Đau Khớp Háng
Đau khớp háng khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, đây cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý, bạn không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa.
Định nghĩa
Đau khớp háng là tình trạng xảy ra khá phổ biến và bất kỳ ai cũng có thể mắc phải. Cơn đau ở vùng khớp háng có thể khởi phát do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dựa vào nguyên nhân mà mức độ đau nhức ở từng trường hợp sẽ có sự khác nhau. Cơn đau có thể diễn ra từ từ, đột ngột, âm ỉ kéo dài, đau nhói hoặc đau bỏng rát. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần xác định chính xác nguyên nhân để có thể đưa ra hướng điều trị cho phù hợp.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân gây đau khớp háng bên phải và bên trái có thể kể đến là:
Nguyên nhân sinh lý
Đau khớp háng do nguyên nhân sinh lý thường không quá nghiêm trọng, cơn đau thường xảy ra ở mức độ nhẹ và có thể cải thiện dễ dàng bằng cách chăm sóc tại nhà. Các nguyên nhân đó là:
+ Vận động sai tư thế: Tình trạng đau khớp háng có thể xảy ra khi bạn có thói quen vận động sai tư thế. Nếu bạn duy trì thói quen này trong thời gian dài mà không cải thiện sẽ khiến cho sụn khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Theo thời gian, khớp háng sẽ dần bị thoái hóa và gây ra nhiều bệnh lý xương khớp mãn tính khác.
+ Chấn thương: Đau khớp háng cũng có thể là hệ quả của tình trạng chấn thương khớp háng. Khớp háng rất dễ bị chấn thương khi bạn vận động không đúng kỹ thuật, bị té ngã, tai nạn giao thông, tập luyện thể dục thể thao quá sức,…
+ Lao động nặng: Lao động nặng sẽ khiến hệ thống xương khớp trên cơ thể chịu áp lực rất lớn. Điều này cũng có thể kích thích khởi phát triệu chứng viêm đau tại khớp háng và ảnh hưởng đến khả năng vận động.
+ Mang thai: Đau khớp háng là tình trạng thường gặp ở phụ nữ mang thai do sự thay đổi của cơ thể để đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Ví dụ như thay đổi nồng độ hormone, sự phát triển của thai nhi bên trong tử cung gây chèn ép lên khớp háng,…
+ Lão hóa: Người ngoài độ tuổi trung niên và người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị đau khớp háng do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa diễn ra bên trong cơ thể. Thống kê y khoa cho biết, sụn khớp và xương dưới sụn khi bị tổn thương do thoái hóa sẽ không thể phục hồi. Càng về già, tốc độ thoái hóa diễn ra càng nhanh và triệu chứng đau nhức cũng trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
Nguyên nhân bệnh lý
Nếu tình trạng đau khớp háng diễn ra kéo dài với mức độ ngày càng nghiêm trọng thì khả năng cao là do bệnh lý. Ở trường hợp này, bạn không được chủ quan trong việc điều trị để tránh phát sinh biến chứng ảnh hưởng đến khả năng vận động.
+ Viêm khớp: Tình trạng đau khớp háng có thể xảy ra khi bạn mắc phải một số bệnh lý viêm khớp như thoái hóa khớp háng, viêm khớp nhiễm khuẩn và viêm khớp dạng thấp. Lúc này, phản ứng viêm sẽ xảy ra ở vùng khớp háng và kích thích khởi phát triệu chứng đau nhức rất khó chịu.
+ Viêm bao hoạt dịch khớp háng: Bao hoạt dịch bên trong khớp háng có chức năng sản xuất dịch nhầy để bôi trơn và nuôi dưỡng khớp. Nếu tình trạng viêm xảy ra ở bao hoạt dịch cũng sẽ gây ra tình trạng sưng tấy và đau nhức khớp háng, đặc biệt là khi bạn vận động khớp háng mạnh hoặc quá mức.
