Giãn Dây Chằng Vai

Triệu chứng và nguyên nhân

Giãn dây chằng vai có triệu chứng đặc trưng là sưng nóng tại khớp vai bị tổn thương dây chằng, bầm tím ngoài da, đau nhức và hạn chế khả năng vận động. Dạng chấn thương này có thể cải thiện bằng nhiều cách khác nhau như chăm sóc tại nhà, dùng thuốc, tập vật lý trị liệu,...

Định nghĩa

Dây chằng là mô liên kết được tạo thành từ các sợi collagen nên có độ đàn hồi rất cao. Trên cơ thể người, dây chằng được phân bổ quanh các khớp xương giúp ổn định khớp và tăng tính linh hoạt cho khớp.

Giãn dây chằng vai là sự căng giãn quá mức của hệ thống dây chằng bao bọc bên ngoài khớp bả vai. Lúc này, dây chằng sẽ bị tổn thương, rách một phần hoặc đứt toàn phần. Tình trạng này thường xảy ra ở những người lao động chân tay hoặc tính chất công việc phải thường xuyên giơ tay cao qua đầu.

Khi bị giãn dây chằng, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức rất khó chịu. Cơn đau thường diễn ra âm ỉ khi nghỉ ngơi và đau nhói khi thực hiện động tác mở rộng vai. Ngoài ra, tại khu vực bị tổn thương còn có thêm một số triệu chứng khác như sưng nóng, bầm tím da, lỏng khớp, mất cân bằng khớp,...

Tình trạng giãn dây chằng vai sẽ nhanh chóng thuyên giảm nếu được phát hiện sớm và can thiệp đúng cách. Thông thường, bạn có thể cải thiện bằng cách chăm sóc tại nhà, dùng thuốc và tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Phẫu thuật cũng có thể được áp dụng để điều trị giãn dây chằng vai nhưng rất hiếm và chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết.

Hình ảnh

Triệu chứng

Khi dây chằng vai bị tổn thương do căng giãn quá mức sẽ gây ra triệu chứng đau nhức đột ngột tại khớp và mất cân bằng khớp tạm thời. Tuy nhiên, cường độ đau nhức và thời điểm xuất hiện cơn đau còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương tại dây chằng. Cụ thể là:

  • Tính chất cơn đau có thể là dữ dội, đau nhói từng cơn hoặc đau âm ỉ.
  • Cơn đau sẽ dần thuyên giảm sau vài giờ nghỉ ngơi và trở nên tồi tệ hơn khi bạn cố gắng chuyển động vai hoặc mở rộng cánh tay.
  • Khi dùng tay ấn vào hoặc nắn vị trí bị tổn thương sẽ có cảm giác đau như điện giật
  • Ở một số trường hợp, cơn đau sẽ phát triển lan rộng xuống cánh tay và lưng

Ngoài đau nhức thì vùng khớp vai bị tổn thương còn có thêm các triệu chứng sau đây:

  • Quan sát sẽ thấy bên vai bị tổn thương thấp hơn so với bên còn lại khi buông thõng hai tay.
  • Khớp tổn thương bị sưng tấy, khi dùng tay sờ vào có cảm giác ấm nóng. Triệu chứng bầm tím ngoài da cũng nhanh chóng xuất hiện sau đó.
  • Khớp trở nên lỏng lẻo, có cảm giác đứt rách bên trong và không thể cử động khớp vai.
  • Sức mạnh khớp bị suy giảm, tê buốt khi trời chuyển lạnh, teo cơ quanh vai nếu không điều trị sau 3 tuần.

Giãn dây chằng vai thường xảy ra ở mức độ không quá nguy hiểm. Nhưng khi tình trạng này xảy ra, người bệnh phải đối mặt với triệu chứng đau nhức rất khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp. Đồng thời, việc điều trị và phục hồi chức năng khớp sau giãn dây chằng cũng khá phức tạp, yêu cầu người bệnh phải kiên trì. Nếu xử lý không đúng cách sẽ phát sinh ra các vấn đề như teo cơ quanh khớp vai, dị tật khớp vai, viêm khớp tiến triển, tổn thương xương,...

Nguyên Nhân

Chuyên gia cho biết, tình trạng giãn dây chằng vai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng thường gặp nhất là chấn thương. Khi biết rõ nguyên nhân gây bệnh, bạn có thể dựa vào đó để đưa ra phương án phòng ngừa cho phù hợp. Một số nguyên nhân gây giãn dây chằng vai thường gặp là:

+ Bao khớp mỏng: Chức năng chính của bao khớp là ổn định cấu trúc và duy trì các chuyển động linh hoạt của khớp. Khi bao khớp có cấu tạo quá mỏng sẽ làm giảm sức mạnh của khớp vai và gia tăng áp lực lên dây chằng. Điều này đã khiến cho dây chằng trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương và căng giãn quá mức.

