…
Tình trạng đau nhức xương khớp kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của mẹ bầu. Chị em nên thông báo cho bác sĩ biết đi khi khám thai sản để được chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn cách giảm đau an toàn.
Nguyên nhân
Đau nhức xương khớp ở bầu bầu có thể là hiện tượng sinh lý bình thường trong thai kỳ hoặc là biểu hiện của bệnh lý. Cơn đau có thể xuất phát từ những nguyên nhân dưới đây:
1. Đau nhức xương khớp khi mang thai do bệnh lý
Bà bầu bị đau nhức xương khớp là bệnh gì? Không ít bệnh lý về xương khớp có thể gây ra triệu chứng đau nhức ở phụ nữ mang thai. Các vấn đề này có thể xảy ra trước khi mang thai và kéo dài đến thai kỳ hoặc phát triển trong thời gian có bầu. Chúng thường gây ra các cơn đau nhức xương khớp kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng bất thường khác. Chị em nên thận trọng với các căn bệnh sau:
Thoái hóa khớp:
Bệnh xảy ra khi các mô sụn tại khớp bị ăn mòn khiến cho các đầu xương ma sát trực tiếp với nhau và gây đau. Tình trạng thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào trên cơ thể.
Phụ nữ bị thoái hóa khớp khi mang thai thường có những triệu chứng như:
- Đau nhức xương khớp âm ỉ, đau từng cơn hoặc đau dữ dội
- Cứng khớp
- Khớp kêu răng rắc khi cử động
- Cường độ đau tăng mạnh khi vận động và thuyên giảm sau khi nghỉ ngơi
- Phạm vi vận động bị hạn chế.
- Khô khớp, biến dạng khớp.
Viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc, thường là những khớp đối xứng nhau. Đây là một dạng viêm khớp mãn tính có liên quan đến tình trạng rối loạn của hệ miễn dịch.
Bà bầu bị đau nhức xương khớp do viêm khớp dạng thấp thường có các triệu chứng khác như sưng đau, nóng đỏ khớp, khớp cứng và khó vận động vào buổi sáng, cơ thể gầy sút, mệt mỏi thường xuyên. Người bệnh có nguy cơ bị tàn phế cao nếu bị tổn thương sụn và xương dưới sụn nghiêm trọng.
Bệnh gout
Bệnh gout cũng gây đau nhức xương khớp khi mang thai. Căn bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến những người có chế độ ăn nhiều purin và chất đạm.
Khi bị gout, cơn đau nhức xương khớp có tính chất dữ dội và thường khởi phát đột ngột về đêm. Kèm theo đó, khớp bị ảnh hưởng cũng sưng phù, nóng đỏ và không thể cử động được. Nhiều trường hợp còn bị sốt trong các đợt gout cấp tính.
Loãng xương:
Bà bầu bị đau nhức xương khớp nên đề phòng với bệnh loãng xương. Bệnh gây đau nhức trong xương, thường ảnh hưởng đến toàn thân. Nguyên nhân là do cơ thể bị thiếu canxi khiến cho mật độ xương giảm. Lúc này, xương trở nên xốp, giòn, dễ bị gãy khi va đập và có dấu hiệu bị giảm chiều cao.
Bệnh lao xương:
Bệnh lao xương khởi phát do bị vi trùng tấn công. Khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất của bệnh là cột sống và các khớp lớn như khớp háng hay đầu gối.
Các triệu chứng bà bầu có thể gặp khi bị lao xương bao gồm:
- Xuất hiện các cơn đau nhẹ hoặc vừa ở khu vực xương khớp bị ảnh hưởng
- Sưng khớp nhưng không nóng đỏ
- Khó khăn khi vận động
- Teo cơ…
2. Các nguyên nhân khác khiến bà bầu bị đau nhức xương khớp
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, một số yếu tố khác cũng được xác định là nguyên nhân gây đau nhức xương khớp ở bà bầu. Bao gồm:
- Tăng cân nhiều: Trọng lượng cơ thể tăng nhanh trong thai kỳ kéo theo xương khớp cũng phải chịu nhiều áp lực hơn và dễ bị chấn thương, đau nhức.
- Thay đổi hormone: Sự thay đổi hormone là nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai. Tình trạng này khiến cho các dây chằng bị nới lỏng, kéo căng và giảm khả năng chịu lực, nâng đỡ xương khớp nên dễ bị đau.
- Thay đổi tư thế vận động: Sự phát triển của bào thai khiến dáng đi của mẹ bị thay đổi, phần cột sống thắt lưng thường phải ưỡn về phía trước làm ảnh hưởng đến đường cong sinh lý tự nhiên của cột sống, từ đó gây ra các cơn đau nhức ở cột sống.
- Stress: Căng thẳng kéo dài gây rối loạn hormone và làm giảm khả năng chuyển hóa, hấp thụ chất dinh dưỡng. Điều này khiến mẹ bầu bị thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết và làm tăng nguy cơ bị đau nhức xương khớp.
- Ăn uống thiếu khoa học: Chế độ ăn uống không đầy đủ, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là canxi khiến cho bà bầu phải đối mặt với chứng đau nhức xương khớp và nhiều vấn đề khác về sức khỏe trong thai kỳ.
