Nứt Kẽ Hậu Môn
Nứt kẽ hậu môn thường gây đau đớn dữ dội hoặc chảy máu tươi trong và sau khi đi đại tiện. Đây không phải là một tình trạng nghiêm trọng nhưng cần được điều trị phù hợp để tránh gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Định nghĩa
Nứt kẽ hậu môn là một vết rách nhỏ hình thành ở mô (niêm mạc) mỏng lót trong ống hậu môn. Điều này có thể dẫn đến đau đớn dữ dội và khiến người bệnh bị chảy máu khi đi đại tiện. Máu có thể có màu đỏ tươi dính trên bồn cầu hoặc giấy hậu môn, do đó thường được chẩn đoán nhầm thành bệnh trĩ nội.
Vết nứt có thể làm lộ các cơ ở xung quanh hậu môn (còn được gọi là cơ thắt hậu môn). Tổn thương có thể khiến cơ này bị co thắt và kéo các mép của vết rách mở rộng hơn. Sự co thắt này cũng làm tăng mức độ của cơn đau và làm chậm quá trình lành của hậu môn. Bên cạnh đó, chuyển động của nhu động ruột cũng có thể gây ảnh hưởng đến vết hậu môn.
Nứt kẽ hậu môn là tình trạng phổ biến, có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi. Vết nứt có thể là cấp tính và được cải thiện trong vòng 6 tuần. Nếu vết nứt kéo dài hơn 6 tuần hoặc tái phát thường xuyên, tình trạng này được xem là nứt hậu môn mãn tính.
Thông thường, nứt kẽ hậu môn không phải là tình trạng nghiêm trọng và có thể tự lành trong 4 - 6 tuần. Để thúc đẩy quá trình chữa lành, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc làm mềm phân.
Trong trường hợp vết nứt nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn, người bệnh có thể cần thực hiện phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Bên cạnh đó, đôi khi bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm chuyên môn khác để xác định các rối loạn tiềm ẩn dẫn đến nứt kẽ hậu môn.
Hình ảnh
Triệu chứng
Nứt hậu môn có thể khiến việc đi tiêu trở nên rất đau đớn. Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ sau khi người bệnh đi đại tiện, thậm chí một số người bệnh còn có xu hướng tránh để đại tiện để ngăn ngừa các triệu chứng.
Nếu bị nứt kẽ hậu môn cấp tính, người bệnh có thể cảm nhận thấy vết rách ở hậu môn khi đi đại tiện. Cụ thể, các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Đau đớn: Khi đi đại tiện người bệnh có thể cảm thấy đau buốt và cảm thấy bỏng rát nhiều giờ sau khi đi đại tiện. Điều này có thể khiến một số bệnh nhân không đi đại tiện và làm tăng nguy cơ táo bón và bệnh trĩ. Tuy nhiên việc trì hoãn đi vệ sinh có thể khiến phân trở nên khô, cứng và lớn hơn. Điều này sẽ khiến vết nứt hậu môn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chảy máu: Chảy máu ở bệnh nhân nứt kẽ hậu môn thường là máu tươi, có màu đỏ, dính trên giấy vệ sinh hoặc phân.
- Ngứa hậu môn: Cảm giác ngứa ngáy xảy ra thường xuyên, kéo dài và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của người bệnh. Đôi khi hậu môn có thể tiết dịch, khiến hậu môn có mùi hôi, ẩm ướt và gây ngứa ngáy dữ dội.
- Khó tiểu: Người bệnh có thể bị khó tiểu hoặc thường xuyên đi tiểu với số lượng nước tiểu ít hơn so với bình thường.
Trong trường hợp tình trạng nứt kẽ hậu môn trở thành mãn tính, người bệnh có thể cảm thấy có một mảnh thẻ da dư ở rìa hậu môn. Tình trạng này có thể gây ngứa ngáy, khó chịu khi người bệnh đứng, ngồi hoặc sinh hoạt bình thường.
Nguyên Nhân
Nứt kẽ hậu môn thường xảy ra khi người bệnh đi ngoài phân lớn hoặc cứng. Cụ thể, các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Táo bón: Táo bón khiến phân lớn và cứng, do đó có thể gây tổn thương ở vùng hậu môn khi đi đại tiện.
- Tiêu chảy: Tiêu chảy mãn tính có thể gây áp lực lên các mô ở hậu môn và dẫn đến nứt kẽ hậu môn.
- Co thắt cơ ở hậu môn: Các chuyên gia cho rằng tình trạng co thắt cơ vòng ở hậu môn có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vết nứt ở hậu môn. Bên cạnh đó, co thắt cơ cũng là một trong những yếu tố làm chậm quá trình chữa lành.
- Mang thai và sinh con: Phụ nữ mang thai thường có nguy cơ nứt hậu môn cao hơn, đặc biệt là vào cuối thai kỳ. Ngoài ra, lớp niêm mạc của hậu môn cũng có thể bị rách trong quá trình sinh con.
