Đau Các Khớp Ngón Tay và Chân
Hiện tượng đau các khớp ngón tay và chân kéo dài khiến nhiều người gặp khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu triệu chứng này kèm theo các dấu hiệu bất thường khác như sưng khớp, cứng khớp hay biến dạng ngón tay, ngón chân... người bệnh nên thận trọng vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Định nghĩa
Nhiều người thường xuyên than phiền về tình trạng đau các khớp ngón tay và chân. Triệu chứng này thường gặp ở người già do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, một số đối tượng trẻ tuổi có thể bị đau ở các khớp ngón tay, ngón chân do chấn thương, lao động quá sức, vận động sai tư thế hoặc do mắc các bệnh lý về xương khớp.
Cơn đau các khớp ngón tay và chân thường có những đặc điểm như sau:
- Đau âm ỉ, đau nhói hoặc đau buốt. Đôi khi cơn đau còn kèm theo cảm giác nhức nhối bên trong các khớp như có dao đâm.
- Cảm giác đau diễn ra từng cơn hoặc kéo dài liên tục.
- Đau tăng lên khi cử động các khớp
- Nghỉ ngơi, xoa bóp có thể giúp cơn đau thuyên giảm.
Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo. Bao gồm:
- Tê bì chân tay hoặc chỉ tê ngón tay, ngón chân.
- Các khớp bị ảnh hưởng có dấu hiệu khô cứng, khó vận động. Hiện tượng cứng khớp thường rõ ràng hơn vào buổi sáng.
- Sưng viêm, nóng đỏ các khớp ngón tay và chân
- Sốt hoặc không sốt
- Khớp phát ra tiếng kêu "lục cục" khi cử động.
- Yếu các cơ ở ngón tay và chân
- Ngón tay, ngón chân bị gập góc bất thường
- Biến dạng các khớp ngón tay và chân
- Khó thực hiện các cử động thông thường như cầm nắm đồ vật, đứng nhón chân...
Nguyên nhân
Hiện tượng đau khớp ngón tay và chân có thể xảy ra do các nguyên nhân cơ học hoặc do bệnh lý. Cần xác định được chính xác nguyên nhân gây đau để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp.
Dưới đây là các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng đau khớp ngón tay và chân:
- Vận động khớp nhiều: Các hoạt động tại khớp ngón tay chân được lặp đi lặp lại nhiều lần gây căng thẳng cho khớp và các cơ xung quanh, từ đó dẫn đến cảm giác đau.
- Bẻ khớp: Một số người có thói quen bẻ khớp cho phát ra tiếng kêu. Mặc dù có thể giúp mang lại cảm giác thư giãn nhưng hành động này có thể khiến cho các khớp ngón tay và chân bị tổn thương và dẫn đến cơn đau.
- Thời tiết: Chứng đau nhức ngón tay và ngón chân thường phát triển mạnh vào mùa đông hoặc các thời điểm giao mùa. Không khí lạnh sẽ khiến cho các mạch máu bị co lại, làm giảm lượng máu lưu thông đến các chi, từ đó dẫn đến hiện tượng đau các khớp nhỏ ở ngón tay, ngón chân. Một số người còn bị tê tay, tê chân như có kiến bò.
- Hoạt động không đúng tư thế: Bưng bê vật nặng quá mức, đi lại nhiều, đứng hoặc ngồi yên quá lâu một chỗ, không khởi động kỹ trước khi chơi thể thao... Tất cả đều có thể dẫn đến một cơn đau cấp tính ở khớp ngón tay và chân.
- Thiếu chất: Chế độ ăn uống không đầy đủ khiến các khớp không được cung cấp dưỡng chất để nuôi dưỡng, phát triển. Tình trạng này kéo dài làm gia tăng nguy cơ bị đau các khớp ngón tay và ngón chân, loãng xương, thoái hóa khớp.
- Béo phì: Cân nặng dư thừa sẽ làm tăng gánh nặng lên các khớp nhỏ ở ngón tay và chân, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu tới các chi do hàm lượng mỡ trong máu cao. Đây chính là lý do khiến người bị béo phì có nguy cơ bị đau ở các khớp ngón tay chân nhiều hơn so với những đối tượng có cân nặng khỏe mạnh.
- Ít vận động: Cơ thể ít vận động sẽ khiến khí huyết kém lưu thông và ảnh hưởng đến quá trình sản sinh tế bào xương mới khiến cho xương khớp kém phát triển, dễ bị chấn thương, đau nhức.
- Mang giày dép quá chặt: Sử dụng giày dép có kích cỡ quá nhỏ khiến các khớp ngón chân bị gò bó và dễ bị đau.