- Các nguyên nhân khác: Ít vận động, chấn thương, lao động nặng nhọc, mang giày cao gót, tư thế sinh hoạt không đúng.
Chăm sóc tại nhà
Một số mẹo tự nhiên có thể giúp đẩy lùi cơn đau cho bà bầu một cách an toàn. Chị em có thể áp dụng để khắc phục những cơn đau nhức xương khớp ở mức độ nhẹ đến trung bình thay vì lạm dụng thuốc giảm đau.
- Chườm ấm: Phương pháp này có tác dụng giảm đau, làm thư giãn cơ và tăng cường tuần hoàn máu đến nuôi dưỡng xương khớp. Khi thực hiện, bà bầu chỉ cần dùng chai thủy tinh đựng nước nóng hoặc rang muối nóng chườm vào khu vực bị đau khoảng 15 – 20 phút. Áp dụng mỗi ngày vài lần để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Nghỉ ngơi nhiều: Trong thai kỳ, bà bầu nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và chỉ nên vận động, làm việc nhẹ nhàng. Đây cũng chính là một cách đơn giản để ngăn ngừa và cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai.
- Ngâm chân vào nước ấm: Mỗi tối trước khi đi ngủ, chị em có thể nấu nước ấm để ngâm chân từ 10 – 15 phút. Làm như vậy sẽ giúp kích thích lưu thông máu, làm thư giãn thần kinh, giảm đau nhức xương khớp vào ban đêm và giúp bà bầu ngủ ngon giấc hơn.
- Chườm lạnh: Phương pháp này được áp dụng cho các bà bầu bị đau nhức xương khớp do mới bị chấn thương hoặc viêm khớp cấp. Khi thực hiện nên bọc cục đá lạnh vào trong túi chườm để tránh bị bỏng nhiệt.
- Điều chỉnh tư thế sinh hoạt: Cố gắng giữ thẳng cột sống khi ngồi, phần vai, hông với tai tạo thành một đường thẳng. Trường hợp hay bị đau lưng lên ngồi trên ghế tựa. Khi nằm, bà bầu có thể kẹp một chiếc gối giữa hai đầu gối giúp cột sống và các khớp xương được thư giãn.
- Mang đai đỡ bụng: Trong những tháng cuối của thai kỳ, chị em có thể mang đai nâng đỡ bụng để giảm áp lực cho xương khớp, giúp ngăn ngừa và cải thiện cơn đau.
- Tập thể dục: Vận động nhẹ nhàng mỗi ngày có thể giúp khí huyết lưu thông tốt và giảm đau nhức xương khớp cho bà bầu. Chị em có thể tập yoga, ngồi thiền, đi bộ hay tập luyện các bài tập chữa đau nhức xương khớp tại nhà.
Câu hỏi thường gặp
Đau nhức xương khớp ở bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Tình trạng đau nhức xương khớp ở bà bầu có nguyên nhân khá đa dạng. Trong một số trường hợp, cảm giác đau thuyên giảm dần sau sinh khi cân nặng và tình trạng rối loạn hormone đã được kiểm soát.
Tuy nhiên, một số mẹ bị đau nhức xương khớp do ảnh hưởng của bệnh lý. Trường hợp này cơn đau thường có khuynh hướng kéo dài, hay tái phát khiến bà bầu hoang mang, lo lắng. Cơn đau còn xuất hiện vào ban đêm khiến chị em bị mất ngủ, từ đó ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của em bé trong bụng.
Do vậy, hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bà bầu nhận thấy các triệu chứng sau:
- Bị đau nhức xương khớp kéo dài
- Khớp sưng đau, nóng đỏ
- Sốt cao
- Mệt mỏi, thiếu sức sống
- Yếu cơ, biến dạng khớp
- Khó khăn khi vận động.
Điều trị
Nếu các phương pháp giảm đau tự nhiên không mang lại hiệu quả, bà bầu có thể được đề nghị điều trị bằng y tế với các phương pháp như:
- Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm kết hợp với một số loại thuốc khác để điều trị triệu chứng đi kèm cùng các nguyên nhân cơ bản.
- Vật lý trị liệu giảm đau, phục hồi chức năng
- Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt.
Phẫu thuật thường không được đề nghị cho bà bầu bị đau nhức xương khớp. Nếu cần thiết phải mổ, chị em sẽ được phẫu thuật sau khi sinh xong.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ bị đau nhức xương khớp trong thai kỳ, bà bầu cần chú ý:
- Làm việc vừa sức, tránh lao động nặng hoặc vận động quá mạnh
- Kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể, tránh để tăng quá nhiều cân trong suốt thai kỳ.
- Tránh mang giày cao gót
- Duy trì các tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày.
- Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, đa dạng các loại thực phẩm. Tránh lạm dụng thức ăn nhanh, đồ hộp, thức ăn nhiều dầu mỡ.
- Nói không với các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc, tránh stress.
- Tập thể dục mỗi ngày. Ưu tiên lựa chọn các bộ môn vận động nhẹ nhàng để không gây động thai.