+ Lao khớp háng: Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn lao từ máu xâm nhập vào bên trong khớp háng và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Đây là bệnh lý khá hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Khi lao khớp háng khởi phát bạn phải đối mặt với tình trạng đau nhức âm ỉ và liên tục tại khớp, đau tăng lên khi vận động hoặc đứng lâu, cơn đau sẽ phát triển lan rộng ra xung quanh, sốt cao, ớn lạnh,…
+ Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi: Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do xương đùi không được cung cấp đủ máu để nuôi dưỡng khớp, khiến xương bị chết dần theo thời gian. Tình trạng này có thể xảy ra do rất nhiều nguyên nhân nhưng điển hình nhất là thói quen lạm dụng rượu bia và thuốc lá. Đau nhức khớp háng gây khó khăn khi xoay người là triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này.
+ Viêm dây chằng háng: Tình trạng viêm có thể xảy ra ở dây chằng háng khi chúng bị chấn thương, nhiễm khuẩn hoặc căng cơ quá mức. Khi dây chằng háng bị viêm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của khớp. Lúc này, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức và sưng nóng tại khớp rất khó chịu.
+ Loãng xương: Loãng xương là bệnh lý thường gặp ở người ngoài độ tuổi trung niên và người lớn tuổi. Loãng xương là hiện tượng suy giảm mật độ xương, khiến xương trở nên giòn xốp và dễ gãy. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là cơ thể bị thiếu hụt canxi và một số thành phần khoáng chất cần thiết cho xương. Đau khớp háng và giảm khả năng vận động khớp háng là một trong những triệu chứng của bệnh lý này.
+ Bệnh lý phụ khoa: Nếu tình trạng đau khớp háng xảy ra ở chị em phụ nữ nhưng không phải do bệnh xương khớp thì rất có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Ví dụ như u nang buồng trứng, viêm âm đạo,… Các bệnh lý này cần được phát hiện sớm và điều trị đúng cách để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Triệu chứng
Đau khớp háng là dấu hiệu cho thấy vùng khớp háng đang bị tổn thương. Ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường tại khu vực này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách. Chuyên gia cho biết, tình trạng đau khớp háng sẽ có biểu hiện khác nhau ở từng giai đoạn. Cụ thể là:
– Giai đoạn đầu
- Triệu chứng đau khớp háng thường biểu hiện không rõ ràng. Cơn đau nhức có thể khởi phát nhưng sẽ biến mất nhanh chóng trong ngày.
- Cơn đau bắt đầu khởi phát ở vùng háng bẹn rồi lan xuống đùi.
- Cơn đau sẽ tăng lên khi cử động khớp háng hoặc đứng lâu một chỗ.
- Gặp khó khăn khi thực hiện động tác cúi người.
– Giai đoạn giữa:
- Triệu chứng đau khớp háng biểu hiện ra bên ngoài rõ ràng hơn. Người bệnh sẽ có cảm giác đau buốt mỗi khi vận động, di chuyển hoặc xoay người.
- Cơn đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn kèm theo tê cứng khó di chuyển vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc vào thời điểm giao mùa trong năm.
- Đau khớp háng giai đoạn giữa đã có thể phát sinh biến chứng.
– Giai đoạn cuối:
- Cơn đau xuất hiện với tần suất cao và cường độ đau nhức cũng nghiêm trọng hơn.
- Bị đau nhức kèm theo cứng hông khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại, xoay người hoặc gập người.
- Khớp háng tổn thương sẽ bị thoái hóa và dần teo nhỏ lại.
- Đau khớp háng ở giai đoạn cuối rất khó điều trị và có thể phát sinh ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng nhất là liệt hai chân vĩnh viễn.
Điều trị
Đau khớp háng sẽ không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, triệu chứng đau nhức sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc thực hiện một số vận động thường ngày. Nghiêm trọng hơn sẽ gây biến dạng khớp và mất đi chức năng vận động khớp. Vì thế, ngay khi có các dấu hiệu của bệnh bạn không được chủ quan trong việc thăm khám và điều trị chuyên khoa.
Bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán tình trạng đau khớp háng thông qua việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng, hỏi thăm tiền sử bệnh lý, kiểm tra thể chất và thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Sau khi đã có chẩn đoán chính xác về nguyên nhân cũng như tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Thông thường, điều trị nội khoa sẽ được chỉ định thực hiện với trường hợp nhẹ và điều trị ngoại khoa với trường hợp nặng. Cụ thể là:
Điều trị nội khoa
Trường hợp bệnh nhẹ hoặc mới tiến triển ở giai đoạn sớm sẽ đáp ứng điều trị tốt với các phương pháp điều trị nội khoa. Các phương pháp đó là:
- Dùng thuốc Tây y: Các loại thuốc thường được kê đơn để điều trị tình trạng đau khớp háng là thuốc kháng viêm không steroid, thuốc giảm đau tại chỗ, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm,… Việc dùng thuốc Tây y điều trị bệnh cần có sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh phát sinh tác dụng phụ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Vật lý trị liệu: Vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng khớp háng,, thường được áp dụng song song với việc dùng thuốc để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Khi di chuyển, người bệnh có thể dùng thêm thiết bị hỗ trợ để hạn chế gây tổn thương đến khớp. Ví dụ như dùng nạng, gậy, xe tập đi,…
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được chỉ định thực hiện với những trường hợp bệnh nặng, khớp háng bị hư hỏng nghiêm trọng gây biến dạng chỏm xương đùi. Hiện tại, y khoa có hai phương pháp phẫu thuật điều trị đau khớp háng do thoái hóa nghiêm trọng. Cụ thể là:
- Phẫu thuật sửa chữa tổn thương: Phương pháp phẫu thuật này thường được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị thoái hóa khớp háng nhẹ do trật khớp hoặc thiểu sản. Trong quá trình phẫu thuật bác sĩ sẽ tiến hành đục xương, ghép xương, sửa trục xương đùi,… để sửa chữa tổn thương tại khớp.
- Phẫu thuật thay khớp háng: Được chỉ định thực hiện với những trường hợp thoái hóa khớp háng nặng gây hoại tử chỏm xương đùi. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần xương bị tổn thương và thay thế bằng khớp háng nhân tạo. Sau phẫu thuật, triệu chứng đau nhức cũng như khả năng vận động sẽ được cải thiện đáng kể.
Phòng ngừa
Đau khớp háng khiến chất lượng cuộc sống hàng ngày bị ảnh hưởng đáng kể. Để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần có kế hoạch chăm sóc khớp ngay từ sớm trên cả ba phương diện là tập luyện, dinh dưỡng và vận động phù hợp. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Thực đơn ăn uống hàng ngày cần cung cấp đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Nên tăng cường bổ sung canxi để cải thiện sức khỏe hệ xương khớp.
- Duy trì cân nặng ở mức hợp lý để tránh gây áp lực quá mức lên khớp xương. Tiến hành giảm cân khoa học nếu đang bị thừa cân béo phì.
- Hạn chế thực hiện các động tác gây ảnh hưởng xấu đến khớp háng như bưng bê vật nặng, vận động sai tư thế,… Hình thành thói quen sinh hoạt tích cực như ngủ đủ giấc, giữ tinh thần luôn thoải mái,…
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn mỗi ngày để nâng cao sức khỏe tổng thể và sức khỏe hệ xương khớp. Nên ưu tiên tập luyện các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội, đạp xe đạp, yoga,..
- Nếu đang mắc các bệnh lý xương khớp dễ gây ra tình trạng đau khớp háng, bạn cần thăm khám chuyên khoa và điều trị tích cực dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị khiến tốc độ thoái hóa khớp diễn ra nhanh chóng.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần giúp tầm soát bệnh và sớm phát hiện ra các dấu hiệu bất thường khác. Từ đó, bạn có thể đưa ra phương án can thiệp đúng cách ngay từ sớm, hạn chế nguy cơ phát sinh rủi ro khi bệnh chuyển biến nặng.
Câu hỏi thường gặp
Viêm khớp háng uống thuốc gì là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Theo đó, một số loại thuốc được chỉ định trong điều trị viêm khớp háng như: Thuốc giảm đau, thuốc sinh học, thuốc chống thấp khớp, thuốc giảm đau gây nghiện Opioid, NSAID. Tuỳ vào tình trạng cụ thể của người bệnh bác sĩ sẽ kê đơn phù hợp và đưa ra lời khuyên hữu ích.
Xem chi tiết