- Sử dụng chất kích thích: Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu hay các thức uống chứa cồn. Chúng có thể gây kích thích thần kinh và ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ, chuyển hóa canxi trong cơ thể. Những thói quen này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến xương khớp ngày càng suy yếu và dẫn đến hàng loạt các vấn đề về xương khớp, bao gồm cả tình trạng đau các khớp ngón tay và chân.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, hiện tượng đau các khớp ngón tay và chân còn là dấu hiệu của bệnh lý. Bạn cần chú ý theo dõi để kịp thời phát hiện ra các vấn đề về sức khỏe nếu cơn đau ở khớp kéo dài. Các vấn đề sức khỏe thường gặp gây đau khớp ngón tay, ngón chân bao gồm:
Chấn thương:
- Gãy xương ngón tay, xương ngón chân
- Trật khớp
- Rách cơ
- Bong gân
- Rách sụn
- Giãn cơ...
Những chấn thương trên có thể xảy ra trong quá trình lao động, chơi thể thao hoặc do té ngã. Chúng có thể gây ra các cơn đau đột ngột ở khớp ngón tay và chân.
Thoái hóa khớp:
Bệnh thoái hóa khớp xảy ra ở ngón chân có thể gây đau khớp do lớp sụn bảo vệ các đầu xương trong khớp bị ăn mòn và ma sát mạnh với nhau khi vận động. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác cứng khớp vào buổi sáng hoặc sưng đau khớp.
Viêm khớp ngón tay, ngón chân:
Tình trạng viêm có thể tiến triển ở các khớp ngón tay và chân sau khi bị chấn thương, thoái hóa khớp hoặc do bị nhiễm khuẩn. Khi bị viêm khớp, các khớp ngón tay, ngón chân bị sưng phù, nóng đỏ, đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội và khó vận động. Một số bệnh nhân có biểu hiện sốt do nhiễm trùng.
Loãng xương:
Bệnh loãng xương xảy ra do thiếu canxi. Đây là vật liệu cần thiết để xây dựng các tế bào xương mới.
Do bị thiếu canxi, mật độ xương trở nên thưa thớt khiến cho xương trở nên giòn và dễ gãy. Cảm giác đau nhức cũng thường xuyên xảy ra ở các đầu xương trong khớp ngón tay, khớp ngón chân và toàn bộ khớp khác trên cơ thể.
Loạn dưỡng cơ:
Đây là một dạng bệnh di truyền có thể gây tổn thương cho các sợi cơ và khiến xương khớp ở các ngón tay, ngón chân bị suy yếu, đau nhức. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến những đối tượng tuổi từ trung niên trở lên, nhất là phụ nữ.
Bệnh gout:
Căn bệnh này thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ như khớp ngón tay, ngón chân. Bệnh khởi phát do axit uric tích tụ nhiều quanh khớp gây sưng viêm, đau nhức dữ dội ở các khớp. Nếu bị sưng đau các khớp ngón tay và ngón chân đột ngột vào ban đêm, bạn nên thận trọng với bệnh gout.
Viêm đa khớp dạng thấp:
Viêm đa khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn có thể gây viêm nhiều khớp trên cơ thể. Khi ảnh hưởng đến các khớp ngón tay và chân, người bệnh thường có cảm giác đau nhức khớp đột ngột. Kèm theo đó là tình trạng sưng đỏ khớp, sốt nhẹ, yếu các cơ ở tay chân, run rẩy và mất sức...
Hội chứng ống cổ tay:
Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến dân văn phòng do làm việc với máy tính nhiều. Nguyên nhân gây đau là do ống cổ tay bị thu hẹp và chèn ép lên các dây thần kinh trong ống. Người bệnh chủ yếu bị đau ở các khớp ngón tay cái và ba ngón tay giữa. Các triệu chứng khác có thể gặp bao gồm tê ngón tay, sưng và cứng khớp ngón tay, khó cầm nắm đồ vật.
Hội chứng ống cổ chân:
Đây là nguyên nhân gây đau các khớp ngón chân ở một số bệnh nhân. Hội chứng ống cổ chân hay bệnh đường hầm cổ chân chỉ hiện tượng rối loạn dây thần kinh chày sau nằm trong ống cổ chân do chịu nhiều áp lực.
Dây thần kinh chày sau bị tổn thương có thể gây tê bàn chân, mất cảm giác hoặc ngứa ran ở khu vực bị ảnh hưởng. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau ở các ngón chân, bàn chân hay cổ chân. Cơn đau xuất hiện một cách đột ngột và tăng lên về đêm hay khi di chuyển.
Các bệnh lý khác gây đau các khớp ngón tay và chân:
- Hội chứng viêm bao gân De Quervain
- Đa xơ cứng
- Khối u
- Viêm bao hoạt dịch khớp ngón tay, ngón chân...
Khi nào đi khám bác sĩ?
Ở mỗi bệnh nhân, triệu chứng đau các khớp ngón tay và chân có thể khác nhau về mức độ và thời gian và tần suất đau. Điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau.