- Nhiễm trùng lây qua đường tình dục: Nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục, chẳng hạn như HIV, HPV, Chlamydia hoặc mụn rộp sinh dục, có thể làm tăng nguy cơ nứt kẽ hậu môn.
- Quan hệ tình dục thông qua hậu môn: Mặc dù tình trạng này thường không phổ biến, tuy nhiên hoạt động tình dục thông qua hậu môn có thể làm tăng nguy cơ nứt hậu môn.
- Ảnh hưởng của một số bệnh lý: Một số tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như viêm đại tràng, bệnh Crohn hoặc các bệnh viêm ruột khác, có thể dẫn đến hình thành vết loét và gây nứt kẽ hậu môn.
Biện pháp chẩn đoán
Thông thường bác sĩ có thể chẩn đoán nứt kẽ hậu môn bằng cách kiểm tra xung quanh hậu môn hoặc trực tràng bằng đầu ngón tay. Vết nứt hậu môn cấp tính thường nông và giống như một vết cắt trên giấy. Trong khi đó, tình trạng nứt kẽ hậu môn mạn tính thường là nứt sâu và có thể có các nốt thịt bên trong hoặc bên ngoài vết nứt.
Tình trạng nứt hậu môn có thể xảy ra bên trong, phía sau, phía trước hoặc ở xung quanh lỗ hậu môn. Các vết nứt có thể là dấu hiệu nhận biết các bệnh lý liên quan khác. Do đó, để xác định các nguyên nhân, bác sĩ có thể đề nghị một số kiểm tra, chẳng hạn như:
- Nội soi: Bác sĩ sử dụng ống nội soi dài, hẹp, có camera và đèn sợi quang ở đầu, sau đó đưa vào hậu môn để quan sát trực tràng.
- Nội soi đại tràng sigma: Bác sĩ sử dụng một ống mỏng, linh hoạt, có camera để quan sát đại tràng. Xét nghiệm này được thực hiện ở bệnh nhân dưới 50 tuổi và không có nguy cơ mắc bệnh đường ruột hoặc ung thư ruột kết.
- Nội soi đại tràng: Bác sĩ sẽ đưa một ống mềm vào trực tràng để kiểm tra trực tràng và ruột kết (đại tràng). Xét nghiệm này được thực hiện ở bệnh nhân trên 50 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ ung thư ruột kết và có dấu hiệu của các bệnh lý khác, chẳng hạn như đau dạ dày hoặc tiêu chảy.
Trong quá trình chẩn đoán tình trạng nứt kẽ hậu môn, bác sĩ cũng có thể xác định các nguyên nhân khác dẫn đến đau hậu môn, chẳng hạn như bệnh trĩ. Trong các trường hợp này, bác sĩ có thể đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và đề nghị biện pháp điều trị phù hợp hơn.
Biện pháp điều trị
Trong hầu hết các trường hợp, nứt kẽ hậu môn sẽ tự khỏi trong vài tuần. Người bệnh có thể áp dụng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà để hỗ trợ quá trình điều trị. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng một số loại thuốc để cải thiện tình trạng đau rát hoặc khó chịu.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, các biện pháp điều trị có thể bao gồm:
1. Tự chăm sóc tại nhà
Có một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà có thể hỗ trợ làm giảm cơn đau ở hậu môn và giúp vết thương nhanh lành. Các biện pháp bao gồm:
- Ngâm hậu môn trong nước ấm: Tắm hoặc ngâm hậu môn trong nước ấm có thể làm dịu các vết nứt ở hậu môn, hỗ trợ giảm đau và giúp vết thương nhanh lành hơn. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cho thêm một ít muối vào nước ngấm đề hỗ trợ sát khuẩn và giảm đau.
- Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn uống: Chất xơ có thể ngăn ngừa tình trạng phần cứng (táo bón) hoặc quá lỏng (tiêu chảy) và giúp phân đi qua hậu môn mà không gây tổn thương các mô. Các loại thực phẩm giàu chất xơ bao gồm các loại đậu, rau xanh, trái cây tươi và các loại ngũ cốc nguyên hạt.
- Uống nhiều nước: Mất nước có thể dẫn đến táo bón, khiến phân khô cứng và khó đi ra khỏi hậu môn. Do đó, người bệnh nên uống nhiều nước mỗi ngày và tăng cường bổ sung các loại thực phẩm nhiều nước, chẳng hạn như bông cải xanh, dưa lưới, dưa hấu, rau cần tây hoặc dưa chuột, để cải thiện các triệu chứng.
- Vệ sinh hậu môn: Giữ vệ sinh hậu môn sạch sẽ sau khi đi tiêu là một điều cần thiết và quan trọng để hỗ trợ chữa lành vết loét hậu môn. Nếu việc lau hậu môn gây đau, người bệnh nên sử dụng vòi xịt cầm tay để làm sạch.
- Sử dụng chất làm mềm phân: Các chất làm mềm phân được sử dụng để chống táo bón và ngăn ngừa tổn thương hậu môn.