+ Chấn thương: Chấn thương vai khi chơi thể thao hoặc té ngã cũng có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc khớp vai và tổn thương dây chằng. Với những trường hợp chấn thương nặng, dây chằng có thể bị rách hoặc đứt hoàn toàn. Lúc này, bạn phải đối mặt với triệu chứng đau nhức nghiêm trọng và không thể thực hiện các cử động tại vai.

+ Sử dụng khớp quá mức: Lạm dụng khớp quá mức là nguyên nhân gây giãn dây chằng vai thường gặp ở những người lao động chân tay nặng nhọc hoặc vận động viên thể thao. Khi bạn lạm dụng khớp quá mức sẽ gia tăng áp lực lên dây chằng và khiến chúng bị kéo căng liên tục. Theo thời gian, độ bền và tính linh hoạt của dây chằng sẽ bị suy giảm, khi chúng bị kéo căng quá mức sẽ không thể phục hồi về trạng thái ban đầu.

+ Thay đổi tư thế đột ngột: Dây chằng bị đứt hoặc căng giãn quá mức cũng có thể xảy ra do thói quen thay đổi tư thế đột ngột hoặc duy trì các tư thế xấu. Ở trường hợp này, tình trạng giãn dây chằng vai thường xảy ra ở mức độ không nghiêm trọng, có thể thuyên giảm sau khi xoa bóp.

Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ giãn dây chằng vai là:

  • Cấu trúc khớp vai có một số bất thường
  • Bị thoái hóa dây chằng tại khớp vai
  • Vận động viên thể thao (cầu lông, bơi lội, bóng rổ)
  • Mắc bệnh lý tại khớp vai như thoái hóa khớp vai, viêm quanh khớp vai,...

Phòng ngừa

Giãn dây chằng có thể cải thiện bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng để quá trình điều trị nhanh mang lại hiệu quả và tránh tình trạng tổn thương tiến triển thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:

  • Theo dõi các triệu chứng tại khớp và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng bất thường. Không tự tý xoa bóp hay nắn xương khi xảy ra chấn thương.
  • Tuyệt đối không chườm ấm, thoa dầu nóng hoặc rượu thuốc vào khu vực bị tổn thương. Nhiệt độ nóng sẽ tăng tuần hoàn máu về khu vực này, khiến dây chằng bị căng giãn nhiều hơn và làm gia tăng nguy cơ đứt dây chằng.
  • Khi nằm nghỉ ngơi, bạn không nên bất động khớp hoàn toàn. Cần vận động nhẹ nhàng trở lại ngay sau khi triệu chứng đau nhức thuyên giảm giúp cải thiện độ linh hoạt của khớp và ngăn ngừa cứng khớp.
  • Tránh vận động mạnh tại khớp hoặc tiến hành vật lý trị liệu điều trị bệnh khi triệu chứng đau nhức chưa thuyên giảm.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý những điều dưới đây để phòng ngừa tình trạng giãn dây chằng vai tái phát trở lại:

  • Cẩn thận khi chơi thể thao, lao động hoặc thực hiện các hoạt động sống hàng ngày để tránh bị chấn thương. Nên khởi động khớp kỹ trước khi tập luyện thể dục hay chơi thể thao.
  • Hạn chế thực hiện các động tác gây ảnh hưởng không tốt đến vùng khớp vai như mở rộng tay quá mức, giơ tay cao qua đầu, lạm dụng khớp vai quá mức,...
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống giúp cải thiện độ chắc khỏe của dây chằng và hệ thống xương khớp. Nên tăng cường tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc, thịt cá, trứng, sữa,... đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu chất chống oxy hóa.
  • Hình thành thói quen rèn luyện thể chất đều đặn mỗi ngày giúp cải thiện tính linh hoạt của khớp và độ đàn hồi của dây chằng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập luyện với cường độ vừa phải và phù hợp với thể trạng.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Giãn dây chằng vai xảy ra ở mức độ nặng gây đau nhức kéo dài, người bệnh nên tiến hành điều trị chuyên khoa để tránh gặp phải tác dụng phụ không mong muốn. Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ tổn thương tại dây chằng để chỉ định phương pháp điều trị. Cụ thể là:

+ Vật lý trị liệu

Bệnh nhân bị giãn dây chằng vai nên tiến hành tập vật lý trị liệu để phục hồi tổn thương tại dây chằng, ổn định ổ khớp, giảm đau nhức và cải thiện khả năng vận động. Bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm trị liệu, nhiệt trị liệu hay vận động trị liệu dựa vào mức độ tổn thương ở từng trường hợp cụ thể.