Trong một số trường hợp, cơn đau ở các khớp ngón tay và chân có thể thuyên giảm và tự khỏi sau khi nghỉ ngơi, giảm hoạt động tại khớp và áp dụng các mẹo giảm đau tại nhà. Tuy nhiên, nếu cơn đau kéo dài, không thuyên giảm theo thời gian hoặc có bất kỳ vấn đề nào dưới đây, bạn nên đi khám bác sĩ ngay:
- Trật khớp hoặc nghi ngờ xương khớp ngón tay, ngón chân bị nứt, gãy sau khi gặp tai nạn.
- Cảm giác đau nhức từ các khớp lan rộng ra cổ tay, cổ chân hay toàn bộ các chi.
- Các khớp bị đau có biểu hiện sưng to, thay đổi màu sắc da quanh khớp.
- Nổi cục u đau ở khớp
- Biến dạng ngón tay, ngón chân.
Phương pháp chẩn đoán
Tại phòng khám chuyên khoa, bác sĩ thường đưa ra một số câu hỏi liên quan đến tình trạng đau khớp và thăm khám bên ngoài để tìm kiếm các dấu hiệu khác. Chẳng hạn như sưng khớp ngón tay và chân, nổi u cục ngoài khớp... Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh di chuyển các ngón tay chân để đánh giá chức năng vận động của khớp bị đau.
Một số kỹ thuật cận lâm sàng có thể giúp phát hiện ra nguyên nhân gây đau khớp ngón tay và chân. Bao gồm:
- Chụp X-quang
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm dịch khớp.
Điều trị
Quá trình điều trị đau các khớp ngón tay và chân được tiến hành dựa trên nguyên tắc giảm đau, loại bỏ nguyên nhân và phục hồi chức năng vận động của khớp bị ảnh hưởng. Các phương pháp đang được áp dụng bao gồm:
- Sử dụng thuốc: Các thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid có thể giúp giảm sưng viêm khớp, cải thiện cơn đau nhẹ và vừa. Để điều trị nguyên nhân gây đau, bác sĩ còn chỉ định thêm các loại thuốc khác như thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, thuốc giảm axit uric, thuốc giảm đau thần kinh, thuốc corticoid,...
- Vật lý trị liệu: Tập vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau các khớp ngón tay và chân, cải thiện tình trạng cứng khớp, viêm khớp, tê bì chân tay, phục hồi chức năng vận động. Kiên trì áp dụng phương pháp này một thời gian cũng giúp thúc đẩy quá trình phục hồi tổn thương cho các mô sụn và đầu xương dưới sụn.
- Phẫu thuật: Phương pháp này chỉ được tiến hành trong các trường hợp bị đau nhức khớp nghiêm trọng kèm theo biến dạng khớp, nổi u ngoài khớp hoặc có chèn ép thần kinh mà không đáp ứng được với thuốc điều trị... Người bệnh sẽ được hẹn lịch mổ sớm nhằm ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.
Phòng ngừa
Người bị đau các khớp ngón tay và chân cần được chăm sóc đúng cách và duy trì lối sống lành mạnh để nhanh hết đau, đồng thời giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh trở lại. Dưới đây là một số việc người bệnh nên làm:
- Mang nẹp khớp ngón tay, ngón chân vào ban đêm để bảo vệ khớp, giảm thiểu tác động từ bên ngoài đến các khớp bị đau.
- Chườm lạnh giảm sưng đau khớp trong trường hợp mới bị chấn thương hoặc viêm khớp cấp tính.
- Chườm nóng xoa dịu cơn đau, tăng cường tuần hoàn máu, giúp tổn thương trong khớp ngón tay và chân nhanh được chữa lành.
- Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều đạm. Duy trì chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau củ quả tươi và bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn để giảm sưng đau, cải thiện sức khỏe xương khớp.
- Tránh các hoạt động có thể làm tăng nặng cơn đau ở các khớp ngón tay, ngón chân.
- Nghỉ ngơi, hạn chế các hoạt động tại bàn tay, bàn chân để tổn thương trong các khớp nhanh lành.
- Mang giày dép có kích cỡ phù hợp
- Nâng cao tay chân khi ngủ có thể giúp giảm sưng khớp
- Không hút thuốc lá và hạn chế uống bia rượu.
- Mang bao tay hoặc đeo ủng bảo vệ các khớp khỏi bị tổn thương khi làm việc nặng.
- Bỏ thói quen bẻ ngón tay, ngón chân nếu có
- Tập thể dục mỗi ngày kết hợp mát xa tay chân nhẹ nhàng để kích thích lưu thông máu đến các chi, giúp ngăn ngừa và nâng cao hiệu quả điều trị đau các khớp ngón tay và chân.