Nếu trẻ sơ sinh bị nứt kẽ hậu môn, cha mẹ nên thay tã lót thường xuyên, vệ sinh hậu môn nhẹ nhàng và trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Nứt kẽ hậu môn thường đáp ứng các phương pháp tự điều trị trong vài tuần. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc để tăng cường hiệu quả điều trị. Cụ thể, các loại thuốc điều trị nứt hậu môn bao gồm:
- Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng các loại thuốc gây tê tại chỗ để hỗ trợ cải thiện cơn đau kéo dài sau khi đi vệ sinh. Các loại thuốc thoa này thường có chứa acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thuốc nitroglycerin, để hỗ trợ tăng tốc độ chữa lành các tổn thương ở hậu môn.
- Thuốc huyết áp: Các loại thuốc phổ biến, chẳng hạn như diltiazem hoặc nifedipine, có thể được chỉ định để thư giãn cơ vòng hậu môn và cải thiện các triệu chứng nứt hậu môn.
- Tiêm độc tố botulinum loại A (Botox): Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị tiêm botox vào cơ thắt hậu môn để làm tê liệt tạm thời hậu môn, giảm đau và hỗ trợ quá trình chữa lành.
3. Phẫu thuật
Nếu tình trạng nứt hậu môn trở thành mãn tính và không đáp ứng các biện pháp tự chăm sóc, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng. Trước khi chỉ định phẫu thuật, bác sĩ có thể tiến hành thực hiện các xét nghiệm để loại bỏ các nguyên nhân nghiêm trọng và ngăn ngừa các biến chứng sau phẫu thuật.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt một phần của cơ vòng hậu môn, điều này có thể cải thiện tình trạng co thắt hậu môn. Phẫu thuật thường được thực hiện ngoại trú, cơn đau sẽ được cải thiện trong vài ngày và lành hoàn toàn trong vài tuần.
Mặc dù thường không phổ biến, tuy nhiên đôi khi phẫu thuật nứt hậu môn có thể dẫn đến khả năng kiểm soát nhu động ruột.
Nứt kẽ hậu môn có thể gây xấu hổ, khó chịu và đau đớn. Tuy nhiên tình trạng này cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu nhận thấy các triệu chứng nứt hậu môn, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng cụ thể.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Biện pháp tốt nhất để phòng ngừa nứt hậu môn là giữ cho phần mềm, tránh táo bón và hạn chế các áp lực tác động lên các cơ ở hậu môn. Cụ thể, người bệnh có thể phòng ngừa tình trạng nứt kẽ hậu môn bằng cách:
- Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống để làm mềm phân, chống táo bón và giúp người bệnh đi ngoài thuận tiện hơn;
- Uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày để giúp phân mềm;
- Hạn chế căng thẳng khi đi đại tiện, thư giãn và tránh rặn để đẩy phân ra khỏi hậu môn;
- Không trì hoãn như cầu đi đại tiện, điều này có thể khiến phân cứng và gây tổn thương hậu môn;
- Đi đại tiện vào một thời gian nhất định trong ngày để tạo thói quen nhu động ruột;
- Lau hậu môn nhẹ nhàng bằng khăn giấy mềm hoặc làm sạch hậu môn với vòi xịt cầm tay;
- Tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ táo bón và ngăn ngừa tình trạng nứt hậu môn;
- Tránh tiêu thụ các loại thực phẩm khó tiêu hóa, chẳng hạn như khoai tây chiên hoặc bỏng ngô;
- Điều trị táo bón, tiêu chảy và các bệnh lý đường tiêu hóa khác.
Nứt hậu môn là tình trạng phổ biến, thường xảy ra ở người có phân khô cứng và rặn mạnh khi đi đại tiện, chẳng hạn như bệnh nhân táo bón mãn tính. Tình trạng này không nghiêm trọng nhưng cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
Câu hỏi thường gặp
- Người bị nứt kẽ hậu môn nên ăn các loại thực phẩm nhiều chất xơ, sắt, các loại hoa quả và uống nhiều nước lọc để đi ngoài dễ dàng, đồng thời giảm áp lực lên hậu môn
- Nên hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, các thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn có thể gây kích thích hậu môn làm cơ thể khó chịu
Nứt kẽ hậu môn thường không nghiêm trọng và có thể tự lạnh trong vài tuần với biện pháp tự chăm sóc như giữ phần mềm, uống nhiều nước, và tăng cường chất xơ. Trong giai đoạn đầu, vết nứt thường tự khỏi sau 1-4 tuần nếu được xử lý đúng cách. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng, hoặc nhiều vết nứt, cần chăm sóc y tế với các phương pháp như kem bôi, thuốc đạn, tiêm botox, hoặc phẫu thuật. Nếu triệu chứng kéo dài hơn 8 tuần, bác sĩ có thể đề xuất xét nghiệm chuyên môn để xác định nguyên nhân và kế hoạch điều trị.
Xem chi tiết- Chuyên gia
- Cơ sở