+ Phẫu thuật

Được chỉ định thực hiện với những trường hợp không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị nội khoa, dây chằng bị đứt rách hoàn toàn, tổn thương dây chằng kèm theo gãy xương,... Mục đích phẫu thuật sẽ có sự khác nhau ở từng trường hợp cụ thể dựa vào mức độ tổn thương. Ví dụ như sữa chữa tổn thương tại dây chằng, phục hồi các tổn thương rộng và nghiêm trọng,... Sau phẫu thuật, người bệnh vẫn phải dùng thuốc hoặc tiến hành vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương.

Thời gian điều trị giãn dây chằng vai còn phụ thuộc vào mức độ tổn thương. Với những trường hợp dây chằng bị căng giãn quá mức nhưng không đứt rách, triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm sau 7 - 14 ngày điều trị và phục hồi hoàn toàn sau khoảng 4 - 8 tuần. Trường hợp dây chằng bị rách một phần, triệu chứng đau sẽ thuyên giảm sau khoảng 2 - 3 tuần điều trị và phục hồi hoàn toàn sau 8 - 10 tuần. Còn nếu dây chằng bị rách hoàn toàn, triệu chứng sẽ thuyên giảm sau khoảng 3 tuần điều trị và cần khoảng 4 - 6 tháng để phục hồi hoàn toàn.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Ngay sau khi chấn thương xảy ra, bạn cần có biện pháp xử lý tại nhà đúng cách giúp giảm đau và ngăn ngừa tổn thương tiến triển. Với những trường hợp nhẹ, tình trạng bệnh sẽ thuyên giảm sau vài ngày chăm sóc tại nhà. Còn với trường hợp nặng, sau khi xử lý tại nhà bạn cần đến bệnh viện thăm khám để được chỉ định điều trị chuyên sâu. Dưới đây là cách xử lý tại nhà khi bị giãn dây chằng vai bạn có thể tham khảo:

+ Nghỉ ngơi

Người bệnh cần dừng các hoạt động đang thực hiện và tiến hành nghỉ ngơi ngay sau khi chấn thương xảy ra. Nghỉ ngơi giúp khớp xương được thư giãn và hỗ trợ đẩy lùi cơn đau. Nếu cố gắng cử động vào thời điểm này sẽ khiến tổn thương trở nên trầm trọng hơn.

Nếu bạn nghỉ ngơi đúng tư thế còn có tác dụng giảm sưng. Tư thế nghỉ ngơi tốt nhất dành cho người bệnh là nằm nghiêng và kê vai cao hơn tim để hạn chế lưu thông máu về khớp. Nên nghỉ ngơi trong vòng 48 tiếng sau khi chấn thương xảy ra và sử dụng đệm có độ cứng phù hợp. Tuyệt đối không nằm nghiêng sang bên vai bị tổn thương.

+ Chườm đá

Chườm đá có tác dụng làm co mạch và hạn chế lưu thông máu về khớp vai. Từ đó, triệu chứng đau nhức và viêm sưng sẽ được cải thiện đáng kể. Nhiệt độ thấp từ đá lạnh còn có tác dụng giảm đau, làm co dây chằng và hỗ trợ đưa dây chằng trở về vị trí cũ.

Ngay sau khi chấn thương xảy ra, bạn chỉ cần cho đá lạnh vào túi chườm rồi áp lên khu vực bị tổn thương khoảng 20 phút. Tiến hành chườm lạnh lặp lại sau khoảng 2 - 4 giờ dựa vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Tuyệt đối không để da tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh trong thời gian dài để tránh bị bỏng lạnh.

+ Mang đai hỗ trợ

Mang đai hỗ trợ được khuyến khích thực hiện vào thời điểm này giúp ổn định cấu trúc ổ khớp và hạn chế các cử động không cần thiết tại khớp. Người bệnh nên mang đai ngay cả khi ngồi, ngủ và sinh hoạt giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi tổn thương, giảm viêm sưng và đau nhức. Tốt nhất, bạn nên mang đai hỗ trợ liên tục trong 3 ngày đầu sau khi chấn thương xảy ra rồi giảm dần vào những ngày sau đó.

+ Dùng thuốc không kê đơn

Với những trường hợp đau nhức nghiêm trọng, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện. Thường dùng là paracetamol, NSAID, thuốc xịt chứa Menthol. Các loại thuốc này chỉ nên sử dụng ngắn hạn và tuân thủ theo hướng dẫn in trên bao bì. Tuyệt đối không tự ý dùng kéo dài trên 7 ngày hoặc vượt quá số liều quy định để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe.

Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android